Điều hành giá xăng dầu sớm 1 ngày

Bộ Công Thương vừa có công văn hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu về thời gian điều hành giá xăng dầu.
Do lịch điều hành giá xăng dầu trùng với nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, kỳ điều hành này sẽ được đẩy sớm lên 1 ngày
Do lịch điều hành giá xăng dầu trùng với nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, kỳ điều hành này sẽ được đẩy sớm lên 1 ngày

Công văn số 2481/BCT-TTTN ngày 15/4/2024 của Bộ Công Thương nêu rõ: Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu như sau:

“Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đản), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp”.

Theo quy định hiện hành, Thứ Năm ngày 18/4/2024 tức ngày 10 tháng 3 Âm lịch là ngày nghỉ lễ (Giỗ tổ Hùng Vương).

Do vậy, việc điều hành giá xăng dầu liền kề sau kỳ điều hành ngày 11/4/2024 sẽ được thực hiện vào thứ Tư ngày 17/4/2024.

Ở kỳ điều hành trước đó (ngày 11/4/2024), giá xăng E5RON92 giảm gần 70 đồng/lít, tương tự dầu mazut 180CST 3.5S giảm 288 đồng/kg, trong khi giá các mặt hàng xăng dầu khác tăng 20-622 đồng/lít.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 68 đồng/lít, ở mức không cao hơn 23.848 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 973 đồng/lít;

Giá xăng RON95-III tăng 20 đồng/lít, ở mức không cao hơn 24.821 đồng/lít;

Giá dầu diesel 0.05S tăng 622 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.610 đồng/lít;

Giá dầu hỏa tăng 579 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.594 đồng/lít;

Giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 288 đồng/kg, ở mức không cao hơn 17.008 đồng/kg.

Trong sáng nay ngày 15/4, giá xăng dầu thế giới tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh Iran tiến hành tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 14/4 để đáp trả vụ tập kích tòa lãnh sự thuộc đại sứ quán Iran ở Syria hồi đầu tháng này.

Cụ thể, vào lúc 7h30 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 90,50 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 85,58 USD/thùng.

Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)
Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cuộc tấn công đáp trả của Iran được đánh giá là “kiềm chế và chừng mực”, gây thiệt hại tối thiểu cho Israel và đã được thông báo trước với Mỹ. Tuy nhiên, cuộc tấn công có thể gây tác động lớn đến giá dầu thô toàn cầu trong thời gian tới.

Hiện nhiều tổ chức đã dự báo giá dầu thô Brent có thể tăng lên đến 100 USD/thùng hoặc hơn, trong khi giá dầu thô WTI sẽ duy trì quanh mốc 90 USD/thùng do rủi ro lan rộng xung đột quân sự tại khu vực Trung Đông.

hực tế, tác động của cuộc tấn công của Iran nhắm vào Israel đã phần nào được thị trường dự báo trước và phản ánh vào giá trong tuần vừa qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI cùng tăng khoảng 0,8%.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 24,5% do căng thẳng leo thang ở Trung Đông và liên minh OPEC+ tiếp tục siết chặt nguồn cung.

Khánh Thy