Đột phá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Long An
19/10/2023 lúc 15:00 (GMT)

Đột phá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Long An

Thời gian qua, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An đã và đang đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của người dân thay đổi từ sản xuất theo hướng truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp, hướng đến sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu. Bộ mặt nông thôn mới của Long An thay đổi theo thời gian.

Nâng giá trị cây lúa, cây chanh

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong hai chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (2016-2020) và XI (2021-2025).

Trên địa bàn tỉnh Long An đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất trên cùng diện tích canh tác và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, chương trình đạt được một số kết quả nổi bật.

Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực ĐBSCL về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Theo thống kê, đến nay diện tích lúa ứng dụng CNC tại tỉnh Long An có 46.929,35ha/60.000ha kế hoạch đến 2025. Năng suất các mô hình 72 - 75 tạ/ha, cao hơn bên ngoài vùng đề án khoảng 3 tạ/ha. Chi phí sản xuất giảm bình quân 1,4 triệu đồng/ha. Sản phẩm lúa được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 100 - 300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 27 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình khoảng 3,2 triệu đồng/ha).

LOng An
LOng An

Có thể nói, qua triển khai xây dựng mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất lúa, người dân trong vùng thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa.

Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết, nhà ông có 5ha lúa. Trước đây hì hục làm quanh năm nhưng không có lời bao nhiêu, thậm chí có năm bị lỗ do thất mùa, rớt giá. Nhưng mấy năm gần đây, nhờ được hướng dẫn cách làm mới, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch nên giảm rất nhiều chi phí sản xuất (từ 3-7 triệu đồng/ha), nhờ vậy vụ nào cũng có lời. Nhờ đó cuộc sống của gia đình ông đỡ hơn trước rất nhiều.

Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện Thạnh Hóa thực hiện 100% cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Hiện địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên cây lúa, cây chanh, vì thời gian qua có hiệu quả tích cực”.

LOng An

Cũng theo ông Kha, việc trồng lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ sẽ tăng năng suất 10-20% trên 1 đơn vị diện tích, đồng thời giảm chi phí đầu vào 2-3 triệu đồng/ha/vụ. Việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng CNC vào sản xuất cũng góp phần giảm công lao động, giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Long an

Với nhiều nông dân, việc thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang ƯDCNC để nâng cao hiệu quả là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, ông Phan Văn Tấn Quốc (ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) tiên phong chuyển đổi từ đất trồng mía lợi nhuận thấp sang trồng chanh và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Được biết, hiện gia đình ông Tấn Quốc có 3ha chanh đều sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm.

Ông nhẩm tính: “3ha chanh nếu tưới theo cách truyền thống tốn trên 70 triệu đồng/năm chi phí nhân công, xăng, dầu, còn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm tốn 90 triệu đồng nhưng sử dụng lâu dài. Như vậy, chỉ cần 1,5 năm là nhà vườn có thể hoàn vốn. Những năm tiếp theo, chỉ bỏ ra chi phí điện và khấu hao hệ thống khoảng 2 triệu đồng/năm.

LOng An

Ngoài lợi ích về kinh tế khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, lượng nước tưới được cung cấp đều đặn, ẩm độ được phân bố đều trong tầng đất canh tác và tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước tưới, giảm 75% thời gian tưới, giảm 100% công lao động ở khâu tưới nước, hạn chế gây xói mòn đất, rất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Trong quá trình tưới, nông dân có thể pha loãng dinh dưỡng ở dạng hòa tan để bón cho cây thông qua hệ thống tưới. Nhờ đó, dinh dưỡng được thấm từ từ vào đất, giúp cây hấp thụ hiệu quả, không làm thất thoát phân bón”.

Nhận thấy việc sử dụng thiết bị máy phun thuốc vừa giải quyết được “bài toán” về nhân công lao động, vừa giảm được chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hoàng Gia (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) đầu tư 7 máy bay phun thuốc nhằm phục vụ thành viên và làm dịch vụ. Anh Văn Thanh Liêm (đại diện HTX Nông nghiệp Hoàng Gia) cho biết: “Trước đây, HTX chỉ mua 1 máy nhằm phục vụ nhu cầu của các thành viên.

Sau thời gian sử dụng, nhận thấy máy bay phun thuốc mang lại hiệu quả thiết thực nên HTX đầu tư thêm 6 máy, bình quân 450 triệu đồng/máy. Phun thuốc bằng máy bay sẽ giảm từ 30-35% lượng thuốc so với phun xịt bằng tay. Chi phí phun thuốc bằng máy bay khoảng 120.000 đồng/ha, giảm 50.000 đồng/ha so với phun bằng tay”.

LOng An

Thay đổi trong chăn nuôi bò thịt

Tại Long An, hiện đã triển khai xây dựng nhiều mô hình điểm chăn nuôi trên bò thịt, hỗ trợ nông dân chuyển đổi bò giống, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho 6.326 bò cái sinh sản; tăng năng suất (trọng lượng) lên khoảng 30%; giảm khoảng cách 2 lứa đẻ (từ 3 năm/bê còn 2 năm/bê). Các mô hình được thực hiện tại xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), xã Bình Thành (huyện Thủ Thừa) và xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ)…

Với mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, không chỉ thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của bà con nông dân, mà còn giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò, từ đó giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu.

Trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá cao, Trong đó, chăn nuôi bò thịt được xem là điểm nhấn trong chiến lược phát triển chăn nuôi hàng hóa với việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) để nâng cao chất lượng con giống và từng bước xây dựng vùng chuyên canh, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tân Trụ xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển đàn bò thịt ƯDCNC nhằm từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân trong vùng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi; phát triển, cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn huyện theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP,...

Long An

Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Văn Xị, ngụ ấp 1, xã Tân Phước Tây, cho biết: Những năm qua, nhờ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật của địa phương, chất lượng đàn bò được nâng lên. Tuy nhiên, người nông dân chưa có kinh nghiệm trong chọn giống, hơn nữa, việc liên kết trong chăn nuôi còn lỏng lẻo do đa phần nông dân có thói quen chăn nuôi nhỏ, lẻ, không tập trung...

Mục tiêu xây dựng đàn bò thịt ƯDCNC trên địa bàn huyện Tân Trụ giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững. Việc xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn luôn được các cấp, các ngành địa phương đặc biệt quan tâm.

Các mô hình điểm được hỗ trợ kỹ thuật: Tập huấn cho nông dân, hướng dẫn gieo trồng thâm canh các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao; sử dụng các thiết bị chuyên dùng cho công tác thú y tại chỗ kết hợp áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hướng dẫn thực hiện nâng cấp và điều chỉnh kết cấu, quy cách chuồng trại thích hợp với quy trình chăn nuôi bò thịt theo hướng công nghiệp. Đồng thời, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ kinh phí mua bò sinh sản, trang thiết bị máy trộn, máy băm cỏ,...

Long An
Long An

Ông Trương Phú Sơn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình cho biết: “Mỹ Bình là địa phương được huyện chọn làm điểm xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt ƯDCNC làm tiền đề để phát triển trong toàn huyện. Xã sẽ chọn những hộ có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò, có vốn đối ứng, đồng thời có kỹ năng tuyên truyền, quảng bá về hiệu quả của mô hình chăn nuôi theo hướng CNC và phải là thành viên tổ hợp tác chăn nuôi”.

Một điều phấn khởi nữa là trên địa bàn xã Mỹ Bình có Nhà máy Chế biến thực phẩm Thanh Nhân Food về đầu tư với quy mô lớn, mở ra tương lai tươi sáng trong việc gắn kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm sạch qua chế biến, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là một xu hướng phát triển tất yếu hiện nay, nhằm tận dụng lợi thế, tiềm năng có sẵn của địa phương, phát huy hiệu quả của khoa học kỹ thuật, tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi.

Nuôi bò thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao cần phải có kiến thức và nắm vững kỹ thuật. Vì vậy, để mô hình phát triển hiệu quả, tạo sức lan tỏa, ngành nông nghiệp huyện Đức Hòa đã tích cực hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật, thực hiện nhiều giải pháp, để người dân chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả.

Long An

Vấn đề liên kết đầu ra cho nông sản luôn được Long An quan tâm và đề ra nhiều chính sách khuyến khích người dân, HTX và DN thực hiện sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Long An
Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Út, trả lời báo chí về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Hàng năm, với cây lúa trung bình có hơn 15 DN và 20 HTX tham gia xây dựng cánh đồng lớn với diện tích hơn 15.000ha với tỷ lệ thu mua trên diện tích thực hiện gần như tuyệt đối.

Tỉnh Long An có chính sách hỗ trợ tư vấn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hạ tầng phục vụ liên kết, giống, vật tư thiết yếu. Chính sách này đang áp dụng cây lúa, cây thanh long, cây rau, cây chanh, cây mít, cây xoài, cây sầu riêng, cây mai, con gia cầm, con bò thịt, con cá tra và con tôm.

          

Phần lớn nông sản được tiêu thụ dưới dạng tươi, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX, DN đầu tư máy móc thiết bị chế biến nông sản tươi thành các thành phẩm hàng hoá, có bao bì, nhãn mác, có thương hiệu, mã vạch, mã số vùng trồng để đáp ứng điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

          

Hàng năm hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử, tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ triển lãm OCOP, các diễn đàn liên kết của các tỉnh, thành trên cả nước nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa bên cạnh xuất khẩu.

Tỉnh Long An sẽ tiếp tục thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với mục tiêu đến 2025, diện tích lúa ứng dụng CNC là 60.000ha, cây rau 2.000ha, cây thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha và con tôm 100ha.

Bài: Thăng Long
Ảnh bìa: Thanh Hải


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí