Giá đường thế giới tiếp tục tăng, lãi ròng của Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể tăng 50%

Dự báo lãi ròng năm 2023 của Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS) có thể tăng tới 50% so với năm 2022 trong bối cảnh giá đường trong nước neo cao theo giá đường thế giới.

Giá đường thế giới vượt đỉnh, lãi ròng của Đường Quảng Ngãi có thể tăng 50%

Tính chung 8 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn HoSE) ghi nhận tổng doanh thu thuần 7.200 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.530 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 73% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu Đường Quảng Ngãi
Doanh thu (tỷ đồng) và biên lợi nhuận gộp (GPM, %) mảng đường của Đường Quảng Ngãi tăng mạnh nhờ giá đường thuận lợi. (Nguồn: Đường Quảng Ngãi, BVSC)

Trong đó, đối với mảng mía đường, sản lượng tiêu thụ của Đường Quảng Ngãi trong 8 tháng đầu năm nay đạt 160.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Với cả giá bán và sản lượng tăng mạnh, mảng này giúp Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu ước đạt 2.930 tỷ đồng và lãi trước thuế ước đạt 670 tỷ đồng, lần lượt tăng 118% và 335% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với mảng sữa đậu nành, sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 162 triệu lít, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái; kéo theo đó doanh thu cũng giảm 8%, xuống còn 2.760 tỷ đồng. Điều này phản ánh sức mua và niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa phục hồi rõ ràng. Tuy vậy, nhờ giá bán bình quân tăng và giá đầu vào bắt đầu giảm, Đường Quãng Ngãi vẫn thu về 550 tỷ đồng lãi trước thuế từ mảng này, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu sữa đậu nành Đường Quảng Ngãi
Doanh thu (tỷ đồng) mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi còn gặp khó khăn nhưng biên lợi nhuận gộp (GPM, %) đã có dấu hiệu tăng trở lại. (Nguồn: Đường Quảng Ngãi, BVSC)

Hoạt động kinh doanh của Đường Quảng Ngãi trong thời gian tới được nhiều tổ chức tài chính nhận định sẽ tiếp tục ở mức tích cực khi giá đường trong nước neo cao theo đà tăng của giá đường thế giới.

Hiện giá đường thế giới đang ở mức cao nhất 11 năm trở lại đây do khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh loạt quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan giảm sản lượng dưới tác động của thời tiết cực đoan.

Đặc biệt, thị trường thế giới đang lo ngại Ấn Độ dừng cấp hạn ngạch xuất khẩu của niên vụ 2023/2024 tới đây. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới trong niên vụ 2021/2022 và lớn thứ 3 thế giới trong niên vụ 2022/2023, chiếm từ 12% - 15% tổng lượng đường xuất khẩu trên toàn cầu.

Giá đường thô thế giới
Giá đường thô thế giới (US cent/pound) vượt đỉnh sau lo ngại Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. (Nguồn: Bloomberg)

Tổ chức Đường Thế giới (ISO) cũng hạ dự báo thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022/2023 xuống chỉ còn 493.000 tấn và cảnh báo thị trường có thể thiếu hụt hơn 2 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/2024.

Ngoài ra, việc giá dầu thô tăng vọt trở lại cũng làm tăng mức độ hấp dẫn của sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol từ mía đường, gián tiếp gây áp lực lên nguồn cung đường. Thực tế, giá đường thô thế giới hiện đang ở mức 27 cents/lb, tăng 35% so với thời điểm đầu năm. Tại thị trường nội địa, giá đường RS đã đạt mốc 22.000 đồng/kg, tăng hơn 30% so với đầu năm. Trong khi đó, thị trường thế giới lẫn trong nước đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội cuối năm - mùa cao điểm sử dụng đường. Do đó, giá đường được nhận định sẽ vẫn neo cao trong thời gian tới.

Theo đánh giá mới đây của Bảo Việt Securities (BVSC), giá đường sẽ còn được tiếp tục hỗ trợ, ít nhất đến giữa năm 2024. Do đó, BVSC dự báo doanh thu năm 2023 của Đường Quảng Ngãi có thể đạt 10.921 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2022, và lãi ròng lên đến 1.935 tỷ đồng, tăng 50,4% so với năm 2022.

Sở hữu vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước 

Đường Quảng Ngãi hiện có vùng nguyên liệu mía với diện tích lớn nhất Việt Nam, gồm Nhà máy An Khê tại tỉnh Gia Lai với vùng nguyên liệu 26.000 ha (có thể mở rộng lên 40.000 ha trong tương lai) và có năng suất đạt 70 tấn/ha; Nhà máy Phổ Phong tại tỉnh Quảng Ngãi với vùng nguyên liệu 2.500 ha và có năng suất 60 tấn/ha. Hai vùng trồng mía đang cung cấp khoảng 2 triệu tấn mía/năm, đảm bảo công suất ép mía 20.000 tấn/ngày, tương đương 14% tổng công suất cả nước và là doanh nghiệp mía đường lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi còn vận hành dây chuyền sản xuất đường tinh luyện (RE), công suất 1.000 tấn/ngày, đáp ứng các yêu cầu khắt khe để sản xuất các sản phẩm như nước giải khát có ga và bánh kẹo cao cấp.

Giá cổ phiếu QNS Đường Quảng Ngãi
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Tận dụng lợi thế tồn kho lớn và nhu cầu tôm tinh chế tăng cao" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi còn là công ty mẹ của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) - nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam với thương hiệu nổi tiếng Fami. Vinasoy có 3 nhà máy sữa đậu nành trải dài 3 miền, bên cạnh là nhiều công ty con, nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong những mảng khác nhau, bao gồm Nhà máy bia Dung Quất, Nhà máy bánh kẹo Biscafun, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, Trung tâm Giống Mía, và các nhà máy liên quan các sản phẩm đường.

Với hệ sinh thái này, Đường Quảng Ngãi đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành đóng hộp với công suất 390 triệu lít/năm, chiếm khoảng 87% thị phần sữa đậu nành có thương hiệu. Nhờ đó, mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi đạt tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 40%, vượt trội so với tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 21% của mảng sản phẩm đường.

Đáng chú ý, mảng sữa đậu nành đã qua giai đoạn đầu tư vốn lớn, do đó mảng này đem về dòng tiền hoạt động tương đối đều đặn, gần 1.000 tỷ đồng/năm cho Đường Quảng Ngãi. Với kỳ vọng sức mua dần phục hồi và giá nguyên liệu đầu vào dần giảm, mảng sữa đầu nành sẽ đóng góp lớn hơn vào lợi nhuận Đường Quảng Ngãi trong năm 2024.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 18/9, cổ phiếu QNS đã đi ngược diễn biến thị trường chung, tăng 2,2% lên 51.200 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 55%.

Duy Quang