Chuyển đổi số để hàng Việt cạnh tranh hơn

Điểm chung của các doanh nghiệp chuyển đổi số là tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
chuyển đổi số
Với Pinaco, việc chuyển đổi số áp dụng phương pháp TVP – Giá trị lý thuyết của sản xuất để phân tích từng hoạt động sản xuất của dây chuyền

Ứng dụng chuyển đổi số

Năm 2020, May 10 lựa chọn ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp ưu tiên của doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để gỡ khó cho tình trạng giá nhân công và giá điện tăng. Bởi vậy, May 10 đã nhập khẩu những thiết bị sản xuất tự động ở một số công đoạn cho sản phẩm áo sơ mi như may cổ, khép tay, dán túi. Nếu như trước kia, công đoạn dây chuyền nước chảy hoặc dây chuyền cụm, công ty phải cần từ 3-5 lao động thì hệ thống thiết bị mới đã giảm bớt số lao động thủ công tham gia tới một nửa, kéo theo tăng năng suất gấp đôi.

Theo hướng đi của Tập đoàn lựa chọn là sử dụng ít lao động bằng cách tăng đầu tư chiều sâu, tự động hóa thiết bị, May 10 đầu tư những nhà máy sợi chỉ từ 10-50 nhân công trên 1 vạn cọc sợi thay vì số lượng 100 nhân công như trước. Đi cùng với chuyển đổi số là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo các chuyên gia về công nghệ, thị trường và công nhân lành nghề. Với lợi thế gần trường Cao đẳng nghề nên May 10 rất thuận lợi cho công tác đào tạo cũng như cập nhật kỹ thuật hiện đại của thế giới. Hiện tại, May 10 đã có phòng kỹ thuật nghiên cứu từng thao tác của người lao động, phòng nghiên cứu tổ chức sản xuất, sau đó đào tạo từng thao tác, bố trí chuyền sản xuất theo máy hiện đại, phối hợp với máy móc vẫn sẵn có hiện nay để nâng năng suất cao nhất.

Sản xuất tinh gọn 

Với 18 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh, thành phố cùng khoảng 12.000 lao động, việc phát triển nhanh về quy mô đã khiến May 10 gặp không ít khó khăn trong quản lý. Vì vậy, May 10 đã sớm đưa công nghệ mới vào quản trị sản xuất. Khi Tổng công ty áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào quản trị thì thời gian sản xuất cho 1 sản phẩm đã giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện nay còn 690 giây/1 sản phẩm.

Một điển hình trong công nghệ quản trị là ứng dụng Sản xuất tinh gọn (Lean manufacturing) là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí trong doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động của May 10 tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm. Theo đánh giá, Lean mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như:

- Giảm thời gian chuẩn bị sản xuất. Cải thiện tối đa chu kỳ sản xuất - Giảm thời gian quy trình và chu kỳ sản xuất bằng cách giảm tối đa thời gian chờ đợi giữa các công đoạn, cũng như thời gian chuẩn bị cho quy trình và thời gian chuyển đổi mẫu mã hay quy cách sản phẩm;

- Cải thiện cách bố trí nhà máy dựa trên việc sắp xếp lưu chuyển nguyên liệu hiệu quả;

- Giảm những nguồn lực cần cho việc kiểm tra chất lượng;

- Quan hệ gần gũi hơn với số lượng nhà cung cấp ít hơn, chất lượng tốt hơn và đáng tin hơn, những nhà cung cấp có thể cung cấp những lô nhỏ vật liệu và phụ tùng trực tiếp cho các quá trình sản xuất, vừa đủ, vừa đúng cho sản xuất; giảm tối đa tồn kho;

- Sử dụng việc trao đổi thông tin điện tử với những nhà cung cấp và khách hàng;

- Hợp lý hóa tổng thể sản phẩm để loại bỏ những mẫu sản phẩm và biến thể ít mang lại giá trị tăng thêm cho khách hàng;

- Thiết kế những sản phẩm với ít thành phần hơn và phổ biến hơn;

- Thiết kế những sản phẩm và dịch vụ mà yêu cầu tùy biến của khách hàng có thể thực hiện được dựa trên những bộ phận và môđun được chuẩn hóa, và càng mới càng tốt.

Tổng Công ty May 10 còn ứng dụng Phần mềm BRAVO cho các bộ phận: Kế toán các đơn vị, kho thiết bị, bộ phận Kế toán xuất nhập khẩu; nhiều đơn vị trực thuộc tại một số tỉnh thành. Qua 6 tháng triển khai, toàn bộ yêu cầu về bài toán nghiệp vụ đã được hoàn thành đúng thời hạn dự kiến. Kết quả là khối lượng 200.000 dòng dữ liệu/ tháng đã được toàn thể CBNV nhập đúng tiến độ, xuất sắc hoàn thành công việc. So với trước đây thì việc ứng dụng Phần mềm BRAVO đã giúp May 10 và các đơn vị thành viên khai thác được dữ liệu một cách tốt hơn. Báo cáo lên đúng thời hạn, phục vụ đắc lực cho khai thác thông tin vào quản lý sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị cho doanh nghiệp.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số thông qua đầu tư vào trang bị thiết bị tự động, phần mềm quản trị trên nhiều khâu sản xuất, kinh doanh mà May 10 đã có được bước nhảy vọt mạnh mẽ về năng suất, giảm mối lo thiếu lao động, nhằm thực hiện chiến lược “Tăng năng suất- Giảm giờ làm- Tiết kiệm chi phí- tăng thu nhập cho người lao động; làm chủ công nghệ 4.0 và từng bước triển khai trí tuệ nhân tạo AI; tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường; mở rộng thêm các thị trường mới”.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với sự nỗ lực tự thân chuyển đổi số của doanh nghiệp, nhiều bộ, ngành đã chung tay hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”, Bộ Công Thương triển khai 278 mô hình - doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đầu tư chuyển đổi số hệ thống quản trị.

Nhờ đó, Công ty Cổ phần may Nam Hà, thời gian làm mẫu đã được rút ngắn từ 44 giờ/mã hàng xuống còn 32 giờ/mã hàng. Năng suất lao động tại phân xưởng may tăng 20-30%, lỗi trong công đoạn giảm từ 10% xuống còn 5%.

Đối với Tổng công ty May Đức Giang và 5 doanh nghiệp thành viên, đã nâng cao năng suất lao động bình quân từ 8–10% và giảm tỷ lệ hàng lỗi hỏng trên chuyền từ 15–25% xuống còn 10–12%.

Với Pinaco, việc chuyển đổi số áp dụng phương pháp TVP – Giá trị lý thuyết của sản xuất để phân tích từng hoạt động sản xuất của dây chuyền, từ đó phát hiện nhiều thao tác sản xuất không tạo ra giá trị, nhiều điểm nút thắt cổ chai trên dây chuyền sản xuất. Từ đó, Công ty đề ra các giải pháp  triển khai đồng bộ nhằm cải tiến tổng thể dòng chảy sản xuất như sắp xếp lại layout sản xuất, cân bằng công đoạn, cải tiến một số công cụ sản xuất, thu nhỏ bàn thao tác… và loại bỏ các thao tác thừa, tối ưu hoá công đoạn sản xuất.

Sau 6 tháng áp dụng các giải pháp, số lao động cần thiết trong dây chuyền đã giảm từ 20 người xuống còn 15 người, giúp tiết kiệm chi phí nhân công 900 triệu đồng/năm. Đồng thời, năng suất tại dây chuyền tăng thêm 2,27%, làm lợi cho đơn vị thêm 61 triệu đồng/năm.

Điểm chung của các doanh nghiệp chuyển đổi số nói trên là tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng còn một điều quan trọng nữa: Thông qua chuyển đổi số hoạt động quản trị doanh nghiệp thông thường đã chuyển sang một cách thức mới: quản trị sự thay đổi. Quản trị sự thay đổi được xem là một trong những yếu tố thành công quan trọng bậc nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào trong thế giới ngày nay.

Lý do chủ yếu là, môi trường kinh doanh ngày càng thay đổi nhanh chóng và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi để thích ứng. Quản trị sự thay đổi giúp doanh nghiệp xác định được các thay đổi cần thiết, triển khai các thay đổi một cách hiệu quả và đảm bảo rằng doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường trong quá trình thay đổi đó.

Quang Thanh