Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen

Ngày 21/2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 366/QĐ-BCT về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch của Bộ Công Thương đưa ra 17 nhóm nhiệm vụ cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen
Kế hoạch của Bộ Công Thương đưa ra 17 nhóm nhiệm vụ cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen

Theo đó, thực hiện Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng hydrogen), Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen.

Mục đích của Kế hoạch là xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương; là cơ sở để các đơn vị thuộc Bộ Công Thương rà soát, xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; là cơ sở để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Kế hoạch quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm và mục tiêu mà Chiến lược năng lượng hydrogen đã đề ra, bao gồm:

- Chủ trì, phôi hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai; hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược năng lượng hydrogen; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen.

- Tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược năng lượng hydrogen; giám sát quá trình thực hiện; đánh giá mức độ và khả năng đạt được các mục tiêu của Chiến lược năng lượng hydrogen, đề xuất điều chỉnh mục tiêu phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.

Kế hoạch cũng cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen; thể hiện tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Công Thương trong việc thực hiện mục tiêu đề ra tại Chiến lược năng lượng hydrogen.

Đồng thời, đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương và của Bộ Công Thương trong từng thời kỳ.

Kế hoạch là cơ sở để các đơn vị thuộc Bộ Công Thương rà soát, xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao
Kế hoạch là cơ sở để các đơn vị thuộc Bộ Công Thương rà soát, xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao

Tại Kế hoạch, Bộ Công Thương đã nêu rõ 17 nhóm nhiệm vụ cụ thể, phân công các đơn vị thuộc Bộ chủ trì, phối hợp và thời hạn triển khai. Trong đó, bao gồm nhiều nhiệm vụ quan trọng như rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách liên quan đến năng lượng hydrogen; hợp tác quốc tế, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ,…; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dự án hydrogen xanh, amoniac xanh; nghiên cứu công nghệ, cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ về năng lượng hydrogen; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong sản xuất, lưu trữ, phân phối, sử dụng hydrogen và thu giữ/sử dụng carbon hay liên quan đến môi trường, an toàn lao động,…; tuyên truyền về sự cần thiết và lợi ích của việc phát triển năng lượng sạch nói chung và hydrogen nói riêng trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương;…

Các nhiệm vụ được triển khai thường xuyên hoặc đhàng năm, đảm bảo tính hiệu quả trong việc thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen.

Để tổ chức thực hiện Kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu; tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành trong lĩnh vực phụ trách, kịp thời báo cáo, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xem xét, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đơn vị được giao phụ trách.

Các đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể trong thực hiện Kế hoạch này; kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ gửi Vụ Dầu khí và Than để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen khi có yêu cầu.

Vụ Dầu khí và Than được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen.

Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 22/2/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị (trực tiếp và trực tuyến với các địa phương) triển khai Chiến lược năng lượng hydrogen.

Tới dự Hội nghị có đại diện các Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, Tập đoàn, doanh nghiệp ngành năng lượng cùng các cơ quan thông tấn, báo chí. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị đã có 15 ý kiến phát biểu của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, các địa phương, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng, các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp ngành năng lượng, các Tổ chức quốc tế như USAID, GIZ. Các ý kiến tập trung nêu lên sự cần thiết, tầm quan trọng của năng lượng hydrogen trong mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh, đưa phát thải ròng cacbon về “0” vào năm 2050.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc nhanh chóng xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược năng lượng hydrogen, cũng như xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen và tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược, Kế hoạch triển khai Chiến lược chỉ sau 15 ngày Thủ tướng phê duyệt Chiến lược hydrogen. 

Thy Thảo