EVFTA tác động tích cực tới cải cách thể chế và chính sách của Việt Nam
07/11/2023 lúc 13:30 (GMT)

EVFTA tác động tích cực tới cải cách thể chế và chính sách của Việt Nam

 

Bên cạnh tác động tích cực về thương mại - đầu tư, việc thực thi Hiệp định EVFTA trong 3 năm qua đã thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách của Việt Nam theo hướng tiến bộ hơn, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Trong 3 năm thực thi, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ. Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng khá qua từng năm. Trong giai đoạn 2020 - 2022, sau khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu sang thị trường EU phục hồi từ mức giảm 1,8% năm 2020 lên tăng 14,2% năm 2021 và 16,8% năm 2022.

đầu tư
ngành thép
sản xuất
chính sách

Cùng với thương mại, theo kết quả nghiên cứu “Đánh giá kết quả ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đối với kinh tế Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, EVFTA còn giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Với EVFTA, dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt…

          
chuyên gia

 Hiệp định EVFTA là Hiệp định thương mại thế hệ mới, có tác động và ảnh hưởng đến các chủ thể trong nền kinh tế từ các doanh nghiệp đến nhà nước. Sau ba năm thực hiện Hiệp định EVFTA, tác động của Hiệp định EVFTA đối với kinh tế Việt Nam thể hiện rõ trong thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

TS. Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh - Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ

          
thể chế 1

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.

Về thương mại, khó có thể khẳng định EVFTA là hiệp định duy nhất có tác động cải thiện việc xây dựng và thực thi chính sách thương mại ở Việt Nam trong giai đoạn 2020- 2023 nhưng chắc chắn EVFTA có đóng góp đáng kể vào cải thiện mức độ minh bạch về chính sách tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực thi EVFTA: Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 – 2022 và Nghị định số 116/2022/NĐ- CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2022- 2027; Thông tư số 41/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 11/2020/TT-BCT…

 
tiến sỹ Minh

 EVFTA là một FTA thế hệ mới và cũng tạo ra thêm các tiêu chuẩn đủ cao để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, mua sắm công,…

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Bên cạnh đó, tiến độ chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện nội dung thương mại trong EVFTA nhìn chung kịp thời hơn so với quá trình chuẩn bị các hiệp định khác như CPTPP và RCEP.

"Tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, có thể do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nhận định.

Kết quả khảo sát về tạo thuận lợi thương mại số và bền vững ở Việt Nam so với khu vực ESCAP và Đông Nam Á
thương mại số

Trong lĩnh vực đầu tư, từ thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có các nội dung liên quan đến môi trường đầu tư và hoạt động đầu tư, bao gồm Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, và Thông tư, Quyết định của Cơ quan cấp Bộ.

Hành lang pháp lý các quy định về tự do hóa đầu tư và tiếp cận thị trường cơ bản đã được nới lỏng theo cam kết EVFTA. Tuy nhiên thực tế thu hút FDI vào một số lĩnh vực như dược phẩm, y tế trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức.

Về Sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã bảo đảm thực thi đúng thời hạn cam kết trong các trường hợp cam kết về gia nhập các hiệp ước quốc tế và các cam kết được áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc tạm thời. Phần lớn các quy định về SHTT nội luật hóa EVFTA tuân thủ vừa đúng tiêu chuẩn cam kết.

Một số ít trường hợp quy định của pháp luật SHTT Việt Nam chưa bảo đảm tương thích đầy đủ với cam kết EVFTA như quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quy định về điều kiện để đình chỉ bảo hộ đối với nhãn hiệu đã trở thành tên gọi thông thường; quy định liên quan tới việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

bền vững
bền vững 2

Liên quan tới Phát triển bền vững, Việt Nam đã thực thi đầy đủ phần lớn các cam kết liên quan tới vấn đề lao động như: Sửa đổi Luật lao động, ban hành quyết định giảm thiểu lao động trẻ em, phòng chống lao động cưỡng bức. Trong giai đoạn COVID-19, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động.

Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế và ban hành các quy định liên quan, ngoài các cam kết về phát triển bền vững trong EVFTA.

Việt Nam không chỉ nhìn nhận phát triển bền vững là một nội dung cần “tuân thủ”. Thay vào đó, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi những hướng đi sáng tạo, khả thi, hiệu quả để sớm có đóng góp vào hiện thực hóa các mô hình phát triển bền vững.

Về Dịch vụ tài chính, pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương thích với các cam kết trong EVFTA về các nguyên tắc chung trong lĩnh vực tài chính như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác. Tuy nhiên còn một số vấn đề cần cải tiến hơn như: nới lỏng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngân hàng thương mại…

EVFTA

Để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nghiên cứu của Viện CIEM đã đưa ra 7 khuyến nghị chung.

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết, trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thứ năm, tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Thứ sáu, rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác.

Thứ bảy, chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA.

Đối với một số lĩnh vực, Nghiên cứu khuyến nghị các giải pháp cụ thể, phù hợp.

Về Thương mại, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, liên quan đến nội dung quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tiêu chí, điều kiện được hưởng cơ chế ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan và việc áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại trong kiểm tra thực tế hàng hóa.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, hoàn thiện hệ thống thông tin nhằm tăng cường kiến thức cho doanh nghiệp trong nước; Chủ động hơn trong việc tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường đối tác FTA; Tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, xây dựng, cơ cấu và tổ chức lại các mô hình kinh doanh sản xuất.

Về Đầu tư, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu lực và hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu và xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước; nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm; tăng cường hợp tác và chia sẻ công nghệ; xây dựng hệ thống hỗ trợ đầu tư và xúc tiến thương mại.

Về Sở hữu trí tuệ, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm bảo đảm tương thích; hoàn thiện vận hành các cơ chế đăng ký và thực thi bảo hộ Sở hữu trí tuệ liên quan, và (ii) nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và các biện pháp hỗ trợ khác cho các chủ thể liên quan.

Phổ biến, tuyên truyền và xây dựng năng lực về các nội dung mới trong pháp luật về Sở hữu trí tuệ việt nam có liên quan tới cam kết EVFTA; xây dựng cơ chế hỗ trợ các chủ thể quyền việt nam trong đăng ký bảo hộ Sở hữu trí tuệ tại EU.

Thực hiện việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, công tác tổ chức, chuyên môn; thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên trong xử lý các vướng mắc, khó khăn về chính sách, thủ tục Sở hữu trí tuệ có liên quan.

Về Phát triển bền vững, cần xây dựng chế tài giám sát thực thi chính sách hiệu quả; hoàn thiện hệ thống thông tin, nghiên cứu định kỳ để cập nhật các quy định pháp luật, tiêu chuẩn môi trường, lao động có liên quan tới sản phẩm và quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý ngành; chú trọng công tác thanh và kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan tới bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học;

Hoàn thiện khung pháp lý giao dịch tín chỉ carbon, quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon, xây dựng thị trường carbon bắt buộc; hoàn thiện thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động, phát triển việc làm, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Về Bảo hiểm, tăng cường các hình thức để người mua bảo hiểm có thể tố cáo các sai phạm liên quan đến các hành vi tư vấn bảo hiểm sai, không đúng mục đích, không đầy đủ. Bộ Tài chính cần đưa ra các quy định về kiểm tra chéo các nội dung trong hợp đồng bảo hiểm với khách hàng sau khi tư vấn; Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các vụ việc sai phạm trong tư vấn, kinh doanh bảo hiểm.

Về Dịch vụ tài chính, Việt Nam cần có cách tiếp cận mở hơn để điều tiết ngành ngân hàng; nghiên cứu và cho phép tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cho từng ngân hàng thương mại riêng biệt. Hoàn thiện khung khổ pháp lý hiện đại và thông thoáng, tạo sân chơi bình đẳng cho các tác nhân trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Trong lĩnh vực Mua sắm công, cần đẩy mạnh việc áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính minh bạch, hạn chế các hành vi thông thầu, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực để trục lợi. Tăng mức chế tài xử lý các quy định về đấu thầu, mua sắm công và hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu để sớm phát hiện các sai phạm; có các biện pháp khuyến khích tố giác sai phạm trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công. Xây dựng cơ chế giải quyết kiến nghị liên quan đến đấu thầu và mua sắm công độc lập.

EVFTA 2
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí