Những lợi thế của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước CPTPP

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường Đại học Thương mại)

Tóm tắt:
CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng lưu chuyển vốn đầu tư giữa các nước thành viên, đặc biệt là dòng vốn đầu tư từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển trong khối. Để có thể thu hút hiệu quả các dòng vốn đầu tư này, mỗi nước sẽ cần phải phát huy những lợi thế riêng có của mình. Đối với Việt Nam, chúng ta có những lợi thế nào so với các nước thành viên khác trong thu hút đầu tư? Bài viết sẽ phân tích những yếu tố chính trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập CPTPP và đưa ra một số đề xuất nhằm phát huy những lợi thế này.
Từ khóa: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lợi thế trong thu hút FDI, CPTPP.

1. Khái quát về CPTPP và những thay đổi so với TPP
Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước đây là Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) liên kết 11 nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Pêru, Singapore và Việt Nam. CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với GDP chiếm gần 13,5% và thương mại chiếm 15,2% tổng GDP và kim ngạch thương mại toàn cầu. Hiệp định hướng tới các mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn, cũng như đặt ra các tiêu chuẩn mới, cao hơn cho thương mại trong khu vực.
Về nội dung cơ bản của CPTPP được dựa trên cơ sở TPP, 2/3 trong số 30 chương của CPTPP trùng với TPP, 22 điều khoản từ TPP, liên quan đến việc dành những vấn đề ưu tiên cho Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán ban đầu nhưng không được hỗ trợ tương tự giữa các quốc gia khác của TPP, đã bị loại bỏ hoặc thay đổi theo cách khác. CPTPP có nhiều sửa đổi trong các chương đầu tư và sở hữu trí tuệ (IP) so với TPP. Theo đó, CPTPP sẽ kéo dài thời gian cho các nước thành viên trong việc thực thi các cam kết để các nước có thể điều chỉnh luật và thực tiễn. CPTPP cũng đình chỉ thời hạn của một bản quyền trong trường hợp sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép. Các thành viên của Hiệp định sẽ không phải gia hạn thời hạn bảo hộ từ 50 đến 70 năm. Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các chính phủ và các nhà đầu tư, CPTPP thu hẹp được cơ chế sẵn có cho các nhà đầu tư nước ngoài kiện nước chủ nhà.
CPTPP sẽ chính thức trở thành một khu kinh tế lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương với dân số trên 460 triệu người, đóng góp 14% GDP thế giới và 1/6 thương mại toàn cầu. Thỏa thuận dự kiến sẽ thiết lập một khuôn khổ chung mới cho các thỏa thuận tự do thương mại khu vực đối với các nước Châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy cải cách thể chế ở những nước này. Với các cam kết đã được công bố, CPTPP được coi là một Hiệp định mẫu cho thế kỷ 21 vì quy mô và ảnh hưởng của nó so với các hiệp định thương mại khác trong khu vực và thế giới.
2. Các yếu tố hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài - tiếp cận lý thuyết
Đã có nhiều nghiên cứu phân tích các yếu tố quyết định mức độ dịch chuyển của dòng vốn FDI (Artige & Nicolinie 2006, Meon & Sekkai 2007, Bevan & Estrin 2000, Peter 2001). Theo đó, nghiên cứu của Peter (2001) chỉ ra rằng 4 nhóm chỉ số chính của nước tiếp nhận có tác động đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư, bao gồm: chỉ số quốc gia, chỉ số thể chế, chỉ số kinh tế và chỉ số ngành (Bảng 1). Tầm quan trọng hay thứ tự lựa chọn ưu tiên về các yếu tố hấp dẫn đầu tư có thể thay đổi tùy thuộc vào thế mạnh của nhhà đầu tư và mục tiêu đầu tư. Xét về mức độ ưu tiên, trước hết nhà đầu tư sẽ quan tâm đến nhóm các yếu tố thuộc chỉ số về thể chế bao gồm: sự ổn định về chính trị, luật và các định chế và việc thực thi chính sách pháp luật. Đối với nhóm các chỉ số khác, các yếu tố thường được xếp thứ tự lựa chọn ưu tiên gồm quy mô thị trường và mức thu nhập thực, kỹ năng của nền kinh tế chủ nhà, sự sẵn có của cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác tạo điều kiện cho chuyên môn hoá sản xuất, chính sách thương mại, ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô. Xét theo góc độ kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư chủ yếu bị thu hút bởi các nền tảng kinh tế mạnh trong các nền kinh tế chủ nhà. Thế nhưng, tùy theo mục đích tìm kiếm mà các yếu tố sẽ có thứ tự ưu tiên khác nhau. Chẳng hạn, với mục đích tìm kiếm thị trường, những yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm bao gồm: quy mô của thị trường, độ mở của nền kinh tế, liên kết thị trường khu vực... Với mục đích tìm kiếm nguồn lực, nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố về cơ sở hạ tầng, khoảng cách địa lý, các nguồn tài nguyên, chi phí lao động và năng suất, các chính sách khuyến khích... [UNTAD 1998,
Dunning, 1993]. Các yếu tố liên quan đến các khoản chi phí không chính thức (do tham nhũng và thủ tục hành chính...) cũng là những yếu tố tác động đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, các yếu tố như đặc điểm thị trường, chi phí sản xuất tương đối và tính sẵn có của nguồn lực giải thích phần lớn sự khác biệt giữa các quốc gia trong thu hút dòng FDI (Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Thị Minh Phương (2016).
3. Lợi thế của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên CPTPP
Các nước thành viên CPTPP được chia thành 2 nhóm: nhóm các nước phát triển (Canada, Nhật, Newzealand, Singapore, Australia) và nhóm các nước đang phát triển (Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam). Trong đó, các nước phát triển được xem là những quốc gia dồi dào tương đối về vốn, trong khi các nước đang phát triển lại khan hiếm tương đối về vốn. CPTPP được kỳ vọng là tạo ra một sự dịch chuyển vốn mạnh mẽ hơn từ nhóm các nước phát triển sang các nước đang phát triển trong nội khối. Khi đó, giữa các nước đang phát triển trong CPTPP sẽ có sự cạnh tranh nhất định trong thu hút các dòng FDI.
So với các nước đang phát triển trong CPTPP, các lợi thế Việt Nam có được trong thu hút vốn đầu tư được phân tích dựa trên các chỉ số hấp dẫn đầu tư như sau:
* Về chỉ số quốc gia, các yếu tố chính Việt Nam có lợi thế bao gồm: Quy mô thị trường, khoảng cách địa lý và liên kết thị trường khu vực.
Quy mô thị trường. Với dân số trên 90 triệu người và sức mua được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững trong những năm tới. Sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu trong những năm qua cũng là một điểm quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành tiêu dùng và bán lẻ. Đây cũng là động lực chính trong việc biến thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay.
Liên kết thị trường khu vực. Việt Nam đã và đang đàm phán để ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, vì thế sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam được hưởng các mức thuế xuất nhập khẩu hàng hóa tốt nhất. So với các nước đang phát triển là thành viên của CPTPP, Việt Nam là một trong những nước ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương có ý nghĩa quan trọng, như Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (hiệu lực vào năm 2018), trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC),... Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiếp tục tham gia đàm phán trong nhiều thỏa thuận thương mại khác. Cho đến nay, Việt Nam đã có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong năm 2017. Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Khoảng cách địa lý. Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi giữa trung tâm khu vực Đông Á với nhiều nền kinh tế lớn, năng động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Trung Quốc. Vị địa chính trị của Việt Nam không những thuận lợi cho quốc gia trong các giao dịch kinh tế quốc tế mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm kết nối của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và kết nối khu vực này với các các nền kinh tế ở khu vực phía Tây Bán đảo Đông Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển các cảng nước sâu và như giao thương toàn cầu khi sở hữu hơn 3.000 km bờ biển.
* Chỉ số lợi thế, lợi thế của Việt Nam có được từ các yếu tố về sự ổn định chính trị và các chính sách khuyến khích FDI.
Sự ổn định chính trị. Thực tế, sự mất ổn định về chính trị bao giờ cũng là mối quan ngại đầu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang duy trì được sự ổn định chính trị-xã hội trong nhiều năm. Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chính sự ổn định kinh tế và chính trị của Việt Nam là yếu tố hàng đầu hấp dẫn nhà đầu tư.
Các chính sách khuyến khích đầu tư. Ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất,… Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước đã và sắp thoái vốn là những điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang kiện toàn một cách toàn diện môi trường đầu tư kinh doanh, bao gồm luật pháp và các định chế xã hội cũng như tăng cường hiệu quả thực thi chính sách. Theo đó, hệ thống pháp luật, chính sách và thể chế điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Đặc biệt, những thay đổi mang tính đột phá của Luật Đầu tư đã (1) tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân; (2) rà soát, loại bỏ các ngành nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng; (3) củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo đảm đầu tư phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (4) tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; (5) hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư; và (6) hoàn thiện chế độ phân cấp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
* Chỉ số kinh tế của Việt Nam là một trong những điểm nổi bật trong số các chỉ số hấp dẫn FDI. Trong đó phải kể đến 2 nhóm yếu tố hấp dẫn đầu tư gồm: ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế, chi phí lao động và năng suất. Ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực tế phát triển và năng động nhất thế giới hiện nay. Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao so với bình quân của thế giới và các nước CPTPP (Biểu đồ 1). Mặc dù liên tục phải đối mặt với những bất ổn và thách thức khi kinh tế thế giới trải qua giai đoạn suy thoái khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 6%/năm. Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn sắp tới là 7%.
Tốc độ tăng trưởng cao và ổn định qua nhiều năm luôn là một yếu tố quan trọng hấp dẫn đầu tư nước ngoài và vì vậy tỷ lệ tăng trưởng cao so với các nước trong CPTPP giúp Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam cũng duy trì sự ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Tỷ lệ lạm phát những năm gần đây được kiểm soát tốt ở mức dưới 5%. Tỷ giá ngoại hối luôn được duy trì ở mức ổn định, không có những biến động bất thường ảnh hưởng đến kinh tế. Tăng trưởng tín dụng cũng được kiểm soát chặt chẽ. Chi phí lao động và năng suất. Khi xét lợi thế về lao động, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ hai trong khối CPTPP (sau Brunei) do có lợi thế về thị trường lao động dồi dào, chi phí thấp. Với hơn 90 triệu dân và số người ở độ tuổi lao động chiếm 51% dân số cả nước, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng về cơ cấu dân số. Đây là nguồn lao động trẻ, khỏe, năng động, có tiềm năng và khả năng tiếp thu kiến thức tiên tiến để đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tri thức.
Với mức giá lao động rẻ khoảng 1 USD/giờ, thấp hơn hẳn so với quốc gia trong khu vực nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các quốc gia trong khối (Biểu đồ 2). Các nhà đầu tư cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam có thể thấp hơn so với một số nước phát triển, nhưng nếu xét trong mối tương quan với giá lao động của Việt Nam thì chi phí lao động tính trên sản phẩm vẫn thuộc loại rẻ. Chẳng hạn, năng suất lao động của công nhân tại Nhà máy Samsung Việt Nam bằng 80% so với Hàn Quốc, trong khi về chi phí lao động Việt Nam chỉ bằng 20% chi phí tại Hàn Quốc. Nguồn lao động trẻ và giá rẻ của Việt Nam được cho rằng sẽ trở thành “thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư quốc tế”.
* Về chỉ số ngành:
Ngoài những ngành truyền thống Việt Nam có lợi thế là Dệt may, Da giày, Thủy sản thì các ngành công nghiệp Điện tử và Công nghệ cao cũng là những ngành chúng ta có lợi thế trong thu hút vốn đầu tư từ các nước phát triển trong CPTPP. Bên cạnh đó, trong mấy năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được coi là thế mạnh trong thu hút FDI. Tính đến 2017, lĩnh vực này thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam).
4. Một số khuyến nghị
Với những lợi thế trên đây của Việt Nam sẽ là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế trong thu hút FDI, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như sau:
Một là, hoàn thiện thể chế để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập nói chung và hội nhập CPTPP nói riêng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được kinh doanh trong một môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.
Hai là, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành và sản phẩm (Năm 2017, thứ hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu ở cấp độ quốc gia Việt Nam là 61 đứng thứ 9 trong số 11 nước thành viên CPTPP (trên Peru)). Đồng thời thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Ba là, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng mềm như tri thức, nguồn nhân lực.
Tài liệu tham khảo:
1. Như Bùi (2017), Việt Nam tại ngưỡng cửa TPP - Góc nhìn chiến lược.
2. Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Thị Minh Phương (2016), Dự báo tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tới đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 32, Số 1 (2016) 1-10.
3. Dunning, J. H., Multinational Enterprises and the Global Economy, Harlow, Essex: Addison Wesley publishing Co, 1993.
4. Peter Nunnenkamp (2001), Foreign direct investment in developing countries: What policymakers should not do and what economists don't know, Kieler Diskussionsbeitrge, No. 380,http://hdl.handle.net/10419/2616
5. UNCTAD, World Investment Report 1998: Trends and Determinants, New York and Geneva: United Nations, 1998.

VIETNAM'S ADVANTAGES IN ATTRACTING FOREIGN DIRECT INVESTMENT FROM CPTPP COUNTRIES

PhD. NGUYEN THI THU HIEN

Thuongmai University

ABSTRACT:

The CPTPP is expected to promote the flow of foreign direct investment among the members, especially flows from developed countries to developing countries. In order to attract these flows of capital effectively, each country will need to develop its own advantages. For Vietnam, what are the advantages compared to other CPTPP members in attracting investment? The paper will analyze the main factors in attracting foreign direct investment in Vietnam in the context of CPTPP integration and make some recommendations to promote these advantages.

Keywords: Foreign direct investment, advantages in FDI attraction, CPTPP.