Cơ hội và thách thức của nghề kế toán - kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số

THS. NGUYỄN THỊ DUNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp số 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, trên từng khu vực và toàn cầu. Theo đó, thị trường lao động sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng, cung, cầu và cơ cấu lao động, trong đó có ngành kế toán - kiểm toán, điển hình là ngành kế toán - kiểm toán ở Việt Nam. Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức của nghề kế toán - kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh trên toàn cầu và ở mỗi quốc gia.

Từ khóa: nghề kế toán - kiểm toán, công nghệ số, cơ hội, thách thức.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ đã tác động rất lớn đến nền kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới. Mọi ngành nghề trong xã hội đều có những thay đổi từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn diện để phù hợp với sự biến động không ngừng của công nghệ số. Các nền kinh tế trên thế giới mới dần trở nên giao thoa mang lại nhiều cơ hội, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận với thông tin, công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, sự bùng nổ của đại dịch Covid - 19 đã khiến cho mọi mặt về kinh tế, chính trị và xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, làm chậm lại sự phát triển của công nghệ số.

Sau đại dịch, các doanh nghiệp bắt tay vào quá trình tái cơ cấu cũng như nhân lực, hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng đồng thời từng bước được đẩy mạnh hơn. Quá trình này mở ra cho ngành kế toán, kiểm toán nhiều cơ hội phát triển. Xu hướng công việc đã và đang thay đổi, phương thức thực hiện kế toán, kiểm toán hiện nay cũng thay đổi. Điều này tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán trong nước và quốc tế. Trong hoàn cảnh này, cần có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về những cơ hội cũng như thách thức đối với ngành kế toán, kiểm toán, để đưa ra được những giải pháp phù hợp.

2. Những cơ hội và thách thức của nghề kế toán - kiểm toán ở Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số

2.1. Những cơ hội

Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, nghề kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi không gian, khoảng cách địa lý, phương thức thực hiện kế toán, kiểm toán đang dần chuyển giao hoàn toàn bằng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Việc ứng dụng Internet kết nối vạn vật, lưu trữ và phân tích thông tin trên nền tảng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo trong kế toán, kiểm toán giúp cho việc thu thập, tính toán và báo cáo dữ liệu đơn giản, nhanh chóng hơn để những người làm kế toán tập trung vào các trách nhiệm cao hơn. Quá trình ứng dụng Trí thông minh nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (iCloud), Vạn vật kết nối (ITs) sẽ giúp xử lý được những vấn đề phức tạp mà không mất quá nhiều thời gian và chi phí.

Cũng như nhiều ngành nghề khác, cuộc cách mạng công nghệ số 4.0 mang lại cho nghề kế toán, kiểm toán rất nhiều cơ hội, cụ thể là:

Mở rộng thị trường làm việc, tiếp cận được với kế toán - kiểm toán quốc tế: Cuộc CMCN 4.0 với thành tựu mạng không dây đã rút ngắn khoảng cách địa lý trong thực hiện công việc. Điều này có nghĩa, kế toán - kiểm toán viên đủ điều kiện hành nghề có thể thực hiện công việc của mình ở bất kỳ đâu. Sự linh hoạt của điện toán đám mây giúp kế toán - kiểm toán viên có thể chiết xuất dữ liệu từ những kho dữ liệu khổng lồ, phục vụ cho việc ra quyết định. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, các chương trình công nghệ số, kế toán - kiểm toán viên có thể thu thập được các thông tin mà có thể trước đấy, bằng phương pháp truyền thông họ khó thu thập được.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet.

Cuộc CMCN là cơ hội tạo động lực để các kế toán - kiểm toán viên, các tổ chức hành nghề kế toán - kiểm toán phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

2.2. Những thách thức

Bên cạnh những cơ hội to lớn mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, ngành kế toán - kiểm toán Việt Nam cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, việc áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế còn gặp nhiều vướng mắc. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán phù hợp với điều kiện kinh tế, tuy nhiên có một số chuẩn mực còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế làm ảnh hưởng đến quá trình hội nhập. Do vậy, cần nghiên cứu đồng bộ các chuẩn mực kế toán quốc tế để cập nhật các chuẩn mực kế toán đã và sẽ ban hành mới, đặc biệt là giá trị hợp lý và công cụ tài chính, vì nó liên quan đến nhiều chuẩn mực kế toán khác.

Thứ hai, việc cải cách hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động kế toán, kiểm toán còn thiếu tính đồng bộ và tính hiệu lực chưa cao.

Thứ ba, nguồn lao động trình độ cao còn hạn chế. Đặc biệt, đối với môi trường làm việc mang tính chất quốc tế, nguồn lao động cũng phải được chuẩn hóa theo trình độ quốc tế, kiến thức chuyên môn sâu, phương thức làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ tư, nguồn cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin còn yếu. Hiện, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Để hòa nhập quốc tế, cần xây dựng một mạng lưới công nghệ thông tin phủ rộng là một điều vô cùng khó khăn. Điều này đặt ra bài toán cho doanh nghiệp về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng của hệ thống công nghệ thông tin, cũng như tìm kiếm đối tác uy tín để nâng cao tính an toàn của dữ liệu.

Thứ năm, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế, sức ép cạnh tranh về thị trường kế toán, kiểm toán sẽ khốc liệt hơn khi có các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không tự hoàn thiện, các doanh nghiệp kiểm toán trong nước sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể, hoặc thu hẹp quy mô, phạm vi hoạt động.

Thứ sáu, với cách tư duy theo lối mòn cũ, văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp với sự đổi mới công nghệ số. Chiến lược tư duy truyền thống không còn phù hợp đối với doanh nghiệp kế toán - kiểm toán. Lãnh đạo doanh nghiệp kế toán kiểm toán cần thay đổi suy nghĩ để có một chiến lược vận hành theo công nghệ số hiệu quả, tạo ra những trải nghiệm ban đầu và lồng ghép những trải nghiệm đó vào trong quy trình chiến lược phát triển doanh nghiệp.

2.3. Giải pháp phát triển nghế kế toán - kiểm toán Việt Nam trong tương lai

Thông qua việc đánh giá những cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với nghề kế toán - kiểm toán, từ đó, đưa ra những định hướng phát triển mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu kỹ thuật số nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Một là, tăng cường quản lý đạo đức nghề nghiệp. Kỷ nguyên số đang mang tới nhiều cơ hội mới và thách thức mới cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán. Khi mọi công việc đều có thể xử lý bằng công nghệ, đạo đức nghề nghiệp trở thành yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết, có như vậy mới có thể xây dựng và xác định hình ảnh chân thực của doanh nghiệp.

Hai là, đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện hệ thống khung pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, giảm thiểu sự khác biệt không cần thiết giữa các quy định của Nhà nước với các thông lệ quốc tế.

Ba là, các doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng việc giao dịch liên quan đến số liệu ngày càng lớn. Các doanh nghiệp linh động hơn trong việc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp cần cập nhật dữ liệu thường xuyên, lưu trữ các dữ liệu; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị trong hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm kế toán,…

Bốn là, cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu và tạo điều kiện cho việc ứng dụng hiệu quả CMCN 4.0 vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đặc biệt, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.

Năm là, nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ, nhân viên kế toán- kiểm toán, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng, ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 đến ngành nghề. Trong tương lai gần, công nghệ không hoàn toàn thay thế được con người nhưng các công cụ mới như Blockchain, ngân hàng mở… đang dần thay đổi phương thức mà kế toán, kiểm toán thực hiện. Sẽ có rất nhiều công việc máy móc làm thay con người, tốc độ xử lý dữ liệu được thực hiện nhanh hơn với khối lượng lớn hơn. Ngoài ra, phương tiện không thể thiếu đối với mỗi kế toán, kiểm toán viên là ngôn ngữ quốc tế. Cơ hội sẽ ngày càng mở rộng cho những đội ngũ kế toán - kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới.

Sáu là, nâng cao vị thế của các hiệp hội nghề nghiệp bằng cách trao quyền nhiều hơn trong việc phát triển chuẩn mực kế toán, kiểm toán cũng như đưa ra hướng dẫn về các chuẩn mực này.

Năng lực đối với người làm kế toán, kiểm toán không chỉ dừng lại ở trình độ hiểu biết và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có kỹ năng tổ chức, quản trị thông tin, quản trị mạng, kỹ năng phân tích đánh giá, dự báo, năng lực tư vấn, kỹ năng khai thác, vận hành mạng, sử dụng thông tin và bảo mật thông tin… Điều này đòi hỏi, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán cần có sự đổi mới căn bản từ chương trình, nội dung cho đến phương pháp đào tạo. Theo đó, các trường đại học cần có sự thay đổi chương trình theo hướng gia tăng thời lượng đào tạo các kiến thức về công nghệ như hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Các nhà trường cần chú trọng đầu tư công nghệ giúp sinh viên có thể thực hành để có kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh mới.

Đồng thời, thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Công nghệ sẽ thay đổi rất lớn vai trò của người làm kế toán, kiểm toán trong tương lai. Khi vai trò thay đổi, người làm nghề cần phải đột phá nhiều hơn so với kế toán - kiểm toán truyền thống, cụ thể phải có sự chuyên nghiệp, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng thống kê và phân tích dữ liệu, kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, khả năng thích ứng với sự thay đổi và thái độ sẵn sàng học hỏi các kỹ năng mới. Việc nắm bắt được xu hướng thay đổi này rất quan trọng đối với việc đổi mới công tác đào tạo trong trường đại học, giúp sinh viên khi ra trường có đủ chuyên môn và kỹ năng cần thiết để xử lý công việc.

3. Kết luận

Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại rất nhiều cơ hội và thách thức. Nguồn nhân lực mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp không phải từ dịch vụ kế toán, cung cấp số liệu mà là những dịch vụ tầm cao cung cấp dữ liệu phân tích tài chính, tư vấn chuyên sâu. Do vậy, để tận dụng các cơ hội và đối diện với những thách thức, cá nhân người làm việc trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán cần phải nâng cao khả năng công nghệ và tầm nhìn, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Làm việc trong thời đại kỷ nguyên số, những người hành nghề kế toán - kiểm toán cần nắm rõ nguyên tắc cơ bản, ứng xử trong lĩnh vực chuyên môn, xác định từng tình huống cụ thể, hiểu kiến thức cơ bản để không ngừng bồi đắp, tiếp thu những kiến thức cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2021). 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Nguyễn, Thắng (2019), Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (12), 14-16;
  3. Phạm Thị Thu Oanh (2018), Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/ke-toan-kiem-toan-viet-nam-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-141199.html
  4. (2018). Financial Statement Audit: Tech-Enabling the Audit for Enhanced Quality and Greater Insights. London, UK: Pricewaterhouse and Coopers.

 Opportunities and challenges for the accounting - auditing profession in Vietnam in the context of the rapid growth of digital technology

Master. Nguyen Thi Dung

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The rapid growth of the Fourth Industrial Revolution 4.0 (Industry 4.0) has created breakthrough changes and has strongly impacted the socio-economic development of many countries. In the context of Industry 4.0, the labour market, including the accounting - auditing profession, is facing great challenges in terms of quality, supply, demand and labor structure. This paper analyzes the opportunities and challenges for the accounting - auditing profession in Vietnam in the context of the rapid growth of digital technology.

Keywords: accounting - auditing profession, digital technology, opportunities, challenges.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương