An Phát Holdings: Dự kiến đưa Nhà máy PBAT vào hoạt động năm nay, kỳ vọng lợi nhuận tăng hơn 6 lần

Trong năm nay, An Phát Holdings đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 630% so với năm ngoái và dự kiến đưa Nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT vào hoạt động.
Tập đoàn An Phát Holdings kỳ vọng lợi nhuận năm 2023 sẽ tăng đột biến
An Phát Holdings sẽ tập trung vào hai mũi nhọn là sản phẩm xanh và bất động sản khu công nghiệp trong năm nay với kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng gấp 6,3 lần so với năm 2022.

Theo Tài liệu họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023 vừa được công bố, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (mã chứng khoán: APH – sàn: HoSE) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay ở mức 14.900 tỷ đồng, tăng 14% so với mức thực hiện năm 2022, và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 420 tỷ đồng, tăng 630% so với năm ngoái.

Trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế của An Phát Holdings giảm tới 76% so với năm 2021 do ghi nhận khoản lỗ lớn từ hoạt động liên doanh liên kết.

Về định hướng kinh doanh, An Phát Holdings cho biết sẽ tập trung vào hai mũi nhọn là sản phẩm xanh và bất động sản khu công nghiệp, và mở rộng thị trường sang các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhựa xây dựng trong năm nay. Cụ thể:

Đối với mảng nguyên liệu sinh học, An Phát Holdings sẽ ưu tiên các nguồn lực triển khai dự án trọng điểm Nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT trong năm nay. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi giá trị nguyên vật liệu và sản phẩm sinh học. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ đưa Tập đoàn An Phát Holdings lọt Top 4 nhà cung cấp PBAT lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, việc chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ giúp An Phát Holdings tiết kiệm được 20-30% chi phí sản xuất các thành phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại các đơn vị thành viên, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Đối với mảng bao bì, An Phát Holdings sẽ tối ưu danh mục sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang sản phẩm bao bì tự hủy sinh học, bao bì công nghiệp vốn có biên lợi nhuận cao. Các thị trường trọng tâm của mảng này sẽ là thị trường nội địa Việt Nam, Hoa Kỳ và châu Âu.

An Phát Holdings hiện đặt mục tiêu doanh thu từ bao bì tự hủy sẽ đóng góp 40-50% trong doanh thu. Bên cạnh đó, mảng bao bì công nghiệp sẽ dự kiến đóng góp 10% tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mảng bao bì. Nhà máy An Vinh sẽ được nâng công suất hoạt động lên 100%, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động và biên lợi nhuận mảng kinh doanh này.

Giá cổ phiếu APH của Tập đoàn An Phát Holdings
 Diễn biến giá cổ phiếu APH của Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings kể từ khi chính thức được niêm yết trên sàn HoSE (28/07/2020) đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Đối với mảng bất động sản công nghiệp, An Phát Holdings cho biết trong năm nay dự kiến sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu lợi nhuận khai thác mới Khu công nghiệp An Phát 1. Mảng khu công nghiệp dự kiến sẽ đóng góp 1500 tỷ doanh thu và 440 tỷ lợi nhuận cho Tập đoàn trong năm 2023.

Đối với mảng nguyên vật liệu ngành nhựa, Công ty Cổ phần An Tiến Industries (mã chứng khoán: HII - sàn: HoSE) sẽ đầu tư thêm máy móc để nâng công suất nhà máy sản xuất hạt nhựa phụ gia, triển khai mở rộng và tối ưu quản lý kho. An Tiến Industries hiện là Top 2 đơn vị thương mại hạt nhựa tại Việt Nam.

Đối với mảng công nghiệp hỗ trợ và nhựa xây dựng, An Phát Holdings kỳ vọng mảng nhựa xây dựng với sản phẩm tấm ốp sàn SPC chiến lược được hợp nhất từ cuối năm 2020 sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của Tập đoàn. Hoa Kỳ sẽ là thị trường trọng tâm của mảng này.

An Phát Holdings sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh trên tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 8/5/2023 tại Hải Dương.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 17/4, giá cổ phiếu APH của An Phát Holdings giảm 0,53%, đạt 7.520 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu APH đạt hơn 1,65 triệu đơn vị.

Duy Quang