7 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,12% so cùng kỳ

Bình quân 7 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê ngày 29/7 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,58%.

Diễn biến giá tiêu dùng một số nhóm hàng chính trong tháng 7

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm bưu chính viễn thông giá giảm 0,12%.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7/2023 tăng 0,63% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,31%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,79%, tác động tăng 0,17 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm.

Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 7/2023 tăng 0,31% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,24% (Gạo tẻ thường tăng 0,28%, gạo tẻ ngon tăng 0,14%, gạo nếp tăng 0,1%). Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, các quốc gia tích cực thu mua gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 13.000-16.700 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.500-22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.000-20.900 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-34.800 đồng/kg. Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến như giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,49%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 0,36%.

giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần.

Tương tự nhóm lương thực, giá thực phẩm tháng 7/2023 tăng 0,79% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 2,7% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa du lịch, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.

Tính đến ngày 25/7/2023, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 59.000-64.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo đó, giá mỡ động vật tăng 5,14% so với tháng trước; giá thịt chế biến tăng 1,07%, trong đó thịt quay, giò chả tăng 1,19% và thịt chế biến khác tăng 0,22%.

Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp nghỉ hè du lịch, cùng với giá điện tăng đã tác động đến giá một số mặt hàng như: Giá thịt gia cầm tăng 0,57% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 0,46%; giá thịt gia cầm khác tăng 0,94%. Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,14%, trong đó giá cá tăng 0,67%; giá thủy sản chế biến tăng 0,21%.

Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,43% so với tháng trước; đường, mật tăng 0,8%; sữa, bơ, pho mát tăng 0,31%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,17%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,38% do nhu cầu tiêu dùng tăng và giá đường thế giới duy trì ở mức cao.

Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,69% so với tháng trước, chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, một số loại rau, củ hết mùa, trong khi nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng cao theo mùa du lịch. Trong đó, giá bắp cải tăng 6,06%; su hào tăng 4,14%; cà chua tăng 2,62%; rau gia vị tăng 2,56%; khoai tây tăng 2,02%; đỗ quả tươi tăng 1,3%.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, một số mặt hàng thực phẩm trong tháng có giá giảm so với tháng trước như giá quả tươi, chế biến giảm 1,74% so với tháng trước do vào mùa thu hoạch nên nguồn cung các loại quả dồi dào; giá dầu thực vật tháng 7/2023 giảm 0,33% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào khi giá dầu thực vật trên thế giới giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023.

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 7/2023 tăng 0,39% so với tháng trước do tháng Bảy là tháng cao điểm du lịch. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình và uống ngoài gia đình cùng tăng 0,4% so với tháng trước; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,32%.

giá tiêu dùng tháng 7
(Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 7/2023 tăng 0,22% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè. Cụ thể, giá nước uống tăng lực  tăng 0,56% so với tháng trước; nước quả ép tăng 0,3%; nước khoáng tăng 0,16%; rượu bia tăng 0,25% và thuốc hút tăng 0,21%.

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 7/2023 tăng 0,18% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm vào mùa hè tăng. Trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,2%; giày dép tăng 0,11%; dịch vụ may mặc tăng 0,29%; dịch vụ giày dép tăng 0,6%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 7/2023 tăng 0,51% so với tháng trước do các nguyên nhân chủ yếu giá điện sinh hoạt tháng 7 tăng 3,87% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt tăng 0,47%. Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29% do công sơn tường, lát gạch, xây tường và công lao động phổ thông tăng. Giá dầu hỏa tăng 3,44% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như: Giá gas giảm 4,66% so với tháng trước do từ ngày 01/7/2023, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 18.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 57,5 USD/tấn (từ mức 445 USD/tấn xuống mức 387,5 USD/tấn); giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,19% chủ yếu do giá thép giảm theo nhu cầu xuống thấp của thị trường.

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 7/2023 tăng 0,15% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá máy xay sinh tố, ép hoa quả tăng 0,53%; máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,41%; lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 0,35%; hàng thủy tinh, đồ sành sứ tăng 0,22%; … Ở chiều ngược lại, giá máy đánh trứng, trộn đa năng giảm 1,4% so với tháng trước; máy vi tính và phụ kiện giảm 0,92% so với tháng trước; tủ lạnh giảm 0,25%; máy giặt giảm 0,22%.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7/2023 tăng 0,11% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 5,5% so với tháng trước do đang mùa cao điểm du lịch, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 26,17%; đường sắt tăng 3,96%; taxi tăng 0,09%; xe buýt tăng 0,02%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,53%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 7/2023 giảm 0,11% so với bình quân tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước trong tháng.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 7 tăng 0,19% so với tháng trước chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 0,58%; du lịch ngoài nước tăng 0,49% và khách sạn, nhà khách tăng 0,14% khi nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp hè. Đồng thời, giá dịch vụ thể thao trong tháng tăng 0,23% so với tháng trước; thiết bị văn hóa tăng 0,19%; thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,15% do nhu cầu tăng trong dịp hè.

Tháng 7/2023, chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bao gồm đồ dùng và dịch vụ phục vụ cá nhân, dịch vụ về hiếu, hỉ, dịch vụ bảo hiểm y tế, bảo hiểm giao thông, dịch vụ môi giới, tài chính, dịch vụ vệ sinh môi trường… tăng 2,84% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,86%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,37%; đồ dùng cá nhân tăng 0,14%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 0,12%.

Giá vàng trong nước tháng 7 biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/7/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.951,89 USD/ounce, giảm 0,62% so với tháng 6/2023 do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm gây áp lực lên giá vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2023 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 3,27% so với tháng 12/2022; tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 1,06%.

Về chỉ số giá USD trong tháng 7, giá đồng USD trên thế giới biến động tăng, giảm đan xen khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt và ảnh hưởng của các thông tin tích cực từ thị trường lao động Mỹ. Tính đến ngày 25/7/2023, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 101,07 điểm, giảm 1,86% so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.787 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 7/2023 tăng 0,53% so với tháng trước; giảm 1,71% so với tháng 12/2022; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 2,39%.

So với tháng 7/2022 năm trước, CPI tháng 7/2023 tăng 2,06%.

Xem thêm các bài viết về giá hàng hóa đăng tải trên Tạp chí Công Thương tại đây.

CPI 7 thang
(Nguồn: Tổng cục Thống kê).

CPI từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần

Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 01 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, sang tháng 7 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 02/2023 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7/2023. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, các yếu tố làm tăng CPI trong 7 tháng qua có thể kể đến chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 7 tháng tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, tác động làm CPI tăng 0,47 điểm phần trăm. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,24 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Giá gạo trong nước tăng 2,4% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 0,13%, chủ yếu do từ tháng 7/2023 dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,45% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,16 điểm phần trăm. Chỉ số giá vé máy bay tăng 67,87%; giá vé tàu hỏa tăng 31,34%; giá vé ô tô khách tăng 9,83% do nhu cầu đi du lịch trong dịp Lễ, Tết, dịp hè của người dân tăng.

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,34%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI tăng 0,71 điểm phần trăm. Giá điện sinh hoạt tăng 3,79% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 04/5/2023, tác động làm CPI tăng 0,13 điểm phần trăm.

Ngược lại, các yếu tố làm giảm CPI trong 7 tháng qua bao gồm: Bình quân 7 tháng năm 2023, giá dầu hỏa giảm 12,41% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm 19,32% theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,7 điểm phần trăm; giá gas trong nước giảm 11,44% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,17 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,45% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.

lam phat 7 thang
(Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản”, Tổng cục Thống kê lý giải.

Việt Hằng