Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo: Dự án 4.950 tỷ đồng cấp điện lưới sẽ tạo bước đột phá cho huyện đảo

Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo mới đây đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, mở ra nhiều kỳ vọng đột phá cho huyện đảo. Ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo đã có những trao đổi với Tạp chí Công Thương về vai trò, tác động của Dự án này.
Ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo
Ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo

Ngày 16/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 708/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương cấp quyết định đầu tư dự án.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo Côn Đảo, nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển của huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia.

Dự án cấp điện lưới cho Côn Đảo sử dụng vốn đầu tư công nhóm A, công trình năng lượng cấp II, gồm:

- Xây dựng mới đường dây 110 kV, 1 mạch, từ ngăn xuất tuyến 110 kV tại Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng đến Trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo.

- Mở rộng 1 ngăn lộ đường dây 110 kV tại Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng.

- Xây dựng mới Trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo bằng công nghệ GIS, quy mô 2x63 MVA (giai đoạn này lắp 01 máy 63 MVA).

Vốn đầu tư của dự án khoảng 4.950,156 tỷ đồng, trong đó: vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương khoảng 2.526,16 tỷ đồng và vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng.

Dự án cấp điện lưới cho Côn Đảo được triển khai từ năm 2023 đến năm 2026, do EVN trực tiếp quản lý. Thời hạn hoạt động của dự án không dưới 20 năm.

PV: Thưa ông, Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo được phê duyệt ở thời điểm này có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của huyện?

Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Lê Văn Phong: Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4694/QĐ-BCT ngày 1/12/2016, nhu cầu điện định hướng cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là 21 MW, năm 2030 là 33,3 MW và đến năm 2035 là 46,4 MW.

Trong khi đó, nguồn điện cung cấp cực đại hiện nay chỉ đạt 11,8 MW thông qua cấp điện từ 9 tổ máy phát điện Diesel. Do máy phát bị sự cố ngừng hoạt động vẫn chưa khắc phục, các tổ máy còn lại hoạt động không đạt hiệu suất và cần phải sửa chữa, trùng tu. Công suất khả dụng thực tế chỉ đạt 6,4/11,8 MW.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày một tăng cao, điện thương phẩm quý I/2023 tăng 24,5% so với cùng kì năm 2022, việc cấp điện tại Côn Đảo tạm thời chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện nay, điện lực thường xuyên phải điều tiết, cắt giảm để đảm bảo ổn định cấp điện cho toàn huyện Côn Đảo.

Do đó, căn cứ Quy hoạch về năng lượng và tình hình nhu cầu điện thực tế đang diễn ra, Bộ Công Thương đã xác định việc xây dựng tuyến cáp ngầm từ Sóc Trăng để cấp điện cho huyện Côn Đảo là vô cùng cấp thiết.

Huyện Côn Đảo hiện được cấp điện từ 9 tổ máy phát điện diesel với tổng công suất 11,82MW; trong đó công suất khả dụng là 9,7MW. Những tổ máy điện diesel trên huyện Côn Đảo luôn phải hoạt động trên 22 giờ mỗi ngày - Ảnh: Thành Trung.
Huyện Côn Đảo hiện được cấp điện từ 9 tổ máy phát điện diesel với tổng công suất 11,8 MW, tuy nhiên công suất khả dụng thực tế chỉ đạt 6,4/11,8 MW. Những tổ máy điện diesel trên huyện đảo luôn phải hoạt động trên 22 giờ mỗi ngày - Ảnh: Thành Trung

PV: Với vai trò cấp thiết như vậy, Dự án này sẽ có tác động như thế nào đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, tạo bước đột phá cho huyện đảo?

Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Lê Văn Phong: Việc đầu tư Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ có nhiều tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo và tạo bước đột phá cho huyện đảo, cụ thể:

Một là, là huyện đảo, Côn Đảo đang phải đối mặt với nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện. Việc triển khai Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia sẽ giúp đảm bảo cung cấp điện ổn định, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng Quốc gia và các di tích lịch sử; Mặt khác, đáp ứng nhu cầu sử dụng của cư dân và các doanh nghiệp đang hoạt động tại huyện Côn Đảo. Điều này sẽ giúp tăng cường hoạt động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Hai là, tạo bước đột phá kích thích tăng cường quan hệ thương mại giữa các địa phương tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các khu vực lân cận, giúp tạo điều kiện giao thương hàng hóa, dịch vụ ra vào huyện Côn Đảo.

Khi có lưới điện quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh doanh, tăng cường mối quan hệ giữa các địa phương khu vực lân cận đối với Côn Đảo, giúp các doanh nghiệp và các nhà sản xuất có thể hợp tác với các đối tác trong khu vực và thế giới để đưa ra sản phẩm chất lượng cao, mang lại lợi ích tối đa cho địa phương trong tương lai huyện Côn Đảo triển khai đầu tư xây dựng trở thành “Khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao”, gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cách mạng đặc biệt của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc.

Điện lực huyện Côn Đảo kiểm tra, bảo trì đường dây lưới điện
Điện lực huyện Côn Đảo kiểm tra, bảo trì đường dây lưới điện

Ba là, là điều kiện cho sự đột phá tăng khả năng thu hút các nhà đầu tư mới đến huyện Côn Đảo để tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của huyện. Ngoài ra, việc triển khai dự án cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho địa phương, giúp cải thiện tăng cường thu nhập cho người dân.

Bốn là, Điện lưới quốc gia ổn định là điều kiện cơ bản đảm bảo huyện Côn Đảo triển khai thực hiện thành công đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022- 2026” với 06 mục tiêu bao gồm: không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; tăng xe điện; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch tuần hoàn. Đây được xem là một trong những giải pháp chiến lược và tạo đột phá trong giải quyết các tồn tại mang tính đa mục tiêu như hiện nay, giúp Côn Đảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống người dân không những trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn.

Như vậy, Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh tế, xã hội của huyện và tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trước đó, trong báo cáo của Bộ Công Thương công bố năm 2021, giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đạt 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: cấp điện cho 17/17 xã đạt 100%; Số hộ dân được cấp điện là 204.737 hộ dân, cấp điện cho 5 đảo (Đảo Lý Sơn; Bạch Long Vỹ; Nhơn Châu; Cù Lao Chàm; đảo Trần và Cái Chiên).

Giai đoạn mới, Chương trình sẽ cần tiếp tục huy động nguồn lực khoảng 21.143 tỷ đồng để thực hiện cấp điện an toàn, ổn định cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân. Đồng thời, cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Thổ Chu, An Sơn và Nam Du (tỉnh Kiên Giang); các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm (tỉnh Khánh Hòa); cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thy Thảo (thực hiện)