Cần phối hợp “ba nhà” để chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng.

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào nội địa theo đường chính ngạch

Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.

Hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là hàng hóa của các thương hiệu nước ngoài, thương hiệu nổi tiếng mà ngay chính những sản phẩm trong nước cũng trở thành mục tiêu của các đối tượng. Chủng loại hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng rất đa dạng, từ hàng may mặc, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại hay các sản phẩm đồ chơi lắp ghép dành cho trẻ em... Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Các sản phẩm sách, đồ chơi trẻ em thật - giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được trưng bày, giới thiệu tại "Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em"

Theo đánh giá từ lực lượng Quản lý thị trường, từ cuối năm 2021, khi đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được xây dựng hàng rào, các đối tượng vận chuyển buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng chuyển dần sang đường chính ngạch. Các đối tượng lợi dụng chính sách xuất nhập như: khai báo không hết, khai báo không đúng, lợi dụng kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa để đưa hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vào thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, từ 8/1/2023, Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách Zero-Covid, hoạt động kinh tế, thông thương ngày càng thuận lợi, song, đi cùng với đó là tình hình hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến gia tăng trở lại. Thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm chất lượng, uy tín thì các đối tượng “tát nước theo mưa” sản xuất các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Phối hợp, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Ông Đỗ Việt Tùng cho biết, sau khi LEGO ra mắt sản phẩm mới (Wildflower - Hoa dại), thì 1-2 tháng sau hàng tương tự (không phải của LEGO) đã xuất hiện trên thị trường

Đại diện Tập đoàn LEGO tại Việt Nam - doanh nghiệp chuyên sản xuất dòng sản phẩm đồ chơi lắp ghép cho biết, chỉ trong Quý 1/2023, doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và tháo gỡ 5.339 đường dẫn sản phẩm xâm phạm sở hữu trí tuệ trên 4 sàn thương mại điện tử lớn gồm: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Đặc biệt, tại “Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em” diễn ra sáng 30/5 do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức, ông Đỗ Việt Tùng - Trưởng Phòng Đối ngoại của Tập đoàn LEGO tại Việt Nam chia sẻ, sau khi LEGO ra mắt sản phẩm mới (Wildflower - Hoa dại), thì 1-2 tháng sau hàng tương tự (không phải của LEGO) đã xuất hiện trên thị trường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng như quyền và lợi ích của người dùng.

“Hàng năm, Tập đoàn LEGO cho ra đời hàng ngàn mẫu sản phẩm đồ chơi các loại. Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm của LEGO được phân phối thông qua hệ thống MyKingdom. Để phân biệt hàng chính hãng và hàng vi phạm, người tiêu dùng cần nhìn logo LEGO in trên mỗi bao bì sản phẩm. Logo LEGO đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Do vậy, khi sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng sẽ thiết kế mẫu logo, bao bì tương tự, na ná giống nhau, như LEBO, LEDUO, LB+...”, ông Đỗ Việt Tùng chia sẻ.

Tương tự, bà Lương Thị Thanh Ngà - Đại diện Truyền thông Tân Việt Books cũng cho biết, sản xuất, kinh doanh sách giả, sách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn nạn đối với ngành xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các bậc phụ huynh, nhất là các phụ huynh trẻ ngày càng quan tâm đến các xuất bản phẩm dành cho trẻ nhỏ.

“Không ít lần, chúng tôi nhận được phản ánh từ người tiêu dùng, khi mua phải sách giả, sách in lậu. Người tiêu dùng đặt mua sách trên các nền tảng thương mại điện tử, rồi gọi điện phản ánh, tại sao Công ty lại in sách xấu, nhòe mực, khó đọc như thế này; tại sao tôi mua giá cuốn sách này 600.000, còn bạn tôi mua chỉ mất 100- 200.000...”, bà Ngà chia sẻ và cho rằng, đôi lúc, chính người tiêu dùng cũng không biết là mình đã mua và đang sử dụng phải sách giả, sách in lậu.

Cần phối hợp “ba nhà” để chống hàng giả

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại rất phổ biến tại Việt Nam, bởi vị trí địa lý Việt Nam khá thuận lợi, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều quốc gia. Đi cùng với đó, nhận thức của người tiêu dùng chưa cao nên việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... đang là một vấn nạn tại thị trường nước nhà.

Từ năm 2018 đến nay, kể từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngành dọc, liên quan đến các các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm.

Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng.

Phối hợp, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ

Phối hợp, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Dù đạt được kết quả ấn tượng, song theo lãnh đạo Tổng cục, những nỗ lực này vẫn chưa đủ, các hành vi vi phạm vẫn còn nhiều. Công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

“Trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao... thì sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế”, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường chỉ rõ nguyên nhân của nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhấn mạnh, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất, phân phối trên thị trường, vì vậy, việc phối hợp cung cấp cấp thông tin của doanh nghiệp, của chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Văn Quang - trợ lý Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi dán tem chống hàng giả trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng làm giả luôn cả tem chống hàng giả.

Để giúp người tiêu dùng phân biệt sách chính hãng và sách vi phạm, Nhà xuất bản Giáo dục đã có nhiều giải pháp để người tiêu dùng phân biệt đâu là tem chống hàng giả thật, và đâu là tem chống hàng giả giả.

“Nhà xuất bản Giáo dục có 2 hệ thống tem chống giả. Trên nguyên lý in bằng laze, tem chống hàng giả được in sắc nét. Nếu dùng kính lúp có độ phóng đại cao, người tiêu dùng vẫn có thể nhìn rõ thông tin, hình ảnh và đường nét mô tả trong tem. Thứ hai, là dùng tem bằng kỹ thuật số, giống thẻ cào, khi cào lớp phủ bạc, sẽ hiện ra một dãy số. Gõ dãy số đó lên hệ thống, khách hàng sẽ có câu trả lời sách thật hay sách giả”, ông Quang thông tin.

Về phía cơ quan chức năng, thời gian qua, để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường đã ký, triển khai các MOU với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đại diện các thương hiệu nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia như: Tập đoàn P&G (Hoa Kỳ), Tập đoàn SCHOTT AG (Đức), Đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới; Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào về công tác dán nhãn hàng hóa; Đại sứ quán Ý và Tập đoàn Luxottica, Văn phòng sáng chế bà nhãn hiệu Hoa Kỳ và LEGO Việt Nam về SHTT...

Phối hợp, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ
Bà Vũ Thị Minh Ngọc nhấn mạnh, công tác phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới

Bà Vũ Thị Minh Ngọc - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng Quản lý thị trường trong những năm qua. Công tác này sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường cũng phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Hải quan, Biên phòng, Công an... tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Hiện nay, chúng tôi đang trình Chính phủ Đề án nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính. Nếu được phê duyệt, Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lực lượng Quản lý thị trường trong thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại”, bà Vũ Thị Minh Ngọc nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Vũ Thị Minh Ngọc cũng cho rằng, để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Trong đó, nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý; nhà sản xuất phối hợp tốt với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm và chủ động tuyên truyền cho người tiêu dùng cách nhận diện phân biệt hàng thật-hàng vi phạm; còn người tiêu dùng thì phải tỉnh táo trong việc lựa chọn, mua và sử dụng những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nguyên Vỵ