Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán: nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán: nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh của NGUYỄN TRỌNG NGUYÊN (Trường Đại học Sài Gòn)

TÓM TẮT:

Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua bảng khảo sát gồm 20 câu hỏi được gửi đến 127 kiểm toán viên (KTV) đang làm việc tại các công ty kiểm toán khu vực TP. Hồ Chí Minh, kết quả nghiên cứu cho thấy các chính sách kiểm soát chất lượng bên trong của công ty kiểm toán ảnh hưởng mạnh đến chất lượng cuộc kiểm toán so với năng lực và tính độc lập của kiểm toán viên.

Từ khóa: tính độc lập của kiểm toán, kiểm soát chất lượng, chất lượng kiểm toán, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp cho nhà đầu tư đưa ra quyết định kinh tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến thông tin BCTC không phản ánh đúng bản chất thực trạng về tài chính cũng như kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, BCTC của một số loại hình doanh nghiệp, nhà nước bắt buộc phải được kiểm toán độc lập (KTĐL) kiểm toán trước khi công bố. KTĐL đóng vai trò là người góp phần nâng cao chất lượng BCTC, thông qua đó nâng cao lòng tin của người sử dụng thông tin BCTC. Loại hình doanh nghiệp KTĐL là loại hình kinh doanh dịch vụ mang tính đặc thù, khác với những loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Mục đích cuối cùng của doanh nghiệp KTĐL suy cho cùng là lợi nhuận, họ cũng cần có doanh thu, cũng cần có khách hàng, nhưng hoạt động của họ không vì những mục đích này mà bất chấp luật pháp, bất chấp uy tín nghề nghiệp. Trách nhiệm của KTĐL luôn hướng tới là phục vụ số đông người sử dụng thông tin BCTC, là trách nhiệm xã hội được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Tuy nhiên trong thực tế, còn rất nhiều công ty kiểm toán và kiểm toán viên dù nhiều hay ít đã cố tình quên đi trách nhiệm xã hội của mình, từ đó dẫn đến chất lượng kiểm toán được đánh giá không cao.

Chính vì vậy, trong hơn một thập niên gần đây, có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến chất lượng kiểm toán, đặc biệt là các nước châu Á, phần nhiều bao gồm các nước đang phát triển. Khái niệm chất lượng kiểm toán được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau. Theo khuôn mẫu của Knechel và cộng sự (2013), chất lượng kiểm toán được tiếp cận theo thẻ điểm cân bằng bao gồm 4 chỉ báo chất lượng: đầu vào, quy trình, đầu ra và bối cảnh. Một hướng tiếp cận khác là theo phương pháp đánh giá chất lượng kiểm toán, bao gồm đánh giá trực tiếp và đánh giá gián tiếp.

Với nhiều góc nhìn khác nhau về chất lượng kiểm toán, cũng sẽ có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng kiểm toán, tùy thuộc vào góc nhìn của nhà nghiên cứu. chất lượng kiểm toán xét theo nhóm yếu tố đầu vào, bao gồm: năng lực chuyên môn, tính độc lập, hoài nghi nghề nghiệp, các giá trị đạo đức, áp lực công ty, quy mô, danh tiếng công ty kiểm toán, dịch vụ phi kiểm toán… Xét nhóm quy trình, bao gồm: xét đoán, đánh giá rủi ro, thủ tục phân tích, quy trình kiểm soát chất lượng kiểm toán,… Về nhóm đầu ra, bao gồm: đảm bảo các yêu cầu của luật pháp, sự hài lòng của nhà đầu tư, công ty khách hàng.

Trong nghiên cứu này, tác giả xem xét 3 yếu tố thuộc các yếu tố đầu vào và quy trình kiểm toán có ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, bao gồm: năng lực, tính độc lập của kiểm toán viên và kiểm soát chất lượng của công ty kiểm toán.

2. Tổng quan nghiên cứu

2.1. Chất lượng kiểm toán

Khái niệm chất lượng kiểm toán được hiểu theo nhiều khía cạnh. Cho đến hiện tại, chưa có định nghĩa cụ thể về chất lượng kiểm toán. Theo Sutton (1993), nguyên nhân dẫn đến việc không thống nhất định nghĩa về chất lượng kiểm toán là do có nhiều sự khác biệt từ các bên liên quan tham gia thị trường quan tâm đến hoạt động kiểm toán. Các bên đều có quan điểm khác nhau về chất lượng kiểm toán. Dưới góc độ người sử dụng thông tin BCTC, chất lượng kiểm toán BCTC được đảm bảo khi có khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của KTV, giúp họ nhận được ý kiến về tính khách quan và trung thực của các thông tin trên BCTC được kiểm toán, đảm bảo các sai sót trên BCTC đều được phát hiện và được báo cáo. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng kiểm toán, dựa trên mức độ hài lòng Boon và cộng sự (2008) đã kết luận rằng: “Nếu khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu của kiểm toán viên càng cao thì mức độ thỏa mãn của người sử dụng dịch kiểm toán cũng càng cao”. Dưới góc nhìn của kiểm toán viên và công ty kiểm toán, chất lượng kiểm toán BCTC được đảm bảo khi kiểm toán viên tuân thủ đầy đủ chuẩn mực nghề nghiệp, tuân thủ các quy trình, thủ tục kiểm toán do công ty kiểm toán quy định, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, từ đó nâng cao uy tín với khách hàng và đảm bảo mục tiêu lợi nhuận của công ty. Theo DeAngelo (1981), chất lượng kiểm toán BCTC là sự đánh giá của thị trường về khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong BCTC của đơn vị được kiểm toán. Theo đó, chất lượng kiểm toán phụ thuộc vào 2 yếu tố: thứ nhất là trình độ chuyên môn, kỹ thuật và phương pháp của kiểm toán viên và thứ hai là tính độc lập của kiểm toán viên.

2.2. Tính độc lập của kiểm toán viên

Sự độc lập của kiểm toán viên là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán. Sự độc lập của kiểm toán viên bao gồm độc lập về tư tưởng và độc lập về hình thức (IFAC, 2022). Độc lập về tư tưởng là trạng thái tư tưởng cho phép đưa ra kết luận mà không bị tác động bởi những yếu tố có ảnh hưởng đến xét đoán chuyên môn, cho phép một cá nhân hành động một cách chính trực và vận dụng được tính khách quan cũng như thái độ hoài nghi nghề nghiệp của mình. Độc lập về hình thức là việc cần tránh các sự kiện và tình huống nghiêm trọng tới mức một bên thứ ba phù hợp và có đầy đủ thông tin sau khi đánh giá sự kiện và tình huống thực tế. Theo Louwers, (2015), tính độc lập là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Độc lập về tư tưởng, kiểm toán viên được kỳ vọng là khách quan và không phân biệt bằng cách tôn trọng tất cả các xét đoán chuyên môn trong kiểm toán BCTC. Trong khi đó, độc lập về hình thức liên quan đến nhận thức của người sử dụng thông tin BCTC. Để duy trì tính độc lập, kiểm toán viên và công ty kiểm toán cần có những biện pháp giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập, bao gồm nguy cơ tư lợi, nguy cơ tự kiểm tra, nguy cơ về sự bào chữa, nguy cơ từ sự thân quen và nguy cơ bị đe dọa.

2.3. Năng lực chuyên môn của kiểm toán viên

Năng lực chuyên môn thể hiện ở kiến thức và trình độ chuyên môn của kiểm toán viên bao hàm cả khả năng xét đoán chuyên môn và sự hiểu biết về lĩnh vực hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Năng lực chuyên môn đòi hỏi kiểm toán viên phải được đào tạo chính quy về kiểm toán, kế toán và thực hành đủ kinh nghiệm trong nghề kiểm toán cũng như giáo dục chuyên nghiệp liên tục (Arens, 2014). Theo Mulyadi (2009), kiểm toán viên có thể đạt được năng lực chuyên môn thông qua việc giáo dục kinh nghiệm. Mỗi cá nhân phải cố gắng đạt được mức năng lực cao nhất để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đạt yêu cầu cao và có tính chuyên nghiệp, phù hợp với các nguyên tắc đạo đức hiện hành. Năng lực chuyên môn ở đây không chỉ trong lĩnh vực kiểm toán, mà còn là sự am hiểu trong những lĩnh vực hoạt động của khách hàng. Những am hiểu này sẽ làm tăng cường khả năng phát hiện sai sót, qua đó ảnh hưởng đến khả năng báo cáo các sai sót và làm tăng chất lượng kiểm toán (Hammersley, 2006). Đồng thời, những công ty kiểm toán có quy trình tuyển dụng chặt chẽ, chú trọng đến năng lực của nhân viên, có sự đầu tư cho việc đào tạo và cập nhật kiến thức thường xuyên thì luôn có được chất lượng nhân viên tốt hơn, nhận được sự hài lòng từ phía khách hàng nhiều hơn, qua đó sẽ tác động tích cực đến chất lượng kiểm toán (Eko Suyono, 2012). Vì vậy, năng lực nghề nghiệp được đánh giá là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán, cũng như sự hài lòng của đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán (Boon và cộng sự, 2008).

2.4. Hệ thống kiểm soát lượng của công ty kiểm toán

So với các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán khác, kiểm soát chất lượng (KSCL) từ bên trong vẫn được xem là một hoạt động không thể thiếu đối với các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT). Nội dung nghiên cứu về nhân tố này có phạm vi khá rộng, liên quan đến tất cả các khía cạnh khác nhau trong quá trình hoạt động của DNKT. Theo chuẩn mực KSCL số 1 Việt Nam (VSQC1), công ty kiểm toán cần xây dựng và duy trì hệ thống KSCL bao gồm các chính sách và thủ tục cho từng yếu tố: Trách nhiệm của Ban Giám đốc về chất lượng; Quy định về đạo đức nghề nghiệp; Chấp nhận và duy trì quan hệ khách hàng; Nguồn lực; Thực hiện hợp đồng và Giám sát. Nếu Công ty kiểm toán thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng tốt thì các sai sót trọng yếu trên BCTC dễ dàng được phát hiện hơn. Như vậy, KSCL từ bên trong tốt sẽ thúc đẩy việc tuân thủ của kiểm toán viên trong quá trình thực hiện kiểm toán, từ đó giúp nâng cao chất lượng kiểm toán.

3. Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát các kiểm toán viên tại các công ty kiểm toán độc lập có văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả dùng bảng câu hỏi gồm 20 biến quan sát để thu thập dữ liệu của 127 kiểm toán viên bằng cách phát câu hỏi trực tiếp và gửi bảng câu hỏi online thông qua công cụ Google Doc. Bảng câu hỏi được thiết kế theo các phát biểu cho từng nhân tố với giá trị thang đo Likert 5 bậc. Các dữ liệu sau khi thu thập đã được làm sạch và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu.

4. Kết quả và phân tích

4.1. Phân tích thống kê

Về chất lượng BCTC, kết quả phân tích cả 5 phát biểu đều đạt giá trị lớn nhất là 5, nhưng khác biệt ở giá trị nhỏ nhất (GTNN), cụ thể:

- Có 3 phát biểu có GTNN là 1, gồm: Khả năng duy trì hợp đồng của khách hàng cho năm tiếp theo (với Giá trị trung bình (GTTB): 3.45, độ lệch chuẩn (ĐLC): 0.654); Tuân thủ chặt chẽ các chính sách và thủ tục kiểm toán (GTTB: 3.46, ĐLC: 0.735); Khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu trên BCTC (GTTB: 3.48, ĐLC: 0.694).

- Có 2 phát biểu có GTNN là 2, gồm: Sự đảm bảo về chất lượng của các hồ sơ kiểm toán (GTTB: 3.54, ĐLC: 0.600); Tính khách quan và mức độ tin cậy của các ý kiến kiểm toán (GTTB: 3.51, ĐLC: 0.623).

Về năng lực chuyên môn của KTV, cả 5 phát biểu đều có GTNN là 1 và GTLN là 5, khác biệt về GTTB và ĐLC, cụ thể: Duy trì sự thận trọng và thái độ hoài nghi nghề nghiệp cần thiết trong quá trình kiểm toán (GTTB: 3.45, ĐLC: 0.961); Sự trang bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng kiểm toán trong cuộc kiểm toán (GTTB: 4.12, ĐLC: 1.032); Sự am hiểu đầy đủ về môi trường, lĩnh vực kinh doanh của khách hàng trong cuộc kiểm toán (GTTB: 2.54, ĐLC: 1.013); Thực hiện đầy đủ thủ tục và đưa ra các xét đoán chuyên môn cần thiết trong một cuộc kiểm toán (GTTB: 4.14, ĐLC: 0.951); Thường xuyên cập nhật đào tạo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ (GTTB: 3.36, ĐLC: 0.979).

Về tính độc lập của kiểm toán viên, cả 5 phát biểu đều có GTNN là 1 và GTLN là 5, khác biệt về GTTB và ĐLC, cụ thể: Lợi ích kinh tế liên quan doanh nghiệp khách hàng trong suốt cuộc kiểm toán (GTTB: 4.26, ĐLC: 0.856); Luân chuyển KTV trong cuộc kiểm toán (GTTB: 3.41, ĐLC: 0.935); Ảnh hưởng bởi quan hệ thân thiết nào với doanh nghiệp khách hàng (GTTB: 4.24, ĐLC: 0.898); Áp lực từ lãnh đạo khi đưa ra ý kiến kiểm toán (GTTB: 3.45, ĐLC: 0.901); (GTTB: 4.26, ĐLC: 0.856); Không có bất kỳ hoạt động nào mà bên thứ ba cho rằng KTV vi phạm tính độc lập (GTTB: 3.52, ĐLC: 0.770).

Về kiểm soát chất lượng doanh nghiệp kiểm toán, cả 5 phát biểu đều có GTNN là 1 và GTLN là 5, khác biệt về GTTB và ĐLC, cụ thể: Các chính sách và thủ tục về việc chấp nhận, duy trì quan hệ khách hàng chỉ khi DNKT đảm bảo các yêu cầu của VSQC1 (GTTB: 4.26, ĐLC: 0.918); Các chính sách và thủ tục tuân thủ đạo đức nghề nghiệp được thiết lập và vận hành trong thực tế  (GTTB: 3.33, ĐLC: 1.058); Chính sách kiểm soát chất lượng được thông tin đến toàn bộ nhân viên trong công ty (GTTB: 2.81, ĐLC: 0.962); Quy định kiểm tra, giám sát giữa các KTV hành nghề và thành viên Ban Giám đốc được thiết lập và hữu hiệu trong thực tế (GTTB: 3.56, ĐLC: 0.816); Tất cả các cấp quản lý luôn hành động và thông điệp rõ ràng, nhất quán và thường xuyên về văn hóa nội bộ hướng đến chất lượng trong công ty (GTTB: 4.33, ĐLC: 0.773).

4.2. Phân tích hồi quy

Dữ liệu thu thập được kiểm định Cronbach's Alpha và phân tích khám phá (EFA), cho thấy đảm bảo độ tin cậy và giá trị thang đo. Kết quả phân tích hồi quy với biến phụ thuộc là chất lượng kiểm toán (CLK) và 3 biến độc lập là tính độc lập (TĐL), năng lực chuyên môn (NLC) và kiểm soát chất lượng (KCT), biểu hiện qua phương trình sau:

CLK = 2,964 + 0,278TĐL + 0,468KCT + 0,296NLC

5. Thảo luận

5.1. Phân tích thống kê

Từ kết quả phân tích thống kê cho thấy:

Về chất lượng kiểm toán nhìn từ góc độ kiểm toán viên là chưa cao, với mức độ trung bình từ 3.45 đến 3.54, cho thấy phù hợp với thực tế từ các báo cáo kiểm tra chất lượng các công ty kiểm toán độc do Bộ Tài chính kết hợp với Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam thực hiện qua các năm.

Về mức độ đảm bảo năng lực chuyên môn cho cuộc kiểm toán. KTV tham gia cuộc kiểm toán có đầy đủ kiến thức và kỷ năng kiểm toán, cũng như luôn duy trì xét đoán chuyên môn, đảm bảo phát hiện các sai sót trọng yếu. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy, KTV khi tham gia kiểm toán khả năng hiểu biết về môi trường hoạt động và ngành nghề kinh doanh của khách hàng còn hạn chế (2.54), điều này ảnh hưởng đến khả năng phát hiện các sai sót từ những khoản mục mang tính chất xét đoán từ BCTC của khách hàng.

Về tính độc lập của KTV khi tham gia kiểm toán, KTV và công ty kiểm toán luôn đảm bảo tính độc lập. Trong đó, việc luân chuyển KTV đạt mức thấp (3.41), điều này cho thấy thực tế số lượng KTV tại các công ty kiểm toán, mặc dù đảm bảo về mặt số lượng theo yêu cầu của luật pháp, như không đủ lớn để luân chuyển KTV nhằm giảm nguy cơ từ sự quen thuộc, từ đó ảnh hưởng đến tính độc lập của KTV khi tham gia cuộc kiểm toán.

Về KSCL, mặc dù công ty kiểm toán và ban lãnh đạo có xây dựng chính sách kiểm soát chất lượng theo yêu cầu của VSQC1, tuy nhiên việc duy trì chính sách này trong thực tế là chưa cao. Các chính sách kiểm soát chất lượng chưa được lan tỏa đến toàn bộ các thành viên trong công ty kiểm toán, vấn đề KSCL liên quan đến đạo đức, một trong những yêu cầu của VSQC1 khi tiếp nhận hoặc duy trì khách hàng cho năm kiểm toán tiếp theo. Dữ liệu này cho thấy phù hợp thực trạng các công ty kiểm toán trong việc xây dựng và duy trì KSCL ở các cuộc kiểm tra dịch vụ kiểm toán của Bộ Tài chính khi kiểm tra 16 công ty kiểm toán năm 2021 và năm 2022.

5.2. Phân tích hồi quy

Qua phương trình hồi quy, 3 yếu tố tính độc lập, năng lực chuyên môn và kiểm soát chất đều ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán BCTC, điều này phù hợp với các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, KSCL từ bên trong của công ty kiểm toán là yếu tố có sự ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kiểm toán (0.468).

6. Kết luận và hàm ý

Chất lượng kiểm toán phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó vai trò từ các yếu tố thuộc công ty kiểm toán là quan trọng. Những nhân tố này giúp công ty kiểm toán duy trì uy tín và đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, để nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC, từ nghiên cứu này, tác giả đưa ra những hàm ý đối với công ty kiểm toán như sau:

- Về chính sách chất lượng kiểm toán: Công ty kiểm toán cần quan tâm nhiều đến hệ thống KSCL, đặc biệt là việc duy trì và lan tỏa chính sách này đến toàn bộ các thành viên trong công ty kiểm toán. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chính sách kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán giữa các KTV hành nghề và thành viên ban giám đốc phụ trách tổng thể hợp đồng dịch vụ kiểm toán hằng năm. Công ty kiểm toán cần quan tâm đến vấn đề vận hành chính sách KSCL trong thực tế hơn là chỉ dừng ở mức độ thiết kế.

- Về năng lực chuyên môn: Bên cạnh việc trang bị và cập nhật đào tạo kiến thức về nghề nghiệp cho KTV, công ty kiểm toán cần chú trọng việc phân công KTV khi tham gia kiểm toán cần có đầy đủ hiểu biết về lĩnh vực hoạt động của khách hàng được kiểm toán. Với phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, với sự hiểu biết sâu về lĩnh vực hoạt động của khách hàng là rất quan trọng. Việc hiểu biết sâu giúp KTV nhận diện được các rủi ro giúp KTV thiết kế các thủ tục kiểm toán nhằm phát hiện các sai sót trọng yếu trên BCTC của công ty khách hàng.

- Về tính độc lập của KTV: Duy trì tính độc lập trong quá trình kiểm toán sẽ giúp KTV đảm bảo sự xét đoán và đưa ra ý kiến một cách khách quan, vì vậy công ty kiểm toán cần có những biện pháp đảm bảo tính độc lập cho KTV khi tham gia cuộc kiểm toán. Một trong những biện pháp đó là luân chuyển KTV trong việc tham gia và ký báo cáo kiểm toán. Để đạt được điều này, công ty kiểm toán cần có chiến lược dài hạn về chính sách nhân sự nói chung và tuyển dụng, đào tạo đội ngũ KTV nói riêng để đảm bảo số lượng KTV trong kế hoạch dài hạn của công ty. Báo cáo kiểm toán giúp nâng cao lòng tin của người sử dụng thông tin. Vì vậy, ngoài việc duy trì sự độc lập về tư tưởng, công ty kiểm toán cần có những chính sách nhằm đảm bảo KTV độc lập về hình thức khi tham gia cuộc kiểm toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. A.A.Arens, R.J. Elder, M.S. Beasley, (2014). Auditing & Assurance Services: An Integrate Approach. USA: Pearson College Div.
  2. Boon, K. , McKinnon, J. & Ross, P. (2008).Audit Service Quality in Compulsory Audit Tendering: Preparer Perceptions and Satisfaction. Accounting Research Journal, 21, 93-122.
  3. DeAngelo,L.E. (1981). Auditor Independence, Lowballing and Disclosure Regulation. Journal of accounting and Economics, 3, 113-127.
  4. Eko Suyono (2012). Determinant Factors Affecting The Audit Quality: An Indonesian Perspective, Global Review of Accounting and Finance, 3(2), 42-57.
  5. Hammersley. (2006). Pattern Identification and Industr-Specialist Auditors, The Accounting Review, 81(2), 309-336.
  6. International Federation of Accountants, (2022). Handbook of International Code of Ethics for Professional Accountant. Croatia: IESBA.
  7. Knechel, W. R., Krishnan, G. V., Pevzner, M., Shefchik, L. B., & Velury, U. K., (2013). Audit quality: Insights from the academic literature. AUDITING: A Journal of Practice & Theory, 32, 385-421.
  8. Louwers, Ramsay, Sinason, Strawser, Thibodeau. (2015). Auditting & Assurance Service. [Online] Availabile at https://www.pwc.com/gx/en/services/audit-assurance.html
  9. Mulyadi. (2009). Auditing. 6th Edition. Jakarta: Salemba Empat.
  10. Sutton, S.G. (1993). Toward an Understanding of the Factors Affecting the Quality of the Audit Process. Decision Sciences, 24, 88-105.

FACTORS AFFECTING THE AUDIT QUALITY:

A CASE STUDY OF AUDITORS IN HO CHI MINH CITY

Ph.D NGUYEN TRONG NGUYEN

Saigon University

ABSTRACT:

In this study, the quantitative research method is used and a survey of 20 questions is sent to 127 auditors working for auditing firms in Ho Chi Minh City. The study finds out that the internal quality control policies of auditing firms have a stronger impact on the audit quality, compared to that of the auditor's capacity and the auditor independence.

Keywords: auditor independence, quality control, audit quality, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023]

TCCT