Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 45 về khuyến công

Chiều ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công.
Khuyến công
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung; cùng đại diện các cơ quan Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công và đại diện các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Hoạt động khuyến công huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Sau 10 năm, hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; khuyến khích hỗ trợ các cở sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thi hành Nghị định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn. Để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đại biểu tích cực góp ý kiến cho báo cáo chung của Bộ Công Thương; đồng thời tập chung thảo luận, trao đổi làm rõ một số nội dung tại Hội nghị.

Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung
Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung

Báo cáo tóm tắt về công tác khuyến công trong 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết:  Trong giai đoạn 2013-2022, các hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã được triển khai rộng khắp trên các địa bàn từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo với đa dạng các nội dung hoạt động khuyến công được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, định hướng nội dung mục tiêu được quy định tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 và Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020. Nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình và cách làm sáng tạo đã được áp dụng triển khai góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách đến với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp. .. đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất CNNT, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn; góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu ngành kinh tế, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020 . 

Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giúp các cơ sở CNNT phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ Trung ương tới địa phương đã từng bước được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công được thiết lập và hoạt động khá hiệu quả. Nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công ngày càng tăng. Nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công đã ngày càng được nâng cao. Hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực tham gia thực hiện các chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động khuyến công thời gian qua còn có một số mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục như sau: Nghị định số 45/2012/NĐ-CP quy định đa dạng các nội dung hoạt động khuyến công, phù hợp với nhu cầu cần hỗ trợ của các cơ sở CNNT, tuy nhiên chưa có sự đồng bộ trong các văn bản quy phạm, nhiều nội dung hoạt động khuyến công không được quy định nội dung chi và định mức chi do vậy có nhiều nội dung không được triển khai. Bên cạnh đó, nhiều nội dung chưa được triển khai sâu rộng, có địa phương chưa triển khai được nhiều nội dung hổ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển đồng bộ từ khâu sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, một vài địa phương đang tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Sở Công Thương theo hướng sáp nhập về đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh với lý do không đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế này dẫn đến sự không thống nhất về mô hình hoạt động, cách thức quản lý chương trình, triển khai nhiệm vụ chính trị có tính đặc thù đã được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công liên quan.

Nguồn lực của Chương trình tuy đã được quan tâm bố trí nhưng chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương. Khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở CNNT được hỗ trợ để chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.

chương trình khuyến công
Ông Ngô Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị

Sau khi nghe Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang trung báo cáo tóm tắt về công tác khuyến công trong 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, hiệp hội, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã phát biểu, tham luận làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ để phù hợp với tình hình mới; đặc biệt đề xuất các nhiệm vụ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp với các tổ chức, hiệp hội và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chính sách khuyến công trong thời gian tới.

5 nhiệm vụ lớn về công tác khuyến công

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Sau 10 năm thực thi Nghị định 45 của Chính phủ, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông thôn. Nổi bật như đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới;

Tạo ra được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường; Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững; đồng thời, giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia có hiệu quả vào hội nhập kinh tế quốc tế;

Khung pháp lý về hoạt động khuyến công từng bước được hoàn thiện; hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công từ Trung ương tới địa phương được thiết lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công ở Trung ương và địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần tập trung khắc phục (như trong Báo cáo của Cục CTĐP và ý kiến tham luận của các đại biểu đã nêu). Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, Cục Công Thương địa phương và các đơn vị chức năng có liên quan của các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xác định rõ các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan để từ đó có giải pháp phù hợp, khả thi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong các hoạt động khuyến công thời gian tới.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, hiệp hội, đơn vị liên quan chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển công nghiệp nông thôn; nhất là các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng khóa XIII, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước để đề xuất, kiến nghị, tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị định mới về khuyến công, bảo đảm đủ mạnh và khả thi, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới.

Hai là, trong thời gian chưa có Nghị định mới về khuyến công, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước và chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khuyến công. Đồng thời, chủ động rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ba là, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến công theo chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số. Triển khai các hoạt động khuyến công đồng bộ với các chương trình hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bốn là, nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữ tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công ở Sở Công Thương các địa phương để thuận lợi trong triển khai các hoạt động khuyến công có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương; đồng thời, quan tâm tăng cường đầu tư, nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác khuyến công có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, thiết lập cơ chế phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, hiệp hội trong hoạch định, thực thi chính sách và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác khuyến công trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.

khuyến công

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định, sau Hội nghị này, với trách nhiệm là Cơ quan được giao chủ trì tổng kết Nghị định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan để báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình mới. Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức, đơn vị liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện những cơ chế chính sách về khuyến công, khuyến thương trong thời gian tới.

Hoàng Dương