Chính sách của Đảng và Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay

Đề tài Chính sách của Đảng và Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay do Võ Nguyễn Hoài Như (Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu tỉnh Ninh Thuận) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ư­­ơng Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ năm khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã mở ra một b­­ước mới cho công tác nghiên cứu văn hóa. Đồng thời, nhiệm vụ đặt trên vai đội ngũ nghiên cứu văn hóa càng nặng hơn. Bài viết nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về văn hóa, giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: văn hóa, bản sắc văn hóa, phát triển, công dân, chính sách,

1. Văn hóa và vai trò của văn hóa

Theo Phan Ngọc (2000), với nghĩa rộng văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần Và theo nghĩa hẹp, văn hóa được hiểu chủ yếu là văn hóa tinh thần. Như vậy, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình. Văn hóa là biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.

Văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng đối với con người. Trong nhận thức của thế giới hiện đại, văn hóa là động lực cho sự phát triển của xã hội. Ở Việt Nam, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của đất nước. Điều này được thể thiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, văn hóa là động lực cho sự phát triển của xã hội loài người. Con người là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo nên các giá trị văn hóa thông qua đời sống sinh hoạt tức là các hoạt động sản xuất kiếm sống, hoạt động nhận thức, hoạt động nghệ thuật… Văn hóa cũng đóng vai trò điều tiết cho các cộng đồng đó tồn tại, để cho các hoạt động xã hội vận hành, thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Văn hóa là một trong ba động lực cơ bản (kinh tế, chính trị, văn hóa) để xã hội loài người bảo tồn và phát triển. Giữa ba nhân tố có quan hệ biện chứng tương hỗ lẫn nhau.

Thứ hai, văn hóa là động lực cho sự phát triển của mỗi dân tộc.

Sự phát triển không đều về văn hóa giữa các dân tộc, vùng, địa phương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc đó, vùng đó, địa phương đó. Từ sự chênh lệch về văn hóa sẽ kéo theo chênh lệch kinh tế và các vấn đề phân cực xã hội, những bất bình đẳng khó tránh khỏi. Vì vậy, vận mệnh của cả quốc gia hay hạnh phúc của mỗi người dân cũng đều ở văn hóa mà ra. Thực hiện được một chính sách văn hóa nhân bản vì con người sẽ giúp quốc gia có được công dân và những nhân tài mẫn tiệp hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

2. Xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Bản sắc văn hóa dân tộc là những yếu tố độc đáo, đặc sắc của một nền văn hóa, biểu hiện “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc”, tạo nên sức mạnh cố kết, duy trì và phát triển đời sống của dân tộc, là bộ “gen” bảo tồn của dân tộc, là các giá trị đặc trưng tiêu biểu phản ánh diện mạo, truyền thống, bản lĩnh, phẩm chất, tâm hồn, lối sống, cách cảm, chách nghĩ, khát vọng và biểu tượng riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, bản sắc văn hóa dân tộc là dấu hiệu cơ bản để phân biệt nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.

Theo tác giả Đào Duy Anh (2020), bản sắc văn hóa Việt Nam gồm: (1) Xã hội lấy gia tộc làm cơ sở. (2) Văn hóa lấy cảm tình làm “bản vị”. (3) Ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai. (4) Nhân sinh quan kiện toàn, trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên. (5) Tính trường tồn, văn hóa đời xưa thế nào thì đời nay vẫn thế [6].

Nội dung xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam

Xây dựng một nền văn hóa mới là chủ trương lớn của Đảng, là khát vọng của nhân dân, là trăn trở của giới trí thức. Theo đó, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa với các nội dung:

Một là, nâng cao trình độ dân trí, hình thành đội ngũ trí thức của xã hội mới. Chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của quần chúng nhân dân nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới xã hội chủ nghĩa, do vậy con người cần phải được chuẩn bị tốt về tinh thần, trí lực, tư tưởng... Vì thế, nâng cao dân trí là nhu cầu cấp bách và lâu dài. Nâng cao dân trí phải gắn liền với sự nghiệp giáo dục đào tạo để hình thành đội ngũ trí thức mới, có tri thức hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Hai là, xây dựng con người mới phát triển toàn diện. Con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải xây dựng con người mới, đó là yêu cầu khách quan. Con người mới xã hội chủ nghĩa được xây dựng là con người phát triển toàn diện, có tinh thần và năng lực xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, có tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống tình nghĩa và có tính cộng đồng cao.

Ba là, xây dựng lối sống mới xã hội chủ nghĩa. Lối sống mới xã hội chủ nghĩa được hình thành trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng xã hội, mở rộng dân chủ.

Bốn là, xây dựng gia đình văn hóa xã hội chủ nghĩa. Gia đình văn hóa mới xã hội chủ nghĩa được xây dựng phát triển trên cơ sở giữ gìn phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ tàn tích của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của nhân loại về gia đình.

Quan điểm của Đảng về văn hóa và phát triển

Trong một thời gian dài, nhiều nước trên thế giới đề cao tăng trưởng về kinh tế mà chưa chú ý đến phát triển văn hóa nên hiện nay đang phải trả giá cho sự phát triển phiến diện, một chiều. Mặt trái “tấm huân chương tăng trưởng” đang bộc lộ rõ ở những xung đột xã hội và sự tha hóa của con người. Sự giàu có về của cải vật chất tự nó đã không giải quyết được các vấn đề xã hội và dân chủ. Vì vậy, yêu cầu đặt  ra cho sự phát triển hiện nay là phải cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế gắn với xây dựng nên văn hóa tiến bộ. Phát triển bền vững là sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái.

Đối với nước ta, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa và phát triển bền vững thông qua việc ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như: Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI ( 12- 1987); Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1993); Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998); Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006); Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021); Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021);...

Tất cả các văn bản trên đều hướng đến việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Xác lập vị trí của 3 nhân tố hợp thành sự phát triển bền vững đất nước: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

3. Những thành tựu đạt được và một số vấn đề đặt ra trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay

Sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều những nhân tố mới, những giá trị mới đã xuất hiện, bổ sung cho những giá trị đã được định hình trong giai đoạn trước, đặc biệt những năm chiến đấu giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp chưa từng có trong quá trình phát triển của đất nước ta từ năm 1945 đến nay.

3.1. Những thành tựu đạt được

Một là, đã xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội, khẳng định tính chất tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam.

Hai là, xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo; khẳng định đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Ba là, khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; tôn giáo tồn tại lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Bốn là, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta đã được giải quyết một cách có hiệu quả. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền. Các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư. đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Năm là, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều loại hình, loại thể, các hoạt động văn hóa mới, có khả năng chiếm lĩnh các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Trong tư tưởng chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta luôn tôn trọng tính đa dạng của văn hóa, quyền tự do sáng tạo của người hoạt động văn hóa - văn nghệ, đồng thời chú trọng tập trung nhân lực, vật lực, tài lực cho sự phát triển dòng mạch chính của văn hóa, mà nội dung chủ yếu là yêu nước, trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, hệ thống thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh về loại hình, chất lượng, tính hiện đại, trực tiếp, nhanh nhạy chuyển tải, truyền bá văn hóa đến với công chúng… Giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa được mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

3.2. Một số vấn đề đặt ra

Tuy đạt được những thành tựu đáng khích lệ như vậy, nhưng trong giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Cụ thể là:

Một là, những tác động của các quy luật kinh tế thị trường đến lĩnh vực văn hóa. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kinh tế và văn hóa gắn liền với nhau hết sức chặt chẽ, kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hóa và văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Do đó, phát triển văn hóa phải trên cơ sở kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế. Khi gặp phải những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường thì việc xây dựng các giá trị văn hóa mới cũng bị ảnh hưởng.

Hai là, sự lấn lướt của văn hóa “chạy” theo thị trường. Trong thực tiễn xây dựng nền văn hóa ở mỗi quốc gia luôn tồn tại 3 dòng văn hóa, đó là: văn hóa truyền thống, văn hóa hàn lâm và văn hóa “chạy” theo thị trường. Mỗi dòng văn hóa ấy có vai trò, mục đích khác nhau, trong đó văn hóa “chạy” theo thị trường là kết quả và là biểu hiện cụ thể của quy luật lợi nhuận. Những năm gần đây, dòng văn hóa “chạy” theo thị trường đang có xu hướng lấn lướt văn hóa truyền thống và văn hóa hàn lâm. Ưu điểm của văn hóa “chạy” theo thị trường là nó có tính hiện đại, tạo ra hiệu ứng đám đông, đáp ứng nhu cầu giới trẻ mà hiện hay được gắn thêm từ “hit”, “trend”. Tuy nhiên, nó làm tha hóa sự cảm thụ văn hóa ở người dân, mà biểu hiện cụ thể là sự vô cảm văn hóa, nó tước đi sự nhạy cảm, cảm xúc văn hóa chân chính của công chúng, thậm chí làm cho một bộ phận người dân coi các hành động bạo lực là hoạt động bình thường và có thể chấp nhận được.

Ba là, khả năng thích nghi của văn hóa dân tộc với sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh hội nhập.

Do những điều kiện địa lý lịch sử đã khiến Việt Nam giao lưu, tiếp nhận và Việt hóa nhiều nền văn hóa trên thế giới như văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, các nước Đông Âu,... Sự xung đột văn hóa là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, vừa phải bảo vệ bản sắc dân tộc, vừa phải mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bắt kịp sự phát triển của thời đại là một thách thức lớn. Bởi lẽ, việc phát triển văn hóa Việt Nam không thể tách rời với văn hóa thế giới và cũng không thể tiếp thu hoàn toàn văn hóa các dân tộc khác mà phải tiếp thu có chọn lọc.

4. Một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới

Quan hệ giữa văn hóa và phát triển trong điều kiện Việt Nam ngày nay vừa là vấn đề lâu dài, chiến lược, vừa mang tính cấp bách. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, theo tác giả, cần có một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, bắt đầu từ mô hình kinh tế thị trường hướng tới sự phát triển bền vững.

Những bài học thành công và thất bại từ các nước đi trước trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển cho phép các nước đi sau không cần và không thể lặp lại con đường tăng trưởng kinh tế không đi đôi với tiến bộ xã hội và an toàn môi sinh như các nước tư bản chủ nghĩa đã trải qua. Nghiên cứu những bài học đó giúp Việt Nam vừa có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa hạn chế tối đa tổn thất về xã hội và môi trường, tạo điều kiện cho nước ta phát triển trong ổn định; nhân dân ta có một đời sống tốt đẹp, phù hợp với mục tiêu của con đường dân tộc đã chọn và xu thế thời đại.

Hai là, cải cách giáo dục - đào tạo, tạo ra đội ngũ nhân lực phù hợp với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong điều kiện hội nhập và tác động của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư khiến người lao động luôn được đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của công việc. Để làm được điều ấy, nhất định phải có sự đổi mới giáo dục cả về tư duy, mục tiêu, mô hình, chương trình, phương pháp, kiểm tra đánh giá, dự kiến lộ trình, hiệu quả. Sự đổi mới tư duy ở đây trước nhất là thấy được vai trò của giáo dục có tác động trực tiếp tới quá trình phát triển kinh tế, văn hóa và mẫu hình con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ba là, khai thác, phát huy, nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu với thế giới.

Trong một thế giới hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng thì bản sắc văn hóa dân tộc chính là một yếu tố đặc trưng của một quốc gia và là nền tảng để phát triển bền vững. Các di sản và thành tựu văn hóa của cha ông thể hiện trong kiến trúc, y học, ngành nghề cổ truyền, văn học, nghệ thuật, phong tục tập quán… đều có vai trò nâng cao tâm hồn, bản lĩnh con người Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Không giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc cũng như không có đội ngũ trí thức của dân tộc thì không thể có sự phát triển, hoặc nếu có phát triển thì sự phát triển ấy không còn giá trị khi văn hóa bị hòa tan, đất nước và dân tộc bị xâm lăng văn hóa.

Bốn là, tổ chức lại hệ thống khoa học - kỹ thuật và công nghệ với định hướng đưa khoa học - kỹ thuật và công nghệ thành động lực của sự phát triển.

Muốn khoa học - kỹ thuật và công nghệ trở thành động lực cho sự phát triển, cần tạo những điều kiện cần và đủ, cụ thể là thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và công nghệ với sản xuất và dịch vụ, tạo cơ hội khoa học - kỹ thuật và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Thúc đẩy khoa học - kỹ thuật và công nghệ xích gần lĩnh vực sản xuất hơn. Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa người nghiên cứu - người chế tạo - người tiêu dùng những thành tựu khoa học mới như là: (i) Có chế độ khuyến khích vật chất với những phát minh, sáng kiến có giá trị trong hoạt động khoa học - kỹ thuật và công nghệ. (ii) Có quỹ bảo trợ và nâng đỡ nhân tài. (iii) Tạo điều kiện làm việc, cống hiến, điều kiện sống cho lực lượng làm khoa học - kỹ thuật. (iv) Tăng cường đầu tư chiều sâu cho các cơ sở nghiên cứu, nhất là cơ sở nghiên cứu ứng dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng (Đại hội X; XI; XII)
  2. Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
  3. Nguyễn Hữu Hải (2012). Giáo trình Hành chính nhà nước. Hà Nội: NXB Giáo dục.
  4. Lê Như Thanh, Lê Văn Hòa (2017). Hoạch định và thực thi chính sách công. Hà Nội: NXB Chính trị.
  5. Phan Ngọc (2000). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nxb Văn hóa Thông tin.
  6. Đào Duy Anh (2020). Việt Nam Văn hóa sử cương (Bản đặc biệt). Hà Nội: Nxb Thế giới.

Policies of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam’s policies in resolving the relationship between culture and development in Vietnam

Vo Nguyen Hoai Nhu

Nong Lam University - Ninh Thuan Province Campus

Abstract:

The Resolution of the 5th Plenum of the Party Central Committee (8th tenure) on Building and developing an advanced culture imbued with national identity has opened a new stage for cultural research. This paper studies the theory and summarizes the practice of culture, resolving the relationship between culture and development in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to effectively implement the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam’s policies in resolving the relationship between culture and development in Vietnam in the coming time.

Keywords: culture, cultural identity, development, citizenship, policy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương