Các chuyên gia và doanh nghiệp FDI Nhật Bản nói gì về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam?

Ngày 15/7/2010, đã diễn ra Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp FDI” tại Sở Công Thương Hà Nội. Đã có 10 trình bầy tham luận tại Hội thảo và 10 bài viết trong kỷ yế

Trong số đó, có 4 bài trình bầy của các khách mời Nhật Bản đến từ tổ chức JETRO, Jica và các DN FDI Nhật Bản tại Hà Nội. Các trình bầy này đã mang lại góc nhìn mới, từ phía Nhật Bản về công nghiệp hỗ trợ Việt nam, được các đại biểu đánh giá cao về tính thẳng thắn, thực tiễn và trách nhiệm đối với ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Sau đây Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu tóm tắt các nội dung phát biểu này.
Đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO Hà Nội: Ông Takano Koichi Phó trưởng Đại diện phát biểu:
Là cơ quan xúc tiến thương mại cho các DN FDI Nhật Bản tại Việt Nam, với vị trí của mình, ông đã được nghe nhiều ý kiến của các DN Nhật Bản khi đến Việt Nam. Ông cho biết phần lớn các DN FDI Nhật Bản khi đến Việt Nam đều mong muốn sản xuất phát triển như Thái Lan và Trung Quốc. Các điều kiện đặt ra là đạt được mục tiêu chi phí thấp và bảo đảm được chất lượng. Tuy nhiên ông cho biết: Rất đáng tiếc là phần lớn các DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết mới đạt được tốc độ tăng trưởng dưới 30%. Trong khi đó, kết quả điều tra tương tự ở Thái Lan, Trung Quốc thì con số này là trên 30%. Khi quan hệ với các nhà cung cấp trong nước, các DN Nhật Bản có yêu cầu cụ thể, đó là bảo đảm chất lượng ổn định và giao hàng đúng thời điểm cam kết. Ngoài ra, các DN Nhật Bản còn có yêu cầu về điều kiện môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn. Các yêu cầu trên là điều kiện rất quan trọng và các DN Nhật Bản mong muốn các DN trong nước nâng cao ý thức và có định hướng cụ thể để đáp ứng được yêu cầu này. Ông cho biết: Sau khủng hoảng kinh tế, xu hướng đầu tư của các DN Nhật Bản vào Việt Nam sẽ có sự thay đổi, theo đó, bên cạnh đầu tư cho sản xuất xuất khẩu, các DN Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất tiêu thụ tại Việt Nam. Các DN Nhật Bản sẽ không còn xem Việt Nam như cứ điểm sản xuất mà họ đang đánh giá cao thị trường Việt Nam, coi trọng sản xuất bán tại thị trường Việt Nam. Các DN Nhật Bản đánh giá cao thị trường Việt Nam, khi mà thị trường Thái Lan đang mất ổn định, diễn ra bạo động chính trị, thị trường Trung Quốc đang có tình trạng bãi công số lượng lớn công nhân tại các nhà máy của DN Nhật Bản. Kinh tế trong nước của Nhật Bản chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng, đồng yên Nhật Bản tăng giá so với đồng USD sẽ còn là áp lực cho các DN Nhật Bản đầu tư tiến ra nước ngoài. Các lý do trên làm cho Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các DN Nhật Bản.
Mặc dù có những tín hiệu lạc quan, nhưng ông cho biết: Với vai trò là cơ quan tư vấn, ông đã tiếp xúc nhiều với các DN Nhật Bản đang có ý định đầu tư tại Việt Nam. Ông cho biết: Tôi có thông tin không vui cho các bạn là phần lớn các DN này khi gặp ông đã cho rằng Việt Nam không thực sự phát triển như họ nghĩ. Do đã quan tâm và kỳ vọng rất lớn nên khi vấp phải tình hình thực tế tại Việt Nam thì đã dẫn đến khủng hoảng niềm tin và hiệu ứng ngược lại. Họ tỏ ra thất vọng với rất nhiều vấn đề: Trong đó vấn đề thứ nhất là cơ sở hạ tầng, vấn đề thứ hai là các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, vấn đề thứ ba là việc cung cấp điện thiếu ổn định và vấn đề thứ tư là thiếu nguồn nhân lực, biểu hiện là các DN Nhật Bản rất khó có được nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng này sẽ còn khả năng kéo dài và chưa thể giải quyết nhanh. Chúng tôi biết là phát triển công nghiệp hỗ trợ phải có thời gian, các nước phát triển đã mất 10-20 năm, nếu Việt Nam cũng mất thời gian như thế thì các DN Nhật Bản có chờ đợi không ? Sự thực tôi cho rằng các DN sẽ không chờ đâu. Các DN Nhật Bản mong muốn các cơ quan quản lý phải có cách nhìn nghiêm túc hơn, tích cực hơn. Chính Phủ Việt Nam và các cơ quan hữu quan phải rất nhanh chóng có quyết sách đối phó giải quyết tình hình trên trong thời gian sớm nhất. Ông cho biết: Chúng tôi cũng như các bạn đều đã nhận thức được mình đang thiếu gì và cần phải làm gì. Bản thân chúng tôi là cơ quan xúc tiến thương mại cho Chính Phủ Nhật Bản, rồi Đại sứ quán Nhật Bản, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica,.. đã có đề xuất chương trình hành động rất cụ thể về công nghiệp hỗ trợ lên Chính Phủ Việt Nam và rất mong nó được triển khai sớm.
Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn, nhưng có thể có thị trường đầu tư hấp dẫn hơn. Việt Nam không nên quá lạc quan mà cần nhanh chóng, gấp gáp có chính sách hấp dẫn hơn thu hút vốn FDI. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tôi hy vọng rằng các DN Việt Nam nhận thức được rằng nâng cao chất lượng và trình độ quản lý là sự sống còn để tồn tại. Về phía JETRO, chúng tôi tiếp tục duy trì các hoạt động gặp gỡ DN Nhật Bản với DN trong nước để đẩy mạnh cơ hội hợp tác. Triển lãm thường niên công nghiệp phụ trợ Việt Nam Nhật Bản năm nay được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 7-9 tháng 10 tới. Tại Triển lãm này các DN Nhật Bản sẽ tiếp tục giới thiệu các loại phụ tùng linh kiện cần tìm nhà cung cấp nội địa, các nhà cung cấp nội địa sẽ giới thiệu các sản phẩm của mình cho các DN Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng các DN Việt Nam tham gia nhiều tại Triển lãm này.
Đại diện Công ty Pentax: Ông Kobayashi Yuichi Tổng Giám đốc
Ông cho biết Cty Pentax bắt đầu làm thủ tục thành lập năm 1994 tới năm 1996 thì đi vào hoạt động, như vậy Cty đã có 14 năm sản xuất tại Việt Nam. Pentax đang sản xuất 2 loại sản phẩm là ống kính máy ảnh loại to và tháo rời được và các loại ống kính camera cho bảo vệ an ninh. Cty thực hiện các công đoạn sản xuất chính là mài kính và lắp kính để thành ống kính máy ảnh với hai nhà máy gia công chi tiết và lắp ráp.
Ông cho biết: Công nghiệp lắp ráp nếu có đủ phụ tùng linh kiện thì chỉ cần có nơi sản xuất tập trung, đào tạo được đội ngũ công nhân có kỹ năng là có thể làm được. Cái khó là phải làm sao sản xuất được phụ tùng linh kiện chất lượng tốt. Về tỷ lệ nội địa hóa, ông cho biết: Rất đáng tiếc là tỷ lệ này của Cty đang còn ở mức rất thấp, dưới 30%. Phần lớn các nhà cung cấp cho chúng tôi hiện nay là các DN FDI Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam. Trong khi mong muốn của chúng tôi là có 100% nhà cung cấp ngay tại Việt Nam và nếu được 100% nhà cung cấp là các DN Việt Nam thì càng tốt. Nếu được như thế thì sẽ tối đa hóa lợi ích của chúng tôi.
Ông cho biết các DN Nhật Bản khi đến Việt Nam đều rất quan tâm đến tỷ lệ nội địa hóa. Bởi vì nếu các DN lắp ráp mà phải nhập khẩu toàn bộ linh kiện phụ tùng thì chi phí sẽ rất lớn mà không thể đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm. Ngoài ra còn xảy ra tình trạng giữa khâu lắp ráp và cung cấp chi tiết sẽ có sự không khớp nhau làm phát sinh ra các chi phí lưu kho, chi phí chờ đợi. Điều này sẽ gây áp lực xấu cho nhà sản xuất lắp ráp. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì sẽ dẫn tới việc các DN lắp ráp sẽ phải suy nghĩ xem xét lại, liệu rằng có nên tiếp tục làm nữa hay không.
Trong quá trình sản xuất, Cty Pentax một mặt tự mình làm ra phụ tùng linh kiện, đó là làm ra phần kính máy ảnh, mặt khác Cty tổ chức hoạt động lắp ráp bằng các loại phụ tùng linh kiện của các nhà cung cấp. Sẽ là rất tốt nếu các DN lắp ráp tập trung vào làm các chi tiết chính xác phức tạp. Các chi tiết đơn giản, ít quan trọng sẽ do các nhà cung cấp làm. Chúng tôi biết Việt Nam chưa có DN nào sản xuất phần kính cho máy ảnh nên chi tiết này chúng tôi sẽ tự làm. Tuy nhiên ở phần lắp ráp, chúng tôi có sử dụng một số chi tiết nhựa và kim loại mà Việt Nam có thể sản xuất được nhưng vẫn chưa có DN nào làm. Tôi cũng không hiểu làm sao, mặc dù các chi tiết linh kiện này không khó lắm, không yêu cầu cao về kỹ thuật, không đòi hỏi máy móc thiết bị gì đặc biệt. Các DN Nhật Bản dù rằng làm việc với ai, là DN Nhật Bản hay DN các nước khác cũng đòi hỏi chất lượng, chất lượng có thể đòi hỏi không cao nhưng phải có chất lượng ổn định, có số lượng ổn định khi nhà lắp ráp yêu cầu là phải đáp ứng được ngay. Chất lượng sản phẩm chúng tôi yêu cầu là phải đúng theo tiêu chuẩn mà mà hai bên đã thống nhất. Chúng tôi biết ổn định chất lượng cần phải có thời gian, đây vẫn là mục tiêu phấn đấu của các DN Việt Nam. Nhưng tôi nhắc lại đây là nỗi lo lắng lớn của chúng tôi khi đặt hàng cho các nhà cung cấp Việt Nam.
Trong quá trình sản xuất tại Việt Nam, tôi nhận thấy công nhân Việt Nam có khả năng nắm bắt kỹ thuật nhanh, có trí tiến thủ, nói tóm lại là có nhiều khả năng tiềm tàng để phát triển. Sau khi được đào tạo huấn luyện, công nhân Việt Nam có khả năng gia công sản phẩm có độ khó, độ chính xác rất cao mà các chuyên gia của chúng tôi cũng phải rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, để đạt được chất lượng ổn định thì họ đòi hỏi phải có thêm thời gian. Tương lai chúng tôi vẫn muốn đặt hàng cho các nhà cung cấp nội địa, nhưng liệu các nhà cung cấp nội địa có đảm bảo được yêu cầu trên hay không?.
Có một vấn đề là có một số nhân viên làm việc chỗ chúng tôi, sau một thời gian khi đạt được kinh nghiệm, trình độ nhất định thì họ lại bỏ Cty để tìm công việc hoàn toàn khác. Đây là điều đáng tiếc, nhất là khi họ đã am hiểu công việc, tích lũy được kinh nghiệm làm việc. Vấn đề này chúng tôi đã gặp phải ở các nước khác như Hồng Công, Đài Loan, nhưng có điều khác ở chỗ là tại các nước này, sau khi rời khỏi Cty chúng tôi, chính số nhân viên này đã mở DN riêng để rồi sau đó họ trở thành nhà cung cấp cho chúng tôi, trở thành người nâng đỡ cho sản phẩm chúng tôi, như vậy các kinh nghiệm làm việc tiếp thu được tại chỗ chúng tôi sẽ không uổng phí. Tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích các nhân viên đã có kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở công nghiệp FDI thành lập các DN làm công nghiệp hỗ trợ. Có như vậy Việt Nam sẽ phát triển được công nghiệp hỗ trợ mà tận dụng được kinh nghiệm đào tạo được tại các DN FDI.
Đại diện Công ty Nisshin: Ông Sakashita Kiyoshi Phó Giám đốc
Cty chúng tôi là DN sản xuất phanh, có trụ sở chính đặt tại Vĩnh Phúc, thành lập từ năm 1995. Hiện nay, Cty chúng tôi có 1.500 công nhân. Các khách hàng chính của chúng tôi là các hãng xe máy Honda, Yamaha, Suzuki,… Cty chúng tôi không chỉ sản xuất phanh xe máy mà còn sản xuất cả phanh ô tô. Ô tô và xe máy đều có 3 chức năng chính là chức năng chạy, chức năng rẽ và chức năng dừng, thì Cty chúng tôi sản xuất các phụ kiện đảm bảo cho chức năng dừng. Chức năng dừng không tốt, xe không dừng được thì sẽ xảy ra tai nạn ảnh hưởng đến sinh mạng và tài sản, chính vì vậy phanh là bộ phận rất quan trọng, vì vậy nó đòi hỏi phải có chất lượng cao nhất.
Về tình hình nội địa hóa, Cty chúng tôi đạt tỷ lệ khoảng 40%, đây là tỷ lệ khá ổn. Có 25 nhà cung cấp cho chúng tôi bao gồm 12 nhà cung cấp Đài loan, 9 Nhật Bản và 4 DN Việt Nam. Chỉ có điều số DN Việt nam mới chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong số các nhà cung cấp.
Một trong những yếu tố mà chúng tôi đòi hỏi đối với nhà cung cấp rất quan trong nhưng rất ít DN Việt nam đáp ứng được đó là đảm bảo được chất lượng ổn định. Như đã nói ở trên vì phanh là bộ phận rất quan trọng, đòi hỏi chất lượng cao và chính xác. Để đạt được điều này, chúng tôi mới yêu cầu các DN Việt Nam đat được yêu cầu 4S chứ chưa phải tới 5 S, nhưng khi đến thăm các DN, tôi thường rất nghi ngờ không biết là họ có đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi hay không. Yêu cầu của chúng tôi đã nằm trong thỏa thuận của hai bên, nhưng phần lớn các DN Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. Tôi nghĩ nếu DN Việt Nam nghiêm túc hơn, cụ thể là làm việc có kế hoạch, tuân thủ đúng những gì mà hai bên đã thống nhất, đúng yêu cầu trong bản vẽ thiết kế, tiến độ giao hàng, bố trí nhà xưởng sản xuất đúng,… nếu được như vậy chúng tôi sẽ đỡ được rất nhiều. Các khách hàng đặt hàng chúng tôi đều định kỳ kiểm tra thị sát dây chuyền sản xuất chúng tôi, và cũng như vậy, chúng tôi phải định kỳ thị sát dây chuyền sản xuất của các nhà cung cấp. Có vấn đề là mỗi lần đến các DN Việt Nam, khi chúng tôi góp ý thì các DN Viêt Nam tốt hơn một chút, nhưng khi chúng tôi ra về thì lại quay lại tình trạng cũ. Để bảo đảm chất lượng cho sản phẩm phanh của chúng tôi, chúng tôi đòi hỏi nhà cung cấp phải quản lý chất lượng chặt chẽ. Nếu các DN Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này, chúng tôi không thể yên tâm giao phó nhiệm vụ sản xuất. Thời hạn giao hàng cũng là ván đề nằm trong thỏa thuận nhưng đôi khi các DN Việt Nam thường kéo dài theo ý thích của mình và không theo một nguyên tắc nào cả. Một vấn đề nữa là việc xử lý khẩn cấp các tình huống xảy ra chúng tôi đòi hỏi các đối tác phải có phương án và bố trí nhân lực xử lý được việc này thì các DN Việt nam còn rất yếu kém. Vấn đề môi trường cũng là qui định nằm trong thỏa thuận nhưng các DN Việt nam thường ít tuân thủ. Ví dụ tiêu chuẩn thế giới qui định không sử dụng vật liệu chứa chì nhưng các DN Việt Nam gần như phớt lờ, sản phẩm chúng tôi xuất khẩu sang châu Âu, và châu Âu qui định tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, kết quả là sản phẩm chúng tôi không xuất khẩu được gây ra tổn thất .
Có thể những điều tôi nói là vụn vặt nhưng quan điểm kinh doanh của Cty Nesshin lúc nào cũng coi khách hàng là số 1 và tôi cũng rất mong các nhà cung cấp cho chúng tôi cũng suy nghĩ như vậy.
Thông điệp về sản phẩm của chúng tôi truyền đạt đến các bạn là sự an toàn và ổn định. Sản xuất tại Việt nam thuận lợi thì chúng tôi cũng mong muốn đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. Nếu các sản phẩm công nghiệp DN Việt nam phát triển được, chúng tôi mua được các sản phẩm này thì đây cũng là chính sách phát triển hướng tới của chúng tôi.
Đại diện JICA: Ông Shii Hitoyoshi chuyên gia tư vấn
Tôi đến từ nhóm nghiên cứu phát triển Công nghiệp hỗ trợ của Jica. Nhóm nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ Jica của chúng tôi thực hiện một trong các hoạt động hợp tác kỹ thuật bằng nguồn vốn ODA của Chính Phủ Nhật Bản cho chính Phủ Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là nghiên cứu để làm sao giúp cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, để̉ làm sao nâng cao tỷ lệ cung cấp phụ tùng linh kiện cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Qua đó, giúp cho các DN hỗ trợ Việt Nam nâng cao trình độ quản lý, đóng góp lại cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển,
Để nghiên cứu và đưa ra những đề xuất của mình, Jica đã đưa sang Việt nam những chuyên gia có kinh nghiệm bao gồm 9 người tại Hà Nội, 4 người tại thành phố Hồ Chí Minh và 4 nhân viên người Việt. Tất cả những người này hiện vẫn đang nghiên cứu về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Hoạt động nghiên cứu nào cũng vậy, dự án của chúng tôi xác định đến năm 2013 sẽ hoàn thành mục tiêu nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Từ nay đến năm 2013, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra khảo sát các DN Nhật Bản đang sản xuất tại Việt Nam, các DN trong nước đã cung cấp và cả DN chưa cung cấp phụ tùng linh kiện cho DN Nhật Bản. Chúng tôi cố gắng điều tra khảo sát khoảng 30 DN như vậy. Con số nhóm đối tượng nghiên cứu chỉ là 30 DN có người nói là ít, những với thị trường công nghiệp hỗ trợ có nhiều biến động, thì để đánh giá đúng, đầy đủ số các DN như vậy cũng là tương đối khó khăn.
Hoạt động của dự án chúng tôi bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái. Đến nay chúng tôi đã đến thăm được 55 DN Việt Nam. Chúng tôi cũng đã tiến hành một số hỗ trợ cho các DN Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về kỹ năng quản lý.
Như tôi đã nói là dự án của chúng tôi mới bắt đầu, sẽ là quá sớm đưa ra các nhận định và đánh giá đầy đủ, nhưng có vấn đề có thể thấy ngay được đó là:
Một là: Qua phỏng vấn 20 DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt nam cho thấy chi phí sản xuất tại Việt Nam được đánh giá là thấp, nhưng có vấn đề nổi cộm lên đó là các DN Nhật Bản rất khó tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam do vấn đề chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng.
Hai là: Thiết bị máy móc mà các DN Việt nam đang sử dụng phần lớn là thiết bị cũ, ít có thiết bị tự động và còn nhiều máy móc vẫn do con người làm. Tuy nhiên, chúng tôi lại nghĩ rằng Việt Nam không cần phải có các thiết bị công nghệ mới nhất, hiện đại nhất mà chỉ cần các thiết bị máy móc có công nghệ trước công nghệ mới nhất một đời, như vậy chất lượng cũng vẫn được đảm bảo, Suy nghĩ này khi tôi trình bày cũng được sự đồng ý của các DN Việt Nam
Ba là: Phải có máy móc công nghệ tốt thì mới làm được sản phẩm có chất lượng nhưng các DN Việt Nam gặp phải vấn đề là không có tiền để đầu tư. Việc vay vốn ngân hàng gặp khó khăn và phải vay vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn là không khả thi, không thể phát huy hết năng lực.
Tôi đã gặp người bạn từ DN Việt Nam, một người rất tâm huyết, rất quyết tâm làm công nghiệp hỗ trợ, nhưng dự án của anh ta nhưng không thể vay được vốn ưu đãi và anh cũng không hiểu được tại sao Chính phủ không giải quyết được việc này. Tôi cũng rất đồng ý với ngài Đại sứ Nhật Bản là công nghiệp hỗ trợ đối với Việt nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành công nghiệp Việt Nam. Tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục có chính sách cho vay lãi suất thấp, thời hạn dài đối với các đối tượng là các DN nhỏ và vừa trong ngành chế tạo công nghiệp hộ̃ trợ. Vấn đề nữa là hệ thống các DN công nghiệp hỗ trợ Việt nam còn đang yếu và cần phải làm thế nào để tăng sức mạnh cho hệ thống này. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cần phải sớm có qui định cụ thể về chính sách miễn giảm thuế cho các DN, có ưu đãi thuế cho việc nhập khẩu máy móc thiết bị.
Một nhà bình luận nổi tiếng Nhật Bản đã cho rằng: Trong thời gian tới có ba nước có chữ là TVT có nhiều kỳ vọng phát triển và tăng trưởng. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Thái Lan. Việt Nam sở dĩ được đánh giá cao vì người Việt Nam thông minh, cần cù, có lòng nhiệt tình phấn đấu. Tôi tin và mong muốn rằng Việt Nam sẽ cố gắng phát triển được công nghiệp hỗ trợ cũng như toàn bộ ngành công nghiệp trong tương lai.
----------
Bài có liên quan: Công nghiệp phụ trợ: Những tín hiệu mới từ Hà Nội
Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (chi tiết)
Công văn 1150/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ V/v bổ sung KCN hỗ trợ Nam Hà Nội vào Quy hoạch phát triển các KCN cả nước
Công văn 2541/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ về việc chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải : Bộ Công Thương nghiên cứu giải quyết các đề xuất của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nêu tại Công văn 1033/PTM-SME ngày 15/4/2009.
Dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ Du thao