Khai thác giá trị dừa sáp Cầu Kè
20/09/2023 lúc 14:00 (GMT)

Khai thác giá trị dừa sáp Cầu Kè

 

Huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có tới 32% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Được bao quanh bởi dòng sông Hậu hiền hòa, vùng đất Cầu Kè quanh năm trù phú từ lâu đã nổi tiếng với đặc sản dừa sáp. Đây là loại trái cây ngon và lạ có một không hai của vùng đất này.

Sở dĩ dừa sáp quý hiếm là vì loại cây này rất kén đất và khó trồng. Cùng một loại dừa sáp nhưng có trái cho sáp, có trái không. Thông thường một buồng dừa có khoảng 12 trái, thì chỉ có khoảng 3-4 trái dừa sáp (tỉ lệ khoảng 20-40%), thậm chí có khi không có trái dừa sáp nào.

dừa sáp

Không giống với dừa xiêm, dừa sáp có cùi rất dày và xốp. Có thể thấy ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có một lớp “sáp” chính là lớp cơm dừa dày ra “hút” lấy nước dừa tạo thành sáp xốp dẻo.

Có những quả dừa sáp khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa, chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt y như quả dừa xiêm người ta làm thạch. Đây chính khác biệt quan trọng nhất giữa dừa sáp và dừa thường.

          

Đặc điểm của dừa sáp là có lớp cùi dừa đặc hoàn toàn từ thiên nhiên rất lạ mắt. Khi thưởng thức, dừa sáp có vị béo ngậy và hương thơm đặc trưng.

          

 

dừa sáp 2
dừa sáp 3

Trong cùi dừa sáp có chứa protein hay còn gọi là chất đạm từ 3 - 4 gam, chất bột đường cacbohydrat từ 10 - 13 gam, chất béo khoảng 27 gam. 3 chất này cung cấp năng lượng nên ăn vào sẽ tạo cảm giác sảng khoái.

Ở cây dừa sáp, nếu chỉ thu hoạch để uống nước thì phần cơm, nước bình thường như bao trái dừa khác, nhưng để qua giai đoạn lấy nước thì cơm dừa sáp tiếp tục phát triển dày lên gần đầy khoang trống. Dừa sáp có độ tinh dầu và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn dừa thường với hương vị đặc trưng.

Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có tới 5 giống dừa Sáp, gồm: Sáp tròn, Sáp dài, Sáp có cạnh, Sáp vỏ xanh, Sáp vỏ vàng.

dừa sáp 3
dua sap 3

Dừa sáp chỉ có duy nhất ở vùng đất Trà Vinh, trong đó, ngon nhất và đúng chất nhất là ở huyện Cầu Kè. Nguyên vào năm 1942, một vị sư cả người Khmer khi sang thăm Battambang (Campuchia) đã được thưởng thức một thứ nước dừa rất ngon, đến khi trở về ông đã mang theo được 2 cây giống của loại dừa độc đáo này. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, có người đã xin được giống dừa này từ vị sư cả chùa Chợ (chùa Bô-tum Sa-cao) và đưa về trồng tại vùng thị trấn Cầu Kè.

dừa sáp 5
dừa sáp 6

Cho tới đầu những năm 2000, dừa sáp mới chỉ là thứ quà “ăn chơi” của người dân địa phương, chưa có nhiều giá trị về kinh tế. Nhưng nhờ huyện Cầu Kè có lễ Vu Lan Thắng hội được tổ chức rất quy mô hàng năm nên khách phương xa về tham quan rất đông. Để phục vụ cho khách hành hương một số hàng quán đã mua dừa sáp chế biến làm nước uống phục vụ du khách. Đây chính là dịp để người dân quảng bá thương hiệu loại trái cây đặc sản địa phương. Dần dần thương hiệu dừa sáp Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh ngày càng được nhiều người biết đến, nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng lên.

dừa sáp

Trước sự hấp dẫn của hương vị và giá trị kinh tế của cây dừa sáp, năm 2006, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Sở Khoa học công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án trồng dừa sáp theo quy trình VietGap, sử dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng chất lượng và năng suất cho trái sáp trên buồng dừa cao hơn so cách trồng bình thường.

Dự án hỗ trợ 20 hộ nông dân trồng 950 cây dừa sáp trên diện tích 6 ha. Đây được xem là một dự án “mở đường” cho người dân Cầu Kè phát triển loại cây trái đặc sản để cung ứng phục vụ cho ngành du lịch, góp phần nâng cao mức sống người dân địa phương.

dừa sap 5

 

          

Năm 2013, trái dừa sáp của xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa "dừa sáp Cầu Kè".

          

 

dừa sap
dua sap 2

Năm 2013, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng được nhãn hiệu độc quyền dừa sáp Cầu Kè và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm trái dừa sáp. Đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của ngành hàng dừa tỉnh Trà Vinh. Hiện Trà Vinh đang triển khai các hoạt động hỗ trợ cho hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu cho sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm OCOP từ dừa sáp đạt hạng 5 sao.

Để có vùng nguyên liệu ổn định, tỉnh Trà Vinh khuyến khích người dân mở rộng diện tích dừa sáp nhưng phải thực hiện đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, địa phương sẽ hỗ trợ nông dân liên kết cùng doanh nghiệp để tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế.

dừ sap 9
dừa sap 10

Đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích dừa ở huyện Cầu Kè là khoảng 3.878 ha,  sản lượng khoảng 52 triệu trái. Trong đó có gần 75.000 cây dừa Sáp, sản lượng hơn 200.000 trái, mang lại thu nhập từ 2,3-3,7 triệu đồng/cây/năm.

Với giá dừa sáp tại vườn hiện đang dao động từ 80 - 150 ngàn đồng/quả, có khi tăng đến 160- 200 ngàn đồng/quả vào các mùa lễ hội (cao gấp 10 - 20 lần so với quả dừa thường); số dừa không sáp còn lại cũng được người dân bán với giá 20-25 ngàn đồng/quả (cao gấp 2-2,5 lần so với quả dừa thường)... cho thấy lợi nhuận thu được từ trái dừa Sáp là rất cao (khoảng trên 120 triệu đồng/ha), gấp 5 lần một ha dừa thường (khoảng hơn 20 triệu đồng/ha).

dừa sap 8

Ngoài trái dừa sáp tươi, trên địa bàn tỉnh hiện có các cơ sở, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm đặc sản từ dừa sáp, như có mứt dừa sáp Cẩm của cơ sở Nguyễn Thị Cẩm, đạt chứng nhận OCOP 3 sao; sản phẩm dừa sáp sợi VICOSAP; dừa sáp Bảo Châu; kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp cacao của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè… Với các sản phẩm đặc sản chế biến cùng với nhu cầu người tiêu dùng tự chế biến như sinh tố dừa sáp, kem dừa sáp,… nên nguồn cung thường không đủ cầu và giá dừa sáp luôn ổn định.

dừa xuất khẩu
dừa sap

Bà Nguyễn Thị Cẩm, Chủ Cơ sở Mứt dừa sáp Cẩm, ở thị trấn Cầu Kè cho biết, nguồn tiêu thụ trái dừa sáp chưa bao giờ vượt cầu. Vào các thời điểm như dịp tết Đoan Ngọ, Rằm Tháng 7, Tết Nguyên đán thường khan hiếm. Chỉ tính riêng cơ sở của bà, hàng ngày tiêu thụ từ 300 - 400 trái dừa sáp để chế biến và cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre…

          

Tháng 10/2021, Dừa sáp Trà Vinh, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu bằng máy bay sang Úc với số lượng lớn, được phân phối với giá bán lẻ từ 30 đến 35 Đô la Úc/1 trái (khoảng 600.000 đồng)

          

 

dua sap 1

Khởi nghiệp từ đặc sản quê nhà, vợ chồng anh Trần Duy Linh (quê Cầu Kè, Trà Vinh) và chị Lâm Ngọc Tú đã tạo nên những sản phẩm đa dạng với trái dừa sáp, từ đó mở ra hướng đi mới cho loại trái này. Tháng 7/2020, anh Linh cùng vợ đã thành lập Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè, lấy tên thương hiệu là Vicosap. Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay chế biến đa dạng và chuyên sâu các sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu dừa sáp.

Thời gian qua, Công ty Vicosap đã liên kết với HTX Dừa sáp Hòa Tân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) để xây dựng vùng nguyên liệu cho trái dừa sáp với các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, Công ty đã nghiên cứu chế biến thành các sản phẩm kẹo dừa sáp, sữa chua từ dừa sáp, dừa sáp sấy giòn tan… Đặc biệt là dừa sáp sợi, sản phẩm duy nhất tại thị trên trường đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và OCOP 5 sao cấp quốc gia.

dừa sợi
dừa say
dẹo dừa
dừa sap
dừa sap

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè Trần Duy Linh cho biết, công ty rất chú trọng xây dựng nguồn nguyên liệu để giữ vững sản xuất. Công ty đã xây dựng mạng lưới thu mua, kết nối với các cơ sở có nguồn nguyên liệu nhiều không chỉ trong tỉnh mà cả các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo sản xuất ổn định.

Không chỉ có mặt tại hệ thống siêu thị, các sản phẩm của Vicosap còn được bày bán ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Đã Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc. Đồng thời, sản phẩm cũng được ngành chức năng tỉnh Trà Vinh hỗ trợ kết nối, đưa lên các sàn thương mại điện tử. Hiện Vicosap cũng đã xuất khẩu được các sản phẩm qua các thị trường như Anh, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt là năm 2022, sản phẩm đã được xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Thời gian tới, Vicosap sẽ liên kết với các nông hộ xây dựng vùng trồng dừa sáp chuyên sâu hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Vicosap tiếp tục đa dạng hóa các dòng sản phẩm từ nguyên liệu dừa sáp, phát triển thêm thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo ổn định đầu ra cho bà con.

tra vinh
          

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí