Đào tạo kết hợp (Blended learning) trong các trường đại học - đánh giá của người học

THS. NGÔ THỊ MAI (Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Đào tạo kết hợp (Blended learning) đã được thực hiện trên thế giới cách đây hơn 20 năm. Tại Việt Nam, đào tạo kết hợp (Blended learning) sau đại dịch Covid-19 mới thực sự được quan tâm và áp dụng rộng rãi. Đào tạo kết hợp là sự tích hợp giữa hoạt động giảng dạy trực tiếp trên lớp học và đào tạo trực tuyến thông qua sự hỗ trợ của công nghệ và internet đã đem lại những trải nghiệm mới, linh hoạt, thuận tiện cho người học. Tuy nhiên, hình thức đào tạo này cũng còn một số hạn chế nhất định. Bài báo tập trung nghiên cứu đánh giá của người học trong các trường đại học đối với đào tạo kết hợp, từ đó đưa ra một số kiến nghị cần thiết.

Từ khóa: đào tạo kết hợp, giáo dục, trường đại học.

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đặc biệt là giáo dục đại học đang ngày càng được đẩy mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Đào tạo kết hợp (blended learning) là sự kết hợp giữa hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Với việc tận dụng được ưu điểm của cả hình thức đào tạo truyền thống và đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp cho thấy mang lại hiệu quả tốt, ít tốn kém hơn, thuận tiện hơn về cả không gian và thời gian (Simon, 2014). Đào tạo kết hợp không phủ nhận hình thức đào tạo truyền thống mà giúp làm tăng sự chủ động và cơ hội được học tập của người học.

Triển khai đào tạo kết hợp đã được thực hiện từ cách đây hơn 20 năm, ví dụ như tại Hoa Kỳ, 80% các trường đại học có sử dụng đào tạo kết hợp, trong đó 93% với chương trình đào tạo tiến sĩ, 89% với chương trình đào tạo thạc sĩ (Arabasz và Baker, 2003). Theo Polaris Market Research (2022), quy mô thị trường học tập trực tuyến toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ 20,5% và đạt hơn 1.124,79 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Đào tạo kết hợp đã trở thành một xu thế và đang được áp dụng thành công ở một số trường đại học ở Việt Nam. Trường Đại học FPT cho ra đời chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến Funix chuyên ngành Công nghệ thông tin vào năm 2015 với ít nhất 1 môn mỗi học kì được đào tạo theo hình thức kết hợp. Năm 2016, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội triển khai đào tạo kết hợp với tỷ lệ 50% học trực tiếp trên lớp và 50% học trực tuyến với ngành Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đào tạo kết hợp từ năm 2016 với tỷ lệ 70% học trực tiếp và 30% học trực tuyến… Dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã tạo ra một lực thúc đẩy lớn đối với đào tạo trực tuyến nhằm ứng phó với tình hình thực tế, giúp cho hoạt động đào tạo không bị gián đoạn. Và cho đến nay, các trường vẫn tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bài báo tập trung nghiên cứu đánh giá về đào tạo kết hợp của người học trong các trường đại học, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cần thiết. Tác giả sử dụng phương pháp điều tra để tiến hành thu thập thông tin từ người học tại các trường với tỷ lệ phiếu như sau: Trường Đại học Kinh tế quốc dân (38,3%), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (17%), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (17,7%), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (13,3%), Trường Đại học FPT (13,7%). Ngoài ra, tác giả tiến hành phỏng vấn một số lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo cấp Khoa, Phòng tại các trường đại học này về thực trạng ứng dụng đào tạo kết hợp trong Nhà trường.

2. Cơ sở lý thuyết

Có nhiều cách hiểu khác nhau về đào tạo kết hợp. Graham (2013) cho rằng đào tạo kết hợp là sự tích hợp của chỉ dẫn trực tiếp và chỉ dẫn qua máy tính. Theo Hornby, A. S. (2010), đào tạo kết hợp thường được hiểu là sự kết hợp giữa việc được dạy trên lớp và sử dụng các phương tiện công nghệ khác, bao gồm học tập qua Internet. Theo Garrison và Vaughan (2008), đào tạo kết hợp là sự kết hợp giữa trải nghiệm học tập trực tiếp và trực tuyến. Nguyên tắc cơ bản của đào tạo kết hợp là phát huy điểm mạnh của cả 2 hình thức dạy học nhằm tạo ra trải nghiệm học tập tốt nhất, phù hợp với mục tiêu, nội dung đào tạo và bối cảnh giáo dục. Với nội dung cần có sự trao đổi, tranh luận, phân tích, làm mẫu thì cần được tổ chức hoạt động đào tạo trên lớp. Với nội dung có thể tự đọc, tự nghiên cứu, số lượng đào tạo đông đảo, có thể triển khai thông qua đào tạo trực tuyến.

Về mô hình triển khai đào tạo kết hợp, theo Garrison và Kanuka (2004), đào tạo kết hợp có thể triển khai theo 6 mô hình bao gồm: giảng dạy trực tiếp (Face to face), xoay vòng (Rotation), linh hoạt (Flex), phòng thực hành (Labs), tự học (Self-blend), học trực tuyến (Online driver). Trong đó, mô hình giảng dạy trực tiếp (Face to face) được thực hiện trên lớp có kết hợp các công cụ hỗ trợ kỹ thuật số. Trong mô hình xoay vòng (Rotation), sinh viên xoay vòng gắn với lịch học các học phần trực tuyến và trực tiếp. Với mô hình linh hoạt (Flex), người học chủ yếu học trực tuyến, người dạy có vai trò hướng dẫn. Mô hình phòng thực hành (Labs) được triển khai trực tuyến và người học tập trung học tại phòng máy chuyên dụng. Người học cũng có thể khai thác kho học liệu số hay các khóa học trực tuyến của các học phần nằm ngoài chương trình thông qua mô hình tự học (Self-blend). Hay người học có thể hoàn thành khóa học trên hệ thống quản lý trực tuyến với sự tương tác dạy và học thông qua phần mềm trực tuyến ở mô hình học trực tuyến (Online driver).

Về mức độ kết hợp, ở mỗi mô hình đều có sự tích hợp giữa đào tạo trực tiếp và trực tuyến ở mức độ khác nhau. Theo Bonk và Graham (2006), các mức độ kết hợp bao gồm kết hợp ở mức độ hoạt động, khóa học, chương trình hoặc tổ chức. Ở mức độ hoạt động, sự kết hợp diễn ra trong một hoạt động học tập bao gồm cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với mức độ khóa học, các hoạt động trực tuyến và trực tiếp được tích hợp trong cùng thời gian hoặc sắp xếp trong các thời gian hợp lý của khóa học. Trong một chương trình có thể kết hợp giữa các học phần học trực tuyến và học phần học trực tiếp. Mức độ tổ chức cho phép người học linh hoạt học tập trực tuyến và trực tiếp theo kế hoạch của nhà trường, ví dụ học trực tuyến vào kỳ nghỉ hè hoặc học trực tiếp ở nửa đầu kỳ và trực tuyến ở nửa sau của học kỳ.

Về ưu và nhược điểm của đào tạo kết hợp, nhiều nghiên cứu cho thấy trải nghiệm học tập của người học thay đổi đáng kể cho thấy đào tạo kết hợp có thể hỗ trợ việc học (Jeffrey và cộng sự, 2006). Đào tạo kết hợp có rất nhiều ưu điểm như gia tăng tính sáng tạo, khả năng chủ động trong học tập, gia tăng cơ hội học tập cho mọi đối tượng và khả năng học tập mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí học tập và đi lại,… Tuy nhiên, đào tạo kết hợp đòi hỏi trình độ tin học của người học, công cụ hỗ trợ đảm bảo người học có thể học trực tuyến cũng như nguồn tài nguyên học tập số cho người học. Theo Robert A Ellisa và cộng sự (2016), đào tạo kết hợp cũng tồn tại một số hạn chế, như: giảm cơ hội học hỏi từ bạn bè, giảm kỹ năng giao tiếp, hạn chế với người lớn tuổi trong sử dụng công nghệ, giảm say mê học tập do không có giảng viên trực tiếp truyền cảm hứng, khối lượng công việc quá lớn của giảng viên ở thời điểm ban đầu trong xây dựng bài giảng,…

3. Thực trạng đào tạo kết hợp trong các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đánh giá của người học

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, toàn quốc có 237 trường đại học (không bao gồm các trường đại học, học viện thuộc khối an ninh, quốc phòng). Theo thống kê của Bách khoa toàn thư mở, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 48 trường đại học công lập, 36 học viện, 18 trường đại học tư thục. Đứng trước bối cảnh chuyển đổi số, các trường đại học đều xây dựng chiến lược ứng dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy, vì vậy mô hình đào tạo kết hợp trở thành một hình thức cạnh tranh trong những năm tới đây. Khi dịch Covid-19 diễn ra đã chứng minh sự ưu việt của đào tạo kết hợp, nhiều trường đã kết hợp giảng dạy trực tiếp trên lớp và trực tuyến đối với những sinh viên bị cách ly không thể đến trường, đồng thời sự tích hợp hệ thống tự quản lý nội dung học tập giúp người học chủ động trong quá trình học tập của mình.

Kết quả điều tra cho thấy nhu cầu được đào tạo kết hợp chiếm tỷ lệ cao với 77% đồng ý và rất đồng ý. Trên thực tế khi triển khai hệ thống đào tạo kết hợp, đa phần các trường đại học đều có tiến hành khảo sát nhu cầu của người học thông qua phiếu điều tra được triển khai đến từng lớp hành chính để đảm bảo tỷ lệ phản hồi cao nhất. Mức độ đồng ý cao cho thấy đào tạo kết hợp rất phù hợp với nhu cầu của người học thuộc thế hệ Z - thế hệ sinh ra trong thời đại bùng nổ công nghệ, được tiếp cận với công nghệ từ rất sớm. (Hình 1)

Người học thường học tại nhà hoặc phòng trọ chiếm tỷ lệ cao (95.7%) và sử dụng chủ yếu máy tính xách tay (40.7%), điện thoại thông minh (52.7%) để học tập trực tuyến. Với sự gọn nhẹ và thuận tiện, các thiết bị này đã hỗ trợ tốt cho các giờ học trực tuyến của người học, tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân của mất tập trung trong quá trình học. (Hình 2)

Ứng dụng hỗ trợ học trực tuyến được các trường sử dụng phổ biến bao gồm cả 4 ứng dụng Trans, Ms Teams, Zoom, Google Meet. Giảng viên sử dụng các công cụ tương tác trực tiếp trên các ứng dụng hỗ trợ này. Đặc biệt, hệ thống quản lý học tập LMS là công cụ hỗ trợ đắc lực trong triển khai đào tạo kết hợp. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số vấn đề như không hoạt động chức năng thông báo khi giảng viên cập nhật thông tin mới, một số giảng viên ít tương tác với sinh viên qua các kênh, hạn chế trong giải đáp thắc mắc của sinh viên một cách kịp thời. (Hình 3)

Đào tạo kết hợp đã tạo ra sự linh hoạt và thuận tiện, đáp ứng tốt nhu cầu học tập cá nhân (82.3% đồng ý và hoàn toàn đồng ý). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn 17.7% không nhận thấy điều này, cho thấy nhà trường và các giảng viên cần tiếp tục cải thiện và đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức linh hoạt, cung cấp đầy đủ nguồn học liệu số nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Đào tạo kết hợp cũng cho thấy kết quả trong phát triển kỹ năng học tập chủ động của người học (74.7% đồng ý và hoàn toàn đồng ý), tạo lập thói quen học tập suốt đời ở từng người học, đây là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên số. Với hệ thống bài giảng sẵn có được giảng viên cung cấp hay được cung cấp miễn phí từ kho học liệu của nhà trường, tạo cơ hội cho người học có thể xem lại nội dung bài học nhiều lần với những kiến thức quan trọng hay những kiến thức chưa kịp tiếp thu của buổi học. Ngoài ra, người học cũng đánh giá đào tạo kết hợp giúp kiến thức được truyền đạt tốt hơn (63% đồng ý và hoàn toàn đồng ý), giúp phát triển kỹ năng công nghệ thông tin (59.7% đồng ý và hoàn toàn đồng ý) và tăng cường sự tham gia, tương tác của người học (53% đồng ý và hoàn toàn đồng ý). (Hình 4)

Bên cạnh đó, đào tạo kết hợp cũng có những hạn chế, khó khăn nhất định về thiết bị học tập (máy tính không có webcam, hỏng mic,…), không có wifi, kết nối mạng chậm, lỗi xảy ra (62%) gây gián đoạn với các giờ học trực tuyến. Đây cũng là khó khăn có lượng phản hồi nhiều nhất. Người học cũng dễ bị sao nhãng hơn (47.7%) bởi các yếu tố gây nhiễu của không gian học tập. Ngoài ra, việc ngồi học trước màn hình máy tính hay điện thoại cũng dễ gây nhàm chán và mệt mỏi đối với người học. Hạn chế trong kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của thầy và trò (25.3%) cũng là một rào cản đối với đào tạo kết hợp. Người học cũng chưa biết cách khai thác tốt nguồn dữ liệu số để phục vụ học tập (28.3%). Trên thực tế hiện nay, rất nhiều trường mới bắt tay để triển khai hệ thống quản lý học tập LMS cũng như xây dựng học liệu điện tử, do đó cũng còn hạn chế trong công tác hướng dẫn sinh viên để khai thác tốt hệ thống học tập cũng như nguồn học liệu điện tử. (Hình 5)

4. Kết luận, khuyến nghị

Đào tạo kết hợp là bước ngoặt quan trọng trong giáo dục phù hợp với xu thế phát triển chung của việc ứng dụng công nghệ thông tin và internet trong mọi lĩnh vực. Các trường đại học đã và đang ngày càng quan tâm phát triển hình thức đào tạo này trong chiến lược phát triển chung của nhà trường nhằm phản ứng nhanh, linh hoạt và chủ động hơn trong bối cảnh mới, hướng đến cá nhân hóa người học, lấy người học làm trung tâm. Hệ thống quản lý học tập (LMS) đã và đang được các trường áp dụng và mang lại hiệu quả, là công cụ hỗ trợ đa năng bao gồm cả tổ chức thi, đăng ký học tập,… Hệ thống này vẫn đang được các trường tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nhằm phù hợp với nhu cầu giáo dục khác nhau. Mức độ kết hợp khi triển khai đào tạo kết hợp có sự khác nhau ở mỗi trường, nhưng đã cho thấy nhiều tác động tích cực và cũng còn một số hạn chế nhất định.

Để triển khai đào tạo kết hợp thành công, các trường đại học cần lưu ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, cần tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của giảng viên, viên chức quản lý, viên chức hành chính và đặc biệt là sinh viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo.

Thứ hai, cần xác định nhu cầu đào tạo kết hợp trong dài hạn, làm cơ sở xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo, bám sát mục tiêu và chiến lược phát triển, phù hợp với nguyện vọng của người học ở các bậc và các hệ đào tạo. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của từng chương trình đào tạo kết hợp đã xây dựng.

Thứ ba, ứng dụng các công cụ, nền tảng hỗ trợ dạy và học mang tính thân thiện với người dùng, không ngừng nâng cao chất lượng phù hợp với người dạy và người học, nhanh chóng khắc phục các sự cố xảy ra.

Thứ tư, hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho giảng viên và sinh viên nhằm đảm bảo mọi đối tượng đều nắm bắt và tiếp cận tốt với các ứng dụng, phục vụ tốt hơn cho đào tạo kết hợp.

Thứ năm, xây dựng và phát triển hệ thống học liệu đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ tốt nhu cầu của người học. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho giảng viên và sinh viên nâng cao khả năng khai thác nguồn dữ liệu, học liệu số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Arabasz, P. and Baker, M.B, (2003). Evolving Campus Support Models for ELearning Courses, Center of Applied Research Respondent Summary. Accessed 8th Feb 2021, Available at: https://www.educause.edu/ir/ library/pdf/EKF/ekf0303.pdf.
  2. Bonk, C. J., & Graham, C. R. (Eds.), (2006). Handbook of Blended Learning: Global Perspectives. Local Designs, San Francisco, CA: Pfeiffer Publishing.
  3. Garrison, D. R., & Kanuka, H. (2004). Blended learning: Uncovering its transformative potential in higher education. The Internet and Higher Education, 7(2), 95-105.
  4. Garrison, D. R., & Vaughan, N, (2008). Blended learning in higher education. San Francisco, CA: Jossey-Bass.
  5. Kanuka, H., Brooks, C., & Saranchuck, N, (2009). Flexible learning and cost effective mass offerings, Paper presented at the Improving University Teaching (IUT), Vancouver, CA.
  6. Graham, C. R., Woodfield, W., & Harrison, J. B, (2013). A framework for institutional adoption and implementation of blended learning in higher education. Internet and Higher Education, 18(3), p.4-14, Doi: 10.1016/j.iheduc.2012.09.003.
  7. Jeffrey, L. M., Kinshuk, Atkins, C., Laurs, A., & Mann, S, (2006). E- Learning profiles: Diversity in learning. Auckland: Massey University.
  8. Hornby, A. S. (2010). Oxford Advanced learner’s dictionary. London: Oxford university press.
  9. Polaris Market Research (2022). E-learning Market Share, Size, Trends, Industry Analysis Report, By Provider (Content Provider, Service Provider), By Deployment Model (On-premise, Cloud), By Course, By End-User (Academic, Corporate, Government); By Region; Segment Forecast, 2022 - 2030.
  10. Robert A. Ellisa, Abelardo Pardob, & Feifei Hana. (2016). Quality in blended learning environments 0 Significant differences in how students approach learning collaborations. Computers & Education, 102, November 2016, 90-102.
  11. Simon, M, (2014), Is Blended Learning the Future of Higher Education? A discussion of MOOCs, Gamers, Connectivists’ and Sceptics. Studies of regional policy, 17(1), p.67-91.

Blended learning in universities from evaluation of learners

Master. Ngo Thi Mai

Faculty of Human Resource Management, Thuongmai University 

Abstract

Blended learning has been adopted in the world for more than 20 years. In Vietnam, blended learning has been widely carried out after the COVID-19 pandemic. Blended learning is an an approach to education that combines traditional classroom lessons with lessons that use computer technology and may be given over the Internet. It brings new, flexible and convenient learning experiences to learners. However, this education approach has its limitations. This study is to analyze the evaluation of university learners about blended learning. Based on the study’s findings, some recommendations about blended learning are made.

Keyword: blended learning, education, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]