Sầu riêng - Chìa khóa xóa nghèo vùng Khánh Sơn
11/10/2023 lúc 15:30 (GMT)

Sầu riêng - Chìa khóa xóa nghèo vùng Khánh Sơn

 

 Được ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa dần trở thành vựa trái cây lớn nhất Nam Trung Bộ. Nổi bật nhất phải kể đến là cây sầu riêng cơm vàng, hạt lép.

 

Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Từ khi thương hiệu "Sầu riêng Khánh Sơn - cơm vàng, hạt lép" được khẳng định, loại quả này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là chìa khóa giúp địa phương thoát nghèo, phát triển bền vững.

vùng trồng

Theo người dân kể lại, cách đây chừng hơn 30 năm, một người địa phương mang cây sầu riêng hạt từ Đắk Lắk về trồng thử, ăn chơi. Từ những cây sầu riêng hạt ấy, nhiều người đến xin giống, mua giống về trồng trong vườn nhà. Từ đó, cây sầu riêng lan ra nhiều địa phương trong huyện.

Đến năm 1999, tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ địa phương mô hình cây ăn quả hỗn giao, với 2.500 cây sầu riêng Monthong được đưa về trồng ở Khánh Sơn. Từ đó, cây sầu riêng đã bén rễ, trở thành cây ăn trái đặc sản của địa phương.

          

Sầu riêng chứa nhiều chất có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Trong mỗi múi sầu riêng đều chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như: đường, chất béo, chất đạ, chất sơ, vitamin E, A, C, B1, B2, B5, kali, canxi, sắt…

          

 

Sầu riêng Khánh Sơn được biết đến với ưu điểm là quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, thịt ráo, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30-40%/quả, cùng với hương vị nồng nàn đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo đánh giá của các nhà khoa học, với đặc thù đất đỏ bazan (chiếm trên 71%), đất phù sa (chiếm gần 5%), độ pH từ 5-6, độ phì khá, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao nên Khánh Sơn đã cho ra đời những trái sầu riêng có chất lượng cao.

sau rieng

 

Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác từ 4 -5 tháng, do đặc thù Khánh Sơn có độ cao hơn 400m so với mực nước biển nên vụ thu hoạch quả muộn hơn các tỉnh Nam bộ. Khi sầu riêng Nam bộ hết mùa thu hoạch cũng là lúc sầu riêng Khánh Sơn xuất hiện trên thị trường. Mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu vào khoảng tháng 6 hàng năm và kết thúc vào trung tầm tháng 8. Điều này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường.

sau rieng 2

Hiện nay sầu riêng Khánh Sơn có rất nhiều loại, trong đó sầu riêng Monthong là loại đặc biệt có giá cao nhất nơi đây, tiếp đến là trái sầu riêng RI6, Chín Hóa… Các giống sầu riêng khi trồng ở đây đều cho quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

 

Với lợi thế mùa vụ thu hoạch không trùng với sầu riêng nơi khác, cùng với chất lượng tốt, sầu riêng Khánh Sơn thường bán giá cao và luôn "cháy" hàng.

sau rieng a

Trước năm 2000, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ giống cây sầu riêng cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đến năm 2006, bắt đầu xây dựng đề án phát triển cây sầu riêng huyện Khánh Sơn. Chủ trương của huyện là phát triển 500 ha với phương án đồng bào thiểu số được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến năm 2011, huyện bắt đầu vụ thu hoạch những trái đầu tiên.

Từ đó người dân trong vùng đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng sầu riêng, lựa chọn những giống sầu riêng tốt nhất, chăm sóc kỹ, cộng thêm việc thiên nhiên ưu ái về đất đai khí hậu, vùng núi Khánh Sơn dần trở thành “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Khánh Hòa.

Nhờ cây sầu riêng, đời sống người dân khá hơn. Trước đây, người dân tộc thiểu số nơi đây chỉ biết trồng mía, cà phê. Nay nhờ sầu riêng, cuộc sống ấm no hơn, bà con Raglai cùng nhau phát triển diện tích cây trồng.

sau rieng
sau rieng 2

Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn có 3.000 hộ trồng sầu riêng, trong đó 20% số hộ đã trở nên giàu có. Theo tính toán, đầu tư 1 ha với khoảng 200 cây giống, sau năm thứ 5 cho sản lượng từ trên 15-20 tấn/ha. Bình quân lợi nhuận thu về 700-800 triệu/ha. Với mức giá này, nhiều nhà vườn đã có doanh thu từ 5-7 tỷ đồng, một số nhà vườn thu về 10 tỷ đồng. Qua đó, có thể khẳng định, cây sầu riêng mang lại giá trị rất cao, thay đổi cuộc sống người dân.

sau rieng
sau rieng

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Khánh Sơn” cho tỉnh Khánh Hòa. Sản phẩm được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận và xếp hạng đạt 3 sao OCOP. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng hạt lép đã tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm quả sầu riêng được trồng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, mang lại thu nhập cao cho người trồng, trở thành “chìa khóa” để xóa nghèo cho người dân nơi đây.

 

 

Tháng 8/2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập và công bố Sầu riêng Khánh Sơn hiện là 1 trong top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.

sau rieng

 

Xây dựng mã số vùng trồng

Để phát triển sầu riêng hiệu quả và bền vững, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con trồng sầu riêng trong vùng quy hoạch, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, nhất là bảo đảm nguồn nước tưới. Đồng thời, sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đăng ký mã số vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện Khánh Sơn có khoảng 2.500ha sầu riêng, trong đó 1.200ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Dự kiến, tổng sản lượng thu hoạch năm nay ước đạt khoảng 15.000 tấn.

sau rieng

Toàn huyện có 6 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 200ha đã được cấp. Ngoài ra, hàng chục hồ sơ đã gửi đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng nhằm đảm bảo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khánh Sơn hiện có 450ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để duy trì các mã số vùng trồng, huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ người dân sản xuất sầu riêng theo hướng VietGAP, cũng như vận động các hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất, đồng bộ quy trình sản xuất. Từ đó, dần đáp ứng các tiêu chí cấp mã số vùng trồng như diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…

khanh son

 

Phát triển thương hiệu trái sầu riêng

Ngoài việc chú trọng phát triển các mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Khánh Sơn còn phát triển được 480ha sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP; có 16 sản phẩm sầu riêng tươi, sầu riêng cấp đông và sầu riêng sấy khô đã đạt sao OCOP…

Trong định hướng phát triển, huyện Khánh Sơn xác định sầu riêng là cây chủ lực trong xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 1 sản phẩm, đến năm 2030 có từ 3 sản phẩm sầu riêng tươi và sản phẩm chế biến từ sầu riêng đạt chứng nhận sản phẩm quốc gia; đến năm 2025 có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chứng nhận 3 sao trở lên, đến năm 2030 có 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chứng nhận 3 sao trở lên.

sau rieng 5
sau rieng  6

Cùng với đó, địa phương còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn trên cơ sở duy trì tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn 2 năm/lần và Hội chợ nông sản Khánh Sơn 2 năm/lần; hỗ trợ hộ cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia các hội chợ hàng nông sản tổ chức trong và ngoài tỉnh; quảng bá các sản phẩm nông sản của huyện trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, các địa phương trong và ngoài tỉnh.

le hoi trai cay

 

tit xen c

Trước đây trên địa bàn huyện Khánh Sơn, sầu riêng chủ yếu tiêu thụ quả tươi. Trước thực tế nhiều khi được mùa, sầu riêng rớt giá gây khó khăn cho người trồng. Chị Nguyễn Thị Vinh Hằng (huyện Khánh Sơn) đã mạnh dạn áp dụng công nghệ chế biến để tìm giải pháp tiêu thụ sầu riêng quanh năm, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018, chị Hằng thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng ở xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn). Đây là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp ở huyện này, trong đó có sầu riêng.

Công ty đã biến sầu riêng tươi thành nhiều sản phẩm như: Sầu riêng cấp đông nguyên trái, sầu riêng sấy khô và kem sầu riêng. Từ đó không chỉ giúp nâng cao giá trị cho quả sầu riêng mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

sau rieng say
sau rieng dong lanh

Công ty Thành Hưng đã đầu tư, xây dựng kho cấp đông để lưu trữ và bảo quản sầu riêng với số lượng lớn nhằm cung ứng ra thị trường trong thời gian dài nhưng vẫn giữ nguyên độ tươi ngon.

Mặt khác, nhận thấy sản phẩm sầu riêng sấy khô của Thái Lan được thị trường ưa chuộng, Công ty đã tìm hiểu công nghệ và mua máy sấy về sấy sầu riêng. Sầu riêng sấy khô được Công ty áp dụng công nghệ sấy thăng hoa giúp giữ nguyên giá trị. Hơn nữa, thời hạn bảo quản của sầu riêng cũng được dài hơn.

Hiện nay sản phẩm sầu riêng sấy khô của Công ty được tiêu thụ tại một số siêu thị ở Đà Nẵng, Hà Nội và các cửa hàng thực phẩm. Sản phẩm sầu riêng tươi, sầu riêng cấp đông và sầu riêng sấy khô của Công ty Thành Hưng đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Năm nay, Công ty tiếp tục đưa sản phẩm kem sầu riêng và sữa chua sầu riêng đi dự thi, nâng cấp sao OCOP.

thanh hung

 

Hiện Công ty Thành Hưng có hơn 50ha sầu riêng, trong đó khoảng 22ha đã được cấp mã số vùng trồng. Năm 2023, sản lượng sầu riêng tươi của Công ty đạt 400 tấn, trong đó 300 tấn được Công ty bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc với giá 90.000 đồng/kg. Số còn lại được Công ty dùng làm nguyên liệu chế biến để cung ứng cho thị trường quanh năm. Ngoài ra, Công ty còn thu mua thêm sầu riêng của các hộ dân địa phương trong huyện để phục vụ chế biến.

Việc thực hiện mô hình chế biến sâu trái sầu riêng ra nhiều sản phẩm của Công ty đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào Raglai tại địa phương.

thanh hung

 

          

Bài: Hà Đan

Trình bày: An Nguyễn

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí