Các dự án khu đô thị, khu công nghiệp dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được bàn giao cho 4 địa phương

Chính phủ vừa yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) bàn giao các dự án khu đô thị, khu công nghiệp dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho 4 địa phương.
dự án dọc cao tốc hà nội - hải phòng

VIDIFI sẽ bàn giao các dự án khu đô thị, khu công nghiệp dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho 4 địa phương

Ngày 8/8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 937/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quyết định số 1621/QĐ-TTg năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phải đồng bộ với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được giao đầu tư xây dựng Khu đô thị ở Gia Lâm; các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến đường cao tốc theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Vidifi bàn giao cho UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội kết quả nghiên cứu, hồ sơ tài liệu tương ứng của các dự án khu đô thị, khu công nghiệp (trừ dự án khu đô thị Gia Lâm).

Các khu đô thị mới:

- Thành phố Hà Nội: Khu đô thị ở Gia Lâm và Khu đô thị khác ở Hà Nội với tổng diện tích khoảng 400ha.

- Thành phố Hải Phòng: Khu đô thị mới Tràng Cát, Quang Trung (150 ha),

- Tỉnh Hải Dương: Khu đô thị tại huyện Gia Lộc.

Các khu công nghiệp:

- Thành phố Hải Phòng: Khu công nghiệp Hưng Đạo (150ha), Cần Cựu (100 ha).

- Tỉnh Hưng Yên: Các khu công nghiệp Tân Dân, Thổ Hoàng, Lý Thường Kiệt.

- Tỉnh Hải Dương: Các khu công nghiệp Hoàng Diệu, Hưng Đạo.

UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội triển khai thực hiện các khu đô thị, khu công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

VIDIFI bàn giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội kết quả nghiên cứu, hồ sơ tài liệu tương ứng của các dự án khu đô thị, khu công nghiệp quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 (trừ dự án Khu đô thị Gia Lâm).

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội triển khai thực hiện các khu đô thị, khu công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan chủ trì, phối hợp với VIDIFI và các nhà đầu tư được lựa chọn thống nhất việc thanh toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án khu đô thị và khu công nghiệp cho VIDIFI trên cơ sở chi phí đã được kiểm toán, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan.

Bộ Giao thông vận tải và VIDIFI nghiên cứu, thống nhất, thực hiện sửa đổi, bổ sung Hợp đồng BOT Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó xem xét điều chỉnh phương án tài chính, kéo dài thời gian thu phí để bảo đảm phương án tài chính của dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo đúng quy định pháp luật.

Được biết, trong giai đoạn từ năm 2007 - 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định về cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư đối với Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Cụ thể, là doanh nghiệp dự án, VIDIFI -  được Chính phủ cho phép triển khai đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp và các khu dịch vụ hậu cần dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Quyết định số 1621/QĐ - TTg, bên cạnh nguồn thu phí trên chính tuyến và Quốc lộ 5, VIDIFI được giao đầu tư 5 khu đô thị (Khu đô thị Gia Lâm và Khu đô thị khác - Hà Nội; Tràng Cát và Quang Trung - Hải Phòng; Gia Lộc - Hải Dương) và 7 khu công nghiệp (Hưng Đạo, Cầu Cựu - Hải Phòng; Tân Dân, Thổ Hoàng, Lý Thường Kiệt - Hưng Yên; Hoàng Diệu, Hưng Đạo - Hải Dương). Trong quá trình triển khai, số lượng dự án bị “rơi rụng” chỉ còn 5 khu đô thị và 5 khu công nghiệp.

Để đảm bảo tính khả thi của dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ tối đa  39% tổng mức đầu tư, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 4.069 tỷ đồng); đồng thời chuyển khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức được Chính phủ bảo lãnh thành vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án. VIDIFI được sử dụng tiền sử dụng đất của Khu đô thị Gia Lâm (khoảng 4.723 tỷ đồng) và các khu đô thị và khu công nghiệp khác (khoảng 500 tỷ đồng).

Sau khi nhận được gói cam kết nói trên, VIDIFI đã triển khai thi công Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2015, với giá trị quyết toán khoảng 41.399 tỷ đồng; thời hạn vận hành, khai thác công trình được ấn định trong 30 năm, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2045.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 8/2022, ngoại trừ Khu đô thị Gia Lâm; các khu đô thị và khu công nghiệp khác đều chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều địa phương trong đó có Hải Dương và Hải Phòng liên tục kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các dự án nói trên, nhằm tránh lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội do bị “treo, gác” quá lâu.

Đến giữa tháng 4/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 3252/BTC-TCNH báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý các dự án của VIDIFI mà Nhà nước hỗ trợ đảm bảo khả năng hoàn vốn cho Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. 

Tại công văn này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng quyết định thu hồi lại các khu đô thị, khu công nghiệp đã giao cho VIDIFI và chuyển giao lại cho địa phương triển khai.

Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do VIDIFI đầu tư theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 105,5 km với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội (cách mố bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).

Con đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A có 6 nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ. Tuyến đường có 9 cầu lớn, 21 cầu trung, 22 cầu vượt với tổng chiều dài cầu khoảng 11km. 124 cống chui và cầu vượt dân sinh.

Tốc độ ô tô thiết kế đạt 120km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết.

Ngoài ra, dự án có hơn 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. Dọc tuyến đường cao tốc có 9 nút giao liên thông khác mức, 1 nút giao bằng tại Đình Vũ, 39 vị trí giao cắt trục thông khác mức, 105 cầu chui dân sinh cùng hệ thống đường gom tổng chiều dài 164,8 km.

Xuân An