Bất chấp các rủi ro tài chính, Châu Âu có thể tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát

Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - ông Boris Vujcic vừa cho biết ECB cần tiếp tục tăng lãi suất và duy trì lãi suất cao ở thời gian lâu hơn do áp lực lạm phát tại châu Âu vẫn còn quá cao.
ECB có thể tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát
 Tình trạng lạm phát cao dai dẳng có thể buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất và duy trì nền lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn các dự báo trước đây nhằm xử lý triệt để rủi ro lạm phát. (Ảnh: Bloomberg)

“Lạm phát đang giảm, nhưng cơ bản vẫn ở mức cao. ECB không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất. Chúng tôi sẽ phải làm điều này cho đến khi xu hướng lạm phát thực sự thay đổi”, ông Boris Vujcic nhấn mạnh.

ECB sẽ tiến hành họp định kỳ vào ngày 3/5 (theo giờ địa phương) nhằm quyết định chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Thị trường hiện dự báo ECB sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm hoặc 50 điểm phần trăm.

Dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ ở mức 0,1% so với quý 4/2022 do ảnh hưởng bởi lạm phát cao và lãi suất tăng. Đáng chú ý, lạm phát (trên cơ sở hàng năm) của khu vực Eurozone trong quý 1/2023 là 6,9%, cao hơn gấp nhiều lần so với mức mục tiêu 2% của ECB và có dấu hiệu kéo dài dai dẳng.

Trong đó, lạm phát trong tháng 3/2023 tại nhiều quốc gia thành viên Eurozone vẫn vượt mức 10%, như: Latvia (17,3%), Lithuania (15,2%) và Slovakia (14,8%). Một số chuyên gia phân tích cảnh báo kỳ vọng lạm phát tại Eurozone vẫng đang ở mức cao.

Theo ông Boris Vujcic, việc tăng lãi suất để giảm lạm phát sẽ khiến nền kinh tế gánh chịu một số khoản chi phí nhưng những chi phí này sẽ thấp hơn nếu ECB hành động dứt khoát, không để lạm phát tăng theo kỳ vọng và lãi suất sẽ cần phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn để xử lý triệt để rủi ro từ lạm phát.

Giữa tháng 3 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản bất chấp một số kêu gọi tạm dừng tăng lãi suất trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ lan sang khu vực châu Âu. Đầu tháng 4, một số thành viên ECB đã cảnh báo về nguy cơ tác động dây chuyền từ đổ vỡ của một số ngân hàng đến toàn bộ nền kinh tế trong quá trình giải quyết lạm phát.

Một số lãnh đạo ECB khác có quan điểm trái ngược với ông  Boris Vujcic. Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Áo Robert Holzmann, ECB cần quan tâm đến việc lạm phát cao kéo dài dai dẳng nhưng đó “không phải là điều duy nhất cần để ý” khi các điều kiện tài chính bị thắt chặt đáng kể làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình và doanh nghiệp trên thị trường.

Thống đốc Ngân hàng Italy Ignazio Visco cũng cho rằng mặc dù rủi ro bất ổn tài chính chưa quá rõ ràng tại khu vực Eurozone nhưng đây là một trong những yếu tố làm gia tăng rủi ro suy giảm triển vọng kinh tế châu Âu thời gian tới.

Theo ông Ignazio Visco, các ngân hàng tại châu Âu hầu hết có năng lực tài chính tốt và thanh khoản dồi dào. Do đó, ông Ignazio Visco kêu gọi ECB cần kiên nhẫn trong việc đánh giá tác động của lãi suất đến lạm phát, nhất là khi các điều kiện tín dụng đã được “thắt chặt đáng kể”.

Trong một diễn biến khác, ngành ngân hàng Hoa Kỳ vừa chứng kiến thêm 1 vụ phá sản khi ngân hàng First Republic Bank tại Hoa Kỳ tuyên bố đóng cửa và để JPMorgan Chase mua lại trong 1 thoả thuận được chính phủ dẫn dắt. First Republic Bank là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử Hoa Kỳ, và đây cũng là ngân hàng khu vực (regional bank) thứ 4 phá sản chỉ trong gần 2 tháng qua. Trong tháng 3 vừa qua, liên tiếp 3 ngân hàng tại Hoa Kỳ đã phá sản, bao gồm Silicon Valley Bank - định chế tài chính lớn thứ 17 tại Hoa Kỳ.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất ở mức nhanh và mạnh chưa từng có tiền lệ nhằm chống làm phát được xem là nguyên nhân chính khiến First Republic Bank và Silicon Valley Bank phá sản. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank sau đó đã kéo theo cuộc khủng hoảng của ngân hàng thương mại lớn thứ hai Thuỵ Sĩ - Credit Suisse.

Quỳnh Trang