Chuyện giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp những năm 1986-1995

Các Bộ quản lý ngành Công Thương đã dần dần giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp về quản lý sản xuất - kinh doanh cũng như công tác tổ chức cán bộ.
giao quyền tự chủ
Tổ máy số 4 Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại chính thức phát điện từ cuối năm 1986. (Ảnh: TTXVN)

Khơi nguồn sản xuất

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12/1986 - Đại hội đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về Đổi mới tư duy, Việt Nam vẫn đang ở tâm chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Lạm phát bùng nổ liên tục trong 3 năm 1986, 1987, 1988.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 2 Khóa VI, ngày 01/4/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhận định: “Lạm phát đang là vấn đề nghiêm trọng nổi lên trong nền kinh tế nước ta. Nó được biểu hiện trên bề mặt xã hội đến mức mà mỗi bà nội trợ, mỗi người dân đều cảm nhận được hàng ngày. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, khối lượng tiền tệ ném vào lưu thông đã tăng đến 10 lần. Trong khi đó, tổng sản phẩm xã hội chỉ tăng 6 - 7%”.

 Ông lý giải: “Nguyên nhân sâu xa và cơ bản của tình hình là sản xuất thấp kém, cung cầu cách xa, tiền - hàng mất cân đối lớn”. Lúc bấy giờ, các xí nghiệp quốc doanh thiếu vật tư, thương mại thì thiếu tiền mua và nhập khẩu vật tư cho sản xuất công nghiệp, thiếu tiền mua nông sản cung cấp cho cán bộ công nhân viên và người dân thành thị.

Thực tế bức bách đó buộc Việt Nam phải đẩy nhanh các chính sách khơi nguồn sản xuất để cân đối cho được tiền - hàng và thực hiện chính sách 4 giảm: giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống nhân dân thông qua triển khai khẩn trương 3 chương trình kinh tế lớn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ quản lý ngành Công Thương lúc ấy gồm Vật tư, Cơ khí - Luyện kim, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ, Nội thương, Ngoại thương đã tham mưu và tổ chức thực hiện điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo hướng đẩy mạnh 3 chương trình kinh tế với nội dung cao hơn trước và từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế mới theo yêu cầu công nghiệp hóa.

Yêu cầu đặt ra với công nghiệp hóa ở giai đoạn này là không chỉ đơn giản tăng thêm tốc độ và tỷ trọng của công nghiệp trong nền kinh tế, mà là quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp gắn với đổi mới căn bản về công nghệ, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và lâu bền toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Giao quyền tự chủ

Trong điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, bên cạnh việc coi trọng công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, ngành Công Thương đề ra chủ trương xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng trọng yếu và hết sức cần thiết, mà ta có điều kiện về vốn, công nghệ và thị trường, như: năng lượng, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, luyện kim, hóa chất.

Đồng thời, các Bộ quản lý ngành Công Thương đã dần dần giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp về quản lý sản xuất - kinh doanh cũng như công tác tổ chức cán bộ. Các Bộ đã bước đầu xác định lại chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ, chủ yếu làm chức năng quản lý nhà nước.

Các xí nghiệp cũng đã giảm bớt những tổ chức không cần thiết, cắt bỏ các khâu trung gian, sắp xếp lại lao động, làm cho dây chuyền sản xuất được đồng bộ ổn định, bảo đảm có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Từ những việc làm trên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các xí nghiệp đã có sự năng động nhất định. Sản xuất công nghiệp đã thích ứng với cơ chế quản lý mới.

Tính bình quân, thời kỳ 1986 - 1990, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,9%/năm; thời kỳ 1991 - 1995 tăng 13,7%/năm, gấp 2,3 lần 5 năm trước đó. Đây là tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm cao nhất từ trước đến thời điểm đó và vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra là tăng bình quân mỗi năm từ 7,5% đến 8,5%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển đổi, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,6% năm 1990 đến 29,1% năm 1995.

Đào Mạnh Đức