Điện Biên: Trên 23 tỷ đồng hỗ trợ khuyến công giai đoạn 2021 - 2025

Để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, thời gian qua, ngành Công thương Điện Biên đã triển khai các đề án hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp.

Qua đó tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tạo chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường…

Chỉ tính riêng năm 2023, từ nguồn khuyến công quốc gia, khuyến công Điện Biên đã hỗ trợ đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến quả mắc ca tại Công ty TNHH MTV Phúc Sơn tỉnh Điện Biên và Công ty TNHH Đại Phú tỉnh Điện Biên, kinh phí hỗ trợ mỗi đơn vị 200 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ ứng dụng dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến gạo tại Hợp tác xã Mường Then với kinh phí 300 triệu đồng.

Nguồn khuyến công địa phương được khai triển khai 3 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng, gồm các hoạt động: Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Điện Biên năm 2023 với kinh phí 100 triệu đồng. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê - Công ty TNHH Hải An kinh phí 200 triệu đồng. Đối với đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản thực phẩm do một số lí do nên dừng đề án và xây dựng bổ sung đề án khác thay thế, trình thẩm định phê duyệt để triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành đề án trước 31 tháng 12 năm 2023.

Đối với hoạt động tư vấn, năm 2023, Trung tâm đã  thực hiện tư vấn thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Lắp đặt bổ sung dây chuyền tuyển rửa than quy mô 48.000 tấn/năm tại Công ty TNHH Ngọc Cương. Đồng thời thực hiện hợp đồng tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế khai thác công trình: Khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại điểm mỏ Tây Trang, xã Na Ư, huyện Điện Biên của Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên. Thực hiện hợp đồng tư vấn khảo sát, thiết kế; lập báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án khai thác khoáng sản than tại điểm mỏ bản Huổi Tao A, xã Pú Nhi và xã Nong U, huyện Điện Biên Đông của Công ty đầu tư công nghiệp Tây Bắc.

Điện Biên
Khuyến Công Điện Biên thực hiện hợp đồng tư vấn công trình Khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại điểm mỏ Tây Trang, xã Na Ư, huyện Điện Biên của Công ty Cổ phần xi măng Điện Biên

Về quản lý Cụm công nghiệp,  Trung tâm phối hợp với đơn vị tư vấn, các phòng chuyên môn của huyện Mường Ảng hoàn thiện hồ sơ thủ tục điều chỉnh dự án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp hỗn hợp Ảng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên và tổ chức triển khai thực hiện. 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 2.605 cơ sở công nghiệp nông thôn, mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng gần 10.000 lao động. Giai đoạn giai đoạn 2014 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 đạt 8,45%/năm. Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng bình quân 10 - 12%/năm, đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt khoảng 14%/năm, với trên 5.000 tỷ đồng, Để đạt mục tiêu này, ngành Công Thương Điện Biên đang chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khuyến công giai đoạn 2021 - 2025, trong đó kinh phí thực hiện dự kiến khoảng trên 23 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí này sẽ hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ  các cơ sở đầu tư, cải tiến, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất; xây dựng các mô hình trình diễn sản phẩm mới, công nghệ mới; nhân rộng một số mô hình đang hoạt động hiệu quả, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp...

Ðồng thời rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chú trọng hỗ trợ các ngành, nghề đang có xu hướng phát triển; tập trung cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hưng Nguyên