BIDV dành 3.000 tỷ đồng hỗ trợ DN Việt Nam XK hàng hóa sang Liên bang Nga

Chiều ngày 29/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố và Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (BIDV), tổ chức buổi Tọa đàm “ Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư – thương mại vào Li

      Đến tham dự, có ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố; ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV. Đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, lãnh đạo các Cục, vụ thuộc Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính. Các Sở Ngoại vụ, Công thương, Kế hoạch Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến thương mại, đại diện các Hiệp hội ngành hàng và hơn 60 doanh nghiệp lớn có liên quan.

    Mục tiêu của buổi Tọa đàm, nhằm đánh giá cơ hội tiềm năng trong quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam và Liên bang Nga trong tình hình hiện nay; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại vào thị trường Liên bang Nga đón đầu các cơ hội, hội nhập kinh tế quốc tế; Tình hình Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác chiến lược thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định thương mại tự do FTA, Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhtsan).

    Phát biểu tại buổi khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nhận định, Việt Nam và Liên bang Nga là hai nước có truyền thống quan hệ hợp tác hữu nghị và toàn diện từ thời Liên Xô, hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức ngày 30/1/1950. Do những biến động của lịch sử, quan hệ hợp tác phát triển toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại được gia tăng trở lại kể từ sau chuyến thăm  Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 3/2001, trong chuyến thăm này, hai bên đã ra được tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược và cũng đã ký nhiều hiệp định hợp tác về các lĩnh vực khác nhau.

  Trong những năm gần đây, hai bên đã trao đổi một cách thường xuyên hơn giữa các đoàn lãnh đạo cấp cao, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, cùng nhau cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư và XNK hàng hóa giữa hai nước.

   Nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào cuối tháng 7/2012, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam với Liên bang Nga.  

  Theo đó, cùng với sự phát triển tốt đẹp về quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, giữa hai nước đã thu được nhiều kết quả quan trọng tích cực, trong đó quan hệ thương mại hai chiều tăng trưởng ổn định ở mức khá cao.

 Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trong năm 2013 đã đạt 2,76 tỷ USD, tăng 12,61%. Trong XK của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 1,91 tỷ USD, tăng 17,69% và nhập khẩu từ Nga đạt 853 triệu USD, tăng 2,7%.

  Về đầu tư, tính đến hết tháng 6/2014, dự án đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga tại Việt Nam, có tổng số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, với 101 dự án, xếp thứ 18 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, các dự án đầu tư của Nga, đầu tư chủ yếu vào dầu khí và năng lượng, công nghiệp cao, chế tạo, khai khoán, giao thông, vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản...

  Hiện nay, Liên bang Nga là nước đứng thứ 3, trong số các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 17 dự án với tổng số vốn đầu tư là 2,47 tỷ USD, chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, chế biến thực phẩm, may mặc và giày dép.     

  Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP chia sẽ về sự hợp tác giữa TP với Liên Bang Nga

  Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, trong thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên Bang Nga, đã không ngừng phát triển tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 nước.

  Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thành phố xem việc mở rộng hợp tác quốc tế tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, tăng cường giao thương với các nước trên thế giới, là một kênh rất quan trọng để thành phố Hồ Chí Minh phát triển.

   Trong khuôn khổ hợp tác phát triển giữa thành phố Hồ Chí Minh và Liên bang Nga, thành phố luôn là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong việc triển khai các hoạt động hợp tác với Liên Bang Nga.

  Nếu tính về lĩnh vực đầu tư, hiện nay, Liên Bang Nga đã có 22 dự án tại thành phố, với tổng vốn đầu tư là 4,45 triệu USD. Về thương mại, kim ngạch XK từ thành phố sang Liên bang Nga năm 2013 là 206,4 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch XK từ thành phố sang Liên bang Nga là 114,6 triệu USD. Về du lịch năm 2013, đã có 129.016 khách Nga đến thành phố, tăng 18% so với năm 2012, chiếm tỷ trọng 52% trong tổng lượng khách Nga đến Việt Nam. Nga hiện là 1 trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số du khách đến thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhất.

  Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập hữu nghị, hợp tác với thủ đô Mát-xcơ- va, thành phố xanh Pê- téc- bua tỉnh Xơ-véc-lốp và thành phố Vla – đi – vô – xtoc. Trong tháng 9 này, thành phố sẽ cử một đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ Otdykh tại Mát-xcơ- va. Ngược lại, thành phố đã mời các lãnh đạo địa phương kết nghĩa cùng các doanh nghiệp hàng đầu tại Nga đến Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2014 vào ngày 9/9 tới.    

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định Liên bang Nga là thị trường đầy tiềm năng

  Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Trần Bắc Hà cho rằng, trong suốt 60 năm qua, trải qua những giai đoạn thăng trầm, tình hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Liên bang Xô Viết trước đây) vẫn luôn được khẳng định là mối quan hệ sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thương mại, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khoa học, quốc phòng.

   Trên cơ sở quan hệ chính trị, văn hóa - nhân văn truyền thống và tình hữu nghị lâu bền, Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược thương mại. Với diện tích 17.075 triệu km2 chiếm 1/6 diện tích toàn cầu; quy mô lớn hơn 140 triệu dân, có tiềm năng vô cùng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, từ lâu Liên bang Nga, luôn được coi là bạn hàng truyền thống và thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

   Việt Nam xuất sang Nga chủ yếu là các mặt hàng nông sản và thủy sản, hàng dệt may, da giày, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến sẵn, vật liệu xây dựng. Về phía Nga, phát huy tiềm lực kinh tế to lớn, trình độ khoa học - kỹ thuật cao, nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào vào bậc nhất thế giới, Liên bang Nga đã hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu rất lớn về vật tư, thiết bị cho các ngành công nghiệp then chốt của Việt Nam như công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác, công nghiệp xây dựng, trong đó các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống đặc trưng của Nga liên tục giữ mức tăng trưởng ổn định như: dầu khí, năng lượng, sắt thép, phân bón, cao su nhân tạo, phương tiện vận tải và giấy các loại.

   Cùng với việc ký kết AFTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), kim ngạch thương mại hai chiều kỳ vọng có thể đạt 12 tỷ USD vào năm 2018, gấp 3 lần giai đoạn 2008-2012.

   Trong thời gian tới, các nhà đầu tư Việt Nam – Nga sẽ tiến hành mở rộng hợp tác trong chế biến gỗ, nông thủy sản Việt Nam tại Nga và lắp ráp ôtô, khai thác đá ở Việt Nam. Trung tâm văn hóa, thương mại và khách sạn “Hà Nội-Mátxcơva” (INCENTRA) hứa hẹn sẽ là cầu nối bền vững và an toàn cho các DN Việt Nam trong quá trình đầu tư tại Nga.   

Toàn cảnh buổi Tọa đàm về thị trường Liên bang Nga

  Do hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga hiện nay vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu bền vững, vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ Việt Nam thông qua chủ trương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại sang thị trường Liên bang Nga, chỉ đạo các Bộ,  ngành TW và Ngân hàng Nhà nước, phối hợp xây dựng các chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư, thương mại ra nước ngoài nói chung và sang thị trường Nga nói riêng, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư sản xuất các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giầy, gỗ và sản phẩm gỗ, nông-thủy sản, linh kiện điện tử, điện thoại...

 Ngoài ra, đề nghị Chính phủ hai nước chỉ đạo ngân hàng TW hai nước, sớm đưa ra các giải pháp thúc đẩy thanh toán bằng đồng tiền bản địa của hai nước trong quan hệ thương mại xuất nhập khẩu, đầu tư của các doanh nghiệp.

  Điểm đặc biệt cần lưu ý là, đề nghị Chính phủ Việt Nam có ý kiến với Chính phủ Liên bang Nga chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan của Liên Bang Nga tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư, thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Liên bang Nga; đặc biệt, có cơ chế thúc đẩy và hỗ trợ đối với cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nga như vấn đề nhập cư và hạn ngạch lao động.

   Về phía của BIDV, chúng tôi cam kết, trước tháng 10/2014 sẽ thiết lập Tổ đại diện của BIDV tại Liên bang Nga để hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Nga. Là đầu mối tìm kiếm, xác định các nhà nhập khẩu, các cơ quan chức năng tại Nga trong quá trình đầu tư và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

   Một trong những điểm đặc biệt là, BIDV sẽ xem xét tài trợ vốn đối với các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đầu tư dự án mới, triển khai hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp nhẹ tại Nga. Cụ thể, đối với hoạt động xuất khẩu trực tiếp hàng hóa sang thị trường Nga, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa sang Nga.

   Cụ thể hơn, BIDV xem xét ban hành gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn như; Cho vay hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Nga, giá trị khoản tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 2 %-2,5 % so với lãi suất cho vay thông thường của BIDV.

    Đối với các dự án xúc tiến hợp tác đầu tư Khu công nghiệp nhẹ Moscow-TP. Hồ Chí Minh có diện tích gần 130 héc ta tại tỉnh Moscow (Nga) giữa các doanh nghiệp Liên bang Nga và Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex).

 Ông Hà cho biết, BIDV bước đầu sẽ dành gói tín dụng khoảng 50 triệu đô la Mỹ với thời hạn cho vay tùy theo tính chất dự án nhưng có thể lên đến 10 năm với mức cho vay tối đa 75% tổng vốn dự án, lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất trên thị trường từ 1,5 đến 2% so với lãi suất thông thường.