Hai nghị định đầu tiên về kinh tế tư nhân

Đối với kinh tế ngoài quốc doanh trong nước, năm 1988 có bộ đôi nghị định về kinh tế tư nhân và kinh tế gia đình.
kinh tế tư nhân
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tháng 9/1994. (Ảnh: TTXVN)

Công nhận kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân được thừa nhận chính thức với Nghị định số 27-HĐBT ngày 09/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách phát triển kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải. Trong đó, Nhà nước công nhận sự tồn tại và các tác dụng tích cực lâu dài của các thành phần kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế này hoạt động, phát triển trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải với quy mô, ngành nghề thích hợp.

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu, quyền thừa kế tài sản và thu nhập hợp pháp của các đơn vị kinh tế tư nhân và của công dân thuộc các thành phần kinh tế này. Mọi hành vi xâm phạm các quyền đó đều bị xử lý theo pháp luật.

Doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân có quyền dùng ngoại tệ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình để hợp đồng với tổ chức xuất nhập khẩu của Nhà nước đặt mua nguyên liệu, vật tư, thiết bị từ nước ngoài; nhận vật tư, thiết bị, ngoại tệ của thân nhân ở nước ngoài gửi về, không hạn chế về số lượng và được ưu đãi về chính sách thuế; được quyền bán vàng cho ngân hàng lấy ngoại tệ.

Đây là điểm khá cởi mở ở thời điểm đó, bởi hơn 1 năm sau, đến tháng 5/1989, Chính phủ mới cho phép kinh tế tư nhân được tự do kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Doanh nghiệp tư nhân cũng được quyền ký gửi vàng để vay ngoại tệ nhập khẩu vật tư, thiết bị cho sản xuất; tự do tiêu thụ các sản phẩm ngoài hợp đồng mua vật tư - bán sản phẩm, hoặc gia công với các tổ chức kinh doanh của Nhà nước…

Phát triển kinh tế gia đình

Cũng trong ngày 09/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 29- HĐBT về phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong các chính sách kinh tế, nhằm khuyến khích kinh tế gia đình phát triển trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sản xuất.

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu, quyền thừa kế tài sản và thu nhập hợp pháp của những người làm kinh tế gia đình. Mọi hành vi xâm phạm các quyền đó đều bị xử lý theo pháp luật. Những người làm kinh tế gia đình trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải không phải xin cấp đăng ký kinh doanh và được thực hiện nhiều quyền sau đây:

- Mua nguyên liệu trong nước để sản xuất, mua vật tư, thiết bị lẻ của Nhà nước;

- Được nhận gia công đặt hàng của các tổ chức kinh doanh của Nhà nước (công ty vật tư, xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, công ty thương nghiệp) các đơn vị kinh tế tập thể và thành phần kinh tế khác.

- Tự do tiêu thụ các sản phẩm ngoài mức hợp đồng mua vật tư, bán sản phẩm hoặc gia công đặt hàng với các tổ chức kinh doanh của Nhà nước, với các đơn vị kinh tế tập thể.

- Tự do tiêu thụ các sản phẩm khác làm ra theo chính sách lưu thông hàng hóa của Nhà nước.

-Ký hợp đồng với bất cứ đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu hoặc đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu nào để bán các sản phẩm xuất khẩu do gia đình làm ra, mua lại vật tư để tái sản xuất, kể cả vật tư nhập khẩu.

-Tự chọn ngân hàng để mở tài khoản, được rút tiền mặt từ tài khoản của mình ở ngân hàng; được vay vốn của ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình theo các quy định của ngân hàng; được nhận ngoại tệ của người thân ở nước ngoài gửi về qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để phục vụ sản xuất.

- Được miễn mọi loại thuế kinh doanh

Tiếp đó là Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 15/7/1988 về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Trong đó, Đảng ghi nhận lực lượng sản xuất ngoài quốc doanh đã “cung cấp một phần quan trọng sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm xuất khẩu và đáp ứng một phần đáng kể tư liệu sản xuất cho nhiều ngành kinh tế.

Đây là bước tiến hết sức căn bản, cho thấy Đảng nhận ra rằng, khi kinh tế tư nhân không được thừa nhận, nó vẫn phát triển dưới nhiều hình thức, vừa không khai thác hết được lợi ích cho nền kinh tế, vừa không quản lý được, làm thất thu ngân sách nhà nước, thậm chí có thể làm biến chất những cán bộ quản lý lợi dụng sự không thừa nhận của pháp luật để ăn chia với các hoạt động kinh tế ngầm. Từ đó, Đảng ta kịp thời sửa sai “Nhà nước có chính sách và biện pháp cụ thể đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật của các cơ sở sản xuất thuộc tất cả các thành phần kinh tế”. Bằng luật pháp và các chính sách quản lý kinh tế cụ thể, nhất là các chính sách thuế đúng đắn, Nhà nước tác động tích cực vào quá trình hình thành và phát triển các ngành nghề cần thiết.

Đào Mạnh Đức