Đề xuất đầu tư gần 25.000 tỷ đồng khôi phục tuyến đường sắt hơn 90 năm tuổi

Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề xuất khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt tại tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng với tổng mức đầu tư 24.920 tỷ đồng.
Nhà ga Đà Lạt
Nhà ga Đà Lạt, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có Tờ trình số 2146/TTr-CĐSVN đề nghị Bộ GTVT thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với phương thức PPP theo đề xuất của Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng. Mục tiêu chính của Dự án nhằm khôi phục tuyến đường sắt kết nối Lâm Đồng với duyên hải miền Trung đã dừng khai thác từ năm 1975.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đi qua TP.Phan Rang (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), dài 83,5 km, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung 2 ga và 2 trạm khách so với tuyến cũ. Đường khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Dự án gồm 2 hợp phần, thứ nhất khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát dài 76,8 km, khôi phục và xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng kết cấu tầng trên đường sắt. Thứ hai, nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt đang khai thác dài 6,7 km và tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.

Do tuyến đường dừng khai thác quá lâu, nên ngoài việc phải đầu tư mua sắm thiết bị đầu máy, toa xe, để có thể vận tải hành khách và hàng hóa, dự án gần như phải làm mới hàng loạt công trình hạ tầng, thông tin tín hiệu; xây dựng depot, nhà xưởng sửa chữa đầu máy, toa xe khu vực depot Tháp Chàm…

Đặc biệt, đoạn tuyến từ Tháp Chàm đến Sông Pha có thể sử dụng các loại đầu máy, toa xe của đường sắt khổ 1.000 mm đang khai thác. Nhưng đối với đoạn từ Sông Pha đến Đà Lạt sẽ sử dụng các loại đầu máy răng cưa và các loại toa xe có chiều dài ngắn hơn để đi qua đoạn có đường ray răng cưa và bàn kính đường cong nhỏ.

Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có khổ đường 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60km/h; sử dụng đầu máy diesel, toa xe tải trọng nhẹ.

Với quy mô đầu tư như trên, dự án có tổng mức đầu tư 24.902 tỷ đồng, gồm cả lãi vay trong thời gian thi công, trong đó 3 khoản chi phí lớn nhất là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 4.092 tỷ đồng; xây dựng 4.055 tỷ đồng; thiết bị 8.218 tỷ đồng.

Xem thêm: "Lâm Đồng: Sẽ sáp nhập toàn bộ huyện Lạc Dương vào Thành phố Đà Lạt" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

tuyến đường sắt tháp chàm - đà lạt
Tháp Chàm - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới

Tháp Chàm - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới, được thi công năm 1908 nối tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Sau 24 năm xây dựng, toàn tuyến dài 84 km hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 1932.

Đây là một trong hai tuyến đường sắt thế giới (cùng với cung đường Jungfraujoch, vượt dãy Alpes ở Thụy Sĩ) chạy bằng bánh răng cưa, vượt miền duyên hải lên cao nguyên ở độ cao 1.500m. Từ năm 1968, chiến tranh khốc liệt, tuyến đường sắt bị dừng khai thác do không đảm bảo an toàn. Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài 6,7 km khai thác tàu du lịch.

Tháng 8/2015, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chủ trương khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. 

Theo nhà đầu tư, dự án sẽ khôi phục tính độc đáo của tuyến đường sắt răng cưa, với khí hậu thay đổi dọc tuyến từ đồng bằng đến trung du và vùng núi cao. Việc tổ chức chạy tàu sẽ góp phần đưa lượng khách du lịch lớn từ các miền đến với Ninh Thuận, Lâm Đồng.

Khánh Vy