Chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Đề tài Chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam do ThS. Vũ Thị Phương Dung (Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích, đánh giá chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh những kết quả, đóng góp của các doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây, vẫn còn một số hạn chế như số lượng doanh nghiệp FDI đang niêm yết chưa nhiều, vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, ĐKGD còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường. Theo đó, cần có cơ chế, giải pháp tháo gỡ, để vừa đáp ứng nhu cầu từ phía doanh nghiệp, vừa giúp đa dạng hóa nguồn cung cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp nhà đầu tư có thêm hàng hóa để lựa chọn, đưa thị trường chứng khoán phát triển một cách đúng nghĩa hơn.

Từ khóa: chất lượng thông tin, báo cáo tài chính, doanh nghiệp FDI, thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra các hệ lụy sâu sắc về kinh tế, xã hội, chính trị trên quy mô toàn cầu. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên lọt vào Top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng góp một vai trò không nhỏ đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và tạo ra dòng chảy vốn không biên giới. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là một trong những TTCK non trẻ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/7/2000 cho đến nay, với hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Nhiều năm gần đây, do vướng mắc của quy định pháp lý, nên thị trường chứng khoán Việt Nam không đón nhận thêm doanh nghiệp FDI nào sau khi chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tình trạng này cần có giải pháp tháo gỡ, để vừa đáp ứng nhu cầu từ phía doanh nghiệp, vừa giúp đa dạng hóa nguồn cung cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp nhà đầu tư có thêm hàng hóa để lựa chọn, đưa thị trường chứng khoán phát triển một cách đúng nghĩa hơn.

2. Chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết

Tính đến cuối năm 2018 TTCK Việt Nam đã có 754 CTNY trên 2 SGDCK. Theo đánh giá của ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng UBCKNN thì CLTT trên BCTC các CTNY này đã được cải thiện rõ dệt. Số lượt và loại hình vi phạm về công bố thông tin của các CTNY trên TTCKVN đã giảm. Tỷ trọng vi phạm về minh bạch hóa thông tin giảm từ 86,7% năm 2013 xuống còn 60,7% năm 2016. Năm 2018, theo kết quả khảo sát thực hiện với 686 CTNY trên TTCKVN, có 266 công ty đạt chuẩn công bố thông tin theo các tiêu chí khảo sát đề ra, chiếm 38,78%, so năm 2017 tăng 16,96%.

Mặc dù vậy, CLTT trên BCTC các CTNY trên TTCKVN vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại: Thứ nhất, tình trạng vi phạm hành chính về công bố thông tin vẫn tăng cao. Theo thống kê của UBCKNN, giai đoạn 2010 - 2016, đã có hơn 1.000 quyết định xử phạm vi phạm hành chính trên TTCK. Năm 2017, đã có 214 quyết định xử phạt đối với 80 cá nhân và 134 tổ chức. Năm 2018, đã có 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân. Trong năm 2018 đã có 9 người bị sử phạt vì có hành vi thao túng, tạo cung cầu giả, buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch. Số lượng vi phạm về CLTT trên BCTC luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt.

Thứ hai: Số liệu trước và sau kiểm toán BCTC của nhiều CTNY vẫn còn sự chênh lệch lớn. Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 2/4/2019, đã có 451 CTNY trong số 733 CTNY công bố BCTC kiểm toán ghi nhận sự chênh lệch BCTC tự lập và sau kiểm toán. Theo số liệu của các CTNY trước và sau khi được kiểm toán, có 60 DN (chiếm 17% tổng số lượng CTNY đã công bố báo cáo) có lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính năm 2018 do DN tự lập chênh lệch trên 10% so với lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính 2018 có kiểm toán và 29 CTNY có tỷ lệ chênh lệch trên 50%. Đặc biệt, 8 CTNY ghi nhận có lãi năm 2018 tại BCTC tự lập nhưng tại BCTC kiểm toán lại ghi nhận lỗ. Theo giải trình của các DN này, nguyên nhân chênh lệch là do điều chỉnh tăng chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, hoàn nhập trích lập dự phòng hàng tồn kho, điều chỉnh trích bổ sung dự phòng, hạch toán thiếu chi phí. Nửa đầu năm 2019, số liệu cho thấy vấn đề này vẫn đang diễn ra chưa có sự thay đổi theo hướng tiệm cận giữa số liệu trước và sau kiểm toán BCTC của các CTNY. Theo số liệu kết quả kinh doanh của các DN tại BCTC bán niên soát xét năm 2019, có 62 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 chênh lệch quá 10% so với số liệu tại BCTC quý 2/2019 do doanh nghiệp tự lập. Đặc biệt, có 4 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sau soát xét từ lãi thành lỗ, đó là LO5, BII, VC9, VE1 và có một doanh nghiệp là ATS có kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi.

Thứ ba, BCTC ở một số CTNY chất lượng còn hạn chế, việc công bố BCTC còn chậm, phải xin gia hạn. Một số CTNY vẫn chưa chủ động trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình sử dụng vốn, tình hình quản trị công ty, số liệu tại BCTC còn có sai sót. Để lý giải việc chậm công bố thông tin BCTC, nhiều CTNY thường đưa lý do khách quan như công tác KT, kiểm toán cần thời gian dài.

Thứ tư, CL quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Trên thực tế, các CTNY trên TTCKVN mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện CL quản trị công ty để nâng cao hoạt động của DN kể cả các CTNY có quy mô lớn để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Song về cơ bản, CLTT trên BCTC của các CTNY trên TTCKVN trong những năm gần đây đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng thông tin.

3. Thực trạng niêm yết của các doanh nghiệp FDI trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Với các quy định tại Nghị định số 38/2003/NĐ-CP, ngày 15/04/2003 của Chính phủ về chuyển đổi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg, ngày 29/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Namnhiều doanh nghiệp FDI sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức công ty cổ phần đã thực hiện niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2019, có 11 doanh nghiệp FDI thực hiện niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán ở Việt Nam, như: Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã chứng khoán TYA), Công ty Cổ phần Everpia (EVE), Công ty Cổ phần Mirae (KMR), Công ty Cổ phần Siam Brothers (SBV), Công ty Cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR), Công ty Cổ phần Tập đoàn Nagakawa (NAG), Công ty Cổ phần Tung Kuang (TKU), Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), Công ty Cổ phần Gạch Men Chang Yih (CYC), Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC), Công ty Cổ phần Full Power (FPC)

Nhiều doanh nghiệp FDI đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn việc niêm yết, đăng ký giao dịch theo hướng niêm yết toàn bộ cổ phiếu, chứ không phải chỉ một phần cổ phiếu đã chào bán ra công chúng và niêm yết bổ sung tiếp phần cổ phiếu của cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin phản hồi nào từ phía các cơ quan chức năng về giải quyết nguyện vọng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán như mong đợi của các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, thông qua việc Tập đoàn CT&D Đài Loan đề nghị được đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán (Hoàng Hà, 2020), Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2066/VPCP-QHQT, ngày 09/3/2017 đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách để nhà đầu tư/liên doanh nước ngoài có tỷ lệ cổ phần phù hợp có thể tham gia thị trường chứng khoán. Công ty Cổ phần Seoul Metal (SMV) đề nghị được niêm yết cổ phiếu lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này được thành lập dưới dạng công ty 100% vốn nước ngoài vào năm 2008, nhưng sau đó được chuyển đổi mô hình hoạt động và đăng ký là công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 06/9/2017. Hiện, cổ đông nước ngoài nắm giữ 67,64% vốn điều lệ tại SMV, trong đó cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ 50,15% vốn điều lệ.

Trường hợp Công ty Cổ phần Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam cũng đề nghị được niêm yết cổ phiếu lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Tiền thân là công ty trách nhiệm hữu hạn với 100% vốn nước ngoài từ năm 2006, sau đó Công ty này được chuyển sang hình thức doanh nghiệp cổ phần và hiện tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của bên nước ngoài tại Công ty là 89,98%. (Hình 1)

Hình 1: Vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch

giai đoạn 2016-2021

                                                                                                                  Đơn vị: tỷ đồng

TT

Mã CK

Sàn

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Tăng/ Giảm 2016-

2021

1

EVE

HOSE

419,8

419,8

419,8

419,8

419,8

419,8

0,0%

2

KMR

HOSE

488,8

568,8

568,8

568,8

568,8

568,8

16,4%

3

RIC

HOSE

703,7

703,7

703,7

703,7

703,7

703,7

0,0%

4

TCR

HOSE

454,3

454,3

454,3

454,3

454,3

454,3

0,0%

5

TYA

HOSE

306,9

306,9

306,9

306,9

306,9

306,9

0,0%

6

SBT

HOSE

1.947,6

2.531,9

5.570,2

5.867,4

5.867,4

6.171,6

216,9%

7

SBV

HOSE

205,4

273,7

273,7

273,7

273,7

273,7

33,2%

8

TKU

HNX

300,4

300,4

300,4

322,9

322,9

387,5

29,0%

9

IFS

Upcom

871,4

871,4

871,4

871,4

871,4

871,4

0,0%

10

CYC

Upcom

90,5

90,5

90,5

90,5

90,5

90,5

0,0%

Bên cạnh nhu cầu niêm yết cổ phiếu lần đầu như trên, có trường hợp doanh nghiệp muốn niêm yết bổ sung cổ phiếu của cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ, nhưng cũng chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Cụ thể như: Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) đề nghị niêm yết bổ sung 84,52% vốn điều lệ còn lại cho 6 cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ chưa được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhưng chưa được đáp ứng.

4. Kết quả đạt được trong việc doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

a. Cải thiện môi trường đầu tư, đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, góp phần làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế cao trong những năm gần đây, TTCK Việt Nam là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả. Bằng chứng là tuy mới ra đời và thật sự bùng nổ vào các năm gần đây nhưng tổng mức huy động vốn trên TTCK trong quý I/2021 vào khoảng 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Trải qua nhiều thăng trầm, TTCK trong nước vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc với giá trị vốn hóa năm 2021 đạt 122,8% GDP - một con số không nhỏ so với một thị trường còn non trẻ như Việt nam.

Trong thời gian qua, đóng góp của FDI trong tổng vốn đầu tư xã hội có biến động lớn. Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các NĐTNN đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%. Vốn FDI được coi là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu cho đầu tư phát triển của Việt Nam.

Như vậy, việc các doanh nghiệp FDI lớn lên kế hoạch niêm yết chứng khoán tại Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh mẽ. Trước đây, đa số các doanh nghiệp FDI niêm yết là các doanh nghiệp nhỏ, do các cá nhân định cư lâu dài ở Việt Nam lập nên. Nay các tập đoàn lớn muốn niêm yết nghĩa là họ có kế hoạch gắn bó lâu dài. Vì vậy, cần phải thúc đẩy mạnh việc hoàn thiện các pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài chào sàn thuận lợi.

b. Việc doanh nghiệp FDI lên niêm yết đã góp phần đa dạng hóa nguồn hàng hóa cho TTCK và tăng quy mô của TTCK Việt Nam, đáp ứng khẩu vị đầu tư đa dạng của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 15/04/2003, sau 15 năm kể từ ngày mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2003/NĐ-CP cho phép một số doanh nghiệp FDI chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần, đồng thời cho phép các công ty cổ phần này được niêm yết trên TTCK Việt Nam. Từ năm 2003 đến năm 2017 đã có 11 doanh nghiệp FDI được chấp thuận chuyển đổi từ hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và được niêm yết tại SGDCK. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, 3 doanh nghiệp FDI hủy niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ (trong đó có 2 công ty đang ĐKGD trên sàn Upcom).

Hiện nay, vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, ĐKGD chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường (khoảng 0,3%). Tuy nhiên vẫn chưa xuất hiện tình trạng thoái vốn của cổ đông sáng lập và NĐTNN tại các doanh nghiệp FDI đang niêm yết, ĐKGD. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại 8/10 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, ĐKGD có xu hướng tăng sau khi lên sàn. Điều này cho thấy, việc đưa các doanh nghiệp FDI lên sàn dù mức vốn hóa hiện này còn nhỏ nhưng phần nào đã làm tăng quy mô của TTCK.

5. Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Khi xây dựng cơ chế cho phép các doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán, cần đánh giá kỹ lưỡng các cam kết mà doanh nghiệp FDI thực hiện khi được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, cũng như những yếu tố đặc thù trong hoạt động của các tổ chức này để có giải pháp ứng xử chính sách cho phù hợp, đồng thời đưa ra các điều kiện ràng buộc đặc thù.

Theo đó, cần có cơ chế kiểm soát một số doanh nghiệp FDI đặc thù để áp dụng biện pháp hạn chế niêm yết và đăng ký giao dịch. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan cần thống nhất cách ứng xử đối với một số trường hợp doanh nghiệp FDI có mô hình hoạt động đặc thù theo hướng thận trọng và có sự phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ giữa các bộ, ngành, khi xem xét cho phép niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, như: (i) Doanh nghiệp thành lập theo hình thức hợp đồng PPP; (ii) Doanh nghiệp thực hiện dự án mà trong hợp đồng có cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản thuộc dự án cho Nhà nước Việt Nam hoặc cho bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước; (iii) Doanh nghiệp đã được chấp thuận hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh căn cứ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có quy định về quốc tịch của nhà đầu tư được phép đầu tư kinh doanh; (iv) Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án trên cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; (v) Doanh nghiệp thực hiện dự án với các cam kết về năng lực nhà đầu tư, ưu đãi đầu tư, các thỏa thuận ràng buộc được quy định cụ thể tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy phép đầu tư...

Bên cạnh các điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội như quy định hiện hành, để kiểm soát rủi ro phát sinh sau khi doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc bổ sung các tiêu chí mà các doanh nghiệp này phải đáp ứng nếu muốn đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cụ thể: thời gian hoạt động tại Việt Nam; mức tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận hàng năm; tỷ lệ chuyển giao công nghệ… Ðiều này sẽ giúp lọc được các doanh nghiệp FDI có chất lượng để đưa lên sàn chứng khoán.

Phải tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của cơ quan kiểm toán, công ty định giá trong quá trình tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp để đưa cổ phiếu lên sàn. Nếu doanh nghiệp đã từng áp dụng các “chiêu trò” chuyển giá, khiến cho vật tư, thiết bị, máy móc... tăng cao hơn giá trị của chúng trên thị trường, thì nhiệm vụ của cơ quan kiểm toán, công ty định giá là phải đưa những giá trị “ảo” này về giá trị thật, từ đó đảm bảo giá cổ phiếu chào bán ra thị trường sát thực với giá trị doanh nghiệp, tránh rủi ro cho nhà đầu tư mua phải cổ phiếu giá quá cao so với giá trị thực của doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, (2018). Chính sách thuế và ưu đãi đầu tư trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Kỷ yếu hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
  2. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm Thông tin tư liệu (2017). Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp.
  3. Ngô Trần Xuất (2018). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Học viện Khoa học xã hội.
  4. Vũ Duy Vĩnh, Vũ Hoàng Yến (2017). Việt Nam - 30 năm thu hút và sử dụng FDI, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán số 05 (166)-2017.
  5. IMF (1993). Balance of payments manual (Fifth ). IMF.

The quality of information from financial reports of FDI enterprises listed on the

Vietnamese stock market

Master. Vu Thi Phuong Dung

Hai Phong University

Abstract:

This paper analyzed and evaluated the quality of information from financial reports of foreign development investment (FDI) enterprises listed on the Vietnamese stock market. Besides the encouraging results and contributions of these enterprises, the group of listed FDI companies still has some limitations. For example, the number of listed FDI companies is not large, the capitalization of these companies is not high, and the trading volume of these companies accounts for a small proportion of total market volume. As a result, it is necessary to have mechanisms and solutions to meet the needs of listed FDI companies and diversify the supply of stocks on the Vietnamese stock market, helping investors have more choices to invest in and support the development of the stock market.

Keywords: information quality, financial reports, FDI enterprises, Vietnamese stock market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương