Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo “Kinh tế số cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam”

Sáng ngày 13/10/2023, Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế số cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam”.

Hội thảo do TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phụ trách Khoa Kinh tế Chính trị chủ trì.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thúy Hà, Trưởng Ban Quản lý khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Thị Khuyên, Phó trưởng Khoa Kinh tế chính trị, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và đại diện sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị.

Hội thảo tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các nội dung xoay quanh vấn đề về kinh tế số cũng như vai trò của kinh tế số với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Toàn cho biết, Văn kiện đại hội XIII đã 36 lần nhắc tới cụm từ “kinh tế số”. Trong đó, Đảng ta đã chỉ rõ “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số” là một trong những nhiệm vụ chính của thời gian tới. Điều đó cho thấy, Đảng ta đánh giá cao tầm quan trọng của kinh tế số trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Hội thảo Kinh tế số

TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phụ trách Khoa Kinh tế Chính trị báo cáo đề dẫn Hội thảo

Trong những năm gần đây, kinh tế số ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên cũng tồn tại không ít hạn chế, chủ yếu tập trung ở vấn đề thể chế, chính sách; về hạ tầng số; đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề kinh tế, đào tạo các nhà khoa học kinh tế trẻ cho đất nước. Việc tăng cường thông tin kinh tế, thông tin về kinh tế số, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên về kinh tế số, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được 17 tham luận có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học đến từ trong và ngoài Học viện. Các vấn đề tham luận xoay quanh những kết quả đạt được cũng như cơ hội, thách thức trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam; quản lý nhà nước với phát triển kinh tế số ở Việt Nam; những thuận lợi và khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số; kinh nghiệm về phát triển kinh tế số của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam; những giải pháp phát triển kinh tế số làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam…

Hội thảo Kinh tế số

      TS. Nguyễn Thị Kim Thu, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày tham luận tại Hội thảo

Phát biểu tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam cơ hội và thách thức”, TS. Nguyễn Thị Kim Thu đã làm rõ một số vấn đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phân tích một cách khá toàn diện về những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong phát triển kinh tế số; đưa ra một số giải pháp quan trọng phát triển phát triển kinh tế số như: đổi mới tư duy, nhận thức và hành động để thúc đẩy kinh tế số; phát triển đồng bộ hạ tầng số và các hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số để phát triển kinh tế số; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số…

TS. Nguyễn Thị Khuyên với tham luận “Vai trò của quản lý Nhà nước với phát triển kinh tế số ở Việt Nam” đã coi Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Tham luận bàn thảo về chức năng tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế hoạt động của kinh tế số; định hướng, dẫn dắt sự vận động, phát triển kinh tế số; tổ chức quản lý hoạt động kinh tế trong môi trường số; điều tiết hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số; kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực hoạt động kinh tế số,...của Nhà nước. Đồng thời, tham luận cũng khái quát một số thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong quản lý Nhà nước với phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Hồng Lâm, Giảng viên chính, Khoa Kinh tế chính trị đã chỉ ra Việt Nam có nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế số như: sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; tích chủ động, tích cực của các chủ thể trong ứng dụng chuyển đổi số; môi trường chính trị ổn định; chính phủ điện tử phát triển nhanh; tốc độ phát triển kinh tế số nhanh. Đồng thời, tham luận cũng chỉ ra những thách thức cho phát triển kinh tế số ở Việt nam như: doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số; niềm tin của xã hội vào hoạt động kinh tế số chưa cao; an ninh kinh tế số còn nhiều lỗ hổng; nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số còn hạn chế; cơ sở hạ tầng kinh tế số thiếu đồng bộ.

Chia sẻ về ứng dụng Dữ liệu lớn trong lĩnh vực giáo dục và đề xuất một số giải pháp ứng dụng Dữ liệu lớn trong các học viện, trường đại học, TS. Trần Thị Ngọc Minh, Giảng viên chính, Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, cần phải thực hiện một số bước trong quy trình chuẩn hóa dữ liệu nhằm hình thành dữ liệu lớn từ nguồn nội sinh; nghiên cứu để lựa chọn mô hình dữ liệu lớn và truy xuất dữ liệu lớn phù hợp với đặc điểm về dữ liệu cũng như chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo; tăng cường quản trị dữ liệu và sử dụng các công cụ để phân tích dữ liệu lớn nhằm mang lại thông tin hữu ích góp phần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu…

Tham khảo bài học phát triển kinh tế số của các nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, Ths. Ngô Thị Thu Hà đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế số của Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và rút ra những bài học quan trọng cho Việt Nam như: đặc biệt chú trọng sự hỗ trợ của nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực…cho phát triển kinh tế số.

Hội thảo Kinh tế số
Hội thảo khoa học "Kinh tế số cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam"

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Toàn cảm ơn các ý kiến tham luận, cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của các nhà khoa học đã đóng góp cho thành công của Hội thảo. Các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được Ban Tổ chức tiếp nhận, nghiên cứu và chắt lọc để bổ sung, biên tập thành kỷ yếu, vận dụng vào các các bài giảng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền Kinh tế số tại Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ngọc Châm