Giáo dục quyền con người tại châu Á - Gợi ý cho giáo dục quyền con người tại Việt Nam

THS. NGUYỄN THU HẰNG (Giảng viên Khoa Quản lý - Học viện Quản lý Giáo dục)

TÓM TẮT:

Quyền con người là phổ quát theo các tuyên bố chính thức trong khuôn khổ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, tồn tại những khác biệt mang tính đối lập trong hệ tư tưởng phương Đông và phương Tây về vấn đề này. Các quốc gia phương Đông chia sẻ nhiều quan điểm chung khi đối diện với sự xâm nhập của hệ tư tưởng phương Tây về quyền con người. Bài viết nghiên cứu ở một số quốc gia đã có thực hành riêng có giá trị tham khảo tốt trong giáo dục về quyền con người và có thể được tham khảo cho vấn đề tương tự tại Việt Nam.

Từ khóa: giáo dục, quyền con người, sinh viên, châu Á, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Tiến trình thúc đẩy nhanh chóng các khía cạnh của quyền con người trên phạm vi quốc tế có những tác động tích cực không thể phủ nhận tới hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của tiến trình này đối với nước ta là các quan điểm về quyền con người có xu hướng bị áp đặt theo các giá trị của phương Tây. Tuy nhiên, đã không có sự đồng thuận phổ quát về một định nghĩa tuyệt đối, ràng buộc về “nhân quyền”. Sự vận động và phát triển của các học thuyết về quyền con người thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác, nổi bật trong số đó là sự khác biệt trong quan điểm về quyền con người tại các quốc gia tại châu Á. Tìm hiểu những khác biệt này và phương thức thực hành giáo dục quyền con người ở khu vực châu Á sẽ đem lại cho Việt Nam những gợi ý cho việc triển khai chương trình giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo bậc đại học.

2. Giáo dục quyền con người tại các quốc gia châu Á và những quan điểm chi phối

Nền văn minh của thế giới phương Tây đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, nhân quyền là sản phẩm của lịch sử, bắt nguồn từ thực tiễn của các quốc gia và xã hội trên toàn thế giới. Cùng nhau chia sẻ các quan điểm phổ biến về quyền con người và áp dụng những chương trình giáo dục về quyền con người phù hợp với đặc điểm văn hóa, dân tộc, các quốc gia châu Á ngày càng đóng góp nhiều hơn tiếng nói của mình về vấn đề quyền con người trên phạm vi quốc tế. 

2.1. Những quan điểm phổ biến về quyền con người tại các quốc gia châu Á

2.1.1. Quan điểm về tính phổ quát và nguồn gốc tư tưởng về quyền con người

Tính phổ quát của quyền con người là một vấn đề còn nhiều tranh biện giữa các quốc gia. Cơ sở của việc khẳng định tính phổ biến của quyền con người là gì? Chúng có phổ quát vì Tuyên ngôn Quốc tế nói như vậy không hay bởi vì Tuyên bố và các hiệp ước nhân quyền cốt lõi của Liên Hợp quốc đã nhận được sự chấp nhận gần như toàn cầu? Khi các cuộc tranh luận trở nên kịch tính và sâu sắc hơn, các câu hỏi tiếp nối được đặt ra: Chúng có bắt nguồn từ tất cả các nền văn minh hoặc tôn giáo lớn trên thế giới để được coi là phổ quát không? Và nếu vậy, các nền văn minh phương Đông đã đóng góp gì cho tính phổ quát của nhân quyền?[1] Tính phổ quát của quyền con người là một yêu cầu, hay một sự thừa nhận, hay một sự tiếp nhận của các quốc gia nơi quyền con người trở thành vấn đề của cộng đồng xã hội?

Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động 1993 (được thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai, họp tại Vienna ngày 25/6/1993) nêu rõ: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và các tự do cơ bản”[2]. Cách tiếp cận trên về nhân quyền trên là phù hợp với các quốc gia châu Á do nhà nước có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ quyền của công dân. Mỗi quốc gia lựa chọn đảm bảo các quyền của chủ thể phù hợp với lịch sử, văn hóa và hệ thống chính trị, kinh tế của mình, nhưng vẫn cam kết tôn trọng tính phổ quát của quyền con người.

Hàng loạt cuộc tìm kiếm các giá trị phổ quát từng được tiến hành đã đưa những nghiên cứu đến các kinh sách và thực hành của tôn giáo. Nỗ lực này đã nâng cao hiểu biết về các giá trị của các nền văn minh phương Đông và cung cấp cho các nhà học thuật những căn cứ rõ rằng các giá trị phổ quát được tìm thấy trong tất cả các nền văn minh lớn trên thế giới. Ví dụ như Ấn Độ giáo bắt nguồn từ kinh điển Ấn Độ giáo cổ đại có chứa đựng nhiều ý tưởng gần gũi với nhân quyền. Kinh sách Ấn Độ giáo thể hiện ý tưởng về tình bằng hữu toàn cầu và sự bình đẳng của tất cả linh hồn con người đang sống. Thực tiễn hiện nay của Nhà nước Ấn Độ giáo Nepal và Nhà nước Ấn Độ chủ yếu là Ấn Độ giáo (cả hai đều là nền dân chủ đầy đủ theo tiêu chuẩn hiện đại) chứng tỏ rằng Ấn Độ giáo có khả năng tự cải cách và kết hợp tính đa dạng.[3]

Các nền văn minh châu Á đã có đóng góp sâu sắc vào sự phát triển của luật pháp quốc tế cho đến khi họ chịu sự thống trị của thực dân. Trong khi một số chuẩn mực nhân quyền là mới và là một phần của sự phát triển tiến bộ của các chuẩn mực nhân quyền thì những chuẩn mực khác một phần xuất phát từ pháp luật cổ xưa, một số cũng bắt nguồn từ sách tôn giáo. Quyền con người mang tính phổ quát bởi vì mọi con người sống ở mọi nơi trên thế giới đều cần được bảo vệ những quyền như vậy và mọi xã hội văn minh ở mọi quốc gia văn minh và có trật tự đã công nhận chúng như vậy từ thời xa xưa có nguồn gốc lịch sử xa hơn nhiều so với các giá trị của phương Tây.

2.1.2. Quan điểm phê phán việc đề cao quá mức chủ nghĩa cá nhân phương Tây

Khi phải đối diện với sự xâm nhập của các tư tưởng về quyền con người của phương tây, ở các quốc gia châu Á, người ta lập luận rằng nhân quyền đương đại (là sản phẩm của tư tưởng chính trị phương Tây) thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân phá hoại với cái giá phải trả là chủ nghĩa hài hòa trong cộng đồng. Thứ hai, có ý kiến cho rằng phương Tây nhấn mạnh quyền cá nhân mà không quan tâm đến nghĩa vụ. Thứ ba, do phương Tây tập trung vào các quyền cá nhân nên quyền dân sự và chính trị được ưu tiên hơn so với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt là quyền phát triển.[4] Các luận điểm trên không phủ nhận một ý tưởng rằng mỗi cá nhân đều quan trọng, tuy nhiên, mỗi cá nhân không phải là thực thể biệt lập, mà là thành viên của một gia đình hạt nhân và mở rộng là cộng đồng, quốc gia và Nhà nước.

Không phải trong mọi trường hợp, người ta đều tìm cách quy kết mọi thất bại đều đến từ sự tôn sùng chủ nghĩa cá nhân quá mức. Tuy nhiên, đa số thừa nhận rằng văn hóa "châu Á" đảm bảo cho gia đình và cộng đồng được ưu tiên hơn những ham muốn cá nhân và sự hòa hợp xã hội được thúc đẩy vì lợi ích của tất cả mọi người. Tôn trọng chính quyền và các thể chế của nhà nước là trung tâm của hệ thống giá trị châu Á và người ta lập luận rằng chính điều này đã dẫn đến thành công kinh tế của các quốc gia châu Á. Tại châu Á, hầu hết các Chính phủ và các nền văn hóa bản địa lại có xu hướng dung hòa quyền cá nhân của mỗi con người riêng lẻ trong lợi ích chung của cộng đồng xã hội mà cá nhân đó là một thành viên.

2.1.3. Quan điểm chú trọng nhóm quyền kinh tế và xã hội

Theo lập trường của các quốc gia châu Á được nêu rõ tại hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok trước Hội nghị Nhân quyền của Liên Hợp quốc tại Vienna năm 1993, họ không chấp nhận một tuyên bố đặt quyền của cá nhân lên trên nhu cầu của xã hội và quyền được sống trong một môi trường có trật tự xã hội và chính trị.[5] Tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế và xã hội trong việc đo lường các điều kiện nhân quyền được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Một nghiên cứu do Trung tâm Nhân quyền Liên Hợp quốc đã xác định nghèo đói là một trở ngại chính đối với sự tiến bộ của nhân quyền.[6] Báo cáo kết luận rằng nghèo đói là một sự vi phạm nhân quyền và là "một vấn đề kinh tế liên quan đến các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế, đây cũng là một vấn đề xã hội và chính trị liên quan đến quyền được hưởng các quyền tự do, sự tham gia của người dân và trên hết là dân chủ".[7] Như vậy, các chính phủ châu Á có lý do chính đáng khi tuyên bố các quyền kinh tế là quan trọng và điều này đặc biệt đúng khi xuất phát điểm của các quốc gia châu Á trong thế kỷ XX hầu hết đều là các quốc gia thuộc thế giới thứ ba.

2.2. Một số kinh nghiệm trong giáo dục về quyền con người tại các quốc gia châu Á

2.2.1. Thái Lan[8]

Bộ Giáo dục Thái Lan là cơ quan đầu mối quốc gia thúc đẩy giáo dục quyền con người trong hệ thống trường học. Kế hoạch hành động về giáo dục quyền con người đã được phát triển và được ưu tiên cao trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về nhân quyền của Thái Lan.

Ủy ban Nhân sĩ (Eminent Persons Committee) được Bộ Giáo dục thành lập vào tháng 3 năm 2007 để theo dõi việc thực hiện Kế hoạch Hành động của Chương trình Thế giới và được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phân tích thông tin về việc học tập và giảng dạy nhân quyền ở Thái Lan. Ủy ban đã khuyến nghị tiến hành một nghiên cứu về giáo dục quyền con người trong hệ thống trường học, do Bộ Giáo dục và Đại học Mahidol đồng tổ chức. Bộ Giáo dục Thái Lan đã giao cho Đơn vị Hợp tác Tổ chức Quốc tế, Cục Hợp tác Quốc tế, phối hợp và chuẩn bị cho các hoạt động nêu trên và các sự kiện liên quan khác.

2.2.2. Singapore[9]

Trong chương trình giảng dạy chính thức, chương trình Giáo dục Công dân và Đạo đức đóng vai trò là nền tảng chính trong việc truyền tải các giá trị về sự tôn trọng, trách nhiệm, tính chính trực, sự quan tâm, khả năng phục hồi và sự hài hòa. Thông qua chương trình Khoa học Xã hội, học sinh tìm hiểu về xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo xung quanh các em cũng như ý thức gắn bó với gia đình, trường học và cộng đồng. Giáo viên cũng truyền thông điệp giáo dục quốc gia vào giáo trình, các vấn đề giáo dục quốc gia có thể được thảo luận trong các môn học như lịch sử, địa lý và kinh tế.

Trong chương trình giảng dạy không chính quy, Chương trình Tham gia Cộng đồng là một cách để học sinh có nguồn gốc dân tộc khác nhau cùng nhau thực hiện các hoạt động và dự án mang lại lợi ích cho xã hội. Ngoài ra, sinh viên cũng có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi ở nước ngoài nhằm hỗ trợ phát triển các kỹ năng xã hội và văn hóa của họ. Thông qua sự tương tác với các bạn cùng chủng tộc và quốc tịch khác, học sinh có được sự đánh giá sâu sắc hơn về các nền văn hóa khác nhau và hiểu sâu hơn về bản sắc xã hội của mình.

Tất cả giáo viên đều được đào tạo về tư vấn cơ bản. Những học sinh gặp vấn đề khó khăn hơn có thể được giới thiệu đến cố vấn giáo viên, mỗi trường có 2 người. Hơn nữa, các trường áp dụng một số biện pháp chủ động để ngăn chặn học sinh bỏ học. Những nỗ lực cũng được thực hiện để đảm bảo rằng các học sinh có nhu cầu đặc biệt được chăm sóc chu đáo trong hệ thống giáo dục.

2.2.2. Hàn Quốc

Nhiều biện pháp đã được thực hiện để nâng cao nhận thức về quyền con người, bao gồm việc phổ biến các hiệp ước về quyền con người thông qua xuất bản và dịch sang tiếng Hàn; tăng cường cung cấp giáo dục về quyền con người cho các quan chức nhà nước; tổ chức một chương trình quốc gia về các bài giảng và hội nghị chuyên đề trước công chúng về nhân quyền và cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý, thông qua đó các quyền cơ bản của con người được công khai ở các thành phố vừa và nhỏ cùng với các cộng đồng làm nông và đánh cá.[10]

Với việc thành lập Ủy ban Nhân quyền Quốc gia vào ngày 25 tháng 11 năm 2001, Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy giáo dục nhân quyền toàn diện trên phạm vi toàn quốc. Trong số những tiến bộ đạt được để phát triển các chương trình và tài nguyên nhân quyền để sử dụng trên toàn quốc, có việc thiết lập một hệ thống giáo dục nhân quyền dựa trên internet, việc sửa đổi sách giáo khoa để làm nổi bật tầm quan trọng của nhân quyền và các chương trình đào tạo giáo viên do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia điều hành.[11]

Kể từ năm 2002, Ủy ban đã phát triển và phân phối nội dung giáo dục nhân quyền để tiếp tục truyền bá nhận thức về nhân quyền và thúc đẩy giáo dục có liên quan. Ủy ban đã xuất bản 4 cuốn sách giáo dục nhân quyền vào năm 2015, đó là: Hướng dẫn Quản lý Nhân quyền (Phần 1. Thể chế Chính phủ và Phần 2. Chính quyền Địa phương); Bước đầu tiên hướng tới Nhân quyền; và Nhân quyền và Phúc lợi Xã hội. Các sách giáo khoa được thiết kế mới dành riêng cho một nhóm đối tượng cụ thể bao gồm Báo chí và Nhân quyền, Thể thao và Nhân quyền, Giảng dạy dựa trên Nhân quyền.

Ủy ban đã ký kết “thỏa thuận thúc đẩy nhân quyền” với tổng số 12 trường đại học để tăng cường hơn nữa giáo dục nhân quyền trong các trường đại học và cao đẳng, đồng thời chỉ định và nuôi dưỡng một số trường như một trung tâm nghiên cứu giáo dục nhân quyền và là một trung tâm về nhân quyền giáo dục, nghiên cứu và xây dựng mạng lưới khu vực.[12]

2.3. Một số gợi ý cho Việt Nam

Tìm hiểu những quan điểm phổ biến và các ví dụ điển hình về giáo dục quyền con người tại các quốc gia châu Á giúp cho Việt Nam có một cái nhìn tổng thể về bối cảnh, phần nào chia sẻ những nét tương đồng trong lịch sử, văn hóa và có được những gợi ý về việc tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục về quyền con người. Tập trung vào nội dung giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo bậc đại học không thuộc chuyên ngành luật, một số kinh nghiệm hữu ích dành cho Việt Nam tham khảo áp dụng bao gồm:

Thứ nhất, Nhà nước cần hoàn thiện kế hoạch hành động giáo dục quyền con người, trong đó, cần xác định các mục tiêu và lộ trình thực hiện cho giáo dục quyền con người ở Việt Nam. Theo khuyến nghị của Liên Hợp quốc phù hợp với “Chương trình thế giới về giáo dục quyền con người”, các quốc gia nên thiết lập kế hoạch hành động cho quyền con người ở cấp độ quốc gia. Trong giai đoạn kế tiếp, sau Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2017 - 2025” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc giáo dục quyền con người nói chung và ở bậc đại học thuộc các chuyên ngành không chuyên về luật nói riêng cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cao hơn.

Thứ hai, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên ở mọi chuyên ngành đào tạo. Không chỉ đơn thuần bằng việc bổ sung một số nội dung giảng dạy về quyền con người trong môn học luật chung ở các trường không thuộc chuyên ngành luật, công tác giảng dạy cần hướng tới mục tiêu trang bị cho người học sự hiểu biết về mối tương quan giữa quyền con người và nhà nước.

Thứ ba, các thiết chế được chỉ định và từng cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học quyền con người, đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong khoa học về quyền con người. Động lực cho việc nghiên cứu khoa học quyền con người tại các cơ sở giáo dục kể cả không phải các chuyên ngành nghiên cứu luật là đòi hỏi từ thực tiễn khách quan.

Thứ tư, xây dựng hệ thống học liệu, tài liệu tham khảo. Hệ thống cần đảm bảo cung cấp các tài liệu quốc tế chính thức được áp dụng tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, Việt Nam hóa các khía cạnh về quyền con người thông qua các học liệu chính thức và tài liệu tham khảo thông qua xây dựng cơ sở lý luận, nghiên cứu sâu sắc về quyền con người ở Việt Nam. Quan điểm thống nhất khi áp dụng biện pháp này là phải bảo vệ vững chắc quan điểm, lập trường của Việt Nam về quyền con người cần được đặt trong một cơ chế phù hợp, cho phép mở rộng cơ hội nghiên cứu, biên soạn các tài liệu học tập, bổ sung vào hệ thống học liệu tại các cơ sở đào tạo.

Thứ năm, tăng cường liên kết đào tạo quốc tế. Các hoạt động hợp tác quốc tế nên được lựa chọn với các tổ chức uy tín, ưu tiên thiết lập cơ chế hợp tác thường xuyên với các quốc gia trong cùng khu vực do những tương đồng trong văn hóa và lịch sử sẽ phù hợp hơn cho việc cùng chia sẻ các quan điểm về quyền con người. Xuất phát từ chính bản chất tự nhiên của quyền con người được hình thành và phát triển trên cơ sở liên kết của những cộng đồng chia sẻ nhiều nét tương đồng trong văn hóa, chính trị và bối cảnh.

3. Kết luận

Trong nhiều năm qua, các đại diện đến từ châu Á đã góp tiếng nói của mình về các vấn đề trên tại các diễn đàn quốc tế và tại Liên Hợp quốc. Những đóng góp đó có thể được nhận thấy về cơ bản là tương đồng giữa các quốc gia trong khu vực châu Á. Các quốc gia cùng nhau chia sẻ các quan điểm để bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc trước sự thâm nhập của hệ tư tưởng của phương Tây. Các khảo lược đối với quan điểm phổ biến về quyền con người ở châu Á và ví dụ thực hành giáo dục quyền con người tại Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc đã đem lại những giá trị tham khảo thực tế cho các các chính sách tại Việt Nam.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Surya P Subedi KC (2022). Human rights from East-West perspectives, Counsel, July 2022.

[2] Trung tâm Nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1993). Văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 20.

[3] Surya P Subedi KC (2022). Human rights from East-West perspectives, Counsel, July 2022.

[4] J S Davidson (2001). East versus west: Human rights and cultural difference, CanterLawRw 3; (2001) 8 Canterbury Law Review 37.

[5] Debate over Rights: Rejecting Western Pressure, Asia Tables Its Own Definition. Asiaweek, 30 June 1993, p. 24.

[6] Paulo Sergio Pinheiro with the collaboration of Malak El-Chichini and Tulio Khan, "Poverty, Marginalization, Violence and the Realization of Human Rights", a study commissioned by the Centre for Human Rights pursuant to General Assembly resolutions 45/155 of 18 December 1990 and 46/116 of 17 December 1991. Paper submitted to the Fourth Session of the Preparatory Committee for the World Conference on Human Rights. A/CONF.157/PC/60/Add.3, 1 April 1993, p. 29.

[7] Clarence J. Dias (1993). Relationship between Human Rights, Development and Democracy: South/North NGO Solidarity in Fostering Popular Participation", discussion paper for a workshop on the relationship between development democracy and human rights, NGO forum held in conjunction with the World Conference on Human Rights, Vienna, 10-12 June 1993.

[8]  United Nations High Commissioner for Human Rights. Available at: https://www.ohchr.org/en/resources/educators/human-rights-education-training/world-programme-human-rights-education/phase1/national-initiatives/summary#asia

[9] United Nations High Commissioner for Human Rights. Available at: https://www.ohchr.org/en/resources/educators/human-rights-education-training/world-programme-human-rights-education/phase1/national-initiatives/summary#asia

[10] United Nations High Commissioner for Human Rights. Available at: https://www.ohchr.org/en/resources/educators/human-rights-education-training/summary-national-initiatives-undertaken-within-decade-human-rights-education-1995-2004

[11]  United Nations High Commissioner for Human Rights. Available at: https://www.ohchr.org/en/resources/educators/human-rights-education-training/world-programme-human-rights-education/phase1/national-initiatives/summary#asia

[12] National Human Rights Commission of Korea (2019). Interim Report on the Implementation of the third phase (2015-2019) of the World Programme for Human Rights Education.

Human rights and human rights education in Asia - Suggestion for human rights education for students in Vietnam

MA. Nguyen Thu Hang

Faculty of Management, National Academy of Education Management

Abstract:

Human rights are universal according to official declarations within the framework of the United Nations. However, these issues become complex and different as countries have their own views. Eastern countries share many common views while protecting themselves against Western ideology on human rights. A number of countries have their own practice that is of good reference value in human rights education and can be referenced for a similar issue in Vietnam.

Keywords: education, human rights, students, Asia, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]