Công đoàn Dệt may: Phối hợp hiệu quả với chuyên môn hài hòa quan hệ lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập, bảo toàn đội ngũ.

Ngày 19/1/2024 Công đoàn Dệt may Việt Nam (Công đoàn Dệt may) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, tại Hội nghị Công đoàn Dệt may nhận định trong bối cảnh khó khăn Công đoàn các cấp trong hệ thống đã phối hợp hiệu quả với chuyên môn duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập, bảo toàn đội ngũ, có nhiều chính sách hỗ trợ đơn vị thúc đẩy sản xuất.

Công đoàn Dệt may hài hòa quan hệ lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Công đoàn Dệt may Việt Nam hiện quản lý trực tiếp: 116 công đoàn cơ sở (CĐCS) trong đó 12 CĐCS là DN vốn nhà nước chi phối, 81 DN là công ty cổ phần, 12 Công ty TNHH, 3 DN có vốn liên doanh nước ngoài và 8 CĐCS thuộc đơn vị HCSN) với tổng số: 108.595 đoàn viên/114.252 lao động (trong đó đoàn viên nữ chiếm tỉ lệ 71%). Công đoàn Dệt may đồng thời tham gia với các Liên đoàn lao động địa phương để phối quản các Công đoàn Ngành tại các địa bàn Bình Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn các cấp ủy Đảng, chuyên môn, đoàn thể của cả hệ thống đã nhất quán chủ trương nỗ lực đảm bảo việc làm và đời sống cho NLĐ. Các doanh nghiệp trong hệ thống có nhiều giải pháp như chấp nhận những đơn hàng giá thấp, không có lãi nhưng NLĐ có việc làm; nhiều DN phải giảm giờ làm, bố trí làm việc luân phiên, nghỉ thứ 7, không tăng ca...nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có việc làm, thu nhập; dù khó khăn nhưng kiên quyết không để NLĐ phải nghỉ việc hàng loạt như nhiều DN dệt may khác ngoài hệ thống.

Những nỗ lực này đã giúp quan hệ lao động cơ bản hài hòa; tư tưởng NLĐ trong toàn hệ thống Công đoàn Dệt may ổn định, yên tâm công tác, gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập. Năm 2023, Vinatex, Công đoàn Dệt may tự hào giữ ổn định được lực lượng lao động trên toàn hệ thống thu nhập bình quân của NLĐ đạt 9.45 triệu đồng/ người/tháng (Bằng 98% so với cùng kỳ năm 2022).

Đặc biệt là hệ thống tổ chức thành công Đại hội các CĐCS và Đại hội VI Công đoàn Dệt may Việt Nam đảm bảo tiến độ chất lượng, bám sát các yêu cầu của việc làm, đời sống trong giai đoạn mới. Đồng thời tổ chức thành công Hội thi thợ giỏi cấp ngành lần thứ VI với sự tham dự của 34 đội tuyển từ các đơn vị và hội thi thợ giỏi cấp cơ sở, tạo động lực lan tỏa khí thế thi đua, khích lệ tình yêu nghề, ý thức luyện tay nghề, thành thợ giỏi và tinh thần làm việc nhóm trong công nhân lao động toàn Ngành.

Công tác chăm lo cho NLĐ tiếp tục được quan tâm bằng nhiều hoạt động thiết thực ( Tổng số tiền cả hệ thống thực hiện năm 2023 là gần 110 tỷ đồng); Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ được cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, định suất, định lượng;

Thực hiện hiệu quả chương trình "01 triệu sáng kiến” của Tổng Liên đoàn toàn hệ thống Công đoàn Dệt may có 18.495 sáng kiến cập nhật, vượt 7.530 sáng kiến so với chỉ tiêu được giao, dẫn đầu Khối thi đua công đoàn Tập đoàn/Tổng công ty. Năm 2023 nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến người lao động như “Tết sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, xét chọn, tôn vinh “Doanh nghiệp vì NLĐ”; Trao Giải thưởng “Nguyễn Thị Sen”…cũng được Công đoàn Dệt may tổ chức thành công.

Công đoàn Dệt may nhận bằng khen tại Hội nghị
Năm 2023, Công đoàn Dệt May Việt Nam được Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Tham dự Hội nghị bà Đỗ Hồng Vân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch khóa XII, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp Công đoàn Dệt May Việt Nam đã đạt được trong năm 2023; tích cực tham mưu, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo phát động nhiều phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội công đoàn các cấp, huy động một lực lượng lớn đoàn viên người Lao động tham gia vào hoạt động phong trào tạo khí thế thi đua sôi nổi.

Nhiều đơn vị trong hệ thống công đoàn Dệt may nhận được các danh hiệu
Nhiều phần thưởng danh hiệu đã được trao đến các đơn vị trong hệ thống Công đoàn Dệt may vì những đóng góp quan trọng trong thời gian qua

Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, bà Đỗ Hồng Vân đề nghị Ban Thường vụ công đoàn Dệt May Việt Nam cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam với các nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu và khâu đột phá. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc cụ thể hóa thành chương trình công tác phù hợp với từng địa bàn, cơ sở;

Đồng thời xây dựng, ban hành các quy chế hoạt động, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy đảng; Thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, bảo vê quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, người lao động, nâng cao nhận thức chính trị về Đảng, công đoàn, giai cấp công nhân, nắm vững chủ trương, đường lối, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Đa dạng hóa nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm …

Tham dự hội nghị, trân trọng cám ơn sự đóng góp của lực lượng lao động, đoàn viên, các cấp công đoàn cơ sở trong hệ thống cũng như đánh giá cao kết quả hoạt động Công đoàn Dệt may Việt Nam năm 2023, ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh những đóp góp này đã giúp cán bộ quản lý tin tưởng vào sức mạnh của tập thể và sự đoàn kết.

ông Lê Tiến Trường phát biểu
Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Lê Tiến Trường chia sẻ 2023 là năm nhiều khó khăn thách thức với ngành Dệt may khi kim ngạch xuất khẩu giảm tới 10% tình trạng thiếu đơn hàng, lượng đơn hàng và đơn giá gia công giảm sâu (từ 20-30%)…diễn ra trong toàn ngành. Để nỗ lực vượt khó giữ chân người lao động chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi nhiều doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex đã phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận làm những đơn hàng nhỏ, khó thời gian giao nhanh…đây là áp lực không nhỏ lên doanh nghiệp, người lao động và cả tổ chức công đoàn…

Trong bối cảnh này, năm 2023, các cấp trong toàn hệ thống đồng thời tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn, quan trọng như Đại hội công đoàn các cấp, phong trào thi đua “Lao động sáng tạo”, hội thi thợ giỏi… trên toàn Ngành, đây là những nỗ lực quan trọng của toàn hệ thống Công đoàn Dệt may năm qua. Nhiều sáng tạo từ cơ sở, từ đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất đến đội ngũ cơ sở tạo ra sự ổn định của toàn hệ thống. Số lượng sáng kiến trong chương trình "01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" (do TLĐ phát động) của Vinatex, Công đoàn Dệt may vượt hơn 60% so với chỉ tiêu được giao, các sáng kiến xuất hiện ngay từ áp lực của hoạt động SXKD, khó khăn của thực tế, tạo ra những bước tiến mới…

Ông Trường nhấn mạnh trong vai trò người đại diện cho người lao động, tổ chức Công đoàn phải là trung gian xúc tác, gia tăng sự gắn bó giữa người quản lý, sử dụng lao động với người lao động trong đó người quản lý, sử dụng lao động nắm được tâm tư nguyện vọng gắn bó với doanh nghiệp của người lao động nhất là trong điều kiện khó khăn cũng như những thay đổi mới tác động lên người lao động, cần hiểu thật nhanh, thông cảm nhanh để đi vào hoạt động hiệu quả vận động người lao đông chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Là năm đầu tiên triển khai các nghị quyết của Công đoàn Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam ông Trường đồng thời chỉ đạo công đoàn các cấp trong toàn hệ thống làm thật tốt việc triển khai nhanh chóng thuận tiện, dễ hiểu và hiệu quả các chủ trường chính sách lớn từ Công đoàn Việt Nam Công Đoàn Ngành Dệt may đến cơ sở và người lao động với mục tiêu xuyên suốt là hoạt động thực chất hướng tới cơ sở.

Công đoàn Dệt may 5 đồng hành với doanh nghiệp và người lao động

Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ VI, nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII nhiệm kỳ 2023-2028; tiếp tục thực hiện nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Theo đó Công đoàn Dệt may Việt Nam xác định 5 trọng tâm đồng hành với doanh nghiệp và NLĐ.

Cụ thể, Một là: Đồng hành tuyên truyền vận động NLĐ thấu hiểu tình hình, nỗ lực vươn lên, vững niềm tin vào tổ chức, DN; Hai là: Đồng hành tham gia quản lý, quản trị rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo toàn diện cho NLĐ; Ba là: Đồng hành thúc đẩy các phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác; Bốn là: Đồng hành bồi đắp, lan tỏa văn hóa, giá trị Vinatex và các DN; Năm là: Đồng hành nâng cao năng lực thích ứng cho NLĐ, đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm.

Cùng với đó Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu góp phần khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển SXKD, chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ:

Phan Vi