Giải pháp crowd logistics trong hệ thống vận tải hàng hóa trong đô thị: Trường hợp của Thành phố Hà Nội

TRẦN THỊ HƯƠNG - PHẠM MAI CHI (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Crowd logistics là một trong những giải pháp đột phá trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Giải pháp này đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu và ứng dụng trong cả nghiên cứu và thực tế kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng của crowd logistics tại Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng chưa thực sự rộng rãi. Do đó, bài báo này sẽ phân tích thực trạng triển khai các giải pháp crowd logistics và những cơ hội, thách thức của việc ứng dụng crowd logistics trong hệ thống vận tải hàng hóa đô thị nói chung và tại TP. Hà Nội nói riêng.

Từ khóa: Crowd logistics, crowdsourcing, hệ thống vận chuyển hàng hóa đô thị, logistics đô thị.

1. Giới thiệu chung

1.1. Logistics đô thị

Logistics đô thị, một phân nhánh của logistics, là quá trình tối ưu hóa các hoạt động logistics nói chung và hoạt động vận chuyển được thực hiện bởi các đơn vị kinh doanh trong khu vực đô thị (Eiichi Taniguchi et al., 1999, 2014). Quá trình này cần phải xem xét cẩn thận tới những tác động lên hệ thống giao thông, xã hội và môi trường.

Theo Dolati Neghabadi et al. (2019), các chủ thể trong hệ thống logistics đô thị bao gồm: chủ thể chính là bên giao nhận hàng hóa (freight forwarders) và các đối tượng hữu quan như nhà cung cấp, các cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng và chính quyền địa phương. De Carvalho et al. (2019) phân loại các chủ thể của hệ thống logistics đô thị theo một cách khác, bao gồm: (i) chủ hàng (shippers), (ii) người nhận hàng (receivers), (iii) các công ty cung cấp dịch vụ logistics (logistics service providers- LSP), (iv) dân cư sống trong đô thị (residents), và (e) các cơ quan hành chính có thẩm quyền (public administration). Trong trường hợp này, các đơn vị sản xuất - kinh doanh như công ty sản xuất, nhà phân phối, nhà bán buôn nhà bán lẻ được coi như là chủ hàng (shippers).

Các chủ thể này theo đuổi những mục đích khác nhau, dẫn đến mối tương tác giữa họ tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau: cạnh tranh, hợp tác, vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Sự hợp tác giữa các chủ thể này được cho là hết sức cần thiết để có một hệ thống vận chuyển hàng hóa đô thị hiệu quả và bền vững.

Hiệu quả và bền vững là 2 thước đo chính của hệ thống logistics đô thị. Các chỉ tiêu cụ thể bao gồm:

  • Nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế
    • Tổng chi phí logistics
      • Chi phí trên một đơn vị khoảng cách vận tải
      • Chi phí xếp dỡ hàng hoá
      • Chi phí lưu kho, bảo quản nếu có
      • Thời gian lái xe, chi phí cho lái xe
      • Chi phí/ Mức tiêu thụ nhiên liệu
    • Doanh thu/ Lợi nhuận thu được từ mỗi ton-km vận chuyển (đối với công ty cung cấp dịch vụ logistics)
    • Hệ số sử dụng trọng tải và dung tích của phương tiện, tỷ lệ xe di chuyển trong tình trạng rỗng
    • Số điểm dừng trung bình trên một chuyến đi và khoảng cách trung bình giữa các điểm dừng
    • Thời gian dịch vụ trung bình
    • Tỷ lệ giao hàng đúng hạn
    • Năng suất đội xe được sử dụng
    • Số lượng đơn hàng trên một chặng đường
    • Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng, thất thoát
    • Độ tin cậy của dịch vụ
    • Tính linh hoạt của dịch vụ
  • Nhóm chỉ tiêu về tác động lên xã hội và môi trường:
    • Mức độ gây ô nhiễm môi trường do phác thải khí CO2
    • Mức độ ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động logistics (vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, …)
    • Mức tiêu dùng nhiên liệu và năng lượng không tái tạo được
    • Mức độ tắc nghẽn giao thông (ước tính gây ra bởi hoạt động logistics).

Đi cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và xu hướng đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu về hoạt động logistics nói chung và hoạt động vận chuyển nói riêng trong khu vực đô thị ngày gia tăng. Tuy nhiên, lưu lượng hàng hóa cần xử lý các nghiệp vụ logistics như chứng từ (về tài chính cũng như nguồn gốc xuất xứ), lưu trữ, bảo quản, đóng gói và vận chuyển mang đến những áp lực cho cơ sở hạ tầng về thông tin, giao thông, những tác động tiêu cực lên môi trường và xã hội như tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững của các đô thị. Do đó, vấn đề logistics đô thị ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và các chủ thể kinh doanh cũng như các đối tượng hữu quan trong hoạt động kinh doanh nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Một trong những chủ đề chính của các nghiên cứu và các cuộc tranh luận đó là những giải pháp đột phá để giải quyết các hệ lụy của logistics đô thị hướng tới sự phát triển bền vững. Các giải pháp đó có thể là: ứng dụng các công nghệ như máy bay không người lái/ robot, định tuyến thông minh, thùng nhận hàng thông minh, định giá linh hoạt, crowd logistics, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, giao hàng vào khung giờ thấp điểm, giới hạn thời gian cho phép các phương tiện vào đô thị,… Trong đó, crowd logistics, một trong những giải pháp nhận được khá nhiều sự quan tâm trong nghiên cứu và triển khai, sẽ được trình bày ở phần dưới đây.

1.2. Crowd logistics

Đến từ xu hướng của nền kinh tế chia sẻ, crowd logistics là việc thuê ngoài (outsource) hoạt động logistics giữa một bên có nhu cầu thuê ngoài về hoạt động logistics với một bên là cộng đồng, các cá nhân hoặc tổ chức. Các cá nhân tổ chức này có thể là một công ty, hay là một người dân bình thường, có đủ khả năng để cung cấp dịch vụ logistics. Mặc dù logistics có rất nhiều hoạt động như lưu kho, bảo quản, chứng từ, đóng gói, xếp dỡ, vận chuyển. Tuy nhiên hoạt động phổ biến nhất được tổ thức theo hình thức crowdsourcing là việc vận chuyển (crowdsourced delivery/ crowdshipping - khi một tài xế không chuyên nghiệp nhận thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng) và nhận hàng (crowdsourced receiving - là việc một bên thứ ba cung cấp dịch vụ lưu trữ ngắn hạn trong những trường hợp giao hàng đến nhà thất bại hoặc người nhận hàng không muốn nhận hàng tại thời điểm đó hoặc tại nhà) (Sampaio et al., 2019).

Hiện nay, hoạt động crowdsourcing được diễn ra một cách dễ dàng bởi một nền tảng ứng dụng tiện ích giúp kết nối các cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với một cá nhân có mong muốn được thực hiện việc giao nhận trong giao hàng chặng đầu hoặc giao hàng chặng cuối trong khu vực đô thị (Le & Ukkusuri, 2019). Một số ứng dụng phổ biến hiện nay có thể kể đến là Uber, Lyft dành cho chuyển hành khách và UberRUSH, LalaMove dành cho vận chuyển hàng hóa. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc phát triển crowd logistics hiệu quả trên diện rộng mang lại rất nhiều lợi ích trong việc giảm chi phí vận tải, giảm quãng đường phải vận chuyển trên một đơn vị hàng hóa/ doanh thu cũng như thời gian giao hàng cho các công ty logistics, chủ hàng và cả người tiêu dùng; từ đó cho thấy đây là một trong những giải pháp đột phá cho sự phát triển bền vững của các đô thị (Buldeo Rai et al., 2017, 2018; Dolati Neghabadi et al., 2019). Trong khi đó, một số người lại cho rằng, hệ thống này chưa thực sự hiệu quả do chỉ khai thác được những mảng thị trường những dòng dịch vụ mới và nhỏ lẻ (Sampaio et al., 2019, p. 385). Để tìm câu trả lời chính xác, nhóm tác giả đã đi tìm hiểu câu hỏi nghiên cứu về: Thực trạng, những cơ hội và thách thức việc ứng dụng crowd logistics cho hệ thống vận tải hàng hóa đô thị nói chung và hệ thống logistics đô thị tại TP. Hà Nội nói riêng? Phạm vi của nghiên cứu sẽ giới hạn ở những dịch vụ vận tải hàng hóa, đặc biệt là khâu giao hàng chặng cuối, tạm thời bỏ qua dịch vụ vận tải hành khách và vận chuyển B2B.

2. Phương pháp nghiên cứu

Đầu tiên, bài báo này sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn để tổng hợp những kiến thức chung về logistics đô thị và crowd logistics thông qua những tài liệu học thuật. Sau đó, nhóm nghiên cứu thực hiện việc khảo sát các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng crowd logistics trong hoạt động của mình để nắm được những cơ hội và thách thức của quá trình triển khai crowd logistics.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Tình hình ứng dụng crowd logistics trong hệ thống vận tải hàng hóa tại các đô thị trên thế giới

Giải pháp crowd logistics đã và đang xâm nhập vào các thị trường logistics tại các đô thị trên thế giới. Thị trường giao hàng chặng cuối nói chung và hoạt động này tại các đô thị nói riêng là thị trường rất tiềm năng và hấp dẫn cho những ý tưởng khởi nghiệp. Theo báo cáo của Technavio, thị trường này toàn cầu năm 2018 đạt 1.99 tỷ USD, còn riêng tại Bắc Mỹ đã đạt 500 triệu USD và sẽ liên tục tăng trường trong giai đoạn 2020-2024, với mức tăng trưởng kép là 14% (Businesswire, 2019).

Dưới đây là một số ví dụ điển hình:  

  • AmazonFLex

Được triển khai từ năm 2015, AmazonFlex đã giúp Amazon đánh bại tất cả các đối thủ khác trong ngành qua những dịch vụ giao hàng nhanh chóng ví dụ giao hàng trong vòng 1 giờ (Amazon Prime Now) và miễn phí giao hàng trong vòng 2 giờ cho một số sản phẩm. Khi so sánh các hãng vận truyền thống, Amazon Flex đã tập hợp một cách linh hoạt tài xế bán thời gian giúp năng lực giao hàng sản lượng tăng đột biến. Đặc biệt là trong mùa lễ, khi các hãng vận tải truyền thống có năng lực cố định phải mở rộng đội xe của mình và thực hiện quy trình phức tạp để tuyển dụng nhân viên hoặc tìm kiếm nhà thầu tạm thời. Điều này gây nên sự chậm trễ nhất định trong giao hàng, làm khách hàng không hài lòng và đánh mất cơ hội kinh doanh. Trong khi đó, Amazon ngay lập tức có thể mở rộng năng lực của mình qua Amazon Flex với những người lái xe đã được kiểm duyệt và sẵn sàng cho việc giao hàng. Trong giai đoạn thấp điểm, vì Amazon không thực hiện các hợp đồng dài hạn mà sử dụng các tài xế từ crowdsourcing, nên nó có thể dễ dàng giảm số lượng các tài xế hoạt động và tránh chi phí cố định không cần thiết.

Để cạnh tranh với Amazon, DHL cũng đã triển khai nền tảng crowd logistics cho phép khách hàng tùy ý sắp xếp thời gian cũng như địa điểm với mức thu phí tốt nhất cho mỗi kiện hàng, đồng thời bất cứ người nào cũng có thể là “nhân viên chuyển phát”.

  • Uber

Bên cạnh nền tảng kết nối vận chuyển hành khách, Uber đã từng cho ra mắt ứng dụng vận chuyển thức ăn - UberEats, ứng dụng vận chuyển - UberRush và thí nghiệm mô hình vận tải Uber Freight vào tháng 9/2016 tại khu vực Dallas - Mỹ. Tuy nhiên, dịch vụ này đã ngừng hoạt động năm 2018.

  • DoorDash

DoorDash (https://www.doordash.com/), là một start up được sáng lập bởi các sinh viên Stanford Andy Fang, Stanley Tang, Tony Xu và Evan Moore năm 2013 nhận được đầu tư rất lớn, hiện giá trị công ty lên đến 13 tỷ USD. Đây là nền tảng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, kết nối thực khách với nhà hàng và các tài xế (dasher)(Fortune.com, 2020). Đến nay, Doordash không chỉ hoạt động tại hầu khắp tất cả thành phố của Mỹ mà còn mở rộng ra Bắc Mỹ và Úc (Reuters, 2019).

  • Instacart

Instcart là nền tảng “trợ lý mua sắm”, được định giá 7 tỷ USD (tháng 10/2018), hoạt động tại 15.000 cửa hàng tạp hóa tại 4.000 thành phố với khoảng 50.000 "trợ lý mua sắm"(VCCorp.vn, 2018).

  • Lalamove

Lalamove, với tên ban đầu là EasyVan, là start-up khởi xướng từ Hongkong có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD, cung cấp giải pháp liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Lalamove đã và đang giải quyết bài toán giao vận cho hàng nghìn doanh nghiệp tại hơn 100 thành phố tại châu Á. (VITIC, 2019)

Ngoài ra, trên thế giới còn rất nhiều các nền tảng crowd logistics khác đã và đang khởi xướng kinh doanh và thu hút được rất nhiều vốn từ các quỹ đầu tư, với lượng vốn cho mỗi startup có khi lên tới hàng triệu USD.

3.2. Cơ hội và tình hình ứng dụng crowd logistics cho hệ thống vận tải hàng hóa đô thị tại TP. Hà Nội

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội triển khai crowd logistics cho hệ thống logistics đô thị tại TP. Hà Nội là rất lớn khi mà người dân và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm nhiều hơn đến vấn đề phát triển bền vững, các công ty thương mại và logistics đã đang và luôn quan tâm đến vấn đề hiệu quả. Những đặc điểm sau là những cơ hội phát triển tốt cho crowd logistics tại TP. Hà Nội:

  • Nguồn lực nhàn rỗi

Trên thực tế, số lượng người có công việc tự do và có phương tiện nhàn rỗi ở TP. Hà Nội là khá lớn, sinh viên là một phần trong số đó. Thực tế kể cả những người có công việc ổn định cũng có thể trở thành thành viên của hoạt động giao nhận cộng đồng (crowd delivery) để tận dụng những không gian có thể chứa đựng và năng lực chuyên chở hàng trên những quãng đường di chuyển hàng ngày của họ.

  • Nhu cầu lớn từ phía chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng

Lượng hàng hóa cần giao hàng chặng cuối lớn gia tăng với tốc độ vũ bão do:

  • Sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử việc mua bán hàng online ngày càng trở nên phổ biến.
  • Với dân số lớn và ngày càng tăng như hiện nay đặc biệt là giới trẻ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ những chủ thể kinh doanh online và khách hàng của họ.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện các nền tảng crowd logistics của các công ty Việt cũng như các công ty đa quốc gia và mang lại những lợi ích lớn cho khách hàng cùng với nguy cơ đe doạ cho các công ty vận tải truyền thống (những công ty chưa tận dụng nguồn lực đám đông, hiện đang chiếm thị phần lớn trong giao nhận chặng cuối, như: VNPost, ViettelPost, Giang hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm …). Dưới đây là một số nền tảng điển hình tại Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng:

  • AhaMove

AhaMove, một startup Việt, được cho là nền tảng cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối đầu tiên tại Việt Nam, thậm chí là trước cả Uber hay Grab về dịch vụ giao hàng, các dịch vụ chủ yếu bao gồm: giao hàng siêu tốc, siêu rẻ, giao trong 4h, giao hàng đồng giá, giao đồ ăn.  Khách hàng sử dụng dịch vụ của AhaMove từ các shop bán hàng online nhỏ, các cửa hàng bán đồ ăn, đến những hãng lớn như Lazada, Heineken, Masan, The Coffee House. Hiện nay, Ahamove giao bình quân khoảng 60.000 đơn hàng mỗi ngày và tạo thu nhập cho khoảng 20.000 tài xế (Brands Vietnam, 2019).

  • Grab

Bên cạnh dịch vụ taxi công nghệ, Grab cũng cho ra đời các dịch vụ giao hàng chặng cuối qua ứng dụng Grab Express và GrabFood. Grab cũng hợp tác với các trang thương mại điện tử như Sendo.vn và các chủ thể kinh doanh bán lẻ như siêu thị Co.opmart.  

Tháng 12 năm 2019, Grab đã bắt tay với Shopee để cho ra mắt Giao hàng 1h từ ngày 20.12.2019. Dịch vụ “Giao hàng 1h” vừa giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng vừa mang lại rất nhiều lợi ích cho người bán, ví dụ như rút ngắn thời gian giao hàng và giảm tỷ lệ hủy đơn. (Báo Đầu Tư, 2019).

  • Lalamove

Tháng 10/2017, Lalamove (HongKong) chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam. Mới đây, Lalamove đã bắt tay với EMS để cạnh tranh với Grab trên thị trường giao nhận sử dụng nguồn lực cộng đồng (crowdsourced delivery).

Ngoài ra, còn có rất nhiều nền tảng crowd logistics khác như HeyU, shipVN, shipchung, sapo,… cũng đang cạnh tranh trên thị trường. Đối với những hàng hóa trọng tải lớn hơn, các sàn đấu thầu, sàn giao dịch kết nối vận tải như Smartlog (STX), Sanvanchuyen, Vinatrucking.vn, TADI,…  cũng đang có những triển khai đầu tiên trong vòng năm năm trở lại đây.

3.4. Những thách thức đặt ra

Bên cạnh những lợi ích như mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, thời gian giao hàng nhanh hơn, tỷ lệ hủy đơn thấp hơn, tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, giảm thiểu chi phí cho các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cũng như khách hàng, crowd logistics cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

  • Thiếu niềm tin giữa các bên

Niềm tin (Trust) là thách thức lớn nhất đối với người dùng các nền tảng crowd logistics. Sự không rõ ràng (unknown) là đặc điểm cố hữu của những nguồn lực đến từ cộng đồng (Mladenow et al., 2016). Để vượt qua thách thức này cần có sự hoạt động hiệu quả của hệ thống đánh giá tín nhiệm trực tuyến của các nền tảng crowd logistics. Những đánh giá của khách hàng về người cung cấp dịch vụ cho mình là đầu vào để đánh giá tín nhiệm đối với người cung cấp dịch vụ được kết nối qua nền tảng. Do đó, một số nền tảng đã xây dựng hệ thống tự động thông báo, gửi tin nhắn, hoặc gọi điện thoại cho khách hàng để thu thập ý kiến phản hồi.

  • Sự khả dụng, an toàn và minh bạch của thông tin giao dịch

Khi có tranh chấp xảy ra, sự an toàn và minh bạch của những thông tin giao dịch cũng như khả năng sử dụng những thông tin này để giải quyết là điều mà người dùng, nhất là những người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với khối lượng và giá trị lớn. Trong trường hợp này, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một trong những giải pháp song hành để đảm bảo sự minh bạch, và an toàn của thông tin. Song song với đó cần có sự hỗ trợ của nhà nước với những quy định pháp luật, khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động này.

  • Thiếu sự đồng nhất về am hiểu công nghệ thông tin, chất lượng và sự chuyên nghiệp của người cung cấp dịch vụ

Một trong những thách thức đối với việc ứng dụng crowd logistics là trình độ về công nghệ của đa số những người có nguồn lực nhàn rỗi là chưa cao. Do đó, các startup mới hay doanh nghiệp đang kinh doanh nền tảng crowd logistics cần có kế hoạch phù hợp để đào tạo người dùng (khách hàng và người cung cấp dịch vụ) về những cách thức sử dụng, GPS, hướng dẫn định tuyến, xây dựng lộ trình tối ưu,… Mặt khác, những người chuyển phát không chuyên sẽ thiếu kỹ năng trong việc bảo đảm sự nguyên vẹn, vấn đề hư hại, hỏng hóc của các kiện hàng trong quá trình vận chuyển và đôi khi còn ảnh hưởng uy tín của chủ hàng khi đến trễ hẹn hoặc thái độ phục vụ không lịch sự với khách hàng. Điều này cần có phương pháp định hướng, đào tạo phù hợp cũng như hệ thống đánh giá kết quả thực hiện công việc hiệu quả.

  • Chi phí giao hàng cao

Theo (Dolan, 2018), một trong những thách thức của crowdsource delivery là chi phí giao hàng trên mỗi lần giao hàng khá cao do chưa có sự phối hợp giữa các đơn hàng mà phục vụ từng khách hàng đơn lẻ. Điều này cũng dễ nhận thấy trong cách thức giao hàng của Grab tại Việt Nam hiện nay.

  • Vấn đề tác động môi trường

Mặc dù crowd logistics đã phần nào giảm được tác động lên môi trường nhưng không phải không có những nguy cơ làm tăng ô nhiễm do khách hàng ngày càng mong muốn sự tiện lợi cao hơn, giao hàng nhanh hơn yêu cầu số lượt, khối lượng vận chuyển sẽ tăng lên. Các chủ thể kinh doanh nền tảng crowd logistics cũng cần nghĩ đến điều này để tìm các giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính lên môi trường đô thị. Một số quốc gia tiên tiến đã thực hiện giao hàng bằng xe đạp, phương tiện công cộng, hoặc không dùng phương tiện vận tải cho giao hàng chặng cuối. Tuy nhiên, khả năng áp dụng những giải pháp này tại TP. Hà Nội hiện còn chưa cao.

Nhiệm vụ chiến lược của những người kinh doanh dựa trên nền tảng crowd logistics là cần phải phát hiện ra những thách thức, rủi ro tiềm năng có thể xảy ra và tìm cách xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cũng như các kịch bản để xử lý khi rủi ro xảy ra.

4. Kết luận

Crowd logistics, một nền tảng khai thác tối đa nguồn lực nhàn rỗi từ cộng đồng, được xem như là thành viên mới gia nhập nhưng mang theo mối nguy cơ không hề nhỏ cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics truyền thống trong thị trường dịch vụ logistics (Carbone et al., 2017). Trên thế giới, các công ty giao nhận truyền thống trong ngành cũng như các startup đã và đang triển khai nhiều giải pháp crowd logistics. Cơ hội phát triển giải pháp này tại TP. Hà Nội là rất tiềm tàng do xu hướng phát triển của thương mại điện tử, xu hướng mua hàng online của giới trẻ (chiếm một phần đa số trong dân số ngày càng gia tăng của TP. Hà Nội), cũng như sự hỗ trợ từ những nền tảng công nghệ kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những thách thức về người dùng, niềm tin, chi phí, vấn đề thông tin và tác động môi trường sẽ cần phải tìm được giải pháp tối ưu để crowd logistics có thể triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả cho hệ thống vận tải hàng hóa, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của TP. Hà Nội. Hạn chế của nghiên cứu này là giới hạn trong hoạt động giao hàng chặng cuối mà chưa khảo sát được các nền tảng hay các sàn kết nối hoạt động logistics B2B cũng như hoạt động vận tải hành khách. Những nghiên cứu trong tương lai có thể thực hiện điều tra những thách thức mà các sàn vận tải kết nối B2B phải đối mặt trên thị trường logistics đô thị tại Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng; phân tích hành vi của các bên tham gia crowd logistics; cũng như các giải pháp để vượt qua những thách thức trong ứng dụng crowd logistics hướng tới sự phát triển bền vững.

Lời cảm ơn:

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong đề tài mã số T2018-PC-111

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Báo Đầu tư. (2019). Grab bắt tay Shopee triển khai dịch vụ “Giao hàng 1h.” https://baodautu.vn/grab-bat-tay-shopee-trien-khai-dich-vu-giao-hang-1h-d113302.html
  2. Brands Vietnam. (2019). AhaMove cán mốc 60.000 đơn hàng mỗi ngày, tạo thu nhập cho 20.000 tài xế. Brands Vietnam. https://www.brandsvietnam.com/19216-AhaMove-can-moc-60000-don-hang-moi-ngay-tao-thu-nhap-cho-20000-tai-xe
  3. Buldeo Rai, H., Verlinde, S., & Macharis, C. (2018). Shipping outside the box. Environmental impact and stakeholder analysis of a crowd logistics platform in Belgium. Journal of Cleaner Production, 202, 806–816. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2018.08.210
  4. Buldeo Rai, H., Verlinde, S., Merckx, J., & Macharis, C. (2017). Crowd logistics: An opportunity for more sustainable urban freight transport? European Transport Research Review, 9(3), 39. https://doi.org/10.1007/s12544-017-0256-6
  5. (2019). Last Mile Delivery Market in North America 2020-2024| Evolving Opportunities With CEVA Logistics AG and Deutsche Post DHL Group | Technavio. https://www.businesswire.com/news/home/20191105005972/en/Mile-Delivery-Market-North-America-2020-2024-Evolving
  6. Carbone, V., Rouquet, A., & Roussat, C. (2017). The Rise of Crowd Logistics: A New Way to Co-Create Logistics Value. Journal of Business Logistics, 38(4), 238–252. https://doi.org/10.1111/jbl.12164
  7. De Carvalho, P. P. S., Kalid, R. D. A., & Moya Rodriguez, J. L. (2019). Evaluation of the City Logistics Performance Through Structural Equations Model. IEEE Access, 7, 121081–121094. https://doi.org/10.1109/ACCESS.2019.2934647
  8. Dolan, S. (2018). Crowdsourced delivery explained: Making same day shipping cheaper through local couriers. Business Insider. https://www.businessinsider.com/crowdsourced-delivery-shipping-explained
  9. Dolati Neghabadi, P., Evrard Samuel, K., & Espinouse, M.-L. (2019). Systematic literature review on city logistics: Overview, classification and analysis. International Journal of Production Research, 57(3), 865–887. https://doi.org/10.1080/00207543.2018.1489153
  10. com. (2020). DoorDash CEO Tony Xu on why profitability is his top priority. Fortune. https://fortune.com/2020/02/14/doordash-ceo-tony-xu-on-why-profitability-is-his-top-priority/
  11. Le, T. V., & Ukkusuri, S. V. (2019). Crowd-shipping services for last mile delivery: Analysis from American survey data. Transportation Research Interdisciplinary Perspectives, 1, 100008. https://doi.org/10.1016/j.trip.2019.100008
  12. Mladenow, A., Bauer, C., & Strauss, C. (2016). “Crowd logistics”: The contribution of social crowds in logistics activities. International Journal of Web Information Systems, 12(3), 379–396. https://doi.org/10.1108/IJWIS-04-2016-0020
  13. (2019). DoorDash spreads beyond North America with Australia launch. Reuters. https://www.reuters.com/article/us-australia-food-tech-idUSKCN1VO2V0
  14. Sampaio, A., Savelsbergh, M., Veelenturf, L., & van Woensel, T. (2019). Chapter 15—Crowd-Based City Logistics. In J. Faulin, S. E. Grasman, A. A. Juan, & P. Hirsch (Eds.), Sustainable Transportation and Smart Logistics (pp. 381–400). Elsevier. https://doi.org/10.1016/B978-0-12-814242-4.00015-6
  15. Taniguchi, Eiichi, Thompson, R. G., & Yamada, T. (1999). Modelling City Logistics. International Conference On City Logistics, 1st, 1999, Cairns, Queensland, Australia. https://trid.trb.org/view/658226
  16. Taniguchi, Eiichi, Thompson, R. G., & Yamada, T. (2014). Recent trends and innovations in modelling city logistics. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 125(2014), 4–14.
  17. vn. (2018). Startup “mua sắm hộ” được định giá hơn 7 tỷ USD. https://cafebiz.vn/startup-mua-sam-ho-duoc-dinh-gia-hon-7-ty-usd-20181018161255169.chn
  18. (2019). EMS hợp tác Lalamove: Đa dạng hóa danh mục dịch vụ giao nhận. logistics.gov.vn. http://logistics.gov.vn/dich-vu-logistics/giao-nhan/ems-hop-tac-lalamove-da-dang-hoa-danh-muc-dich-vu-giao-nhan

CROWD LOGISTICS SOLUTIONS FOR URBAN FREIGHT TRANSPORTATION SYSTEM: THE CASE OF HANOI

TRAN THI HUONG

PHAM MAI CHI

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Crowd logistics is an innovative solution for logistics and supply chain management. The solution has received much attention in both academia and industry on a global scale. However, it has not been widely implemented in Vietnam in general and in Hanoi in particular. This study investigates current status, opportunities and challenges of the application of crowd logistics in solving the problem of city logistics in general andHanoi’s logistics sector in particular.

Keywords: Crowd logistics, crowdsourcing, urban freight distribution system, city logistics.