An Giang: Tình yêu hàng Việt ngày càng được nhân rộng

Nhiều năm qua, nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, hàng Việt đã có chỗ đứng vững chắc và ngày càng được người dân An Giang tin dùng.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết: Thời gian qua, công tác tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân với hàng Việt. Sở Công Thương An Giang cũng chú trọng hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp (DN), các nhà sản xuất tích cực tham gia việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý cùng với chất lượng dịch vụ, bán hàng tốt để mở rộng thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng

hàng Việt
Hàng Việt đã có chỗ đứng vững chắc và ngày càng được người dân An Giang tin dùng.

Sở cũng phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa theo phương thức truyền thống và hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, phân phối và tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm Việt Nam. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử; triển khai đồng bộ, linh hoạt các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm bán hàng Việt Nam. Tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam; tuyên truyền giới thiệu các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”…

Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp trong tỉnh tổ chức tuyên truyền 5.229 cuộc, trên 126.154 lượt người tham dự. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp Sở Công Thương, UBND TX. Tịnh Biên tổ chức lễ phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình “100 chuyến hàng Việt về nông thôn” (đã tổ chức 40 chuyến), doanh số trên 350 triệu đồng, thu hút trên 45.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm…

hàng Việt
Các đại biểu tham quan gian hàng Việt lưu động

Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường được đẩy mạnh, góp phần bình ổn thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tiếc Hùng Chủ tịch MTTQ tỉnh An Giang cho biết: “Năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN Việt Nam và toàn xã hội tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng sản xuất trong tỉnh, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) địa phương. Tỉnh hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất - kinh doanh, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng”.

hàng Việt
Kết nối giao thương tiêu thụ hàng Việt của tỉnh tới các thị trường trong nước

Để cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống, tỉnh An Giang kêu gọi DN hàng Việt tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường phiên chợ, hội chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn để người dân nông thôn tiếp cận hàng hóa thương hiệu Việt chất lượng. Các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, tiếp tục hưởng ứng bằng hành động thiết thực, ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của DN Việt Nam.

Đưa hàng trăm chuyến hàng Việt về nông thôn

Các DN ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích của người tiêu dùng nên đã mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng ngày càng cao với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp rất tích cực kết nối để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Điển hình là Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” do Sở Công Thương An Giang phối hợp với Siêu thị Tứ Sơn tổ chức.

hàng Việt
Hàng trăm chuyến hàng của siêu thị Tứ Sơn giúp người dân nông thôn được tiếp cận, lựa chọn, mua sắm hàng Việt Nam chất lượng

Năm 2022, đã tổ chức được 99 chuyến xe “Đưa hàng Việt về nông thôn”, thu hút trên 150.000 lượt người dân tham quan, mua sắm, doanh số bán hàng gần 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn tổ chức nhiều chuyến hàng phục vụ người dân.

Năm 2023, Sở Công Thương an Giang tiếp tục phối hợp với Siêu thị Tứ Sơn tổ chức 100 chuyến hàng Việt về nông thôn bằng hình thức lưu động. Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) Tạ Minh Sơn chia sẻ: “13 năm đồng hành với hàng Việt về nông thôn, chúng tôi góp phần nâng cao nhận thức người tiêu dùng về việc mua sắm, sử dụng hàng Việt. Hàng trăm chuyến hàng của siêu thị Tứ Sơn giúp người dân nông thôn được tiếp cận, lựa chọn, mua sắm hàng Việt Nam chất lượng, giá cả phù hợp thu nhập; chung tay ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”.

hang Việt
Năm 2023, đã có 100 chuyến hàng Việt về nông thôn bằng hình thức lưu động

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức theo 2 hình thức là phiên chợ và các chuyến bán hàng lưu động.

Các phiên chợ được bày bán nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con như: hàng thời trang may mặc, nhựa gia dụng, giống cây trồng, thực phẩm… có nguồn gốc trong nước, chất lượng đảm bảo. Các phiên chợ không chỉ là cơ hội cho người dân tiếp cận với hàng Việt với giá cả phải chăng mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua các phiên chợ, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ có đánh giá đầy đủ, tốt nhất về thị trường địa phương, doanh nghiệp sẽ trực tiếp biết được ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, từ đó có điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Qua đó, tạo được ấn tượng rất tốt cho người tiêu dùng nông thôn đối với hàng Việt, bởi giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, phong phú. Người tiêu dùng nông thôn biết, tiếp cận, sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt. Hoạt động này cũng tạo thêm nhiều động lực cho DN tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

 

Nguyên Vỵ