Brexit và Việt Nam: Rắc rối nào sẽ đến sớm nhất?

Ngày 24/6 vừa qua được gọi là “Ngày thứ 6 đen tối” của thị trường tài chính toàn cầu, khi sự kiện trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU) - Brexit - trở thành hiện thực. Khoản

Đó là mức độ tổn thất cực lớn, còn lớn hơn cả tác động của vụ Lehman Brothers phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hay “Ngày thứ hai đen tối” trong vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ năm 1987.

Nhưng ngay sau đó là một tuần lễ “điên rồ” của thị trường tài chính toàn cầu, khi tất cả các thị trường đều phục hồi mạnh mẽ, không những lấy lại được toàn bộ mức thiệt hại nói trên, mà còn đem lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư mạo hiểm.

Việc các thị trường tài chính - trong đó có cả thị trường chứng khoán Việt Nam - phục hồi quá nhanh chóng qua cú sốc Brexit, khiến không ít nhà đầu tư lầm tưởng cú sụp đổ “Ngày thứ 6 đen tối” chỉ là màn hoảng hốt của những tay chơi nhát gan.

Brexit - đầu tiên là cuộc chơi chính trị

Việc thị trường tài chính toàn cầu rúng động khi kết quả Brexit diễn ra, chủ yếu là do ảnh hưởng của một sự việc không lường trước được. Không hẳn thị trường tài chính sụp đổ lúc đó là do lo sợ hậu quả của Brexit, mà trước hết là do hành động tự vệ. Thị trường tài chính có một hành động rất được ưa thích, đó là đặt cược vào các biến động lớn, mà Brexit là một cuộc đánh cược không gì thú vị hơn. Cho đến trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và có kết quả, phần lớn các nhà đầu tư toàn thế giới đã đánh cược rằng Brexit sẽ không diễn ra.

Điều này đã đẩy thị trường tài chính, từ chứng khoán tới ngoại tệ tăng rất mạnh ngay trước ngày 24/6. Việc đặt cược đơn giản dựa trên lý do, không một nhà đầu tư đầu óc bình thường nào lại nghĩ rằng người dân nước Anh chọn một giải pháp “ngu xuẩn” và thiệt hại như vậy khi ủng hộ Brexit. Nhưng kết quả ngược lại, người dân nước Anh lại chọn giải pháp ra đi.

Trên thị trường khi đó xuất hiện một làn sóng cắt giảm thua lỗ khổng lồ, chưa kể hành động bán ra để kiếm lời trong một thị trường sụt giảm. Quy mô đặt cược trước ngày 24/6 càng lớn thì làn sóng tháo chạy ngày Brexit diễn ra càng mạnh hơn, vì cộng thêm cả hành động đầu cơ ăn theo.

Tuy nhiên, khi các hành động mang tính thời điểm đó qua đi, thị trường tài chính sớm nhận ra rằng Brexit trước hết mới là một cuộc chơi chính trị. Điều này rất khác với sự kiện Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, trực tiếp dẫn tới sự đóng băng tín dụng toàn cầu, làm suy giảm nguồn lực tài chính của thị trường. Quả thực Brexit chỉ mới là kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý. Nước Anh sẽ rời khỏi EU, nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi cho tới khi các bước đi chính trị được tiến hành, thậm chí kéo dài hàng năm trời. Thị trường tài chính thế giới trước mắt vẫn vận hành bình thường trong ngắn hạn.

Điều đó lý giải tại sao thị trường lại phục hồi nhanh và mạnh như vậy chỉ trong 1 tuần lễ sau Brexit. Cho tới hiện tại, tức là sau 1 tuần đầu tiên của sự kiện này, thay đổi lớn nhất vẫn chỉ là các hãng định mức tín nhiệm quốc tệ hạ bậc tín nhiệm quốc gia đối với Anh; Đồng Bảng Anh và đồng Euro sụt giảm so với các ngoại tệ khác; Một số ngân hàng đầu tư toàn cầu muốn dịch chuyển trụ sở ra khỏi Anh do không còn cơ chế tự do đi lại cho người lao động. Làn sóng li khai domino tại EU vẫn chưa diễn ra mà chỉ có các phát ngôn chính trị. Thậm chí việc Anh rời khỏi EU vẫn chưa được khởi động.

Việt Nam, quá xa và quá nhỏ để ảnh hưởng?

Mối liên kết kinh tế và đầu tư của Việt Nam với Anh, và rộng hơn là EU cũng khá sâu sắc, nhất là khi các hiệp định tự do thương mại vừa được ký kết. Không thể nói rằng Việt Nam sẽ đứng ngoài các tác động của Brexit, nhưng ít nhất là sẽ không thấy những tác động đó diễn ra ngay lập tức, thậm chí là tính bằng năm trong thời gian tới. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn bình thường. Thậm chí ngay cả khi đồng Bảng Anh và Euro giảm giá thì xuất khẩu vẫn chưa có tác động do một phần được thanh toán bằng đồng USD. Đó là chưa kể thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 2,3% GDP.

Bộ Tài chính hôm 2/7 vừa rồi cho biết, Brexit cũng không tác động lớn ngay lập tức tới vấn đề nợ công của Việt Nam. Trong cơ cấu nợ hiện tại, 45% nợ công của Việt Nam là ngoại tệ, với 16% là nợ bằng đồng USD, 13% bằng Yên Nhật, 7% là Euro, 2% là Bảng Anh, còn lại là các đồng tiền khác. Khi đồng Yên và USD tăng giá thì đồng Bảng Anh và Euro giảm giá, giúp hạn chế mức độ tăng lên của gánh nặng nợ công.

Thậm chí, Brexit cũng không có tác động lớn nào lên hoạt động điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trước thời điểm 15/6, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) còn chưa quyết định có tăng lãi suất USD hay không, tỷ giá đồng USD trong nước có tăng nhẹ, nhưng sau ngày 15/6 đã giảm. Sự kiện Brexit cũng chỉ khiến tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng trong ngày 27 - 28/6 lên cao nhất 21.888 VND cho 1 USD. Tỷ giá lại giảm liên tục cho đến đầu tháng 7.

Những động thái rất bình yên nói trên đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, cộng với sự phục hồi chung của thị trường thế giới. Tuy nhiên đó vẫn có thể chỉ là những làn gió nhẹ trước khi những tác động thật sự có thể cảm nhận được.

Tỷ giá, rắc rối sớm nhất

Ảnh hưởng đầu tiên trong thời gian tới sẽ là vấn đề tỷ giá. FED được cho là sẽ không thể tăng lãi suất thêm trong năm 2016, thậm chí là năm 2017 mà còn có thể giảm lãi suất để kích thích trở lại nền kinh tế trong bối cảnh dự báo tăng trưởng toàn cầu và khu vực EU có nguy cơ xấu đi. Tuy nhiên ngay cả khi đó, áp lực tăng giá của đồng USD vẫn rất cao.

Cho đến ngày 2/7, giá đồng Bảng Anh đã quay đầu sụt giảm so với USD bằng với cú sốc mạnh nhất của ngày 24/6, khi Brexit có kết quả. Đó cũng là mức đáy của 3 thập kỷ gần đây. Đồng Euro mạnh hơn nhưng vẫn đang ở mức đáy tương đương hồi đầu tháng 6. Vấn đề là để giảm tác động của sự kiện Brexit và kích thích kinh tế, cả Ngân hàng Trung ương Anh lẫn Ngân hàng Trung ương châu Âu đều cân nhắc nghiêm túc khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 7 và những tháng cuối năm.

Điều đó đồng nghĩa với một xu thế giảm giá của hai đồng tiền này ngày càng chắc chắn, dù mấy ngày qua có sự phục hồi trong ngắn hạn. Thậm chí một phân tích đầu tháng 7 của HSBC cho rằng đồng Bảng Anh có thể giảm thêm 15 - 20% nữa.

Điều ảnh hưởng nhiều hơn đến Việt Nam có thể lại không trực tiếp xuất phát từ châu Âu hay từ Anh, mà là từ Trung Quốc. Trung Quốc hiện có quan hệ thương mại, đầu tư rất lớn với châu Âu, chưa kể thị trường Hồng Kông gắn chặt với thị trường Luân Đôn. Việc các đồng tiền châu Âu giảm giá thì đồng Nhân dân tệ lên giá và cản trở hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc do giá hàng hóa tăng. Đây thật sự là điều tồi tệ đối với Trung Quốc, vì nước này đang vật lộn với nền kinh tế chậm tăng trưởng, sản xuất thừa mứa, dù đã liên tục kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất, bơm tiềm, giảm giá đồng bản tệ.

Đồng Nhân dân tệ tăng giá là điều cuối cùng mà Trung Quốc muốn thấy vào lúc này. Vì thế theo các phân tích quốc tế, rất có thể Trung Quốc sẽ phản ứng khi các đồng tiền khác mất giá mạnh hơn. Nếu Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Việt Nam lại có quan hệ thương mại rất lớn với nước này và tác động không hề nhỏ.


Thị trường vốn - chưa thể lượng hóa tác động

Thị trường chứng khoán Việt Nam suy sụp đáng kể 1,8% trong ngày 24/6 khi sự kiện Brexit diễn ra. Tuy nhiên thị trường cũng phục hồi trong 1 tuần sau đó và hiện đã tăng vượt mức trước thời điểm Brexit. Đáng chú ý là động thái của dòng vốn ngoại chưa có gì đặc biệt, vẫn đang mua ròng.

Không giống với thời điểm 2008, khi khủng hoảng tài chính Mỹ nổ ra, trái phiếu chính phủ bị bán ra với giá rẻ mạt, thị trường cổ phiếu bị rút vốn ồ ạt do nhu cầu tự vệ của các nhà đầu tư nước ngoài. Những tác động đó vẫn chưa xuất hiện, một phần do như đã nói ở trên, các biến động chính trị cần nhiều thời gian hơn để phản ánh vào hoạt động kinh tế.

Hiện tại vẫn chưa thể lượng hóa được các tác động trực tiếp lên thị trường vốn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp được kỳ vọng là không bị ảnh hưởng, nhưng cũng không thể căn cứ vào các con số thống kê đến cuối tháng 6/2016 vì có thể những dự án bị tác động từ Brexit vẫn chưa lộ diện.

Đối với dòng vốn gián tiếp, có thể đầu tư từ Anh vào Việt Nam không lớn, nhưng từ EU thì không thể coi thường. Hiện FTSE là một quỹ đầu tư đang đầu tư vào thị trường Việt Nam và kể từ ngày 24/6 đến nay, dòng vốn biến động cũng chưa lớn. Quỹ này là một dạng quỹ mở, tức là nhà đầu tư có thể nạp/rút vốn bất kỳ lúc nào, do đó sự linh hoạt của dòng vốn này rất cao.

Thông thường khi đối diện với rủi ro cao, nhà đầu tư thường tìm nơi trú ẩn ở các kênh đầu tư an toàn hơn. Giá vàng tăng rất mạnh và trái phiếu chính phủ Đức, Nhật tăng mạnh không kém thị trường chứng khoán. Đó là một diễn biến rất hiếm thấy vì các kênh đầu tư này có mức độ rủi ro khác nhau và thường diễn biến ngược nhau. Phải nhấn mạnh rằng hiện tượng tăng trưởng của các thị trường chứng khoán 1 tuần sau sự kiện Brexit không xuất phát từ các yếu tố cơ bản vì nền kinh tế vẫn không thay đổi gì chỉ sau 1 tuần. Nhà đầu tư vẫn đang đổ xô vào các kênh trú ẩn an toàn, bất chấp thị trường chứng khoán tăng.

Nhu cầu cân đối hoạt động đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng là điều ảnh hưởng nhiều nhất tới các dòng vốn. Nếu các dòng vốn nước ngoài trên thị trường Việt Nam chịu tác động từ hoạt động này thì thị trường sẽ gặp khó khăn. Ví dụ đơn giản là nếu như các tổ chức đầu tư, doanh nghiệp châu Âu hay Hồng Kông gặp khó khăn về vốn, sẽ phải thu hồi các khoản đầu tư ở những thị trường rủi ro hơn để tăng cường cho hoạt động tại chỗ; Hoặc như áp lực giảm tỷ trọng đầu tư vào thị trường chứng khoán nói chung để tăng tỷ trọng đầu tư vào vàng hay trái phiếu chính phủ của các quỹ cũng sẽ làm thay đổi dòng vốn hiện tại.


Hoàng Nguyên