Giữa"cơn bão" rượu không an toàn và một mô hình đáng chú ý

Chúng tôi thực hiện loạt bài viết này khi “cơn bão” rượu giả, rượu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang vô cùng dữ dội, mang đến rất nhiều nỗi đau cho các gia đình, những hoang mang trong dư l

Một ngày như mọi ngày, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) rượu ngô Thanh Vân Dương Đức Thắng cùng các thành viên trong ban quản lý của HTX đang tất bật chuẩn bị cho những mẻ rượu được chưng cất lần hai sau khi thu mua. Anh kiểm tra số lượng, hôm nay vẫn là 1.500 lít rượu như hôm qua. Quả thật, đã hơn 3 năm qua, kể từ ngày HTX của anh được Tổng công ty Bia - Rượu- Nước giải khát Hà Nội trang bị cho hệ thống tháp chưng cất rượu này, huyện Quản Bạ của Hà Giang đã có thêm một đặc sản rượu dân tộc an toàn, đưa văn hóa uống rượu của những người dân tộc thiểu số lên một tầm nhận thức mới.

Có thể nói, dù muốn dù không, tập tục uống và nấu rượu đã ăn sâu vào thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, Hà Giang chính là một tỉnh vùng cao điển hình. Tính đến tháng 9 năm 2013, theo kết quả thống kê của Sở Công Thương Hà Giang, toàn tỉnh Hà Giang có 17 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh rượu chủ yếu theo mô hình HTX với năng lực sản xuất 160.000 lít/năm. Có một số HTX tự sản xuất rượu, một số khác thu mua rượu từ các xã viên của hợp tác rồi tinh chế lại để bán, một số khác thu mua các sản phẩm rượu của hộ dân bán trôi nổi trên thị trường để chế biến lại rồi đưa trở lại thị trường… Nghĩa là muôn hình vạn trạng. Sự phát triển tự phát này đã dẫn đến việc mất kiểm soát chất lượng tại các khâu sản xuất quan trọng như chưng cất, rửa chai, chiết chai đều được làm thủ công, thô sơ. Điều này đã dẫn đến nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm của một loại đồ uống đã trở thành văn hóa.

Nhận thấy thực trạng này, ngay từ năm 2013, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Công nghiệp địa phương phối hợp với Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (HABECO) tiến hành điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất rượu tại Hà Giang để thu thập thông tin xây dựng Dự án: "Hỗ trợ phát triển rượu làng nghề tại Hà Giang". Đây chính là khởi đầu của sự ra đời của tháp chưng cất rượu hết sức ý nghĩa sau này.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, tháng 9/2013, HABECO đã phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, Trung tâm Khuyến công tỉnh Hà Giang, phòng công thương các huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Đồng Văn,Yên Minh, Mèo Vạc và Bắc Mê tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất rượu làng nghề tại các huyện trên. Kết quả điều tra, khảo sát đã được sử dụng làm căn cứ xây dựng dự án Hỗ trợ phát triển rượu làng nghề tại tỉnh Hà Giang. Theo đó, đoàn khảo sát của HABECO đã báo cáo và xây dựng dự án Hỗ trợ phát triển rượu làng nghề tại Hà Giang cho các huyện Hoàng Su Phì và Quản Bạ bởi đây là 2 địa phương có các sản phẩm rượu làng nghề mang tính đặc trưng của tỉnh Hà Giang hơn cả.

Hệ thống chưng cất rượu công suất 550 lít/mẻ do Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội hỗ trợ HTX Dịch vụ Tổng hợp Huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang và HTX rượu Thanh Vân huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang


Hệ thống đường ống thu hồi sản phẩm rượu tinh chế.

Dự án đặt ra 3 mục tiêu gồm: Một là, chuẩn hóa quy trình sản xuất bánh men lá, quy trình sản xuất rượu thủ công tại các làng nghề sản xuất rượu nguyên liệu cung cấp cho 2 hợp tác xã. Hai là, hỗ trợ trang thiết bị sản xuất rượu thủ công cho các hộ xã viên tại làng nghề sản xuất rượu. Ba là, hỗ trợ HTX sản xuất kinh doanh rượu các trang thiết bị sản xuất rượu bao gồm hệ thống lọc nước RO, hệ thống lọc trong rượu và đặc biệt là hệ thống chưng cất rượu gián đoạn công suất 550 lít/mẻ với yêu cầu chất lượng rượu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn VSATTP. 100% vốn đầu tư được hỗ trợ từ HABECO theo chương trình nghị quyết 30a của Chính phủ.

Mục tiêu đã có, kế hoạch đã lên, việc tiếp theo là triển khai hàng loạt nhiệm vụ để thực hiện. Đầu tiên, HABECO cử cán bộ kỹ thuật thuộc Viện Kỹ thuật Bia - Rượu - Nước giải khát trực tiếp tổ chức thực hiện các nội dung chuẩn hóa quy trình sản xuất bánh men lá, quy trình sản xuất rượu làng nghề tại các làng nghề được hỗ trợ, phối hợp với phòng Công Thương huyện Hoàng Su Phì và Quản Bạ chuyển giao trang thiết bị dụng cụ sản xuất rượu thiết yếu cho 200 hộ xã viên của làng nghề tại 2 xã Nàng Đôn -huyện Hoàng Su Phì và Thanh Vân - huyện Quản Bạ. Tiếp theo, phối hợp với phòng chức năng của 2 huyện xây dựng yêu cầu công nghệ, kỹ thuật đối với hệ thống tháp chưng cất rượu hỗ trợ các HTX. Song song với đó là giám sát nhà cung cấp chuyển giao trang thiết bị, công nghệ chưng cất để đảm bảo chất lượng rượu đạt yêu cầu của dự án… Trong quá trình triển khai thực hiện, HABECO và UBND hai huyện Quản Bạ và Hoàng Su Phì thường xuyên có các buổi làm việc về tiến độ đầu tư và báo cáo cấp có thẩm quyền. Kết quả phân tích các mẫu rượu thu thập được của đợt điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất rượu làng nghề tháng 9/2013 trước khi có dự án cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu hóa lý của mẫu rượu thu thập được đều cao hơn từ 2 đến 100 lần hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn rượu trắng TCVN 7043-2002, đặc biệt là các chỉ tiêu acetaldehydes furfurol và các rượu bậc cao khác. Đây quả là những con số đáng báo động khiến người ta không thể ngồi im. Kỹ sư Hoàng Văn Đạt, cán bộ kỹ thuật của Viện Kỹ thuật Bia - Rượu - Nước giải khát, người trực tiếp chuyển giao công nghệ cho dự án cho biết: "Thật khó có thể tính được bao nhiêu km đã đi, bao nhiêu công sức và tâm huyết đã dốc ra cho dự án. Khi hệ thống chưng cất rượu được đưa vào hoạt động, kết quả phân tích các mẫu rượu sản phẩm đã cho thấy tất cả các chỉ tiêu chất lượng của rượu đều đạt tiêu chuẩn chất lượng của rượu trắng hiện đang áp dụng. Các kết quả phân tích đều được thực hiện bằng hệ thống sắc ký của một đơn vị kiểm nghiệm đạt chứng chỉ VILLAS". Từ thành quả này, rượu dân tộc Hà Giang đã bước sang một trang mới. Phấn khởi, yên tâm, sản phẩm rượu Nàng Đôn của huyện Hoàng Su Phì được chưng cất từ hệ thống thiết bị và công nghệ này đã tự tin bước vào phục vụ hội nghị IPU 132 tại Hà Nội.


Hệ thống nồi hơi tinh chế sản phẩm rượu làng nghề

Rượu được xã viên mang nộp cho HTX sau đó được chưng cất lại lần 2 để loại bỏ các độc tố trong rượu như Aldehyt, Metanol, fufurol.... trở thành rượu tinh, trắng trong nhưng rượu vẫn mang được hương thơm truyền thống.

Điều đặc biệt của dự án này ở chỗ không chỉ đem lại con cá cho người đi câu mà còn tặng cả cần câu cũng như cẩm nang kiến thức về nghề câu cho bà con. Dự án đã triển khai hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ sản xuất rượu thủ công cho 200 hộ xã viên tại 2 xã Nàng Đôn và Thanh Vân góp phần tạo công ăn việc làm, tạo hàng hóa và nâng cao thu nhập cho các hộ dân tại làng nghề. Thứ nữa, từ các trang thiết bị, công nghệ đã được hỗ trợ, các hợp tác xã đã sản xuất được các sản phẩm rượu mới và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 200 hộ xã viên này là bấy nhiêu gia đình, bấy nhiêu con người đã có những thay đổi về nếp nghĩ, nếp sinh hoạt đối với việc nấu và sử dụng rượu dân tộc. Họ cũng chính là người mang sứ mệnh tuyên truyền viên về nhận thức về chất lượng rượu một cách văn minh, đúng pháp luật. Người uống rượu cũng như người nấu rượu ở Hà Giang thực sự đã được rất nhiều từ một dự án.

Lớp tập huấn Chuẩn hóa quy trình sản xuất rượu làng nghề do Viện Kỹ thuật – Tổng Công ty CP Bia- Rượu – Nước giải khát Hà nội tổ chức tại HTX rượu Thanh Vân huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang

Chúng tôi thực hiện bài viết này khi “cơn bão” rượu giả, rượu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang vô cùng dữ dội, mang đến rất nhiều nỗi đau cho các gia đình, những hoang mang trong dư luận, làm mất an ninh trật tự xã hội. Hà Giang tính đến thời điểm này vẫn an toàn. Có thể đây là một sự may mắn hy hữu song không thể không thừa nhận sự đi trước đón đầu của một dự án thí điểm ra đời từ rất nhiều trăn trở, tư duy về an ninh cuộc sống. Rượu giả, rượu kém chất lượng không phải là bài toán của một địa phương, một thành phố hay của một ngành, mà nó là thách thức, nhức nhối của cả cộng đồng. Dễ nhận thấy sau Hà Giang, những dự án với ý nghĩa tương tự như thế này chưa ra đời, Hà Giang vẫn là duy nhất. Câu hỏi “vì sao”, xin được chuyển tới các cấp, các ngành để mong có lời giải đáp.