Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ma-rốc: Thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia

Nằm trong khuôn khổ Chương trình làm việc của đoàn Bộ trưởng Công Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số Ma-rốc, ngày 30/3/2015, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ma-rốc.

Tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Phía Ma-rốc có ngài Mô-a-mét A-bu, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đầu tư và Kinh tế Kỹ thuật số đặc trách Ngoại thương; Ngài En-u-xin Phác-đa-ni, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam. Ngoài ra còn có đông đảo đại diện các Hiệp hội, Doanh nghiệp của Ma-rốc và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, công cuộc đổi mới trong gần ba thập kỷ qua ở Việt Nam đã đem lại những thành tựu quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã thực sự trở thành đối tác tin cậy, được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới coi trọng. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Thành tựu nổi bật nhất là Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế là 5,42% trong năm 2013 và 5,98% năm 2014.

Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, cho đến nay Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM, WTO; đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand; ký FTA song phương với Nhật Bản và Chilê; đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA với EU, Liên minh Hải quan Nga, Ka-dắc-xtan, Bê-la-rút; Hiệp định tự do mậu dịch châu Âu (EFTA) và Hàn Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 298 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2013, trong đó, xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, nhập khẩu 148 tỷ USD. Thặng dư thương mại lần đầu tiên đạt hơn 2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Đối với quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam - Ma-rốc trong những năm qua không ngừng được cải thiện. Năm 2014, trao đổi thương mại song phương đạt 156,3 triệu USD, tăng 44% so với năm 2013 trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ma-rốc đạt 147,6 triệu USD tăng 45% so với năm 2013 và nhập khẩu của Việt Nam từ Ma-rốc còn khiêm tốn chỉ đạt 8,7 triệu USD.

Mặc dù có sự tăng trưởng tích cực song những kết quả nói trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của hai nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, các đối tác chưa hiểu biết nhiều về nhau, công tác xúc tiến thương mại ở cả hai nước tiến hành chưa thường xuyên, việc trao đổi các đoàn còn hạn chế; các kỳ hội chợ, triển lãm tại hai nước đã có sự tham gia của doanh nghiệp hai bên tuy nhiên vẫn ở mức độ nhỏ lẻ và chưa đều đặn. Khẳng định Việt Nam là một thị trường lớn với 90 triệu dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mong muốn, sự hiện diện của các doanh nghiệp Ma-rốc tại Diễn đàn Doanh nghiệp lần này sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi nhằm trao đổi thông tin, tìm ra các giải pháp thúc đẩy song phương giữa hai quốc gia.

Trao đổi tại Diễn đàn, ngài Mô-a-mét A-bu, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số Ma-rốc đã khẳng định, Việt Nam và Ma-rốc có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, lâu đời. Hai bên đã có những nỗ lực cùng nhau thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế thương mại thông qua các chuyến công tác, làm việc giữa phái đoàn hai nước trong thời gian qua. Hai nước đã tổ chức thành công Diễn dàn Doanh nghiệp Ma-rốc - Việt Nam tại Ma-rốc năm 2012. Hai nước cũng đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp liên Chính phủ. Kỳ họp lần thứ 3 gần đây nhất được tổ chức vào tháng 12 năm 2013 tại thủ đô Rabat của Ma-rốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số Ma-rốc, ngài Mô-a-mét A-bu

Ngài Mô-a-mét A-bu nhấn mạnh, Ma-rốc coi hợp tác giữa các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, là trụ cột trong chính sách của Ma-rốc. Ngài Mô-a-mét A-bu kì vọng, thông qua Diễn đàn, doanh nghiệp hai nước có thêm nhiều cơ hội nhằm tăng cường hợp tác phát triển thương mại, đầu tư, mở rộng thêm nhiều các lĩnh vực xuất khẩu là lợi thế của Ma-rốc như: mỏ, hóa chất, nông nghiệp, dược phẩm, v.v…

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ma-rốc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng giám đốc Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Ma-rốc (Maroc Export) cũng đã có bài phát biểu về những cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam và Ma-rốc.

Được biết, hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ma-rốc là: điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cà phê, hàng hải sản, sản phẩm dệt may, v.v… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ma-rốc gồm: phân DAP, hóa chất, dầu mỡ động thực vật, tân dược, hàng hải sản.