Hà Nội: Siết chặt kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm “bẩn” trà trộn dịp cuối năm

Giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đây cũng là điều kiện cho thực phẩm bẩn, hàng hoá không rõ nguồn gốc có điều kiện trà trộn vào thị trường, đe doạ tới sức khoẻ của người dân. Chính vì vậy lực lượng chức năng của Thành phố Hà Nội đang ráo riết kiểm tra, siết chặt các biện pháp ngăn chặn thực phẩm “bẩn”.

Mới đây Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội) cho biết, trong tháng 11/2021, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã phối hợp Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng Cục QLTT), và Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh chia thành hai Tổ đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hoá là sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại địa chỉ Thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, Thành phố Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Kiểm tra thực tế tại 2 địa điểm, lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở này đang ngổn ngang dây chuyền sản xuất sa tế theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư như: nồi hơi, nồi nấu, nồi xay, nồi san chiết, máy dán nắp, máy hàn nilon và một lượng lớn vỏ hũ cùng hàng vạn tem, nhãn đựng trong các bao tải và các cuộn tròn chưa sử dụng. Qua kiểm tra, lực lượng đã thu giữ tổng hơn 28.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Trước đó, ngày 7/7, Đội Quản lý thị trường số 19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma tuý, Công an huyện Thạch Thất đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện 2.800kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh… chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ, hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Tương tự, cũng trong tháng 7, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội phối hợp với Phòng 6 ( Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và Đội 3- Phòng 8 (Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công An) tiến hành kiểm tra xe vận tải mang biển kiểm soát số: 51D-493.62 do ông Nguyễn Viết Dũng (sinh năm 1993, có hộ khẩu thường trú tại thôn Đông Thiện, xã Dương Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có chứa khoảng 10 tấn thực phẩm bẩn gồm: tràng trứng, nầm lợn, kê gà, cánh gà, lườn ngỗng hun khói, râu bạch tuộc…đựng trong các thùng xopps và bao tải dứa màu xanh. 

Phần lớn các loại hàng hoá đều có nhãn mác, bao bì nước ngoài; trong đó, mặt hàng nầm lợn đã có dấu hiệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bốc mùi ôi thiu, hôi thối.

Qua quá trình làm việc, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp liên quan đến số hàng hóa thực phẩm được vận chuyển trên xe.

Cục QLTT HN
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hoá vi phạm

Cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Nhưng đây cũng là dịp cho những sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm làm giả, làm nhái trà trộn, xuất hiện tràn lan trên thị trường. Sử dụng những sản pâhmr không đạt tiêu chuẩn không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế mà quan trọng hơn, là gây ảnh không tốt sức khoẻ của người sử dụng.

Trước thực trạng này, để kiểm soát thị trường thực phẩm nói riêng và chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường Thành Phố Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội ), đã phối hợp với các cơ quan, báo, đài  đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người tiêu dùng , giúp người tiêu dùng trang bị được những kiến thức trước khi mua sắm, nhằm tránh mua phải thực phẩm kém chất lượng.

Đồng thời, cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm tại những địa chỉ bán uy tín, đảm bảo chất lượng. Nếu mua hàng online, nên mua tại những gian hàng chính hãng, người bán uy tín.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trên bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng… Không mua, sử dụng các sản phẩm không đúng với công bố của nhà sản xuất, tránh mua phải hàng không đảm bảo chất lượng.

Lưu ý giá bán của sản phẩm, không chọn mua những loại thực phẩm, sản phẩm có giá bán quá rẻ so với công bố của nhà sản xuất hoặc các sản phẩm cùng loại đang bán trên thị trường. Trong trường hợp phát hiện ra cơ sở kinh doanh, điểm bán sản phẩm, hay mua phải sản phẩm kém chất lượng, cần kịp thời phản ánh với các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn, để có phương án xử lý.

Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội) cho biết, trên đây là một trong những vụ điển hình mà lực lượng chức năng của Hà Nội đã ngăn chặn, thu giữ.

Để đạt được những kết quả đó, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Thành phố hà Nội ( Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội), đã chỉ đạo lực lượng tập trung ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Không những vậy, các lực lượng chức năng của Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, dịp cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn lực lượng của Cục sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hoá tiêu dùng.

Diệu Hân