Công ty Giấy Vạn Điểm - thành viên của Tổng Công ty Giấy Việt Nam vừa hoàn thiện xây lắp và đưa vào sản xuất ổn định dây chuyền công nghệ sản xuất giấy in, giấy viết chất lượng cao tương đương với hàng nhập khẩu, công suất 12.000 tấn/năm, với tổng số vốn đầu tư 59 tỷ đồng. Dây chuyền công nghệ này nhập của Cộng hoà Liên bang Đức vào loại hiện đại, công nghệ tiên tiến, khả năng tự động hoá cao, nên chỉ cần 80 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân (trong tổng số 300 lao động của Công ty làm việc 3 ca) đã bảo đảm làm ra 75% tổng số sản phẩm và chiếm 80% tổng giá trị hàng hoá của Công ty. Có thêm dây chuyền công nghệ mới đi vào sản xuất, Công ty không những đã chặn đứng được nguy cơ “sập tiệm”, mà còn tăng nhanh được chủng loại các sản phẩm giấy chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, để chủ động hội nhập AFTA và WTO.

                Dự án đầu tư sản xuất giấy in, giấy viết của Công ty Giấy Vạn Điểm quy mô tuy nhỏ, nhưng đúng hướng và có khả năng phát huy hiệu quả cao. Trong 3 tháng cuối năm 2003 sản xuất thử, nhờ sản phẩm chất lượng cao được thị trường chấp nhận, tổng số sản phẩm đã tăng được 59% giá trị tổng sản lượng tăng 130%, doanh thu tăng 146%, nộp ngân sách Nhà nước tăng 6% và thu nhập của người lao động tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Theo Giám đốc Phạm Hồng Tươi, năm 2004, mặc dù phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng ngoại nhập, nhưng Công ty vẫn có khả năng sản xuất và tiêu thụ sản lượng giấy, bìa các loại tăng hơn năm 2004 khoảng 93%, giá trị tổng sản lượng và doanh thu tăng 130-146%, nộp ngân sách Nhà nước tăng gấp 3 lần và thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng hơn các năm trước.

                Từ năm 2004 trở đi, Công ty Giấy Vạn Điểm sẽ từng bước nâng cao được vị thế và uy tín của mình trong ngành Giấy Việt Nam, có chỗ đứng vững chắc trên thương trường, với thị phần ngày một tăng. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu khách hàng về chất lượng, chủng loại, Công ty đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất các sản phẩm truyền thống như các tông 1 lớp, 2 lớp, bìa vở học sinh, giấy bao gói chất lượng tốt hơn, đồng thời tăng nhanh sản lượng các loại giấy in, giấy viết và bìa màu cao cấp, có giá trị tăng từ 2 lần đến 2,5 lần. Công ty còn mua thêm máy xén để đa dạng hoá sản phẩm; mua thêm phương tiện vận tải để chủ động cung ứng kịp thời sản phẩm cho khách hàng. Phòng Kỹ thuật của Công ty đã nghiên cứu ứng dụng thành công đề tài cấp Bộ về sản xuất giấy in, giấy viết bằng phương pháp kiềm tính, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giảm chi phí “đầu vào” để tăng sức cạnh tranh. Công ty tạo mọi điều kiện cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân giỏi nghề cùng nhau hợp tác nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện các quy trình công nghệ, phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại, bảo đảm sản xuất tốt, tăng các sản phẩm mới, với chất lượng cao. Công ty đã tuyển dụng 42 công nhân mới có trình độ văn hoá khá, qua đào tạo nghề tốt, để bổ sung cho các khâu sản xuất chủ yếu của dây chuyền công nghệ mới.

                Công ty cũng đã rà soát và định mức lại các chỉ tiêu hao phí vật tư, nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất; đầu tư các thiết bị cần thiết, sử dụng các phụ gia, hoá chất một cách hợp lý, để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tất cả cán bộ và công nhân các khâu sản xuất đều có ý thức thực hiện nghiêm túc quy trình công nghệ và quy tắc kỹ thuật đã đề ra, bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định, tránh lãng phí, thiệt hại trong quá trình sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Công ty cũng thường xuyên tăng cường điều tra, nghiên cứu để nắm vững nhu cầu thị trường đối với từng loại sản phẩm, xây dựng giá cả hợp lý để thu hút khách hàng, tiêu thụ nhanh sản phẩm. Công ty còn tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất hàng tồn kho và vật tư, nguyên liệu dự trữ để quay nhanh vòng vốn, giảm sức ép lãi suất tín dụng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

                Tuy nhiên, Công ty Giấy Vạn Điểm vẫn cần được các cấp, các ngành có liên quan tháo gỡ một số khó khăn để tiếp tục ổn định sản xuất, bảo đảm kinh doanh hiệu quả. Đó là: Sớm đầu tư sản xuất bột giấy thay thế hàng nhập của nước ngoài để chủ động sản xuất, giảm sức ép đầu vào để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập; Bổ sung vốn lưu động theo đúng quy định của Nhà nước, để giảm lãi suất vay vốn tín dụng, tránh tình trạng sản xuất tăng thì nợ cũng tăng, hiệu quả thấp. Các cơ quan có trách nhiệm cần phối hợp để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại và có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng của sản phẩm giấy sản xuất trong nước từ 10% xuống 5% để giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh./.

  • Tags: