Nông dân thu bộn tiền từ máy cuộn rơm
10/10/2023 lúc 10:07 (GMT)

Nông dân thu bộn tiền từ máy cuộn rơm

 

Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, công tác chuyển giao các tiến bộ Khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu sản xuất trên của các địa phương có bước chuyển đáng kể, điều này đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Mô hình máy cuộn rơm thu gom phế phẩm rơm sau thu hoạch lúa, đang mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất.

Người nông dân hào hứng với việc thu gom rơm

Trao đổi tại hội nghị về nông nghiệp tuần hoàn tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, việc đưa máy móc vào cuộn rơm đã giúp cho việc chuyên chở rẻ hơn, bảo quản được lâu hơn. Để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời xoá bỏ tập quán đốt đồng gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, thời gian qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh áp dụng cuốn rơm bằng máy sau khi thu hoạch.

máy cuộn rơm
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Tây Ninh

Tuỳ nơi, người dân có thể dùng máy cuộn rơm chuyên dụng hoặc dùng máy cày thay thế dàn xới phía sau bằng máy cuộn rơm để thực hiện. Rơm sau khi cuộn thành phẩm được các thương lái thu mua, chở về các tỉnh miền Tây tiêu thụ hoặc bán cho người dân để trâu bò ăn và ủ gốc cây. Giá thành mỗi cuộn rơm dao động từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng tuỳ thời điểm.

Nếu như trước đây, rơm là loại phế phẩm bỏ đi sau mỗi mùa thu hoạch, thì vài năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ rơm của các nhà vườn và các hộ chăn nuôi ngày càng tăng nên nông dân đã tận dụng nguồn rơm còn lại trên đồng sau khi thu hoạch lúa, bán cho thương lái.

Khoảng vài năm trước, khi máy mốc phục vụ nông nghiệp chưa phổ biến ở nước ta, bà con nông dân vẫn gặt lúa rồi về nhà mới đập/thổi lúa bằng máy chuyên dụng. Lúc đó rơm sẽ tự nhiên được tập trung về một chỗ, bà con nông dân không cần phải thu gom rơm.

Nhưng từ khi có máy gặt đập liên hợp, rơm được thả ra từ máy sau khi được gặt đập sẽ nằm rải rác trên bề mặt ruộng lúa chứ không tập trung như trước nữa. Chính điều này buộc bà con phải huy động nhân công trong gia đình để ra đồng vơ rơm, bó lại từng bó để đưa về dự trữ phục vụ cho canh tác hoa màu, chăn nuôi.

Bà con miền Bắc và miền Trung chủ yếu dùng rơm đốt lấy mùn để trồng hoa màu nên không cần đến lượng rơm nhiều thì số đông bà con đồng bằng miền Nam sống chủ yếu bằng chăn nuôi trang trại lại cần đến một lượng rơm dự trữ rất lớn. Với lượng rơm lớn, dùng nhân công đi thu gom rơm trên đồng vừa vất vả lại vừa không thu được nhiều.

máy cuộn rơm

Có mặt tại những cánh đồng tại Bình Định, với diện tích sản xuất lúa hàng năm của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định khoảng 15.000 ha mỗi năm. Tuy nhiên, sau mỗi vụ thu hoạch lúa hầu hết các địa phương vẫn chưa có biện pháp sử dụng rơm rạ có hiệu quả, tỷ lệ thu gom rơm rạ sau thu hoạch chỉ chiếm khoảng 50% do việc sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa nên rơm bị nát, khó khăn cho việc thu gom bằng phương pháp thủ công, chi phí thu gom cao; một phần rơm rạ sau khi phơi xong sử dụng không hết bị bỏ xuống kênh mương, gây ách tắc dòng chảy, cản trở tưới tiêu; còn lại, phần lớn nông dân sẽ đốt ngay ngoài ruộng, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, chăn nuôi gia súc, trồng nấm ăn ngày càng phát triển, nhu cầu nguồn nguyên liệu rất lớn, đặc biệt trong mùa đông nguồn thức ăn xanh bị thiếu hụt. Mặt khác khi thu hoạch xong, bà con không thu gom được ngay để xử lý sẽ dẫn đến thối mốc không sử dụng được… dẫn đến giá rơm tăng cao.

máy cuộn rơm
máy cuộn rơm
          

Để tận dụng rơm rạ dư thừa, giảm ô nhiễm môi trường nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ máy móc, thiết bị trong thu gom rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trồng nấm ăn tại HTXNN Phước Hưng và HTXNN 1 Phước Sơn.

          

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của máy cuộn rơm sau khi đưa vào hoạt động tại địa phương, ông Hồ Thiện - Phó Giám đốc HTXNN 1 Phước Sơn cho biết: Hệ thống máy cuộn rơm bao gồm một đầu kéo và một máy công tác với tổng kinh phí đầu tư ban đầu hơn 300 triệu đồng, trong đó vốn hổ trợ của Trung tâm khuyến nông phần nào còn lại do HTX đầu tư. Qua khảo sát thực tiễn tại địa phương, chỉ tính riêng nhu cầu rơm phục vụ hàng năm tại địa bàn là 41.700 cuộn rơm/năm, tương đương 209ha, bình quân 1ha cho 2,6 tấn rơm khô sau thu hoạch.

Tới thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, ông Trà Văn Khởi, Ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng vẫn cần mẫn lái chiếc máy cày chạy trên cánh đồng rộng mênh mông để cuốn rơm rạ. Chiếc máy cày chạy theo những lối mà máy cắt đã chạy. Chưa đầy mười phút, từ máy cuộn rơm lại đùn ra cuộn rơm lớn được bó cứng bằng dây. Mấy hôm đầu tiên, chỉ có máy cuộn rơm của ông Khởi hoạt động nên khách hàng phải đặt trước mới có rơm bốc lên ô tô chở đi. Sau đó, một số người có máy cày cũng làm theo. Họ đầu tư mua máy cuộn rơm để thu rơm rạ. Vì vậy, chỉ khoảng một tháng sau khi gặt thì rơm rạ trên đồng đã được dọn sạch. Theo những người có máy cuộn rơm, trung bình cứ mỗi ha lúa gặt xong thì cuộn được chừng 150 cuộn rơm. Nếu bán cho người mua giá trên 30 ngàn đồng/cuộn thì sẽ có được khoảng hơn 5 triệu đồng.

máy cuộn rơm
máy cuộn rơm
máy cuộn rơm

Khoảng vài năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để giải quyết trước mắt nhu cầu sử dụng rơm của người chăn nuôi, trồng trọt... rất tiện lợi, giảm được nhân công và chi phí xử lý nguồn rơm phế thải và chấm dứt được tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm.

Ông Trà Văn Khởi cho biết, “lượng rơm rạ thu được nhiều hay ít tùy thuộc vào máy gặt cắt cao hay thấp. Một ngày 1 máy có thể cuộn được khoảng 500 cuộn, trừ chi phí có thể mình thu lãi được khoảng 2 triệu đồng. Hiện thì cứ khoảng 10 người là có 9 người họ bán rơm cuộn rồi”

máy cuộn rơm

Triển vọng mới cho ngành nông nghiệp

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguồn rơm để phục vụ việc chăn nuôi và trồng nấm, mới đây, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (Đồng Tháp) đã nghiên cứu và cải tiến thành công máy cuộn rơm. Với thiết kế và tính năng tiện dụng, chiếc máy này thích hợp vận hành trên nhiều loại địa hình, được thị trường quan tâm và đánh giá cao.

Máy cuộn rơm tự hành PT-CR57 do ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Nông nghiệp Phan Tấn nghiên cứu chế tạo, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các dòng máy hiện tại. Sản phẩm này từng được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ ở Hà Nội và tổ chức trình diễn trong và ngoài tỉnh, được đông đảo nông dân quan tâm, đánh giá rất cao do phù hợp đặc điểm sản xuất của nhiều địa phương. Máy cuộn rơm PT-CT57 không chỉ được bán ở thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước mà còn được xúc tiến trình diễn ở Campuchia.

Máy cuộn rơm của Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn được thiết kế dựa trên nền tảng của máy gặt đập liên hợp. Điểm mới của chiếc máy này là không hoạt động theo cơ chế rơ - mooc phía sau như các dòng máy hiện nay trên thị trường mà hoạt động theo cơ chế tự hành tự đổ. Bộ phận cuộn rơm nằm phía trước giúp tài xế dễ dàng thao tác, rơm trên ruộng được lấy sạch hơn. Khi hoạt động, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuộn vào và nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Khi kích thước cuộn rơm đạt tiêu chuẩn sẽ có hệ thống báo hiệu tự động. Khi cuộn rơm được buộc chặt sẽ tự động thả vào thùng chứa phía sau xe.

máy cuộn rơm
máy cuộn rơm

Ưu điểm của thùng chứa phía sau là giúp cho các cuộn rơm được giữ sạch sẽ, dễ bảo quản, đây là điểm nổi bật của chiếc máy này so với các dòng máy hiện nay có mặt trên thị trường. Ngoài ra, điểm đặc biệt là toàn bộ hệ thống máy được vận hành trên bánh xích cao su, với thiết kế này cho phép máy có thể vận hành trên mọi địa hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trung bình công suất máy đạt từ 80 - 100 cuộn/giờ, kích thước cuộn rơm có thể điều chỉnh tùy theo yêu cầu.

Tham quan thực tế tại buổi trình diễn máy cuộn rơm tự hành do Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn tổ chức tại ấp Long Tân, xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vừa qua, phần lớn nông dân đều đánh giá cao hiệu quả của chiếc máy cuộn rơm mang lại. Anh Nguyễn Văn Út ở ấp Long Tân, xã Long An, huyện Long Hồ cho biết: “Hiện nay, việc thu gom rơm để trồng nấm gặp khó khăn và tốn kém khá nhiều chi phí, vì vậy chi phí giá thành đối với trồng nấm rơm cũng tăng khá cao. Với chiếc máy cuộn rơm của Công ty Phan Tấn thì việc gom rơm dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ với 2 người vận hành, trong 10 phút chiếc máy cuộn rơm có thể thu hoạch xong 1 công rơm. So với thu hoạch thủ công thì máy cuộn rơm cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần”.

Chia sẻ về chiếc máy cuộn rơm, ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn cho biết: “Từ cơ sở thực tế đồng ruộng ở ĐBSCL, chúng tôi nghiên cứu tìm cách tạo ra một sản phẩm phù hợp với thực tế sản xuất, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân. Công ty vừa xuất bán 1 chiếc máy cho khách hàng ở tỉnh Sóc Trăng, hiện có rất nhiều khách đặt hàng mua máy”.

máy cuộn rơm
Ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn
 

Ông Lê Hữu Dư, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: Với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp mong muốn cải thiện và nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân từ sản xuất nông nghiệp thì việc tận thu các phế phẩm trong nông nghiệp để phục vụ cho những ngành sản xuất khác cũng là cách giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đồng hành với chủ trương đó, những năm qua Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng máy phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp như: máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch bắp... và mới đây là máy cuộn rơm. So với những dòng máy cùng tính năng hiện nay trên thị trường, máy cuộn rơm của Công ty Phan Tấn có nhiều tính năng nổi trội, phù hợp với tình hình thực tế sản xuất ở đồng ruộng vùng ĐBSCL và giá cả cũng cạnh tranh hơn so với các loại máy ngoại nhập.

 

Lan tỏa từ việc cho ra đời máy cuộn rơm đó, anh Vũ Văn Thành, ngụ ấp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) đã trăn trở, sinh ra, lớn lên ở nông thôn, anh Thành hiểu do thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên rơm của mùa vụ trước thường rãi trên đồng ruộng, nếu không xử lý sẽ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở vụ sau. Nếu như đốt đồng sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm mất dần chất hữu cơ trong đất. Nhận thấy rơm là loại phế phẩm trong sản xuất lúa nhưng có thể làm thức ăn nuôi trâu, bò, là nguyên liệu để trồng nấm rơm mang lại giá trị kinh tế cao. Vậy là anh Thành nung nấu ý tưởng mua máy cuộn rơm giúp cho bà con đỡ vất vả trong xử lý rơm rạ lại tăng thêm thu nhập từ bán rơm, nhất là có nguồn rơm giá rẻ phục vụ nghề trồng nấm rơm vốn là nghề phát triển mạnh tại xã Thạnh Đông A những năm qua.

Bài: Thăng Long
Ảnh bìa: Thanh Hải


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí