Giá tiêu hôm nay 18/8: Thị phần tiêu Việt Nam tại EU giảm dù hưởng lợi từ hiệp định EVFTA

Giá tiêu hôm nay giảm nhẹ tại vùng Đông Nam Bộ, trong khi ổn định tại các địa phương khác. Đáng chú ý, dù được hưởng lợi thế từ hiệp định EVFTA nhưng thị phần tiêu của Việt Nam tại EU lại đang giảm xuống.

Giá tiêu hôm nay ngày 18/8/2023 tại thị trường trong nước

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 18/8/2023 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg tại một số địa phương, dao động trong khoảng 69.000 – 71.500 đồng/kg.

Theo đó, giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên ổn định so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 69.000 – 70.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng ở mức 70.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ giảm 500/kg, dao động trong khoảng từ 69.000 – 71.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước cùng giảm 500 đồng/kg, lần lượt xuống mức 71.500 đồng/kg và 70.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Đồng Nai ổn định ở mức 69.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), dù được hưởng lợi thế từ hiệp định thương mại tự do nhưng thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại EU lại đang giảm. Cụ thể, năm 2022 thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại châu Âu giảm còn 17,1% so với 18,2% của năm 2021. Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu sang EU mới đạt 4.316 tấn, trong khi tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu đi các thị trường là 153.000 tấn.

Một trong những vấn đề quan trọng với sản phẩm tiêu Việt Nam là chất lượng sản phẩm chưa cao và tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn phổ biến, thậm chí cả những chất cấm vẫn được sử dụng, theo VPSA.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu cho  biết, đối với hồ tiêu, có đến 507 chỉ tiêu về mức dư lượng tối đa với thuốc thuốc bảo vệ thực vật. Trong năm 2021 - 2022, VPSA đã lấy 284 mẫu từ các doanh nghiệp xuất khẩu và phân tích. Kết quả, phát hiện có tất cả 38 hoạt chất với tổng số 411 lượt kết quả không đạt tiêu chuẩn của EU.

"Có thể thấy, đa phần các mẫu bị dính các hoạt chất liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh và nấm hại trên cây tiêu. Một số hoạt chất đã bị Việt Nam loại khỏi danh mục được phép sử dụng nhưng vẫn xuất hiện như: carbendazim (cấm từ 03/2017) hay chlorpyrifos-ethyl (cấm từ tháng 12/2019). Đây là điều rất đáng lo ngại nếu người dân vẫn tiếp tục dùng thuốc bị cấm để chăm sóc cây tiêu", VPSA nhấn mạnh.

Các chuyên gia ngành gia vị khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng hồ tiêu theo hướng bền vững nếu không sẽ rất dễ mất thị phần vào tay Brazil, nhất là tại thị trường EU.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA nhấn mạnh: “Ở góc độ tổng thể, các doanh nghiệp có thể nâng cao quy trình từ khâu hợp tác với nông dân trồng trọt, cải thiện nhà máy và cơ sở chế biến, quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường kể cả các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ và các tiêu chí tăng trưởng xanh. Cần lưu ý thêm rằng, trong toàn bộ chuỗi giá trị các khâu sản xuất phải được đề phòng rủi ro, truy xuất nguồn gốc.”

Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá tiêu hôm nay ngày 18/8/2023 tại thị trường thế giới

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch ngày 17/8, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) ở mức 4.255 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ổn định ở mức 3.350 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Muntok ở mức 6.626 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA đạt 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn.

Hiện giá tiêu Brazil ở mức 14-14,50 BRL (2,9 USD)/kg, tăng khoảng 18% so với đầu năm, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do khó khăn về thu mua của các thương lái và nông dân Brazil đang có xu hướng trữ tiêu nhiều hơn.

Trong tháng 7/2023, Brazil xuất khẩu 6.158 tấn hạt tiêu. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023 đạt 45.294 tấn

7 tháng đầu năm nay, quốc gia nhập khẩu hạt tiêu Brazil cao nhất vẫn là Việt Nam với lượng nhập khẩu là 8.411 tấn, tiếp theo là Senegal với 4.793 tấn, theo sau là Maroc (4.267 tấn), UAE (4.171 tấn), Ấn Độ (3.344 tấn) và Pakistan (3.024 tấn).

Tường Vy