Đánh giá những sửa đổi trong Bộ luật Lao động năm 2019 về giao kết hợp đồng lao động với người nước ngoài tại Việt Nam

Bài viết "Đánh giá những sửa đổi trong Bộ luật Lao động năm 2019 về giao kết hợp đồng lao động với người nước ngoài tại Việt Nam" do nhóm tác giả ThS. Lê Hồ Trung Hiếu - ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngân (Trường Đại học Văn Lang) thực hiện

Tóm tắt:  

Để thích nghi với những yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và di cư lao động, Việt Nam cần phải có sự hoàn thiện các chính sách quản lý lao động người nước ngoài, đặc biệt là về hợp đồng lao động. Bộ luật Lao động năm 2019 (Bộ luật Lao động hiện hành) đã giải quyết một số vướng mắc đang còn tồn tại trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng với người nước ngoài. Bài viết này phân tích, đánh giá những sửa đổi của Bộ luật Lao động hiện hành về giao kết hợp đồng lao động với người nước ngoài tại Việt Nam, như: Sửa đổi về loại hợp đồng lao động với người nước ngoài; Sửa đổi các điều kiện về chủ thể của người lao động nước ngoài. Những sửa đổi này đã giúp thu hút nhân lực nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy dịch chuyển lao động toàn cầu và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các công ước lao động quốc tế mà nước ta đang tham gia.

Từ khóa: lao động nước ngoài, hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động năm 2019, người nước ngoài, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, do quá trình toàn cầu hóa và mở cửa thị trường, ngày càng có nhiều lao động từ các quốc gia khác đến làm việc. Đồng thời, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động Thế giới và đã ký kết trên 20 công ước của tổ chức này. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quan hệ lao động với người nước ngoài cần phải đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất, nhằm tạo điều kiện cho những người có quốc tịch khác muốn làm việc lâu dài tại Việt Nam, cũng như thực hiện các công ước quốc tế về quyền lao động và quyền làm việc của con người. Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có một số quy định dành riêng cho người lao động nước ngoài khi giao kết hợp đồng lao động tại Việt Nam, bao gồm điều kiện được giao kết hợp đồng lao động của người nước ngoài, hình thức của hợp đồng lao động, báo cáo về nhu cầu và tình hình sử dụng lao động nước ngoài của người sử dụng lao động đến cơ quan quản lý lao động. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, Bộ luật Lao động 2012 đã xuất hiện một số vấn đề vướng mắc, gây ra những khó khăn trong việc ký kết hợp đồng lao động với người nước ngoài, đặc biệt là các điều kiện và đối tượng giao kết chưa rõ ràng; thời hạn của giấy phép lao động, và loại hợp đồng lao động. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019 là cần thiết để giải quyết các vấn đề trên và đáp ứng được nhu cầu dịch chuyển lao động trong tiến trình hội nhập toàn cầu.

2. Sửa đổi về loại hợp đồng lao động với người nước ngoài

Đối với người lao động nước ngoài, Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây không quy định rõ ràng về loại hợp đồng mà người lao động nước ngoài có thể tham gia giao kết mà  luật chỉ xác định thởi hạn tối đa của giấy phép lao động là 2 năm tại Điều 173. Điều này đã dẫn đến nhiều vướng mắc cho các cơ quan tư pháp và các bên trong việc giải quyết các tranh chấp lao động với người nước ngoài, điển hình là Bản án số 640/2018/LĐ-PT ngày 28/6/2018 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ luật Lao động 2019 đã quy định cụ thể hơn chỉ cho phép ký hợp đồng lao động xác định thời hạn và thời hạn không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động[1]. Theo quy định này, việc chuyển hóa hợp đồng lao động sẽ không được áp dụng cho người nước ngoài, tức là những đối tượng này không được ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn sau tối đa hai lần ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn (Điều 20)[2]. Trong mọi trường, người lao động nước ngoài chỉ được phép giao kết hợp đồng xác định thời hạn. Trên thực tế, loại hợp đồng lao động là cơ sở quan trọng trong việc xác định phạm vi và khoản bồi thường của người sử dụng lao động trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và gây ra thiệt hại. Việc xác định đúng loại hợp đồng các bên ký kết sẽ đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ lao động[3].

3. Sửa đổi về giấy phép lao động liên quan đến hợp đồng lao động

Thứ nhất, người lao động nước ngoài muốn thực hiện hợp đồng lao động tại Việt Nam cần phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động không cần có giấy phép lao động nhưng vẫn được tham gia xác lập quan hệ lao động với người sử dụng lao động[4]. Bên cạnh các trường hợp đã được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012, luật mới cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được miễn giấy phép lao động trong trường hợp kết hôn với người Việt Nam và đang cư trú trong lãnh thổ[5]. Việc bổ sung quy định trên thừa nhận và bảo vệ các quyền cơ bản người lao động nước ngoài khi họ xây dựng hạnh phúc và thường trú tại Việt Nam[6]. Tuy nhiên, một vấn đề có thể phát sinh trên thực tế trong trường hợp người lao động không đáp ứng các yêu cầu về điều kiện chuyên môn, sức khỏe, giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam. Họ lợi dụng sơ hở của pháp luật để kết hôn với công dân Việt Nam, nhằm hợp thức hóa để được phép làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2019 yêu cầu cao hơn điều kiện miễn giấy phép lao động đối với chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị của công ty cổ phần. Theo đó, các chủ thể này phải thực hiện góp vốn thị phần giá trị phải thông báo và được thông qua bởi các cơ quan Chính phủ[7]. Điều này khắc phục được một hạn chế đó là hiện nay người lao động nước ngoài cùng với người sử dụng lao động có thể tự thỏa thuận với nhau một khoản vốn nhỏ đầu tư vào doanh nghiệp, xác nhận rằng họ là thành viên góp vốn công ty hoặc thành viên hội đồng quản trị để được miễn yêu cầu về giấy phép lao động.

Thứ hai, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thời hạn tối đa của giấy phép lao động là 2 năm và được gia hạn tối đa một lần là 2 năm[8]. Ngoài ra, các bên trong quan hệ lao động có thể kí kết hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần và thời hạn của hợp đồng không được dài hơn thời hạn của giấy phép lao động[9]. Như trước đây, Bộ luật Lao động 2012 không quy định rõ về việc gia hạn giấy phép lao động, số lần và loại hợp đồng lao động có thể ký kết với người nước ngoài. Thay vào đó, theo quy định mới, thời hạn tối đa của một hợp đồng lao động với người nước ngoài vẫn là 24 tháng và nếu người lao động có thể xin gia hạn hoặc được cấp giấy phép lao động mới thì các bên có thể tiếp tục ký kết nhiều lần hợp đồng xác định thời hạn nếu đạt được thỏa thuận. Việc bổ sung của luật mới đã tạo nên tính thống nhất về thời hạn hợp đồng đối với người lao động nước ngoài, giải quyết các vướng mắc và khó khăn của các chủ thể giao kết trong trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực và phải ký lại hợp đồng lao động mới. Theo pháp luật lao động, nội dung hợp đồng lao động của người nước ngoài yêu cầu phải phù hợp với nội dung của giấy phép lao động với thời hạn tối đa là 2 năm. Nếu áp dụng quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, trong trường hợp các bên đã thực hiện xong hai hợp đồng lao động xác định thời hạn, việc chuyển hóa thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn là vi phạm[10]. Nếu người lao động nước ngoài muốn tiếp tục làm việc tại Việt Nam, họ phải thực hiện xuất cảnh ra khỏi Việt Nam và sau đó nhập cảnh lại. Từ góc độ thực tiễn, có thể thấy quyền làm việc của lao động nước ngoài tại Việt Nam bị hạn chế theo quy định này và gây cản trở cho nhu cầu mong muốn làm việc lâu dài tại Việt Nam của họ. Việc quy định rõ vấn đề này tại điều 155 và điều 151 của Bộ luật Lao động năm 2019 đã giải quyết được vướng mắc của các doanh nghiệp hiện nay trong việc ký kết hợp động lao động với người nước ngoài.

4. Sửa đổi các điều kiện về chủ thể của người lao động nước ngoài

Thứ nhất, Bộ luật Lao động năm 2019 đã xác định chỉ có người có quốc tịch nước ngoài mới được giao hết và thực hiện hợp đồng lao động tại Việt Nam và loại bỏ đối tượng người không có quốc tịch[11]. Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 không quy định rõ vấn đề này và tạo ra những khoảng trống trong việc xác định đối tượng tham gia giao kết hợp đồng lao động có yếu tố nước ngoài. Thực tế cho thấy người lao động nước ngoài giao kết và thực hiện hợp đồng lao động phải là người được sự thừa nhận về quốc tịch khi họ làm việc ở một quốc gia khác và có năng lực hành vi được xác lập theo quốc gia nơi mà họ có quốc tịch[12]. Điều này đảm bảo cho cả quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của người sử dụng lao động trong quan hệ này. Trong khi đó, những người không có quốc tịch khi tham gia vào quan hệ lao động không nhận được sự bảo hộ của bất kì quốc gia nào. Điều này sẽ gây khó khăn cho người sử dụng lao động trong việc thực hiện hợp đồng lao động và cơ quan nhà nước trong công tác quản lý ở quốc gia sở tại.

Thứ hai, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung một số điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam nhằm phù hợp hơn với quy định của pháp luật quốc tế trong tiến trình đảm bảo các quyền lao động tại tuyên bố của ILO năm 1998. Theo đó, sự thay đổi trong Bộ luật Lao động năm 2019 bao gồm điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và khả năng chịu trách nhiệm pháp lý của người lao động nước ngoài. Cụ thể, luật mới yêu cầu rõ hơn về điều kiện sức khỏe phải đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Y tế, thay vì quy định một cách tùy nghi theo vị trí công việc như trước đây. Theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, người lao động nước ngoài yêu cầu phải có giấy khám sức khỏe có thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp bởi cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Việt Nam[13]. Các quy định này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn cho người lao động nước ngoài, đồng thời đảm bảo khía cạnh y tế cộng đồng tại quốc gia họ đang làm việc. Về độ tuổi, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung yêu cầu cụ thể về độ tuổi cho lao động là người nước ngoài là 18 tuổi cho thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Cuối cùng, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có sự sửa đổi bổ sung liên quan đến trách nhiệm hình sự của lao động nước ngoài. Trong đó, người nước ngoài khi giao kết hợp đồng lao động tại Việt Nam không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích, thay vì như trước đây không phải là người phạm tội[14]. Quy định này xác định cụ thể hơn về trường hợp khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự của người lao động nước ngoài nhằm bảo đảm hơn lợi ích an ninh của Việt Nam. Đồng thời, quy định này cũng tạo điều kiện hơn cho một số đối tượng lao động nước ngoài. Trong trường hợp, người lao động nước ngoài phạm tội nhưng được miễn hình phạt thì không có án tích vẫn được làm việc và giao kết hợp đồng lao động tại Việt Nam[15]. Để có thể làm việc được ở Việt Nam, người lao động nước ngoài cần phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp với thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ hoặc các văn bản theo yêu cầu[16].

5. Kết luận

Từ những vấn đề đã được đề cập, có thể thấy Bộ luật Lao động 2019 đã có những điểm mới tích cực trong việc giao kết hợp đồng lao động với người nước ngoài, bao gồm điều kiện giao kết hợp đồng, giấy phép lao động và loại hợp đồng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng với người lao động nước ngoài, đồng thời mang lại sự an tâm cho các công nhân nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam. Trong góc độ vĩ mô, những sửa đổi này đã giúp thu hút nhân lực nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới, thúc đẩy dịch chuyển lao động toàn cầu và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các công ước lao động quốc tế mà nước ta đang tham gia.

 

Lời cảm ơn:

Nhóm tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đến Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác cho bài viết này.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Hannah Huynh (2021). Một số vấn đề cần lưu ý liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam. Công ty luật Le and Tran. Truy cập tại: https://letranlaw.com/vi/insights/mot-so-van-de-can-luu-y-lien-quan-den-nguoi-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-2/

[2]Điều 20, Bộ luật Lao động năm 2019

[3]Hannah Huynh (2021). Vai trò quyết định của giấy phép lao động trong giải quyết tranh chấp lao động. Công ty luật Le and Tran. Truy cập tại: https://letranlaw.com/vi/insights/vai-tro-quyet-dinh-cua-giay-phep-lao-dong-trong-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong/>

[4] Điều 154, Bộ luật Lao động năm 2019

[5] Khoản 8, Điều 154, Bộ luật Lao động năm 2019

[6]Hà Hiền (2021). Điểm mới về hợp đồng với lao động nước ngoài theo Bộ luật Lao động 2019. Công ty luật FDVN. Truy cập tại: http://fdvn.vn/diem-moi-ve-hop-dong-lao-dong-voi-nguoi-nuoc-ngoai-theo-bo-luat-lao-dong-2019/

[7] Bộ luật Lao động năm 2019

[8] Điều 155, Bộ luật Lao động năm 2019

[9] Khoản 2,  Điều 151, Bộ luật Lao động năm 2019

[10] Hannah Huynh (2021). Một số vấn đề cần lưu ý liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam Công ty luật Le and Tran. Truy cập tại: https://letranlaw.com/vi/insights/mot-so-van-de-can-luu-y-lien-quan-den-nguoi-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-2/>

[11]Khoản 1, Điều 151, Bộ luật Lao động năm 2019

[12]Hà Hiền (2021). Điểm mới về hợp đồng với lao động nước ngoài theo Bộ luật Lao động năm 2019. Công ty luật FDVN. Truy cập tại: http://fdvn.vn/diem-moi-ve-hop-dong-lao-dong-voi-nguoi-nuoc-ngoai-theo-bo-luat-lao-dong-2019/

[13]Khoản 2, Điều 23, Nghị định số 152/2020/ NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

[14] Khoản 1, Điều 15, Bộ luật Lao động năm 2019

[15]Hà Hiền (2021). Điểm mới về hợp đồng với lao động nước ngoài theo Bộ luật Lao động 2019. Công ty luật FDVN. Truy cập tại: http://fdvn.vn/diem-moi-ve-hop-dong-lao-dong-voi-nguoi-nuoc-ngoai-theo-bo-luat-lao-dong-2019/

[16]Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 152/2020/ NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2012). Bộ luật Lao động năm 2012;
  2. Quốc hội (2019). Bộ luật Lao động năm 2019;
  3. Chad Mek (2022). Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Công ty luật Le and Tran. Truy cập tại: https://letranlaw.com/vi/insights/viet-nam-tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-quy-trinh-cap-giay-phep-lao-dong-cho-nguoi-lao-dong-nuoc-ngoai/#Mien_giay_phep_lao_dong>
  4. Hà Hiền (2021). Điểm mới về hợp đồng với lao động nước ngoài theo Bộ luật Lao động năm 2019. Công ty luật FDVN. Truy cập tại: http://fdvn.vn/diem-moi-ve-hop-dong-lao-dong-voi-nguoi-nuoc-ngoai-theo-bo-luat-lao-dong-2019/;
  5. Hannah Huynh (2021). Một số vấn đề cần lưu ý liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam Công ty luật Le and Tran. Truy cập tại: https://letranlaw.com/vi/insights/mot-so-van-de-can-luu-y-lien-quan-den-nguoi-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-2/>
  6. Hannah Huynh (2021). Vai trò quyết định của giấy phép lao động trong giải quyết tranh chấp lao động. Công ty luật Le and Tran. Truy cập tại: https://letranlaw.com/vi/insights/vai-tro-quyet-dinh-cua-giay-phep-lao-dong-trong-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong/>
  7. Chính phủ (2020). Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;

 

Evaluating the amendments to the current Labor Code of Vietnam

regarding the signing of labor contracts with foreigners in Vietnam

Master. Le Ho Trung Hieu1

Master. Nguyen Thi Khanh Ngan1

1Faculty of Law, Van Lang University

Abstract:

To adapt to the requirements of globalization and labor migration, it is important for Vietnam to strengthen its policies on governing foreign workers, especially in terms of labor contracts. The current Labor Code of Vietnam has resolved some problems in the process of signing and performing employment contracts with foreigners. This paper analyzes and evaluates the amendments to the current Labor Code on signing employment contracts with foreigners in Vietnam. For example, amendments to types of labor contracts with foreigners, and amendments to the subject of foreign workers. These

amendments have helped Vietnam attract high-quality foreign workers, and supported the country’s implementation of international labor conventions.

Keywords: foreign workers, labor contract, the 2019 Labor Code, foreigner, Vietnam.