Đánh giá sự phục hồi và đà phát triển của du lịch Việt Nam trong trạng thái bình thường mới

Nghiên cứu "Đánh giá sự phục hồi và đà phát triển của du lịch Việt Nam trong trạng thái bình thường mới" do Nguyễn Thị Mỹ Thanh (Bộ môn Marketing, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang) thực hiện.

Tóm tắt:

Trong bối cảnh ngành Du lịch chịu nhiều tổn thất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực để phục hồi ngành du lịch Việt Nam trong trạng thái bình thường mới. Mục tiêu của bài viết này là đánh giá kết quả phục hồi ngành Du lịch của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, sau khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như thế nào. Phương pháp được sử dụng cho bài viết là phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp và phương pháp đánh giá. Bài viết thực hiện phương pháp tổng hợp các thông tin quan trọng đã được xác thực; phân tích vấn đề và đánh giá dựa trên cơ sở các dữ liệu thứ cấp thu thập được. Từ đó, bài viết nêu lên sự thích nghi và ứng phó của ngành Du lịch Việt Nam trước các tác động của dịch Covid-19, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp ứng phó với các loại đại dịch nói chung và phát triển du lịch bền vững cho ngành du lịch Việt Nam.

Từ khóa: du lịch Việt Nam, phục hồi, đà phát triển, trạng thái bình thường mới.

1. Đặt vấn đề

Năm 2021 là năm thứ hai mà đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Việt Nam. 

Theo Tổng cục Du lịch (2022), ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh; 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%; hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm chỉ riêng trong năm 2021. Theo thống kê, số lượng khách du lịch nội địa năm 2021 ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020 và giảm 53% so với năm 2019. Các địa bàn trọng điểm du lịch tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm lớn như Hà Nội giảm 47%, Thừa Thiên Huế giảm 60%; Đà Nẵng giảm 60%; Quảng Ninh giảm 37% so… với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020 và giảm 76% so với năm 2019. Ước tính đóng góp GDP của du lịch năm 2021 chỉ đạt 1,97% (năm 2019 đạt 9,2%, năm 2020 đạt 3,58%).

Bài viết này trình bày những tác động của dịch bệnh mang tính toàn cầu tới ngành Du lịch Việt Nam, kết quả trong việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khôi phục hoạt động trong trạng thái bình thường mới; làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của các loại dịch bệnh nói chung đối với ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian trước mắt và lâu dài.

2. Cơ sở lý thuyết

Khái niệm du lịch bền vững

Khái niệm về Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam đã được đưa ra trong Luật Du lịch Việt Nam 2014: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.” (Mai Anh Vũ và cộng sự, 2022)

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp được sử dụng cho bài viết là phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp và phương pháp đánh giá. Bài viết thực hiện phương pháp tổng hợp các thông tin quan trọng đã được xác thực; phân tích vấn đề và đánh giá dựa trên cơ sở các dữ liệu thứ cấp thu thập được. Từ đó, bài viết nêu lên sự thích nghi và ứng phó của ngành Du lịch Việt Nam trước các tác động của dịch Covid-19; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp ứng phó với các loại đại dịch nói chung và phát triển du lịch bền vững cho ngành Du lịch Việt Nam.

Dữ liệu thứ cấp được tổng hợp từ các bài báo cáo thống kê của các tổ chức du lịch của Việt Nam như Tổng cục Du lịch Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2022, 2023. Ngoài ra, nghiên cứu còn thu thập dữ liệu từ các bài khảo sát trên Internet, các bài nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí… liên quan du lịch.

4. Kết quả và thảo luận

Tổng cục Du lịch đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức kích hoạt, tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn; tổ chức kết nối các điểm đến, doanh nghiệp du lịch và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch; triển khai hệ thống đăng ký an toàn đối với các cơ sở kinh doanh du lịch với gần 15.000 doanh nghiệp đã đăng ký và tự đánh giá mức độ an toàn đón và phục vụ khách du lịch... Chính từ sự thích ứng linh hoạt và triển khai hiệu quả nhiều biện pháp mà ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch ngay lập tức đã khởi sắc trở lại. Trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2021, các điểm đến như Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đón 145.500 lượt khách; Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón 215.000 lượt khách;... Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022, Lào Cai đã đón hơn 30.000 lượt khách, Khánh Hòa đón hơn 37.000 lượt,… (Tổng cục Du lịch, 2022).

Dù mới chỉ được triển khai trong thời gian ngắn, Chương trình “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” của Tổng cục Du lịch phát động đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, địa phương và đạt được một số kết quả tích cực ngay trong dịp lễ Noel và năm mới 2022 vừa qua.

Theo Tổng cục Du Lịch (2022), năm 2022, du lịch Việt Nam đã đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt trên 70% so với kế hoạch năm; khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19; tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch.

Nhiều địa phương trên cả nước đã đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng như: Hà Nội ước đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021; TP. Hồ Chí Minh: khách du lịch ước đạt 28,5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch năm 2022 ước đạt 120.000 tỉ đồng tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021; Khánh Hòa: khách du lịch ước đón 2,5 triệu lượt; tổng thu du lịch ước thực hiện cả năm 2022 đạt 13.500 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với năm 2021; Lào Cai ước đón khoảng 4,4 triệu lượt, tăng gần 220% so với năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt khoảng 15.840 tỷ đồng, tăng 258% so với năm 2021; Quảng Nam ước đón 4,7 triệu lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021, tổng thu du lịch năm 2022 ước đạt 3.780 tỷ đồng, tăng 8 lần so với cùng kỳ năm 2021; Lâm Đồng ước đạt 7 triệu lượt, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021; Hà Giang ước đạt 2,2 triệu lượt khách, đạt 242% so với cùng kỳ năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt 4.306 tỷ đồng; Bắc Giang ước đón 1,35 lượt khách du lịch, tổng thu từ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 650 tỷ đồng; Bình Thuận ước đón khoảng 4,5 triệu lượt khách tăng 2,58 lần so với năm 2021, tổng thu du lịch khoảng 10 nghìn tỷ đồng tăng 2,6 lần so với năm 2021…

Đến hết năm 2022, cả nước có 2.894 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 837 doanh nghiệp so với năm 2021. Về hướng dẫn viên, Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố đã cấp mới 3.902 thẻ trong năm 2022, đưa tổng số hướng dẫn viên du lịch trong cả nước được cấp thẻ lên con số 33.768. Về cơ sở lưu trú du lịch, tính đến hết năm 2022, cả nước có 35.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 700.000 buồng, trong đó có 224 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 74.843 buồng và 345 cơ sở lưu trú hạng 4 sao với 46.279 buồng. Riêng năm 2022, Tổng cục Du lịch đã ban hành 67 quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch, tăng 26 quyết định so với năm 2021; trong đó có 18 quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao và 49 quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao.

Thành công của Việt Nam trong nỗ lực tái thiết hoạt động ngành Du lịch đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao thông qua các chỉ số và giải thưởng du lịch. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố chỉ số Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52 trong số 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số 3 quốc gia có mức tăng điểm cao nhất thế giới. Việt Nam đạt nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á… Tổng cục Du lịch được tiếp tục vinh danh là cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á.

5. Giải pháp

Để hướng đến du lịch bền vững, giải pháp được chia làm 3 nhóm: nhóm giải pháp cần sự hỗ trợ của chính phủ; nhóm giải pháp do doanh nghiệp lữ hành chủ động thực hiện và nhóm giải pháp mà mỗi cá nhân người dân/khách du lịch có thể thực hiện.

Sự hỗ trợ của Chính phủ

Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tìm hiểu, đề xuất và ban hành theo thẩm quyền các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, người lao động trong ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cụ thể như: giảm giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú, xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%; để hỗ trợ người lao động, đề nghị cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tác bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi, phạt chậm nộp.

Thứ hai, thực hiện đề án chuyển đổi số với ngành Du lịch để phát triển du lịch thông minh. Điều này sẽ giúp ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch sẽ giúp tăng hiệu quả của việc quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch; marketing sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên website với các công nghệ hiện đại; tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo như du lịch thực tế ảo, có tính sáng tạo trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin và giao tiếp với khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm với các ứng dụng di động; cải thiện hạ tầng thanh toán nâng cao tiện ích cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Đồng thời, đem lại tiện ích cho khách hàng khi giao dịch; xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn. Từ đó giúp các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch thuận tiện trong việc xây dựng kế hoạch bán vé máy bay và phục vụ khách. Khách du lịch cũng sẽ yên tâm lựa chọn điểm đến an toàn cho bản thân.

Thứ ba, thực hiện các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn; tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa thông qua chương trình kích cầu nội địa du lịch, chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.

Thứ tư, đa dạng hóa thị trường khách du lịch và có chính sách riêng cho từng thị trường. Việc đa dạng hóa này để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, từ đó có thể hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Việt Nam cần chứng minh là sẽ làm tốt vai trò của một điểm đến an toàn, thân thiện và có giá trị cao.

Thứ năm, áp dụng hộ chiếu “vacxin” để có thể mở cửa đón khách quốc tế một cách an toàn.

Thứ sáu, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, đảm bảo sự an toàn về dịch bệnh cho du khách. Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để thực hiện các biện pháp: nâng cao năng lực y tế của địa phương và khu du lịch phải, yêu cầu mọi người mang khẩu trang nơi đông người, sát khuẩn tay trước và sau hành trình, đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách.

Nhóm giải pháp cho doanh nghiệp

Với sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch đã và đang cố gắng nỗ lực để khôi phục hoạt động du lịch, có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động như:

Thứ nhất, ngành Du lịch tiếp tục phát động chiến dịch quảng bá du lịch với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân; giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường du lịch nội địa.

Thứ hai, tiếp tục phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của du khách:  du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe...; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi vùng miền. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện dự án du lịch có giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững; chú trọng thế mạnh ẩm thực đặc sắc của vùng miền có sự đặc trưng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của từng địa phương.

Thứ ba, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ tích cực trong việc ứng dụng công nghệ điện tử: thiết lập chiến lược marketing online cho hoạt động du lịch, thiết lập các từ khóa trong việc tìm kiếm trực tuyến các nội dung liên quan đến du lịch, sử dụng nội dung trải nghiệm VR và nội dung video youtube để khách hàng có thể cảm nhận cảm giác du lịch trong điều kiện không thể đến trực tiếp.

Thứ tư, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình tiến tới mở cửa hoàn toàn, đón khách quốc tế đến tất cả các địa phương trên cả nước: tiếp tục triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch; đề xuất mở rộng thêm điểm đến đón khách ở một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh; mở rộng hình thức đón khách cả bằng đường bộ, đường biển và các thị trường nguồn khách là thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam trong những năm qua với yêu cầu đảm bảo yếu tố an toàn (Tổng cục Du lịch, 2022).

Khách du lịch

Thứ nhất, thực hiện hành vi du lịch an toàn và ứng xử văn minh vì lợi ích của cá nhân và cộng đồng như có dấu hiệu bị cảm cúm thì đeo khẩu trang ở chỗ đông người, tránh những hoạt động làm suy yếu hệ miễn dịch như nhậu hoặc ăn thịt động vật hoang dã,... Nếu mỗi cá nhân đều có ý thức về an toàn cho bản thân, cho cộng đồng và thực hiện nếp sống văn minh xã hội sẽ tốt hơn và hạnh phúc hơn.

Thứ hai, có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và gìn giữ thiên nhiên trong quá trình đi du lịch. Điều này đã được truyền thông rộng rãi trong xã hội nhưng trong bối cảnh này những hành động nhỏ nhằm bảo vệ môi trường cảnh quan cũng rất quan trọng trong việc duy trì một môi trường sống trong sạch lành mạnh cho con người và các sinh vật khác trên hành tinh.

6. Kết luận

Đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề và toàn diện cho mọi mặt của toàn cầu, đặc biệt là ngành Du lịch. Việc thích nghi và phục hồi cho ngành Du Lịch là quan trọng. Để thực hiện những mục tiêu trên cần có sự phối hợp đồng bộ và nhất quán giữa Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và địa phương; đồng thời, hướng đến xây dựng ngành Du lịch đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của du khách quốc tế lẫn nội địa. Bài viết xin nhấn mạnh, một trong những điều quan trọng hàng đầu là ý thức cùng với kiến thức của người dân về việc phòng ngừa lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; điều đó phải luôn được các cấp quản lý quốc gia, địa phương và doanh nghiệp nhắc nhở người dân cùng chung tay duy trì và nâng cao.

Tài liệu tham khảo:

  1. Mai Anh Vũ và cộng sự (2022). Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững du lịch, Tạp chí Công Thương. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xay-dung-bo-tieu-chi-danh-gia-phat-trien-ben-vung-du-lich-87950.htm
  2. Tổng cục Du lịch (2023). Năm 2023 - Dấu mốc của mở cửa và phục hồi hoạt động du lịch. Truy cập tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/47218
  3. Nguyễn Trùng Khánh (2022). Du lịch Việt Nam nỗ lực phục hồi, tạo đà phát triển trong trạng thái bình thường mới; Tổng cục Du lịch. Truy cập tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/39260

ASSESSING THE RECOVERY AND MOMENTUM FOR DEVELOPMENT OF VIETNAM’S TOURISM INDUSTRY IN THE NEW NORMAL

Nguyen Thi My Thanh

Department of Marketing, Faculty of Economics, Nha Trang University

Abstract:

As the tourism industry had been severely impacted by the COVID-19 pandemic, the Government of Vietnam and the business community have made efforts to help the tourism industry recover in the new normal. This study is to assess the recovery of Vietnam’s tourism industry in the current period. Analysis, synthesis and evaluation methods are used in this study. The study summarizes verified important information, analyzes problems and evaluates collected secondary data. The study highlights the adaptation and response of Vietnam's tourism industry to the impacts of the COVID-19 pandemic. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help Vietnam’s tourism industry sustainably develop in the new normal.

Keywords: Vietnam’s tourism, recovery, momentum for development, new normal.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương