Hàng không toàn cầu và nỗi lo thiếu máy bay dịp cao điểm Hè

Dù nhu cầu đi lại dự kiến sẽ vượt mức trước đại dịch nhưng ngành hàng không toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực khi việc cung ứng máy bay giảm mạnh.

Theo hãng tin Reuters, lượng khách du lịch trong năm 2024 sẽ đạt mức kỷ lục với 4,7 tỷ lượt người, tăng 4,4% so với trước đại dịch Covid-19. Trái với những tín hiệu tích cực từ ngành du lịch, tình trạng thiếu máy bay trầm trọng vẫn đang diễn ra trên toàn cầu do các vấn đề sản xuất. Điều này khiến các hãng hàng không phải chi hàng tỷ USD cho việc bảo dưỡng máy bay cũ cũng như trả chi phí cao để thuê máy bay từ các bên khác. Thậm chí một số hãng còn buộc phải cắt giảm lịch bay của mình.

hàng không

Máy bay Boeing 737 Max tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough (Nguồn: Getty Images)

Đại diện tổ chức tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory cho biết, do các vấn đề sản xuất tại Boeing và Airbus, lượng máy bay các hãng hàng không tiếp nhận trong năm nay dự kiến giảm 19%; tại Mỹ, con số này lên đến 32%.

Tập đoàn Boeing đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có sau sự cố máy bay 737 MAX 9 bị bung một mảng lớn ở phần thân khi đang bay. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết, trước khi xảy ra vụ việc trên, ưu tiên của Boeing là tăng cường sản xuất thay vì quản lý chất lượng an toàn. Do đó, FAA yêu cầu Boeing phải chú trọng hơn nữa đến chất lượng sản xuất và an toàn của máy bay, khiến tập đoàn này phải thu hẹp quy mô sản xuất dòng máy bay thân hẹp 737 MAX chủ lực của mình.

Đối với Airbus, dòng động cơ được trang bị trên máy bay A320Neo và A321Neo của hãng này gặp lỗi sản xuất. Điều này khiến gần 650 máy bay Airbus A320Neo có thể bị ngừng bay trong nửa đầu năm 2024 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi động cơ.

Hệ quả là tại châu Âu và Mỹ, các hãng Ryanair, United Airlines và Southwest Airlines đã cắt giảm một số đường bay. Tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam cho biết có 42 máy bay Airbus A321 NEO của Vietjet (22 máy bay) và Vietnam Airlines (20 máy bay) sẽ phải tạm dừng khai thác để kiểm tra theo thông báo của nhà sản xuất.

Theo CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, do đứt gãy chuỗi cung ứng, trước đây, thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100 - 120 ngày nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày. Các hãng không Việt Nam phải tăng năng suất của máy bay, tập trung khai thác đội bay hiệu quả hơn, tăng khả năng khai thác để bù đắp thiếu hụt do một phần đội bay phải đưa vào bảo dưỡng.

Do thiếu máy bay mới, thị trường cho thuê máy bay đang bùng nổ trên toàn cầu. Dữ liệu từ công ty thẩm định giá Cirium Ascend Consultancy cho thấy giá thuê máy bay Airbus A320-200neo và Boeing 737-8 MAX mới đã đạt 400.000 USD/tháng, mức cao nhất kể từ giữa năm 2008.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Hàng không Hoa Kỳ (A4A) cho biết, chi phí cho việc thuê máy bay đã tăng hơn 30% so với trước Covid-19.

Chia sẻ thêm về việc thị trường cho thuê máy bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết giá thuê máy bay trên thế giới bị đẩy vọt lên rất cao và khan hiếm tàu bay. Ví dụ, thời điểm trước Tết 2024, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ thì đến nay mức giá đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Hoa Kỳ phân tích thêm, dù nhu cầu đi lại tăng cao nhưng tiền thuê, phí bảo trì và chi phí lương gia tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng bay trong năm nay.

Đức Huy