Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu, rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề 1 về Chuyển đổi số.
Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề 1 về Chuyển đổi số

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề “Chuyển đổi số” trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra ngày 15/9, đại biểu Quốc hội Việt Nam Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), cho rằng: Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. 

Sự thành công, phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trong kỷ nguyên số, các hoạt động cơ bản của xã hội đều được chuyển dịch lên không gian số.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung xây dựng chính sách phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc phổ cập, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về công nghệ số, dịch vụ số, ứng dụng số nhằm khai thác tối ưu các tiện ích số phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế.

Do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp. Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia. Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) tham luận tại phiên thảo luận về chuyển đổi số.
Đại biểu Quốc hội Việt Nam Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) tham luận tại phiên thảo luận về chuyển đổi số

Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc cho rằng, chuyển đổi số trong các hoạt động nghị viện cũng không tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm hỗ trợ và nâng cao các hoạt động của Quốc hội, xây dựng, phát triển các nền tảng số, công cụ số hỗ trợ toàn diện hoạt động nghị viện, tăng cường, nâng cao nhận thức của các nghị sỹ về lợi ích và tác động của các công nghệ mới đối với mọi mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội.

Đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu “Tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ này, chúng tôi mong muốn các vị đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận kỹ hơn về những vấn đề nêu trên, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của từng quốc gia để cùng nhau góp phần chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả, góp phần vào quá trình hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững”.

PV