Cắt khúc lưu thông hàng hóa theo cấp hành chính được xoá bỏ thế nào?

Giai đoạn 1986-1995, nổi bật nhất là quản lý nhà nước về thương mại có sự đổi mới từ Trung ương đến địa phương cả về tư duy, nội dung và phương pháp quản lý, môi trường pháp lý cho lưu thông hàng hóa, hoạt động của thương nhân.
 lưu thông hàng hóa
Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, Hà Nội đầu năm 1990. (Ảnh: TTXVN)

Đổi mới lưu thông hàng hóa

Lưu thông hàng hóa là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong những năm đầu Đổi mới. Ngày 05/7/1987, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết số 113-HĐBT chuyển hoạt động nội thương sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, trong đó vấn đề lưu thông hàng hóa được quan tâm đặc biệt. Nghị quyết đánh dấu bước khởi đầu xác lập cơ chế xóa bỏ chế độ bao cấp - một phương thức kinh doanh chủ yếu của thương nghiệp quốc doanh:

“Mọi quan hệ trao đổi giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và các hộ nông dân phải theo nguyên tắc bình đẳng, thuận mua vừa bán, bảo đảm củng cố liên minh công nông. Xóa bỏ chế độ lưu thông hàng hóa theo hình thức trao đổi hiện vật trong việc mua nông sản và bán vật tư với nông dân”;

“Xóa bỏ tình trạng cắt khúc lưu thông hàng hóa theo cấp hành chính; không nhất thiết mỗi cấp quản lý hành chính đều phải có tổ chức kinh doanh thương nghiệp của riêng mình”;

“Xây dựng và thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật thương nghiệp hợp lý, nâng cao chất lượng kinh doanh, quay nhanh vòng hàng và tiền, giảm mạnh phí lưu thông bất hợp lý, kinh doanh có lãi; hạn chế, đi tới chấm dứt việc Nhà nước bù lỗ cho thương nghiệp”.

Hạch toán kinh doanh XHCN

Cuối năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 231- HĐBT chuyển ngành Vật tư sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Quyết định số 231-HĐBT cho phép tổ chức kinh doanh vật tư “được quan hệ trực tiếp với các xí nghiệp”. Trong đó, hạch toán rành mạch việc mua bán vật tư trong và ngoài chỉ tiêu pháp lệnh, trong và ngoài danh mục Nhà nước định giá:

-Phần bán cho các xí nghiệp làm sản phẩm theo chỉ tiêu pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng của Nhà nước thì bán theo số lượng Nhà nước đã ghi rõ tương ứng khối lượng sản phẩm được giao kế hoạch pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng Nhà nước.

-Phần bán theo sự thỏa thuận với các xí nghiệp để làm các sản phẩm và dịch vụ khác thì đưa vào kế hoạch kinh doanh chung báo cáo cấp trên biết, và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các điều khoản mua bán ký kết với các bạn hàng.

-Đối với những loại vật tư thuộc danh mục Nhà nước định giá thì phải bán theo đúng giá quy định của Nhà nước.

-Đối với những loại vật tư ngoài danh mục Nhà nước định giá các tổ chức kinh doanh vật tư được bán theo giá thỏa thuận với người mua.

Đặc biệt, các tổ chức kinh doanh vật tư được “trực tiếp quan hệ với các tổ chức và tư nhân trong và ngoài nước trong phạm vi nhiệm vụ được Nhà nước giao để liên doanh, liên kết chủ động tạo thêm nguồn vật tư, vay và sử dụng ngoại tệ, ký hợp đồng mua, bán vật tư, đại lý mua, bán vật tư;... quyết định việc tham gia các hình thức liên kết với các đơn vị kinh tế khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi; kể cả việc gia nhập các liên hiệp sản xuất kinh doanh khác”.

Cuối năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 193-HĐBT về kinh doanh thương mại và dịch vụ ở thị trường trong nước. Trong đó, Nhà nước bảo hộ các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; các tổ chức kinh tế và các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều được đăng ký và được cấp giấy phép kinh doanh; mọi hàng hóa đều được tự do lưu thông, trừ những mặt hàng cấm và những mặt hàng đòi hỏi phải tuân thủ những điều kiện nhất định mới được phép kinh doanh.

Những chính sách trên đã chuyển hoạt động của thương nghiệp quốc doanh từ phục vụ theo phương thức cung ứng sang phục vụ theo phương thức kinh doanh; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Từ đó, từng bước hình thành các kênh lưu thông mới, xây dựng nhiều hạ tầng bán buôn, bán lẻ mới.

Đào Mạnh Đức