Các doanh nghiệp APAC kêu gọi thành lập liên minh năng lượng xanh

Theo Báo cáo Năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vừa được công bố mới đây, các doanh nghiệp khu vực APAC được khảo sát nhận thấy nhu cầu hợp tác lớn hơn với các đồng sự và đối thủ, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Các công ty được khảo sát cũng nhận thấy giá trị trong việc chuyển đổi sang các lựa chọn năng lượng xanh, với 54% cho rằng năng lượng tái tạo sẽ mang lại cho công ty hình ảnh tốt hơn.

Mới đây, BayWa r.e. (nhà phát triển năng lượng tái tạo toàn cầu) và Kantar (nhà sản xuất điện độc lập, nhà cung cấp dịch vụ và phân phối năng lượng mặt trời) đã công bố Báo cáo Năng lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Báo cáo này được tiến hành vào cuối năm 2022, khảo sát 346 người có sức ảnh hưởng đối với các quyết định về năng lượng tại các tổ chức có quy mô từ 100 nhân sự trở lên tại Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

năng lượng xanh
Các doanh nghiệp khu vực APAC kêu gọi thành lập liên minh năng lượng xanh.

Theo báo cáo, việc chậm triển khai các chính sách năng lượng tái tạo và môi trường chính trị khó dự đoán là 2 trong 3 rào cản lớn nhất, theo quan điểm lần lượt của 36% và 33% số người được phỏng vấn. Cụ thể, 59% số người được hỏi tại khu vực Đông Nam Á tin rằng thay vì thúc đẩy tăng trưởng xanh, các chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ năng lượng hóa thạch trong vòng 2-3 năm tới.

Trong khi đó, 47% doanh nghiệp tại khu vực châu Đại dương và Đông Á tin rằng nguồn hỗ trợ của chính phủ dành cho năng lượng hóa thạch sẽ vẫn tiếp tục bấp bênh trong 2-3 năm tới. Để giúp quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, 42% doanh nghiệp tại khu vực APAC tin rằng các chính sách thuế quan của chính phủ đối với năng lượng nâu sẽ hỗ trợ tổ chức của họ thúc đẩy năng lượng tái tạo.

năng lượng xanh
Năng lượng xanh sẽ mang lại lợi thế cho doanh nghiệp 

Trong khi tương lai chuyển dịch năng lượng tái tạo còn nhiều thách thức và trở ngại cần vượt qua, các doanh nghiệp tại khu vực APAC đã nhận ra nhu cầu cấp bách về sự thay đổi. Gần một nửa các doanh nghiệp được khảo sát đã có chính sách ưu tiên chuyển dịch năng lượng với 48% số công ty trong khu vực APAC đặt mục tiêu tăng sử dụng năng lượng tái tạo lên trên 40% trong thập kỷ này. Trong nhóm này, 79% dự kiến hoàn thành mục tiêu trong 5 năm tới, mang lại tín hiệu lạc quan cho thị trường.

Các công ty được khảo sát cũng nhận thấy giá trị trong việc chuyển đổi sang các lựa chọn năng lượng sạch hơn, với 54% cho rằng năng lượng tái tạo sẽ mang lại cho công ty hình ảnh tốt hơn. Một nửa số người được khảo sát cũng đồng tình rằng việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi thế kinh doanh nhất định, và 42% khác cho rằng năng lượng xanh sẽ mang cho họ lợi thế trong việc thu hút và giữ chân nhân tài trong thời điểm mà thương mại năng lượng mặt trời áp mái quy mô lớn có thể trở nên rẻ hơn điện được trợ giá tại Đông Nam Á.

năng lượng xanh
Các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á tin rằng thay vì thúc đẩy tăng trưởng xanh, các chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ năng lượng hóa thạch trong vòng 2-3 năm tới.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát nhận thấy nhu cầu hợp tác lớn hơn với các đồng sự và đối thủ, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. 2/3 (68%) số công ty dẫn đầu về năng lượng tái tạo tin chắc rằng các doanh nghiệp cần phải thành lập liên minh và cộng tác để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tỷ lệ người được hỏi tương tự bày tỏ sự ủng hộ đối với việc các nước APAC hợp tác trong hoạt động cung cấp năng lượng tái tạo.

“Căng thẳng địa chính trị, giá cả và lạm phát leo thang tiếp tục là những rào cản chính đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực APAC. Khi các thách thức trên lộ trình chuyển dịch sẽ vẫn còn dai dẳng, đã đến lúc các doanh nghiệp và chính phủ cần chung tay hành động”, ông Niranpal Singh - Tổng Giám đốc khu vực APAC, bộ phận Giải pháp Năng lượng của BayWa r.e cho biết.

Đinh Hương (biên dịch)