Áp quy chuẩn mới, trạm dừng nghỉ phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2

Theo quy chuẩn mới, trạm dừng nghỉ trên cao tốc chia làm bốn loại và các hạng mục công trình bắt buộc phải có diện tích tối thiểu là 10.000 m2, 5.000 m2, 3.000 m2 và 1.000 m2
ban hanh quy chuan tram dung nghi
Theo quy chuẩn mới, trạm dừng nghỉ trên cao tốc chia làm bốn loại và các hạng mục công trình bắt buộc phải có diện tích tối thiểu là 10.000 m2

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 09/2024 sửa đổi QCVN:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó có nhiều quy định mới về xây dựng trạm dừng nghỉ đường bộ.

Trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống trạm dừng nghỉ phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo quy chuẩn mới, trạm dừng nghỉ đường bộ chia làm 4 loại và các hạng mục công trình bắt buộc phải có: Diện tích tối thiểu là 10.000 m2, 5.000 m2, 3.000 m2 và 1.000 m2, trong đó khu vực đỗ xe quy định diện tích tối thiểu dành cho khu đỗ xe chiếm 50% diện tích tối thiểu của trạm. Các trạm dừng nghỉ này phải có khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; trạm cấp nhiên liệu; khu vệ sinh, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thhông…

Diện tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và cho xe ô tô con là 25 m2. Có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe. Có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25 m2 theo QCVN 07:2010/BXD.

Đường lưu thông trong trạm dừng nghỉ phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường; có bán kính quay xe phù hợp (nhưng bán kính tối thiểu không nhỏ hơn 10 m tính theo tim đường) được quy định tại QCVN 07:2010/BXD để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực trạm dừng nghỉ.

Thông tư 09/2024/TT-BGTVT bổ sung một số điểm mới như: Bổ sung khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện; trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng...

Thông tư 09/2024/TT-BGTVT cũng sửa đổi, bổ sung quy định về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Theo đó, đối với trạm dừng nghỉ có xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phải có hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Có biện pháp giảm thiểu bụi khí thải, hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt ảnh hưởng đến môi trường xung quanh theo quy định tại QCXDVN 05:2008/BXD.

Ngoài ra, Thông tư 09 cũng sửa đổi quy định về điểm đấu nối của đường ra vào trạm dừng nghỉ với đường bộ phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-GP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2024. Các trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào khai thác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn này trước ngày 1/1/2027.

Thanh An