Thu hút đầu tư từ Hà Lan - Điểm cộng nhờ Hiệp định EVFTA
31/07/2023 lúc 17:41 (GMT)

Thu hút đầu tư từ Hà Lan - Điểm cộng nhờ Hiệp định EVFTA

 

Hiệp định EVFTA đã và đang tác động tốt đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ Hà Lan vào Việt Nam. Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.

Dien dan doanh nghiep Ha Lan
bo cong thuong Ha Lan

Nhà đầu tư lớn nhất khối EU tại Việt Nam

PV: Bà có thể cho biết tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hà Lan vào Việt Nam? Việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) tác động thế nào đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ Hà Lan vào Việt Nam?

Bà Võ Thị Ngọc Diệp: Trong 5 tháng đầu năm 2023, Hà Lan có 11 dự án được cấp mới, 08 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và mua cổ phần lên đến gần 602 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 5/2023, Hà Lan xếp thứ 8 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14,112 tỷ USD với 426 dự án còn hiệu lực.

Trong khối EU, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với đa dạng lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo đến dịch vụ tư vấn thiết kế, logistics, thương mại.

Ở chiều ngược lại, hiện Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Hà Lan với tổng vốn đăng ký là 69,7 triệu USD, gồm các dự án: nhập khẩu phân phối thiết bị viễn thông, xe ô tô, linh kiện; cung cấp các dịch vụ liên quan đến pin xe điện; Thương mại điện tử; Kinh doanh dịch vụ ăn uống; Xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản…

Hiệp định EVFTA đã và đang tác động tốt đến tình hình thu hút đầu tư, nguồn lực từ Hà Lan vào Việt Nam. Đối với những doanh nghiệp Hà Lan hiện đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất từ các nước EU và xuất khẩu thành phẩm sang thị trường này, ngoài những ưu đãi về thuế do EVFTA mang lại, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang được “nâng tầm” nhờ EVFTA.

Bên cạnh những thuận lợi về môi trường đầu tư của Việt Nam hay xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, sang các nước Đông Nam Á thì Việt Nam chính là điểm cộng nhờ vào Hiệp định EVFTA, nhờ vào kết quả thực tế việc thực thi hiệp định trong gần 3 năm qua, đã góp phần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Hà Lan trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt cho xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Xem thêm các bài viết về thực thi Hiệp định EVFTA đăng tải trên Tạp chí Công Thương tại đây.

đầu tư Hà Lan
bat dong san Ha Lan
dien gio Ha Lan
cang bien Ha Lan
cong nghe cao Ha Lan
 

Doanh nghiệp Hà Lan đang quan tâm đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo; năng lượng sạch; logistics cảng biển; nông nghiệp công nghệ cao... tại Việt Nam

PV: Xin Bà chia sẻ kinh nghiệm cụ thể của Thương vụ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng thu hút đầu tư từ các đối tác Hà Lan cũng như việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định EVFTA?

Bà Võ Thị Ngọc Diệp: Kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cũng chính là thời điểm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 và giai đoạn này kéo dài hơn 2 năm, sau này là hàng loạt bất ổn chính trị, kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực của lạm phát kéo dài của thị trường Hà Lan nói riêng và các nước châu Âu nói chung nhưng Thương vụ đã nỗ lực hết sức vượt qua hoàn cảnh tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam.

Cụ thể, có thể kể đến việc tổ chức nhiều sự kiện như: Truyền thông, quảng bá quả vải tươi lần đầu nhập khẩu bằng đường biển vào Hà Lan ngay trong thời kỳ khó khăn nhất của dịch; việc hỗ trợ, xúc tiến đưa thành công sản phẩm tương ớt lên men tự nhiên vào thị trường Hà Lan và các nước châu Âu lân cận trong bối cảnh các sản phẩm cùng loại từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Indonesia đã rất thành công và trụ vững tại hệ thống siêu thị Âu-Á suốt mấy chục năm qua...

Đối với hàng phi thực phẩm, sắp tới đây sản phẩm gốm sứ các loại thương hiệu Minh Long sẽ có mặt tại đây qua sự kết nối, xúc tiến của Thương vụ. Tại Hà Lan, các sản phẩm gốm sứ cao cấp rất nhiều, chủ yếu đến từ Pháp, Nhật Bản, Italia hay sản phẩm gốm sứ Delft nổi tiếng của Hà Lan, ở phân khúc thấp hơn thì có sản phẩm của Trung Quốc. Thương vụ dự kiến sẽ tổ chức quảng bá sản phẩm gốm sứ Minh Long kết hợp với ẩm thực Việt Nam tại một số nhà hàng, khách sạn. Sự hiện diện của sản phẩm Minh Long tại thị trường cũng là một nỗ lực vượt bậc của Thương vụ trong công tác xúc tiến cũng như quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam tại đây.

Đặc biệt, một hoạt động của Thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp thu hút đầu tư diễn ra suốt 2 năm sắp gặt hái “trái ngọt”. Cụ thể, Thương vụ hỗ trợ Tập đoàn VidaXL, chuyên sản xuất và kinh doanh xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam qua việc thông tin, sắp xếp cho Tập đoàn làm việc với Ban quản lý các khu kinh tế, cụm công nghiệp của 6 tỉnh miền Trung, 2 tỉnh miền Đông Nam Bộ để khảo sát đầu tư dự án gồm nhà máy cưa gỗ tròn, nhà máy sản xuất đồ nội thất bằng gỗ nguyên khối, nhà máy sản xuất ván sợi và nhà máy sản xuất đồ nội thất từ ván sợi.

Hiện tại, Tập đoàn đang chọn đặt nhà máy trong 1 Khu công nghiệp tỉnh Bình Định và đang tiến hành xin giấy phép đầu tư, dự kiến việc xây dựng nhà máy sẽ được tiến hành trong cuối quý III sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, toàn bộ sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, Australia.

 

Điều này một lần nữa minh chứng cho việc thu hút đầu tư cũng là thúc đẩy xuất khẩu, đặt biệt sang thị trường châu Âu với ưu đãi thuế do thực thi EVFTA.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan

Doanh nghiệp Hà Lan đánh giá tốt môi trường đầu tư của Việt Nam

PV: Từ góc độ thực tiễn tại thị trường sở tại, Bà có đề xuất, kiến nghị gì nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ Hà Lan và gia tăng thương mại song phương thời gian tới?

Bà Võ Thị Ngọc Diệp: Hiện đầu tư từ Hà Lan vào Việt Nam đang tăng trưởng tương đối tốt, tuy không có nhiều dự án quá lớn. Doanh nghiệp Hà Lan vẫn đánh giá tốt môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt thời gian qua đã có những bước cải cách rõ rệt trong thủ tục hành chính, nguồn lao động tương đối dồi dào, cần cù, ham học hỏi, đặc biệt việc đổi mới các chủ trương, chính sách, quy định phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong nước, phù hợp với xu hướng của khu vực và quốc tế.

Sau giai đoạn dịch Covid-19, ngoài những đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Hà Lan sang Việt Nam thì có rất nhiều đoàn doanh nghiệp từ các địa phương Hà Lan sang Việt Nam khảo sát, đánh giá thị trường trong đó có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn, vật liệu, nông nghiệp công nghệ cao.

Chủ trương của Việt Nam hiện nay phù hợp với thế mạnh của Hà Lan là thu hút đầu tư vào các ngành năng lượng xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao tạo sản phẩm có giá trị gia tăng, công nghiệp vật liệu, bán dẫn, các dự án chống biến đổi khí hậu…

doanh nghiep Ha Lan 1
doanh nghiep Ha Lan 2
doanh nghiep Ha Lan 3
doanh nghiep Ha Lan 4

Thời gian qua, nhiều đoàn doanh nghiệp Hà Lan đã tới các địa phương Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.

Các Bộ, ngành, địa phương trong nước cần phải xây dựng bộ tài liệu chuẩn, đăng công khai trên các trang mạng của các cơ quan quản lý như Malaysia, Singapore đang làm hiện nay, trong đó nêu rõ những thông tin về các ngành/lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của trung ương, địa phương, thông tin về thủ tục liên quan gồm thuê đất, giá thuê, thuế, địa điểm, những quy định đối với từng loại hình đầu tư…

Đây cũng là những ý kiến mà Thương vụ thu thập từ các đoàn doanh nghiệp Hà Lan sau các chuyến khảo sát Việt Nam, họ cần các thông tin công khai, minh bạch để có sự chuẩn bị kỹ trước mỗi chuyến khảo sát, làm việc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những dự án đầu tư sang Hà Lan, nổi bật là dự án phân phối thiết bị viễn thông, xe ô tô, linh kiện của Vinfast thuộc Vingroup, dự án cung cấp các dịch vụ liên quan đến pin xe điện của VinES hay dự án góp vốn thành lập trang thương mại điện tử tại Hà Lan nhằm đưa hàng hóa nông sản xanh, sạch đến thị trường này và các dự án xuất khẩu phần mềm của FPT Hà Lan tại thị trường các nước EU. Thời gian qua, Thương vụ đã tích cực hỗ trợ thông tin về đầu tư cũng như phối hợp quảng bá hay kết nối đối tác cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Hà Lan. Những dự án đầu tư sang Hà Lan của doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần đáng kể tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này thời gian tới.

Hà Lan vừa ban hành chính sách mới về hợp tác phát triển trong đó nêu rõ Việt Nam là đối tác thương mại mà Hà Lan đặt trọng tâm trong 25 quốc gia đối tác. Đầu tư Hà Lan vào Việt Nam đồng nghĩa với việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương, cụ thể tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hà Lan/EU để hưởng ưu đãi từ EVFTA. Đặc biệt, với mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch, xanh đến năm 2037, Hà Lan chỉ giữ lại những ngành sản xuất hàng hóa có giá trị cao, dịch chuyển đầu tư sản xuất xuất khẩu sang các nước có giá nhiên liệu, nhân công rẻ hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!

          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa: Duy Kiên
Thiết kế: Hoàng Phương

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí