Câu chuyện khởi nghiệp: Khát vọng chung, con đường riêng

Nhiều người sẽ hỏi rằng, Bạch Thái Bưởi, Quảng-nổ, Nguyễn Hà Đông, và cả sinh viên các trường đang tập dượt làm doanh nhân qua phần thi SV Khởi nghiệp hàng Việt nữa, giả sử được sinh cùng thời, hội ng

Từ khát vọng chung

Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam” với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” 2017 đã khai mạc. Trên nền chung hướng tới mọi đối tượng người tiêu dùng, chương trình dành một phần rất lớn tập trung vào người tiêu dùng trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Những cuộc đạp xe diễu hành cổ động cho hàng Việt do đoàn thanh niên các tỉnh, TP. lớn trên cả nước thực hiện; các cuộc thi bình chọn ảnh Tôi yêu hàng Việt Nam; cuộc thi viết Hàng Việt Nam, câu chuyện của tôi; các trò chơi nhận diện hàng Việt Nam trực tuyến… đã thu hút đông đảo giới trẻ cả nước tham gia.

Đặc biệt, chương trình Sinh viên nhận diện hàng Việt diễn ra ngay sau lễ khai mạc ngày 3/10 rất được chào đón. Xem các bạn tự tin thể hiện phần thi SV Khởi nghiệp hàng Việt, ai trong số chúng ta cũng phải thốt lên, thế hệ nào cũng sản sinh ra những tài năng có khả năng truyền cảm hứng khát vọng đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam lên ngang tầm khu vực.

Trò chơi nhận diện hàng Việt Nam thu hút đông đảo giới trẻ tham gia

Nếu hiện giờ sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mơ ước xây dựng một công ty có nhiều chi nhánh trên thế giới với mẫu xe ô tô điện tự động lái chạy bằng năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường; thì cách đây hơn 100 năm, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã khởi nghiệp bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu của chủ người Pháp, để 20 năm sau đó thực hiện được hoài bão của mình rằng, ở trên đất Việt, người Việt phải kinh doanh tốt hơn người nước ngoài. Không chỉ vậy, đội tàu của ông còn vươn tới Hồng Kông Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines.

Lòng tự tôn dân tộc khiến Nguyễn Hà Đông không tiếc nuối nghề kỹ sư, làm lại từ đầu với vai trò người thiết kế trò chơi trên thiết bị di động. Dù chưa định hình sẽ làm trò chơi nào, nhưng trong đầu anh lúc nào cũng cháy bỏng khát vọng, cho ra một sản phẩm làm cho toàn thế giới biết đến đội ngũ lập trình viên Việt Nam. Năm 2014, cả thế giới “nổ tung” cùng Flappy Bird, với 20 tỷ lần được chơi trong tháng 2/2014, đến nay vẫn chưa có trò chơi nào vượt qua.

Cũng khát vọng ấy, Nguyễn Tử Quảng tin rằng, người Việt Nam có thể làm ra các sản phẩm công nghệ ngang hàng, thậm chí tốt hơn so với các hãng danh tiếng trên thế giới. Một niềm tin khiến anh bị “gạch đá”, bị gắn “chết” với biệt danh Quảng-nổ. Nhưng ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông lại cho rằng, “Đất nước này cần những người như Quảng-nổ”. Quả thật, nếu không có Quảng-nổ, người Việt đã mất đi cơ hội tin rằng, Việt Nam có thể sản xuất được smart phone. Mẫu Bphone 2015 chưa thành công lắm, nhưng Bphone 2017 đã có tín hiệu tích cực, Bkav đã phải dừng nhận đặt hàng và nâng mức sản xuất lên để hoàn thành đơn hàng đã ký.

Tính từ 1909, khi Bạch Thái Bưởi bước vào kinh doanh vận tải thủy bằng niềm tin người Việt chấn hưng kinh tế không thua người nước ngoài; đến nay ngót 120 năm, niềm tin ấy, khát vọng ấy chưa bao giờ nguôi qua mỗi thế hệ.

Đến con đường riêng

Khát vọng chung, nhưng mỗi doanh nhân tự khai phá một con đường, một cách tiếp cận riêng trong đáp ứng nhu cầu xã hội; và mỗi người, quãng đời doanh nhân của họ cũng có nhiều cách khởi nghiệp khác nhau.

Bạch Thái Bưởi là một trường hợp kỳ lạ. Ông luôn biết cách mượn thế và lực của đối tác để nhân lên sức mạnh của mình. Khi chưa có vốn, ông xin vào làm ký lục cho hãng thầu công chính để thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất. Khi có tiền, ông hùn vốn với người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt cho Sở Hỏa xa. Lúc tích lũy đủ vốn, ông tách riêng ra làm vận tải thủy. Từ đó, ông mở ra đóng tàu, khai mỏ, kinh doanh bất động sản… Ở mỗi lĩnh vực, ông đều sử đối tác tuyển cho mình những kỹ sư công nghệ hàng dầu lúc bấy giờ.

Với Quảng-nổ, ngay từ khi học Đại học Bách Khoa, đã lập kế hoạch viết phần mềm vi rút để lấy tiền sản xuất điện thoại di động. Nhưng khi thế giới sản xuất smart phone, anh thẳng tay loại bỏ kế hoạch theo đuổi mười mấy năm, chuyển sang đón đầu smart phone. Đến nay, sản xuất được 2 mẫu Bphone 2015 và 2017 nhưng Bkav chưa phải vay đồng vốn nào nhờ tích lũy từ bán phần mềm diệt vi rút. Khác biệt của anh là biến bất lợi thành lợi thế. Thiên hạ ném đá, bảo anh là Quảng-nổ; anh không phản ứng mà biến chúng thành thương hiệu của mình. Thiên hạ chê phần mềm diệt vi rút, anh lập ra tổng đài nóng (thực chất là số ĐTDĐ của anh) để tiếp thu; thiên hạ chê triết lý thiết kế “phẳng” và “tối giản” của Bphone 2015, anh cho sửa lại ở Bphone 2017, nhưng khẳng định, khi nào đạt dung lượng nhất định trên thị trường, sẽ quay về triết lý phẳng” và “tối giản”.

Giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng giới thiệu mẫu Bphone 2017

Ngược lại, Nguyễn Hà Đông chẳng hề lập kế hoạch hay chiến lược gì cả, thậm chí anh còn chẳng hình dung xem mình sẽ tiếp cận người tiêu dùng qua những kênh nào. Khi thiết kế Flappy Bird, trong đầu anh chỉ có 3 ý nghĩ: Làm sao tạo ra một mẫu động vật mũm mĩm, dễ thương; con vật đó phải là biểu tượng của trò chơi; và trò chơi đòi hỏi kỹ năng và không liên quan tới may mắn.

Có lẽ nhiều người sẽ hỏi rằng, Bạch Thái Bưởi, Quảng-nổ, Nguyễn Hà Đông, và cả sinh viên các trường đang tập dượt làm doanh nhân qua phần thi SV Khởi nghiệp hàng Việt nữa, giả sử được sinh cùng thời, hội ngộ cùng một mái nhà, thì có điều gì để mói với nhau, khi mỗi người có một con đường, một cách tiếp cận riêng với người tiêu dùng?

Chắc chắn, sẽ chẳng có những phút giây bối rối, những khoảng lặng ngập ngừng, bởi hơn ai hết, là doanh nhân, họ đều muốn sản xuất ra những sản phẩm chất lượng hảo hạng, chinh phục người Việt và phổ biến ra toàn cầu.