[E-magazine] Kịch bản phục hồi đà tăng trưởng, gia tăng xuất khẩu thủy sản theo UKVFTA
20/10/2023 lúc 09:00 (GMT)

[E-magazine] Kịch bản phục hồi đà tăng trưởng, gia tăng xuất khẩu thủy sản theo UKVFTA

 

Với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, Vương quốc Anh là thị trường tiềm năng lớn với ngành hàng thủy sản Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng dần thích nghi với những cam kết của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), khả năng tận dụng những ưu đãi tăng lên sẽ nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường này.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn đến năm 2025 dự báo có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm, tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ.

thủy sản 1

 

Các nhà cung cấp thủy sản cho Vương quốc Anh phần lớn nằm ở khu vực ngoài Châu Âu với 8/10 nhà cung cấp lớn nhất thuộc nhóm này. Việt Nam đang có lợi thế lớn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất ngoài châu Âu vào Vương quốc Anh với sản phẩm chủ yếu là tôm.

Giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này mặc dù có tăng trưởng tốt nhưng tăng, giảm thất thường. Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh tương đối ổn định hơn.

Đặc biệt, với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định UKVFTA, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tạo lập được lập lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ thương mại khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil,… do các nhà cung cấp này chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh.

cá ngừ
xuất khẩu tôm

Trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định UKVFTA (từ tháng 01/2021 đến hết tháng 12/2021), đối với mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt hơn 316 triệu USD, chiếm gần 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020 và là thị trường lớn thứ 5 của thủy sản Việt Nam trong năm 2021 tính về thị trường đơn lẻ.

Sang đến năm thứ 2 thực thi Hiệp định, tính đến hết tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh đã đạt gần 5,63 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 290 triệu USD, chiếm gần 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này và tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các sản phẩm từ tôm chiếm xấp xỉ 68%.

thủy sản 2

Năm 2023, sau những tháng đầu năm sụt giảm do ảnh hưởng của nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng tại Anh giảm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh tăng mạnh trở lại trong tháng 6.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,4 nghìn tấn, trị giá 28,85 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 15,7% về trị giá so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 9,1 nghìn tấn, trị giá 141,3 triệu USD, tăng 4,5% về lượng, nhưng giảm 2,64% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về chủng loại, tháng 6/2023, xuất khẩu hầu hết các chủng loại thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh tăng mạnh, trừ xuất khẩu mực các loại và ghẹ các loại giảm.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Anh tháng 6/2023 đạt 2,06 nghìn tấn, trị giá 19,88 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 22,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm các loại của Việt Nam sang thị trường Anh vẫn giảm 9,4% về lượng và giảm 12,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Anh tháng 6/2023 tăng 14,8% về lượng, nhưng giảm 14% về trị giá so với tháng 6/2022, đạt 1,8 nghìn tấn, trị giá 5,9 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Anh đạt 9,4 nghìn tấn, trị giá 33,2 triệu USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, xuất khẩu cá đông lạnh, cá ngừ đông lạnh, bạch tuộc các loại của Việt Nam sang thị trường Anh tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

xuất khẩu thủy sản
thủy sản 3

 

Tôm, cá tra, cá ngừ và mực là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam tới Anh.

Với mặt hàng tôm: Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Anh giai đoạn 2022-2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm.

Các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường Anh là Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan. Những năm trước dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nguồn cung tôm của Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Riêng Ecuador trong giai đoạn 2020-2021 xuất khẩu tôm tới Anh vẫn tăng mạnh. Các nhà cung cấp tôm này đang dần ổn định nguồn cung nên dự báo sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với mặt hàng tôm của Việt Nam tại thị trường này trong thời gian tới, đặc biệt là tôm đến từ Ecuador và Ấn Độ.

Đối với mặt hàng cá tra: Đây là mặt hàng thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam được xuất khẩu tới Anh. Trong năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn, tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu. Bên cạnh hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc (chiếm 30%) và Hoa Kỳ (chiếm 23%), Vương quốc Anh là một trong những thị trường có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, với giá xuất khẩu tăng. Những tháng đầu năm 2023, Anh là một trong số ít điểm sáng ghi nhận tăng trưởng dương trong khi hầu hết các thị trường đều giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam do những biến động của thế giới.

Đối thủ lớn nhất của mặt hàng cá tra Việt Nam tại thị trường Anh phần lớn là những sản phẩm các thịt trắng khác có tính tương đồng và thay thế khi cần như các nhà cung cấp cá rô phi, cá nước lạnh.

Lợi thế lớn nhất của cá tra Việt Nam là có mức giá phù hợp, dễ chế biến và tiện dụng cho chế biến ở nhà, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại nhà ở Anh tăng cao. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở Anh, các sản phẩm chế biến từ cá tra sẽ là lựa chọn phù hợp vì có mức giá tối ưu hơn các loại khác, do đó khả năng cạnh tranh của mặt hàng cá tra đối với các loại cá thịt trắng khác ở thị trường Anh trong thời gian tới khá cao.

Về triển vọng xuất khẩu ngành cá tra thời gian tới, trong trường hợp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các tác động của thị trường, xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn có cơ hội và tiềm năng duy trì, thậm chí gia tăng kim ngạch. Đối với thị trường Vương quốc Anh, mức tăng trưởng tối thiểu vẫn có thể đạt trên 10%/năm.

 
Arro

Ba yếu tố quan trọng chính sẽ tác động đến tiềm năng tiêu thụ ngành cá tra thời gian tới bao gồm tính bền vững, tính minh bạch và vấn đề truy xuất nguồn gốc, xu hướng này sẽ diễn ra không chỉ ở các thị trường chính như Mỹ hay EU mà cả những thị trường nhỏ lẻ tiềm năng khác. Cá tra với giá hợp lí đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên.

Ông Arno Willemink, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam

Đối với mặt hàng cá ngừ: Đây là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn của Việt Nam tới Anh tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Với bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, trong đó có việc thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn đang chịu “thẻ vàng” của EC, xuất khẩu cá ngừ nói chung và xuất khẩu cá ngừ sang Vương quốc Anh nói riêng cần nhiều nỗ lực để phục hồi về mức khoảng 12-15 triệu USD/năm. Kết quả này có thể đạt trong kịch bản sản lượng đánh bắt tự nhiên giảm mạnh và mức tiêu thụ cá ngừ của Anh gia tăng. Trong các kịch bản kém thuận lợi hơn, xuất khẩu cá ngừ sang Anh có thể đạt trên 10 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định UKVFTA, sản phẩm cá ngừ Việt Nam đã tạo lập được lập lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ thương mại khác. Dự báo xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 có thể sẽ dần hồi phục và đạt tăng trưởng trung bình 8 - 9%/năm.

Tại thị trường Anh, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13, còn Ecuador, Mauritius và Seychelles đang dẫn đầu thị trường này. Tuy nhiên, hạn hán đang làm cho việc vận chuyển hàng hóa của các nước Nam Mỹ, trong đó có Ecuador, sang các nước châu Âu qua kênh đào Panama gặp khó khăn. Vì thế, có thể nói đây là cơ hội cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam tăng xuất khẩu cá ngừ sang nước châu Âu, trong đó có Anh.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cá ngừ nguyên liệu tăng càng khiến cho nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại nhiều thị trường sụt giảm. Chính vì vậy mà các lợi thế từ hiệp định thương mại tự như UKVFTA đang tạo ra sức cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại các thị trường như Anh.

Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

thủy sản 4

Tiềm năng, dư địa lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp cần lưu ý với một thị trường phát triển như Vương quốc Anh, những yêu cầu, quy định nhập khẩu và tiêu dùng  cao và khắt khe.

Về xu hướng tiêu dùng, tương tự như các thị trường khác tại khu vực châu Âu, người tiêu dùng tại Vương quốc Anh cũng có xu hướng chú trọng tới không chỉ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm tới các yếu tố về lao động, môi trường, hay tính bền vững của chuỗi giá trị trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Các yếu tố cơ bản khác như giá cả, cách thức chế biến và tính tương đồng trong bữa ăn, địa điểm sử dụng, cũng vẫn được quan tâm.

Xu hướng tiêu dùng này có thay đổi kể từ khi dịch Covid-19. Do người tiêu dùng bắt đầu có xu hứng dự trữ lương thực, thực phẩm, doanh số bán thực phẩm đông lạnh và đóng hộp tăng rất mạnh, nhưng doanh số bán thủy sản ướp lạnh ít tăng hơn do người dân tìm kiếm các mặt hàng có khả năng bảo quản lâu hơn. Người dân chuyển dần nhu cầu sang các sản phẩm thủy sản có mức giá trung bình như các mặt hàng sơ chế đông lạnh và tiện dụng để dễ dàng chế biến tại nhà.

Người tiêu dùng Anh luôn chỉ lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao do các cơ quan chức năng ở Anh và EU cấp về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm, thân thiện với môi trường và tiện dụng.

Báo cáo của Defra Family Food, tháng 6/2022

Bên cạnh việc nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm thị trường, các doanh nghiệp cần nắm vững những cam kết của Hiệp định UKVFTA để tận dụng hiệu quả những ưu đãi xuất khẩu thủy sản vào Vương quốc Anh, đặc biệt ở những nhóm hàng chủ lực.

Theo cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA có cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA, điều này tạo lợi thế lớn cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Anh. Cụ thể, cam kết thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh giảm từ 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Mức thuế cho sản phẩm cá ngừ loin đông lạnh hoặc phi lê được loại bỏ trong khoảng thời gian 3 năm từ mức 18% về 0%. Thuế đối với cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp - tỉ lệ cơ bản 24% sẽ được giảm trong lịch trình 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp và bao gói, mức hạn ngạch sẽ là 11.500 tấn mỗi năm sẽ được miễn thuế, sau đó mức thuế như ban đầu 20,5% sẽ được áp dụng và sẽ giảm 3,5% mỗi năm.

Mặt hàng cá tra có lộ trình giảm thuế về 0% sau 3 năm, đồng nghĩa từ năm 2022, sản phẩm này gần như được nhập khẩu vào Anh với mức thuế 0%.

Đối với nhóm hàng nhuyễn thể, phần lớn các sản phẩm có mức thuế nhập khẩu vào Vương quốc Anh trước khi có Hiệp định UKVFTA ở mức cao từ 6 - 22% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến, tôm sú đông lạnh,…được giảm về 0% sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với cam kết về quy tắc xuất xứ, để được hưởng mức thuế ưu đãi như trong Hiệp định UKVFTA đã cam kết, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Quy định về Quy tắc xuất xứ trong UKVFTA tương tự với EVFTA, với tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong UKVFTA là xuất xứ thuần túy.

Điều này có nghĩa là thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo Hiệp định UKVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định.

thủy sản 5
thủy sản 6
thủy sản 8
thủy sản 9

Những quy định cơ bản cần tuân thủ với thủy sản nhập khẩu vào Vương quốc Anh

Quy định về truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn thủy sản: Các quy định về truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn thủy sản đảm bảo rằng thủy sản có thể được theo dõi thông qua chuỗi cung ứng và được mô tả chính xác cho người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc thủy sản là khả năng xác định đầy đủ một sản phẩm từ điểm bán trở lại điểm xuất xứ của sản phẩm. Điều này bắt buộc phải tuân theo các quy định pháp luật về thực phẩm chung của Vương quốc Anh, trong đó có các quy định về sản phẩm thủy sản.

Theo quy định của Vương quốc Anh, bất kỳ ai đưa thủy hải sản ra thị trường đều phải dán nhãn rõ ràng và chính xác. Điều này giúp việc mua thủy hải sản trở nên dễ dàng và an toàn hơn cho người tiêu dùng. Các quy định về ghi nhãn thủy sản rất quan trọng trong việc duy trì khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững trong ngành. Hải sản là đối tượng của nhiều quy định chung cho thực phẩm.

Ngoài ra còn có các quy định cụ thể riêng cho hải sản. Vương quốc Anh rời EU vào ngày 31 tháng 1 năm 2020. Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Vương quốc Anh (TCA) có hiệu lực từ ngày 31 tháng 12 năm 2020. Hiệp định mới dẫn đến những thay đổi đối với: Giao dịch các sản phẩm thủy sản với Vương quốc Anh sẽ có những quy định mới về hải quan, thuế quan, kiểm tra an toàn thực phẩm và ghi nhãn; thủy sản, hạn ngạch và quản lý nghề cá; quyền tiếp cận lao động của người dân khi quyền tự do đi lại chấm dứt đối với những người từ EU đến Vương quốc Anh để làm việc.

Yêu cầu về an toàn thực phẩm, ghi nhãn và hải quan: EU và Anh đã đồng ý quy định riêng về an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn sản phẩm, thường được gọi là vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Điều này có nghĩa là sẽ có các cuộc kiểm tra tại biên giới EU và Vương quốc Anh để đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn quy định bắt buộc. Nhóm hàng thủy sản sẽ cần phải kèm theo các tài liệu liên quan bao gồm: Xuất trình giấy giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm; Chứng chỉ về đánh bắt hợp pháp; Tờ khai hải quan; Thông báo trước về lô hàng.

Quy định về dư lượng hóa chất và các chất có thể gây ô nhiễm: Cho đến nay, quy định về dư lượng hóa chất trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Vương quốc Anh về cơ bản vẫn dựa trên Quy định của Ủy ban Châu Âu 1881/2006, được thực thi ở Vương quốc Anh với tên gọi là Quy định về Chất gây ô nhiễm trong Thực phẩm (Anh) năm 2013 và các quy định tương tự ở Bắc Ireland và Scotland.

Chất gây ô nhiễm là bất kỳ chất nào được tìm thấy trong thực phẩm mà không được thêm vào một cách có chủ ý nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người và vật nuôi tiêu thụ thực phẩm đó.

Thủy sản có thể bị ô nhiễm trong quá trình sản xuất, hoặc các chất từ môi trường có thể xâm nhập vào thủy hải sản trước khi nó được đánh bắt hoặc thu hoạch. Dư lượng của các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm được pháp luật kiểm soát để bảo vệ người tiêu dùng tại Vương quốc Anh. Các quy định này bao gồm mức tối đa cho phép của một số chất gây ô nhiễm có tên trong thực phẩm.

full thủy sản
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và thiết kế: Duy Kiên - Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí