Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Việt Nam giữ nguyên tắc nhưng linh hoạt và vì lợi ích chung trong đàm phán TPP

Trở về sau khi Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất quá trình đàm phán và thành công ngoài mong đợi, sáng ngày 7/1
Thưa Bộ trưởng, Việt Nam sẽ cải cách hành chính như thế nào sau Hiệp định TPP?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Như tôi đã nói, các yêu cầu của Hiệp định TPP rất cao, trong đó có việc thực thi các khung khổ pháp lý, bao gồm những quy định có liên quan đến lĩnh vực thương mại, kinh tế đầu tư và một số lĩnh vực khác. Thực ra những việc này hiện nay chúng ta cũng đang làm, mà mục đích là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số những văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không còn phù hợp với tình hình mới. Và đi đôi với đó là xây dựng, ban hành mới những quy định pháp luật khác. Cho nên, dù rằng có TPP hay không có TPP, chúng ta cũng tiếp tục thể chế. Vì vậy, việc chúng ta tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý là hết sức quan trọng, cần thiết và phải làm ngay để có thể bắt kịp với tiến độ khi Hiệp định đi vào thực hiện.

Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến nêu rằng, TPP là cơ hội để Việt Nam đổi mới công nghệ khi chúng ta có thể nhập những máy móc thiết bị từ những nước phát triển với giá rẻ hơn. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Một nội dung rất quan trọng của Hiệp định TPP đó là Chương về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư. Đúng là qua Hiệp định TPP có rất nhiều cơ hội cho chúng ta thu hút được đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của các nước TPP vào đầu tư ở Việt Nam, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và cũng là có nhiều dự án hiện nay chúng ta đang rất cần thiết nhưng sự quan tâm của nước ngoài chưa nhiều. Qua TPP, chắc chắn rằng sẽ có cơ hội rất lớn cho chúng ta thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực hết sức quan trọng, kể cả từ sản xuất đến công trình kết cấu hạ tầng. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta tận dụng, bổ khuyết cho những lĩnh vực đầu tư mà lâu nay đang thiếu. Thiếu vì do không có vốn đầu tư, thiếu vì do trình độ công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Tôi nghĩ rằng, đây là một cơ hội chúng ta cần tận dụng.

Xin Bộ trưởng cho biết, khi nào sẽ công bố toàn văn Hiệp định TPP?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo thỏa thuận giữa các nước TPP, thì các nước sẽ có một thời gian để rà soát lại lời văn của Hiệp định. Sau khi rà soát xong sẽ công bố rộng rãi cho nhân dân, cho xã hội được biết. Mục đích là để mọi người hiểu được nội dung chính là cái gì? Những quyền lợi mà TPP mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như cho đất nước, cho xã hội. Bên cạnh đó là những vấn đề thách thức đặt ra chúng ta cần phải đương đầu để có ứng phó phù hợp. Tôi nghĩ rằng, thời gian đó phụ thuộc vào việc chúng ta dịch, rà soát văn bản, rà soát nội dung dự thảo Hiệp định, nhưng mà chắc cố gắng trong thời gian rất nhanh, Bộ Công Thương và các bộ, các ngành sẽ nỗ lực hết sức. Bởi vì với hàng nghìn trang của Hiệp định đòi hỏi phải có thời gian rà soát văn bản.

Thưa Bộ trưởng, Trung ương sẽ thảo luận về Hiệp định TPP này. Vậy hướng thảo luận sẽ như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo quy định, đây là một hiệp định rất quan trọng cho nên Chính phủ sẽ báo cáo với Ban chấp hành Trung ương để có ý kiến. Tức là xem xem trong quá trình đàm phán Hiệp định với dự thảo có vấn đề gì cần phải lưu ý trong tổ chức thực hiện. Sau khi có ý kiến của Trung ương thì sẽ tiến hành thủ tục thông qua Quốc hội. Tôi nghĩ, tất cả những quy trình đó hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn.

Thưa Bộ trưởng, nhiều bà con nông dân nhất là người chăn nuôi lo lắng, bởi vì nhiều ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhất. Theo Bộ trưởng, họ lo lắng như vậy có đúng không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Việc bà con nông dân quan tâm là có cơ sở. Bởi vì, khi chúng ta mở cửa thị trường, chúng ta cũng không thể hạn chế việc tạo điều kiện cho hàng hóa của nước ngoài, trong đó có cả hàng nông sản thực phẩm được xuất khẩu vào Việt Nam. Một mặt, nó sẽ là tác nhân thuận lợi cho người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn hàng hóa rộng rãi hơn, với chất lượng cao và giá cả phù hợp, mẫu mã hấp dẫn. Nhưng ngược lại, đúng là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, đây là một trong những lĩnh vực chúng ta còn yếu do tính chất sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, năng suất lao động còn thấp. Chính vì thế, trong đàm phán không chỉ riêng trong đàm phán TPP, mà kể cả trong các hiệp định trước đây, chúng ta bao giờ cũng cố gắng để các nước chấp nhận cho Việt Nam có một lộ trình tương đối dài, bảo hộ một cách hợp lý nhất những sản phẩm chúng ta còn yếu, nhưng sau lộ trình đó chúng ta phải vươn lên. Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta cũng thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, đó là cố gắng lựa chọn và thuyết phục đối tác chấp nhận lộ trình đủ dài cho chúng ta vươn lên. Tuy nhiên, lộ trình đó là chưa đủ. Bản thân chúng ta phải cố gắng, nhất là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chúng ta sẽ phải có những mô hình sản xuất mới tập trung hơn, quy mô hơn để có điều kiện áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động. Tôi nghĩ rằng, cái này chắc chắn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương, các bộ các ngành sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt và sẽ có những biện pháp cụ thể hơn để trong thời gian lộ trình cho phép vươn lên, thu hẹp khoảng chênh trong trình độ phát triển nông nghiệp Việt Nam với các nước. Tôi xin khẳng định rằng, trong đàm phàn và trong chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Trung ương, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực cần được quan tâm, người nông dân là đối tượng cần được quan tâm. Vì vậy, chúng ta sẽ tìm đủ mọi cách để biến thách thức, khó khăn đó thậm chí thành cơ hội thuận lợi của chúng ta trong thời gian tới.

Người tiêu dùng băn khoăn là TPP được nói rất nhiều, nhưng thực tế họ được hưởng lợi gì, ví dụ như giá ô tô sắp tới có rẻ hơn không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Như tôi đã nói, sau giai đoạn kết thúc đàm phán thì sẽ phải công bố nội dung Hiệp định. Qua công bố nội dung Hiệp định đó, cũng như qua thông tin tuyên truyền, qua giới thiệu của Đoàn đàm phán, chắc chắn người tiêu dùng, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ được hiểu rõ hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn về những lợi thế, những ưu đãi mà Hiệp định mang lại cũng như những khó khăn, thách thức phải đương đầu. Khi đó, người dân có điều kiện tìm hiểu và nếu thấy cần, điều gì chưa rõ thì có thể trực tiếp liên hệ, đặt các câu hỏi giải thích đối với Đoàn đàm phán Chính phủ, cũng như Bộ Công Thương và các ngành các bộ có liên quan. Tinh thần là một hiệp định công khai, minh bạch và để người dân hiểu người ta sẽ được cái gì và đương đầu với khó khăn gì. Đây không phải riêng đối với Việt Nam mà với cả các nước.

Thưa Bộ trưởng, ngành Dệt may và Da giày được cho là có nhiều lợi thế nhất khi tham gia Hiệp định TPP, nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Vậy, Việt Nam giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ngành Dệt may hiện nay là một trong những ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho cả nước, đứng trong TOP đầu những sản phẩm hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Qua TPP rất nhiều lĩnh vực của chúng ta có lợi thế, vì thuế nhập khẩu trong các nước TPP sẽ giảm xuống thậm chí ở mức bằng 0%. Cho nên ngành Dệt may là một trong những ngành, tôi nghĩ rằng sẽ có tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu thời gian tới đây rất cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế đó, ngành Dệt may cũng phải đương đầu với những khó khăn. Thứ nhất là, tỷ lệ phụ kiện phụ tùng phụ phẩm chúng ta sản xuất tại Việt Nam để làm ra sản phẩm dệt may còn đang thấp, hiện nay khoảng 50%, 50% còn lại phải nhập từ bên ngoài. Vì thế vấn đề đặt ra đối với ngành Dệt may là vẫn phải cố gắng để nâng cao hàm lượng sản xuất trong nước. Thứ hai là, làm tốt hơn công tác thu hút kêu gọi đầu tư, kể cả đầu tư của doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài để chúng ta xây dựng các cơ sở sản xuất các linh kiện phụ tùng đó tại Việt Nam. Như vậy, khi nâng được tỷ lệ phụ tùng, linh kiện, vật liệu sản xuất tại Việt Nam, chắc chắn giá trị gia tăng ngành Dệt may sẽ lớn hơn. Đây là kỳ vọng cũng như quyết tâm của ngành Dệt may, của Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong quá trình được tham vấn khi đàm phán Hiệp định TPP.

Thưa Bộ trưởng, Việt Nam có tự tin khi bước chân vào sân chơi TPP không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi nghĩ rằng, với kinh nghiệm của chúng ta khi hội nhập quốc tế về kinh tế đã có một thời rồi, từ cách đây 20 năm khi chúng ta gia nhập Tổ chức ASEAN, sau đó năm 2001 chúng ta ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, năm 2007 tham gia WTO, chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm. Và rõ ràng rằng, khi bước vào sân chơi rộng lớn về thương mại như thế này thì chúng ta có nhiều lo ngại đó là điều rất tự nhiên. Nhưng trong quá trình thực hiện, chúng ta đã thể hiện rõ quyết tâm, bản lĩnh của người Việt Nam. Qua 8 năm thực hiện WTO, nhìn lại thì cái được là cơ bản, còn cái chưa được sẽ tiếp tục có những biện pháp khắc phục. Với tinh thần đó, quyết tâm đó và với sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tôi tin chắc rằng mục tiêu mà chúng ta đặt ra đối với TPP sẽ thành công, mang lại lợi ích cho đất nước, cho người dân, cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Nhìn từ Atlanta, Bộ trưởng đánh giá thế nào về mức độ và tốc độ cải cách trong nước để đáp ứng được những yêu cầu của Hiệp định?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi nghĩ rằng, việc cải cách thể chế của Việt Nam đã làm rất tốt rồi. Nhưng để có thể thực hiện đúng những mục tiêu đã cam kết trong thỏa thuận đàm phán TPP, thời gian tới đây, chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nữa, khối lượng công việc còn phải làm nhiều hơn nữa. Đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành có liên quan làm công tác tham mưu cho Chính phủ, cho Quốc hội để đưa ra các đề xuất liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hoặc là ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật. Với thời gian còn lại thì sự tích cực, nỗ lực là hết sức cần thiết. Vì nếu chậm ngày nào, chúng ta chưa thông qua được Hiệp định này và chưa được phê chuẩn cũng như chưa được các nước thành viên công nhận thì chúng ta sẽ bị thiệt thòi nhiều trong quá trình mở cửa và thực hiện Hiệp định TPP.

Thưa Bộ trưởng, đóng góp của Việt Nam vào vòng đàm phán ở Atlanta là như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Với tất cả sự khiêm tốn của chúng ta, đây là nhận xét của các nước, họ cho rằng: Việt Nam là một đối tác rất xây dựng, rất chân thành và rất quyết tâm nhưng giữ được nguyên tắc. Đấy là tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ xuyên suốt quá trình đàm phán. Và lần này, trong những giờ phút xem ra có vẻ còn những khó khăn giữa những nước có vấn đề song phương với nhau, như là vấn đề ô tô giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, Mexico, Canada, hay là vấn đề bảo hộ dược phẩm có nguồn gốc sinh học giữa Peru, Chi Lê với Hoa Kỳ, Nhật Bản. Chúng ta luôn luôn giữ nguyên tắc đó là làm sao có được tiếng nói chung, có sự linh hoạt vì lợi ích của 12 thành viên tham gia đàm phán. Những vấn đề có thể còn vướng trong song phương cần phải được xử lý thỏa đáng đáp ứng được yêu cầu chung của cả 12 thành viên. Chúng ta luôn luôn nhắc lại ý đó trong quá trình đàm phán, trong bàn hội nghị giữa các bộ trưởng, cũng như giữa các cuộc đàm phán của các trưởng đoàn đàm phán. Tôi xin trích dẫn nguyên văn câu nói của ông Bộ trưởng AMARI phụ trách đàm phán về kinh tế và thương mại của Nhật Bản khi chúng tôi đã bắt tay và chúc mừng nhau kết thúc đàm phán: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam là một đối tác đàm phán rất chân thành, rất xây dựng, rất cởi mở và đóng góp rất nhiều vào kết quả của TPP nói chung, cũng như kết quả song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản nói riêng”.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Một số hình ảnh đón Bộ trưởng: